Nhà nghiên cứu Phạm Nguyên Long – Chuyên viên cao cấp thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đã dành cho Báo điện tử PetroTimes một cuộc phỏng vấn để làm rõ hơn tình hình Biển Đông sau những diễn biến mới nhất tại các diễn đàn quốc tế.
Trung Quốc đã thất bại nặng về ngoại giao
Nhìn vào diễn biến và kết quả của một số diễn đàn quốc tế gần đây như APEC, ASEAN, Cấp cao Đông Á ông có nhận định ra sao về tình hình Biển Đông hiện nay?
NNC Phạm Nguyên Long: Có thể thấy rằng, chưa bao giờ vấn đề Biển Đông lại “nóng bỏng” như trong giai đoạn hiện nay. Các hội nghị trên, rất nhiều vấn đề được các đại biểu đem ra bàn thảo nhưng vấn đề Biển Đông cũng đã được nêu bật dù ở các tầm mức khác nhau.
Tại Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra từ ngày 17 – 19/11 ở Philippines, Trung Quốc rõ ràng đã “đi trước một bước” thông qua chuyến đi mang tính tiền trạm của Ngoại trưởng Vương Nghị tới nước chủ nhà để nhằm “gạt” vấn đề Biển Đông ra khỏi nội dung chương trình nghị sự chính thức của hội nghị.
Dù vậy nhưng, vấn đề tranh chấp biển đảo cũng như các hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông vẫn được đem ra bàn luận tại các hội nghị bên lề. Điều này hẳn làm cho Trung Quốc không hề vui một chút nào.
Nhà nghiên cứu Phạm Nguyên Long – Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Ảnh: N. Minh).
|
Bước sang Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 cùng các hội nghị liên quan tổ chức tại Malaysia trong hai ngày 21 và 22/11 vừa qua, thì một lần nữa vai trò, sự đoàn kết của ASEAN lại được phát huy khiến cho Trung Quốc ngày càng bị “cô lập” thêm về mặt ngoại giao.
Tại các hội nghị cấp cao ASEAN+3; Cấp cao Đông Á; ASEAN+1 với lần lượt 7 nước đối tác gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, New Zealand và Liên Hợp Quốc thì vấn đề tranh chấp biển đảo, lên án việc Trung Quốc đơn phương tiến hành cải tạo các đảo đá ngầm thành đảo nhân tạo và quân sự hóa chúng khiến cho nước này thực sự trở tay không kịp.
Đây có thể được coi là một đòn ngoại giao cực kỳ thâm sâu mà chính Mỹ, Nhật cũng như các nước ASEAN tạo ra để đối phó với Trung Quốc trên “bàn cờ chính trị” ở khu vực này.
Ông có thể phân tích rõ hơn về cục diện của “bàn cờ” chính trị ở khu vực này?
NNC Phạm Nguyên Long: Ta phải hiểu rằng, đây là vấn đề cục diện ở Đông Nam Á nó gắn chặt với cục diện ở Biển Đông. Có giữ được an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông thì mới giúp cho cả khu vực được phát triển.
Đứng trước những diễn biến này, bản thân các nước trong khối ASEAN đã chính thức lên tiếng. Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 tại Malaysia, thủ tướng nước chủ nhà Najib Razak đã nhấn mạnh: “ASEAN cần hành động mạnh mẽ hơn nữa nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. Nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982. Kêu gọi các bên liên quan tự kiềm chế và không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình hoặc leo thang căng thẳng.
Hình ảnh đại biểu của 10 nước Đông Nam Á tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 tại Malaysia trong hai ngày 21 và 22/11 (Ảnh: The Star).
|
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có phát biểu quan trọng tại hội nghị này. Trong đó, nhấn mạnh việc bồi lấp, tôn tạo và xây dựng quy mô lớn các đảo, đá ở Biển Đông đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, làm gia tăng căng thẳng và xói mòn lòng tin, gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế.
Với tư cách là một trong số các nước đối tác lớn của ASEAN, thì Mỹ một lần nữa cũng đã thể hiện vai trò của mình bằng các hành động thực chất. Khiến cho âm mưu muốn độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc phải đứng trước những thách thức to lớn.
ASEAN bây giờ đang ở thế “nhị nguyên”.
Tức là, một mặt vẫn hợp tác với Trung Quốc để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế thương mại có giá trị hàng chục tỷ đô la.
Mặt khác, tiếp tục coi trọng sự hỗ trợ của Mỹ, Nhật Bản để duy trì hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Hơn nữa, việc ra tuyên bố tầm nhìn ASEAN và việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12 tới đây sẽ giúp cho ASEAN thêm sức mạnh để có thể “mặc cả” được với các nước lớn.
Bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc bồi lấp, cải tạo với tốc độ chóng mặt (Ảnh: Digital Global).
|
Sự khôn ngoan của Mỹ trước cú “cựa mình” của Trung Quốc
PV: Ông vừa nhắc tới vai trò của Mỹ, vậy chắc hẳn Mỹ đã có sự chuẩn bị từ rất lâu hay chỉ là do phía Trung Quốc đã quá “manh động” ở Biển Đông?
NNC Phạm Nguyên Long: Theo như tài liệu sau nhiều năm nghiên cứu mà tôi thu thập được, cho tới thời điểm này thì các hành động can dự của Mỹ vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông là việc đã được chuẩn bị từ lâu. Họ chỉ chờ thời cơ thực sự chín muồi thì mới tiến hành thôi.
Ngay từ đầu năm 1995, khi mà Trung Quốc cố tình dũng vũ lực đánh chiếm và bồi lấp xây dựng đá Vành Khăn ở Trường Sa thì Bộ Quốc phòng Mỹ cùng với nhiều học giả đã có những đánh giá ban đầu rất quan trọng và mang tính chiến lược.
Họ (Mỹ) đã có những bước nắm bắt tình hình, nghiên cứu thực tế rồi đánh giá lại chính sách chuyển hướng của mình tại khu vực này và âm thầm chuẩn bị cho những bước can dự rõ rệt tại đây.
Về phía Trung Quốc, trước năm 2009 thì nước này vẫn còn trong giai đoạn “giấu mình chờ thời” (theo lý luận của Đặng Tiểu Bình). Nhưng từ 2010 trở đi, Trung Quốc đã liên tiếp gây hấn và thực sự “quấy đảo” Biển Đông. Điều này đe dọa trực tiếp tới lợi ích của Mỹ ở vùng biển chiến lược này.
Trung Quốc coi khu vực Đông Nam Á là một địa bàn quan trọng của mình để nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Cố công thực hiện chiến lược “Một vành đai, một con đường” hay “Con đường tơ lụa” trên biển. Nếu nước này kiểm soát được Biển Đông thì sẽ đụng chạm tới con đường giao thương và đi lại của cả Mỹ, Nhật và nhiều nước tới Ấn Độ Dương và ngược lại.
Trung Quốc vừa "cựa mình", Mỹ đã có phản ứng khôn ngoan. |
Vì vậy, từ hơn 20 năm nay, Mỹ đã kiên trì chuẩn bị cho mình cả về thế và lực để có những bước đi quyết đoán hơn tại Biển Đông.
Và thực tế đã chứng minh, sau nhiều tháng trì trệ thì Mỹ đã điều tàu chiến vào tuần tra quanh bãi Subi và Vành Khăn mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam hôm 27/10 vừa qua.
Mới đây nhất, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần 27, bên cạnh việc lên án hành động leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông, Tổng thống Mỹ B. Obama đã cam kết viện trợ 250 triệu đô la cho các nước đối tác ASEAN nhằm nâng cao năng lực đảm bảo an ninh hàng hải và bán cho Philippines một tàu chiến.
Hơn nữa, Trung Quốc cũng đang bị vướng mắc trong vụ kiện của Philippines ở tòa trọng tài quốc tế Lahay (Hà Lan) về yêu sách chủ quyền vô lý của nước này. Nhật Bản cũng mới thông qua Dự luật an ninh mới. Tất cả điều này khiến cho những hành động can dự của Mỹ vào Biển Đông ngày càng rõ rệt và khiến Trung Quốc ngày càng bị động.
Việt Nam cần tiếp tục thể hiện vai trò thành viên tích cực của mình trong khối ASEAN để lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo chính đáng của mình. Góp phần cùng các nước duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nhật Minh - Thảo pHượng
0 Nhận xét