Trước đó, Bộ Y tế đã thành lập Ban chỉ đạo tổ chức thực hiện "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh" ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở Y tế.
Công tác thanh tra sẽ được tăng cường, kiểm tra, giám sát hành vi ứng xử của cán bộ Y tế với người bệnh. Khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm.
Thưa Vụ trưởng, đã khi nào Vụ trưởng tự hóa thân thành một người dân bình thường đưa người nhà đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện chưa? Tôi thấy thái độ của đội ngũ y, bác sĩ ngày càng xuống cấp. Tôi đưa người nhà đi khám bệnh nhiều lần nên tôi thấu hiểu điều đó và nhất là viện K. Vậy kính mong Vụ trưởng thử một lần hóa thân thành người dân thường đi khám bệnh để thấu hiểu điều đó. Tôi xin cảm ơn.
Nguyễn Minh Uyên, 33 tuổi, Ba Vì- Hà Nội
Chia sẻ trên báo điện tử Vnexpress, ông Phạm Văn Tác cho biết: Tôi cũng là con người, cũng bị bệnh tật và cũng đã đi khám như mọi người. Tôi cũng thấu hiểu việc này và sẽ cùng thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Y tế về đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của bạn. Tuy nhiên, ở một số bệnh viện có quá tải như Bệnh viện K, cũng đề nghị lãnh đạo bệnh viện, khoa phân bố lực lượng để bác sĩ khám không quá nhiều bệnh nhân trong một ngày để có đủ thời gian giao tiếp, dặn dò bệnh nhân. Bệnh viện K có 3 cơ sở tại Quán Sứ, Tam Hiệp và Tân Triều; nếu thời điểm này bạn đến cơ sở Tân Triều thì sẽ thấy những điều bạn nói đã thay đổi rất nhiều.
Thưa ông, giao tiếp giữa bác sĩ và bệnh nhân là kỹ năng cơ bản được học từ hồi còn bé tý, tại sao giờ lại phải mang ra áp đặt với những người được ví "lương y như từ mẫu". Phải chăng, vấn đề đạo đức đã đến hồi báo động?
Nhật Minh, 34 tuổi, Hà Nội
Ông Phạm Văn Tác: Đây là câu hỏi rất hay và đầy trách nhiệm. Kỹ năng giao tiếp ứng xử của mỗi con người với người khác đúng là phải xuất phát từ giáo dục đào tạo ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thói quen của một số cán bộ y tế không nhiều nhưng con sâu có thể làm rầu nồi canh vẫn còn tư tưởng ban ơn. Vì vậy, cuộc đổi mới này muốn chuyển từ ban ơn sang vấn đề phục vụ và thực hiện dịch vụ y tế để phục vụ người bệnh tốt hơn.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục chỉ đạo các nhà khoa học, các nhà giáo hoàn thiện tiếp tài liệu quy tắc ứng xử của cán bộ y tế để đưa vào giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng và trung cấp y tế, coi nghề y là nghề đặc biệt theo như chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị ngày 23/2/2005.
Kính gửi vụ trưởng. Tôi đã từng đưa người nhà đi điều trị tại bệnh viện, tôi thấy các bác sĩ hoàn toàn thân thiện và ân cần với bệnh nhân, nhưng điều tôi thấy khó chịu nhất là bộ phận đón tiếp và làm thủ tục khám bệnh. Lúc nào tôi cũng thấy họ khó khăn và thiếu thiện cảm. Ngoài ra, tôi thấy việc đặt cọc viện phí quá cao gây khó khăn về tài chính cho bệnh nhân.
Hòa Quang Đản, 33 tuổi, Phú Diễn, Từ Liêm, HN
Ông Phạm Văn Tác: Phản ánh của bác rất đúng vì phòng khám thì bao giờ cũng đông bệnh nhân nhất. Số lượng vào nằm nội trú không phải là tất cả. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quyết định 1313 nhằm thống nhất quy trình khám bệnh của bệnh viện, cải tiến quy trình và thủ tục khám chữa bệnh làm sao rút ngắn thời gian chờ đợi của người dân. Mặt khác cũng giúp người bệnh biết rõ quy trình để phối hợp cho tốt.
Do đó, trong kế hoạch thực hiện quyết định 2151 đổi mới phong cách thái độ của cán bộ y tế, Bộ trưởng chỉ đạo đặc biệt ưu tiên thực hiện tại các phòng khám bệnh. Đồng thời sẽ tập huấn kỹ năng giao tiếp ứng xử cho cả bảo vệ, nhân viên hành chính và các y bác sĩ, trong đó ưu tiên hàng đầu nhân sự tại các phòng khám.
Trong lúc nước sôi lửa bỏng cần phải cứu người gấp, người bệnh bất tỉnh nhân sự, liệu có bắt các y, bác sĩ phải chào hỏi, thưa gửi kiểu: “Chào bác! Cháu là Lan, nhân viên hướng dẫn của bệnh viện. Bác cần giúp đỡ gì không ạ?".
Công Tâm, 33 tuổi, TP HCM
Ông Phạm Văn Tác: Mỗi cán bộ y tế phải nhận thức thay đổi phong cách thái độ là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Do đó nó phải xuất phát từ trái tim mình và ứng xử đúng mực với người bệnh ở thời điểm phù hợp nhất, không công thức hóa mà miễn sao đảm bảo thực hiện đúng nhiệm vụ chuyên môn chăm sóc người bệnh nhưng cũng để người bệnh và người nhà hài lòng với mình.
0 Nhận xét