Nguyên nhân được cho là bị khoán tăng số lượng sản phẩm buộc các công nhân phải tăng ca làm thêm giờ để đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên thời gian làm tăng giờ không được nhà máy cho bật thiết bị điện chiếu sáng.
Ghi nhận trong ngày 21-5, hàng trăm công nhân bức xúc vây quanh khi phóng viên vừa có mặt tại hiện trường để nêu nguyên do dẫn đến việc đình công.
Công nhân Nguyễn Thị H. (thuộc phân xưởng may) bức xúc cho biết gần đây công ty thành lập thêm bộ phận IE (bộ phận tính sản lượng, trực tiếp phụ trách khoán số lượng sản phẩm).
Bộ phận này liên tục tiến hành tăng sản phẩm từ 25-30 lên 45-50 sản phẩm/giờ khiến phần lớn công nhân không thể làm kịp để đáp ứng yêu cầu buộc công nhân phải làm tăng ca ngoài thời gian tiêu chuẩn 8 tiếng.
Tuy nhiên, thời gian làm tăng ca này công ty không cho bật điện chiếu sáng nên công nhân phân xưởng may làm việc rất vất vả.
"Rất nhiều chị em chúng tôi khi làm tăng ca phải lấy điện thoại bật đèn flash lên để chiếu sáng mới có thể làm việc." - Chị H. nói thêm.
Ông Trần Trọng Hùng - đại diện ban lãnh đạo nhà máy - cho biết đến ngày 21-5, đại diện của 4 tổ may tham gia đình công mới chịu làm việc với phía công ty sau nhiều lần công ty đề xuất.
Ông Hùng thừa nhận có việc tắt các thiết bị điện chiếu sáng ngoài thời gian làm việc 8 tiếng theo quy định mặc dù các công nhân phải làm tăng ca.
Ông Hùng lý giải là vì không để ảnh hưởng đến những công nhân của các bộ phận khác trong nhà máy.
"Cả nhà máy có gần 3.000 công nhân thuộc nhiều bộ phận khác nhau làm việc, một số ít công nhân thuộc phân xưởng may thường tranh thủ làm thêm buổi trưa nhưng chúng tôi không thể bật điện chiếu sáng vào thời gian này để không làm ảnh hưởng đến những công nhân khác nghỉ trưa." - ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, sau 3 ngày đình công, đến nay đã có hơn 200 công nhân của phân xưởng may trở lại làm việc bình thường, phía công ty cũng đồng ý tiến hành thay đổi theo một số đề xuất của công nhân như việc bỏ bộ phận IE, điều chỉnh phù hợp với thực tế về sản lượng nhà máy và vận động công nhân trở lại làm việc bình thường.
Bà Bùi Thị Hợp - Chủ tịch công đoàn công ty TNHH Đỉnh Vàng - cho biết từ trước ngày 18-5 (thời điểm công nhân phân xưởng may tổ chức đình công) thì phía công đoàn cũng không hề nhận được bất cứ đơn thư kiến nghị hay đề xuất nào của công nhân phân xưởng này nên không nắm được tâm tư, nguyện vọng của công nhân để báo cáo lên công ty.
Sau khi công nhân đình công thì phía công đoàn công ty cũng đã trực tiếp đi tìm hiểu xem nguyện vọng, bức xúc của công nhân ra sao để báo cáo lên ban lãnh đạo công ty có phương án thay đổi cho phù hợp.
Bà Trần Thị Nguyệt - chủ tịch LĐLĐ huyện Vĩnh Bảo - cho biết ngay sau khi công nhân đình công, phía công đoàn huyện cũng đã đến tiếp cận với công nhân.
Nhiều công nhân phản ánh, ngoài việc đề nghị giảm khoán sản lượng xuống, bỏ bộ phận IE, một số vấn đề khác cũng được công nhân nêu ra như phải thực hiện chế độ BHXH cho người lao động theo quy định, đề nghị được áp dụng chế độ trợ cấp thâm niên, tăng bữa ăn ca, chấn chỉnh và xử lý những cán bộ quản lý có hành vi chửi mắng công nhân,...
"Đến nay công ty cũng đã có một số điều chỉnh, tuy nhiên công nhân chưa thấy cơ chế quản lý khoán sản phẩm của nhà máy được điều chỉnh nên nhiều người vẫn chưa chịu vào làm việc trở lại" - bà Nguyệt nói.
Tiến Thắng - Tân Hoàng
0 Nhận xét