Dư luận những ngày qua xôn xao trước thông tin Trường CĐ Nghề Việt Mỹ cấm giảng viên trong trường có quan hệ tình cảm yêu đương với sinh viên.
Trường CĐ Nghề Việt Mỹ quy định rõ nếu để xảy ra chuyện giảng viên và sinh viên yêu nhau, dù dưới bất kỳ hình thức nào, giảng viên vi phạm đều buộc phải nghỉ việc.
Nhiều người cho rằng, lệnh cấm không tôn trọng quyền tự do cá nhân, có phần cứng nhắc. Ngay lập tức, quy định này đã thu hút được đông đảo sự quan tâm của dư luận với những tranh luận gay gắt. PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Minh Hùng, Hãng luật Gia đình, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề trên.
Dư luận những ngày qua xôn xao trước thông tin Trường CĐ Nghề Việt Mỹ cấm giảng viên trong trường có quan hệ tình cảm yêu đương với sinh viên. Luật sư đánh giá thế nào về quy định này?
Luật sư Trần Minh Hùng: Theo tôi đây là một quy định không phù hợp, bởi nó chỉ nghĩ đến phương diện tiêu cực yêu đương thầy trò mà không nghĩ đến mặt tích cực của nó. Người đưa ra quy định không biết rằng chính đề xuất của mình lại là điều vi phạm pháp luật.
Người đưa ra quy định này chắc chắn chưa am hiểu về pháp luật Việt Nam, Hiến pháp Việt Nam nên đã đưa ra một quy định phi thực tiễn và trái với Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam. Theo tôi, đây là một quan điểm sẽ không thể cụ thể hóa thành quy chế của nhà trường được vì quy chế - dù với hình thức nào vẫn phải phù hợp với Hiến pháp và Pháp luật.
Theo quy định đó, nếu để xảy ra chuyện "thầy yêu trò", dù dưới bất kỳ hình thức nào, giáo viên vi phạm đều buộc phải nghỉ việc. Hình thức xử lý vi phạm này liệu có bị coi là quá nặng tay, thưa luật sư?
Khi giảng dạy giáo viên sẽ ký kết một hợp đồng với nhà trường, nhà trường và họ có quyền thỏa thuận, ghi các điều khoản ràng buộc vào hợp đồng. Tuy nhiên, Pháp luật Việt Nam đã quy định rất rõ các bên có quyền thỏa thuận nhưng sự thỏa thuận đó phải phù hợp với pháp luật và được pháp luật cho phép.
Vì vậy, việc nếu giáo viên vi phạm, tức có tình cảm yêu đương với học trò thì sẽ bị xử lý cho nghỉ việc không những nặng tay mà còn vi phạm pháp luật.
Thưa luật sư, đứng dưới góc độ pháp luật, việc cấm giảng viên trong trường có quan hệ tình cảm yêu đương với sinh viên là đúng hay sai?
Luật sư Trần Minh Hùng: Việc cấm giảng viên trong trường có quan hệ tình cảm yêu đương với sinh viên là sai hoàn toàn. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam không có quy định nào cấm giáo viên không được yêu sinh viên. Do đó, việc cấm trên là vi phạm nghiêm trọng pháp luật của Việt Nam, vi phạm quyền công dân.
Chuyện tình cảm riêng tư là quyền của con người, không tổ chức, cá nhân nào có thể ngăn cấm như vậy được. Khi các em sinh viên đã trên 18 tuổi thì các em được thực hiện các quyền theo quy định pháp luật. Đó là quyền được yêu, quyền yêu người khác. Hiến pháp hiện hành đã quy định các quyền cơ bản của con người đó là quyền công dân về kinh tế, dân sự, chính trị, văn hóa, xã hội, quyền đời tư, cá nhân... đều phải được tôn trọng, bảo vệ theo Hiến pháp và Pháp luật.
Quan điểm của Trường CĐ Nghề Việt Mỹ cho rằng, việc cấm giáo viên trong trường có quan hệ yêu đương với học sinh nhằm “tạo lập môi trường an toàn cho học sinh, giúp các thầy cô ý thức, trách nhiệm hơn” và hạn chế tối đa tình trạng “đổi tình lấy điểm” đã từng tồn tại trong nhiều trường học hiện nay, luật sư nghĩ sao về khía cạnh này?
Luật sư Trần Minh Hùng: Tôi nghĩ việc cấm này không những nó trái pháp luật như tôi phân tích mà còn không mang tính thực tiễn về mặt giáo dục và nó mang tính miễn cưỡng.
Việc tạo lập môi trường an toàn cho học sinh, giúp các thầy cô ý thức, trách nhiệm hơn điều này thuộc về mặt ý thức và đạo đức. Làm sao chúng ta có thể cấm được tình cảm này, vì nó là quyền của con người và thực tế có nhiều cặp vợ chồng hạnh phúc, thành công cũng xuất phát từ tình cảm thầy trò. Họ thậm chí còn hạnh phúc hơn các cặp vợ chồng khác.
Theo tôi, tình trạng "đổi tình lấy điểm" chỉ xảy ra đối với những thầy trò tư cách đạo đức không tốt, vụ lợi và toan tính trong tình cảm. Từ tình trạng "Đổi tình lấy điểm" đã từng xuất hiện trong một số trường học, thiết nghĩ, nhà trường không cần phải quy định cấm họ yêu nhau mà cần ban hành quy chế riêng để xử lý vi phạm những trường hợp này. Chúng ta không thể đồng nhất việc thầy trò yêu nhau và hành vi "đổi tình lấy điểm" là một, vì đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Có ý kiến cho rằng nếu trong lớp có thầy yêu trò thì học sinh đó sẽ được thiên vị vậy rất khó để đưa ra một bộ luật dành cho sự công bằng, dưới góc độ này ý kiến của luật sư ra sao?
Như tôi đã nói, nhà trường đã có nội quy, quy chế riêng là mọi sinh viên đều bình đẳng như nhau. Nếu thầy cô có dấu hiệu thiên vị, không công tâm khi chấm điểm đều bị xử lý theo quy chế nhà trường. Nếu cho rằng chấp nhận chuyện thầy trò yêu nhau sẽ có vấn đề thiên vị thì thực tế có rất nhiều trường hợp thầy trò có mối quan hệ là anh em, chú cháu, bác cháu, cô cháu... chú dạy cháu, bác dạy cháu thì sao? Chẳng lẽ lại phải có 1 quy định riêng? Không nhất thiết phải như vậy, vì mỗi nhà trường đều có quy chế riêng, nội quy riêng và hình thức xử lý đối với những thầy cô có những hành vi thiên vị, không công tâm này.
Vì vậy không thể viện lý do này để cấm thầy yêu trò là điều không phù hợp.
Theo lý giải của lãnh đạo trường này, việc cấm giáo viên yêu học sinh là điều không mới, nhiều trường học trên thế giới đã áp dụng quy định này từ rất lâu nhằm tạo ra môi trường an toàn và công bằng. Luật sư nghĩ sao về điều này?
Luật sư Trần Minh Hùng: Rất nhiều nước tiên tiến và nhiều trường nổi tiếng trên thế giới không có quy định này. Nếu có chỉ là cấm thầy cô yêu trò khi các em chưa đủ tuổi kết hôn, các em còn nhỏ như đang học cấp 1, cấp 2... chứ không có quy định cấm các thầy cô yêu các em khi các em đã đủ tuổi kết hôn.
Các vụ án "đổi tình lấy điểm" trước nay trong xã hội đã từng tồn tại và là một nhức nhối khi trẻ chưa đủ tuổi vị thành niên, dưới góc độ giáo dục nếu điều luật này được đưa vào thực tế liệu có làm giảm mức độ nghiêm trọng của loại tội phạm này?
Luật sư Trần Minh Hùng: Nếu các em chưa đủ tuổi kết hôn mà thầy cô yêu đương là điều nên cấm và pháp luật thực tế đã cấm kết kết hôn với người chưa đủ tuổi kết hôn. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ là yêu và kết hôn là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Theo tôi, quy định này sẽ không thể cụ hóa được thành luật và cũng sẽ không cụ hóa thành quy chế của nhà trường được vì nó vi phạm Hiến pháp và Pháp luật như tôi đã trình bày. Tôi cho rằng nhà trường và xã hội cần tuyên truyền ý thức cho các em khi đang đi học không nên yêu đương, nên tập trung cho việc học. Nhà trường và xã hội cũng nên tuyên truyền, khuyến khích thầy cô không nên có tình cảm riêng tư với các em khi các em còn đang trên ghế nhà trường để các em có được điều kiện học tập tốt nhất đồng thời cũng để tránh nhiều vấn đề tế nhị khác xảy ra trong trường học. Mọi thứ nên gác lại cho đến khi các em đã tốt nghiệp ra trường... Chúng ta chỉ nên dừng lại ở việc tuyên truyền ý thức chứ không nên ban hành các quy định cấm đoán mang tính áp đặt.
Cá nhân tôi cho rằng, việc cấm đoán này sẽ không giảm mức độ nghiêm trọng của loại tội phạm từ vụ án "đổi tình lấy điểm" trước nay trong xã hội mà thậm chí việc ngăn cấm này còn có thể phát sinh nhiều hệ lụy như học sinh bỏ học để yêu thầy cô, thầy cô bỏ dạy để yêu trò... Bởi lẽ, tình cảm yêu đương là quyền con người và nhất là khi họ đã yêu nhau thì chúng ta khó có thể ngăn cản.
Một phong tục tập quán từ chế độ phong kiến đó là con phải nghe cha mẹ, lấy chồng, lấy vợ theo yêu cầu của cha mẹ theo câu nói lưu truyền "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" mà không phải sự tự nguyện của hai người đã dẫn đến những cái chết oan ức, đau thương...
Do vậy, việc cấm thầy cô yêu học trò chẳng khác gì tập quán lạc hậu từ thời phong kiến mà xã hội văn minh ngày nay quay lại áp dụng.
Xin chân thành cám ơn anh!
0 Nhận xét