Thân nhân bị hại Ngô Thanh Kiều trong phiên xét xử vụ án. |
Một trong những vụ án gây bức xúc dư luận trong suốt gần 3 năm qua, chính là vụ xét xử 5 công an TP Tuy Hòa dùng nhục hình đến chết nghi phạm Ngô Thanh Kiều (sinh năm 1982, ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên).
Dư luận bức xúc ở chỗ, các công an đã đánh đến chết nghi phạm bằng những đòn hiểm độc trong báo báo của luật sư đọc trước tòa, người ta còn thấy lạnh gáy: "Toàn bộ cơ thể bị hại Ngô Thanh Kiều có đến 72 vết thương, trong đó có 12 vết thương trên đầu và toàn bộ nội tạng đều bị đánh dập nát hết".
Trong phiên xử hồi tháng 4-2014, tòa tuyên phạt 5 công an Tuy Hòa với các mức Nguyễn Thân Thảo Thành: 5 năm tù; Nguyễn Minh Quyền: 2 năm tù; Phạm Ngọc Mẫn: 1 năm 6 tháng tù; Nguyễn Tấn Quang: 1 năm 3 tháng tù cho hưởng án treo; Đỗ Như Huy: 1 năm tù cho hưởng án treo.
Trong phiên xử ngày 15-9-2014, Viện KSND tối cao khởi tố bổ sung vụ án "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Ngày 22-9-2014, Viện KSND tối cao khởi tố bị can Lê Đức Hoàn- nguyên Thượng tá, Phó trưởng Công an TP Tuy Hòa, tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Trong phiên xử mới đây, Luật sư Võ An Đôn- người đứng ra bảo vệ cho quyền lợi của bị hại Ngô Thanh Kiều đã lên tiếng yêu cầu xem xét lại những luận cứ rất quan trọng về tội danh của bị cáo Lê Đức Hoàn- người đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới đến nhà bắt bị hại Ngô Thanh Kiều lúc 03 giờ sáng ngày 13/5/2012, nhưng không có lệnh bắt, không có biên bản bắt người, bị hại Ngô Thanh Kiều là một công dân bình thường, không thuộc trường hợp bắt người khẩn cấp hay bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã. Do đó, trong trường hợp này bị cáo Lê Đức Hoàn đã phạm vào "Tội bắt người trái pháp luật" theo Điều 123 BLHS.
Cùng với đó, Luật sư Đôn còn yêu cầu tòa truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với Đại tá Phạm Tấn Hạnh - Trưởng Công an thành phố Tuy Hòa và Thiếu tướng Phạm Văn Hóa - Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên cũng phải liên đới chịu trách nhiệm cho dù 2 người này đã nghỉ hưu.
Những thông tin liên quan đến vụ án khiến dư luận bức xúc này, bạn đọc có thể tìm đọc ở đâu cũng có thể tường tận. Một mạng người vô tội đã bị tước đoạt, 2 án treo.
Trong phiên xử ngày 13.4, bị cáo Thành- người bị xử nặng nhất, nói rằng rất nhục nhã khi đứng trước vành móng ngựa cùng những người đồng đội trước đây, nhưng họ gây án mà không dám thẳng thắn nhận tội. Có dấu hiệu cho thấy các bị cáo khác đã dồn tội cho Thành- người mới vào nghề, có gia cảnh khó khăn.
Đến bây giờ chắc nhiều người cũng như tôi, đang băn khoăn với câu hỏi, có thần Công Lý trên đời thật hay không?
Tôi muốn nhắc đến nữ thần Công Lý "xịn" với 1 tay cầm kiếm, tay xách 2 đĩa cân và có dải băng bịt mắt chứ không phải nghệ sĩ hài Công Lý trên bìa sách tay cầm hai cái chảo chống dính trong một vụ "nhầm hàng" gây xôn xao dư luận mới đây.
5 công an đánh đến chết một công dân mới chỉ là "nghi phạm", đến tận nhà bắt người lúc 3h sáng, không cần lệnh gì, thích bắt là bắt. Đến khi ra tòa, họ quanh co chối tội, ai cũng khai "chỉ đánh nhẹ vài ba cái" và cuối cùng 2/5 được hưởng án treo.
Lúc ấy thần Công Lý ở đâu?
Dư luận đang chờ đợi tòa tuyên án vào ngày 15-4 tới đây.
Thần Công Lý có đứng về lẽ phải hay không, với dải băng bịt mắt để thể hiện sự chí công vô tư, không thiên kiến, không sợ hãi trước bất cứ những áp lực, ảnh hưởng từ bên ngoài. Câu trả lời rồi sẽ có trong vài ngày nữa thôi.
Đời có lúc trớ trêu nhưng không phải chuyện đùa.
TT
0 Nhận xét