Nhiều người, nhất là những nhà hảo tâm, tưởng đã có thể yên tâm phần nào. Vậy mà hôm qua (6/7) báo chí ồ ạt đưa tin người mà họ quan tâm, ưu ái lại bị bắt tạm giam vì nghi trộm máy tính. Không ít người đã "sốc"!
Họ "sốc" là phải, bởi hơn năm năm trước đây, khi góp từng đồng tiền ủng hộ Hào Anh họ đã gửi gắm vào đó ước mong một cuộc sống tốt đẹp hơn, đủ đầy hơn cho cậu bé vừa thoát ra khỏi địa ngục.
Tuy nhiên, mong ước đó cứ mòn dần cùng với cách mà Hào Anh xài tiền, cách mà chàng trai này đối đãi với cha mẹ và đỉnh điểm là cách mà trong cơn túng quẫn cậu đã làm liều để trở thành nghi phạm của một vụ án.
18 tuổi, Hào Anh được trao toàn quyền sử dụng một gia sản chừng 800 triệu đồng.
Người ta nghĩ ở cái tuổi được coi là trưởng thành này thì chàng trai Hào Anh đã đủ nhận thức và năng lực để xài tiền mà quên đi một điều là không phải ai từ 18 tuổi trở lên cũng đương nhiên là trưởng thành, nhất là với một người mà tuổi thơ thiếu tình thương, thừa bạo lực; vắng hơi ấm gia đình và ít được giáo dục.
Một người như vậy nếu không có được sự chuẩn bị tốt về tâm lý, kỹ năng sống, giá trị của đồng tiền... và đặc biệt là sự chỉ dạy sát sao từ gia đình thì việc xài nhanh và xài hết những đồng tiền nhân ái kia là chuyện hoàn toàn dự đoán được.
Và sau khi cạn tiền mà không có việc làm ổn định lại quen tiêu xài hoang phí thì chuyện gì cũng có thể xảy ra!
Nói đến đồng tiền, có lẽ cần phải nhắc lại câu chuyện cũ. Tháng 5-2015, tỉ phú Hong Kong Yu Pang Lin qua đời, để lại di chúc không cho con một đồng nào và hiến toàn bộ tài sản trị giá khoảng 2 tỉ USD cho từ thiện.
"Nếu các con tôi giỏi hơn tôi thì chẳng cần phải để nhiều tiền cho chúng. Nếu chúng kém cỏi thì có nhiều tiền cũng chỉ có hại cho chúng mà thôi" - ông Yu Pang Lin lý giải.
Yu Pang Lin không phải là người đầu tiên trên thế giới "keo kiệt" với con. Bill Gates - người giàu nhất thế giới - từng tuyên bố sẽ chỉ để lại cho con 0,05% tổng tài sản. Tương tự, tỉ phú Warren Buffett viết di chúc chỉ để lại 10% tài sản của mình cho con, còn lại là làm từ thiện...
Không thể nói những tỉ phú này không coi trọng đồng tiền nhưng có lẽ họ thấu hiểu rằng có một thứ còn quý giá hơn tiền, quan trọng hơn tiền: đó chính là việc trang bị cho con ý thức trách nhiệm (trách nhiệm với chính mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội) và năng lực để thực thi trách nhiệm đó.
Họ cũng ý thức được ẩn họa của việc xài những đồng tiền không do chính mình làm ra.
Trở lại vụ Hào Anh, những đồng tiền bác ái đã cạn nhưng mong muốn một Hào Anh trưởng thành thì vẫn còn đó. Phía trước vẫn là cả một tương lai mà chỉ có thể được xây dựng trên hai tiếng "trách nhiệm": trách nhiệm với chính mình, với niềm tin và lòng yêu thương của xã hội dành cho mình.
Có lẽ với Hào Anh, điều đó sẽ dễ đạt được hơn nếu được gia đình, cộng đồng và xã hội tiếp tục dành cho tình thương, sự chăm chút và cả sự kiên nhẫn.
Nhật Huy
0 Nhận xét