Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa trình bày trước Quốc hội chiều 21.5.
Luật Nghĩa vụ Quân sự: Không loại trừ người đồng tính
Liên quan đến đề nghị nghiên cứu quy định việc đăng ký nghĩa vụ quân sự (NVQS) và phục vụ tại ngũ đối với công dân nữ và quy định riêng đối với người đồng tính, ông Nguyễn Kim Khoa, đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra dự Luật sửa đổi này cho biết, luật NVQS hiện hành và dự thảo Luật do Chính phủ trình chỉ quy định việc đăng ký NVQS và thực hiện NVQS là bắt buộc đối với công dân nam.
Đối với công dân nữ thì chỉ quy định người có chuyên môn phù hợp với quân đội nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ và được đăng ký vào ngạch dự bị, khi có yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thì được động viên vào phục vụ tại ngũ.
Theo ông Nguyễn Kim Khoa, quy định như trên vừa phù hợp với quy định của Hiến pháp: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt”, vừa phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và vai trò của người phụ nữ ở hậu phương. Hơn nữa, vấn đề này đã được thực hiện theo luật NVQS hiện hành, ổn định và phù hợp với thực tiễn.
Theo ông Nguyễn Kim Khoa, quy định như trên vừa phù hợp với quy định của Hiến pháp: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt”, vừa phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và vai trò của người phụ nữ ở hậu phương. Hơn nữa, vấn đề này đã được thực hiện theo luật NVQS hiện hành, ổn định và phù hợp với thực tiễn.
Đối với người đồng tính là công dân Việt Nam nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì vẫn phải thực hiện NVQS bình đẳng như công dân khác theo Điều 45 Hiến pháp quy định“Công dân phải thực hiện NVQS và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân”. Hơn nữa, theo ông Khoa, pháp luật hiện hành chưa quy định về người đồng tính. "Vì vậy, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị không quy định riêng đối tượng này trong Luật".
Về thời hạn phục vụ tại ngũ, báo cáo giải trình cho hay có 4 loại ý kiến khác nhau: 24 tháng; 36 tháng; từ 6 - 12 tháng, đồng thời quy định xây dựng lực lượng thường trực tinh nhuệ với thời hạn phục vụ từ 3 - 5 năm.
Theo ông Khoa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với dự thảo Luật Chính phủ trình, trong đó quy định thống nhất thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình là 24 tháng để bảo đảm sự bình đẳng về nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp. Bởi, nếu quy định thời hạn phục vụ tại ngũ như luật NVQS hiện hành, hoặc quy định thấp hơn cho một số đối tượng, thì không bảo đảm thời gian huấn luyện, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu, đồng thời, không bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp.
Làm rõ tính chất giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Trong một diễn biến khác của ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bàn về Ban công tác Mặt trận, vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau. Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng không nên luật hóa mô hình Ban công tác Mặt trận ở thôn, ấp, bản, làng... Ban công tác Mặt trận không phải là một cấp trong hệ thống tổ chức của Mặt trận mà chỉ là phương thức tổ chức trong nội bộ Mặt trận ở cơ sở. Đại biểu đề nghị không quy định vấn đề này trong Luật mà để quy định trong Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Quan điểm khác, theo đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) nên quy định về Ban công tác Mặt trận trong Luật. Đại biểu cho rằng tuy Ban công tác Mặt trận không phải là một cấp trong hệ thống tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhưng hiện nay đang được tổ chức rộng khắp và hoạt động ở các địa phương phát huy hiệu quả. V iệc luật hóa mô hình này nhằm tạo cơ sở pháp lý đổi mới phương thức công tác của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay theo phương châm hướng về cơ sở, tới khu dân cư.
Thảo luận về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều ý kiến tán thành sự cần thiết phải quy định trong dự thảo Luật về nội dung này. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần làm rõ tính đặc thù trong hoạt động giám sát của Mặt trận; làm rõ tính chất giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là "mang tính Nhân dân".
Ngoài ra, có ý kiến đề xuất cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện giám sát, giá trị pháp lý của kết luận, kiến nghị giám sát; trách nhiệm, chế tài đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau giám sát.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung hoạt động phản biện xã hội, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
DH
0 Nhận xét