Trong ngôn ngữ dân gian, báo cô hay nuôi báo cô có nghĩa là nuôi người chỉ ăn hại, không giúp ích được gì. Trong gia đình, dòng họ, dù bị lên án là đồ báo cô nghĩa là kẻ vô tích sự nhưng không thể vất đi như một món đồ hư hỏng, thủng bẹp. Gia đình ấy, dòng họ ấy kể cả những bậc cha già, mẹ héo hoàn cảnh cơ hàn vẫn phải nuôi báo cô kẻ ấy.
Từ bếp núc, xó nhà chuyện nuôi báo cô một đứa con, đứa cháu “ăn tàn phá hại” lại trở thành vấn đề cần quan tâm trên nghị trường khi ông Nguyễn Đình Quyền - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói thẳng ra là, chúng ta đang nuôi báo cô nhiều cán bộ, công chức không có năng lực thực thi công vụ. Theo nhận xét của ông Quyền, có đến 40%(!?). Không biết ông nghị sĩ này lấy con số 40% ở đâu ra, có đủ cơ sở tin cậy hay không. Xin lưu ý là Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhận xét, có khoảng 30% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ nghĩa là thuốc diện Nhà nước phải nuôi báo cô. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ báo cáo trước Quốc hội con số 0,46% nghĩa là cứ 1.000 cán bộ chỉ có 4 cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu đúng vậy thì đây là con số rất nhỏ, không ảnh hưởng gì đến công vụ. Vậy số công chức thuộc diện Nhà nước phải nuôi báo cô là bao nhiêu? Hơn ai hết, những người đứng đầu đều có thể phân loại “quân” của mình, biết ai làm rất tốt, tốt hoặc ấm ớ hội tề. Họ khác ông Quyền ở chỗ, biết mình biết ta không “dám” sa thải ai vì chưa biết chừng mình bị sa thải trước!
Ấy thế mà nhiều đại biểu Quốc hội vẫn lo ngại, liệu có thực hiện được không? Chuyện “giảm chỗ nọ, tăng chỗ kia” và trên thực tế, số lượng cán bộ, công chức, viên chức ăn lương Nhà nước không những không giảm mà còn tăng lên thời gian qua đều đúng quy trình và có lý do chính đáng.Theo một kế hoạch đã công bố, dự kiến từ nay đến năm 2021 Nhà nước ta sẽ tinh giản biên chế gần 30 vạn cán bộ, công chức, viên chức tức là khoảng 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức hiện có. Hiểu một cách nôm na là, cứ 10 người sẽ phải giảm 1 người. Có thông tin là để làm được việc này, ngân sách cần mấy ngàn tỉ đồng.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội , chúng ta có tội với những người làm việc bằng 5 người khác đang làm. Chúng ta không thể cào bằng như hiện nay mà phải tính lại cho đúng với năng lực thực tế của từng vị trí công việc. Nếu không làm được thì động lực phát triển trong bộ máy Nhà nước bị triệt tiêu, đến một lúc nào đó người có năng lực sẽ chán và buông xuôi. Ông Quyền bảo, nếu cho ông toàn quyền ông sẽ sa thải 40% nhân viên!
Vị ĐBQH “muốn được toàn quyền” tâm sự: Khi còn là chuyên viên, công việc 1 tuần ông làm 2 ngày là hết, thời gian còn lại ông dành học ngoại ngữ, nghiên cứu. Lúc lên vụ phó, công việc 1 tuần ông làm 3 ngày là hết. Lúc làm vụ trưởng, ông chỉ cần 2 vụ phó nhưng bị ép phải nhận thêm 2 phó nữa.
Tình trạng lạm phát vụ phó là có thật. Ở vụ nọ chỉ có hơn 10 người mà vẫn có 2 hàm vụ trưởng. Một đơn vị khác, bên cạnh ông trưởng có tới 12 cấp phó và 7 thành viên suýt soát hàm phó. Chả thế mà Chủ tịch Quốc hội đã truy đến cùng Bộ trưởng Nội vụ về chức danh ngầm hưởng lương để có câu trả lời là phong cấp này là sai quy định làm phình biên chế.
Các chuyên gia đều chỉ ra rằng, hiện trạng nuôi báo cô này do định biên không rõ ràng, du di biên chế quá mức và không có cơ chế gì khuyến khích một người làm việc của 2-3 người. Ngược lại, người làm nhiều càng va chạm, khi bỏ phiếu, bình bầu lại mất phiếu.
Kéo theo đó là nghịch lý người được việc lương cũng như người vô tích sự.
Theo quy trình hiện nay, tinh giản biên chế không dễ dàng chút nào cả, lệ thuộc vào rất nhiều quy định. Người đứng đầu đơn vị không có quyền trong việc quyết định số lượng cán bộ, muốn tăng, muốn giảm thì phải cấp trên, trên nữa quyết định. Biên chế vẫn là lá bùa hộ mệnh linh thiêng. Người ta chấp nhận lương thấp, công việc sai chuyên môn cốt có biên chế suốt đời.
Vậy ai sẽ xử lý vấn nạn nuôi báo cô công chức vô tích sự này? Không thể đẩy lên cấp trên được. Hãy tưởng tượng trong 5 năm giảm biên chế, mỗi năm giảm 60.000 người, các bộ, các tỉnh đùn đẩy danh sách cần cho ra khỏi biên chế này lên Chính phủ xử lý sẽ ra sao? Hết ngày dài lại đêm thâu, thủ tướng, các phó thủ tướng thay nhau rà soát danh sách, trích ngang, nâng lên, đặt xuống từng trường hợp sa thải ngay hoặc cần chiếu cố, ưu ái…thì còn đâu thời gian lo đại sự!
Các chuyên gia đề xuất, chỉ cần định biên và khoán kinh phí, đồng thời thực hiện hai việc này, những người đứng đầu sẽ có cách xử lý được không phải chỉ 10% như phương án của Bộ Nội vụ mà có thể là 20%, thậm chí 40% công chức, viên chức.
Tuy nhiên, sắp đại hội không vội được đâu!
0 Nhận xét