Về “nghịch lý công chức ngành sư phạm trong chán ngoài thèm”, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: "Đó là hiện thực cuộc sống!".
1. Đầu tháng 12/2012, trong phiên thảo luận Kỳ họp HĐND TP. Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội khi đó đã gây rúng động khi phát biểu rằng, “để đỗ được công chức phải chạy mất không dưới 100 triệu đồng”.
Ngay sau đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương, đã bình thản đặt câu hỏi ngược lại: “Có gì lạ đâu! Mà việc đó cũng chẳng riêng của Hà Nội. Ai cũng biết, có điều có ai dám nói thẳng ra không mà thôi. Nhưng đỗ công chức mà chỉ mất có một trăm triệu thôi á?”.
Bởi, theo ông,con số đó chẳng thấm tháp gì so với một vài vị trí có giá… bạc tỷ.
Câu chuyện thuộc hàng “thâm cung bí sử” vốn được nhiều người rỉ tai rằng“chuyện thường tình ở phố huyện thôi, chả có gì ghê gớm cả” ngay sau đó đã được “đính chính”… không hề có.
Theo đó, kết quả thanh tra về việc “chạy” công chức ở Hà Nội cho thấy, không phát hiện trường hợp nào “chạy chọt” khiến nhiều người hết giật mình lại… hồi hộp như lời chia sẻ của TS. Ngô Thành Can (Phó khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự - Học viện Hành chính) vào tháng 01/2013.
Và, mới đây nhất, dư luận và báo chí lại xôn xao trước nghi vấn phát hiện ra vụ “chạy” viên chức giáo dục mầm non giá 200 triệu đồng ở một huyện ngoại thành Hà Nội. Tất nhiên, mọi chuyện vẫn đang nằm trong vòng “nghi vấn” và sự thể thế này thì vẫn cần “chờ xác định rõ ràng” từ cơ quan chức năng. Thế nhưng, cũng như cách đây hơn 2 năm, nhiều người lại tiếp tục thản nhiên:“Chuyện thường tình thế thôi! Có gì phải bàn tán”.
2. Đúng, những chuyện như trên không có gì phải bàn tán cả và cũng chẳng có gì phải “shock” với “lạ” cả. Cách đây khoảng hơn 2 năm, người viết từng “được” một người bạn đồng nghiệp hỏi vay, và nhờ hỏi vay cho đủ ngót nghét gần 200 triệu đồng để “đưa người quen” chạy giúp em gái được chân công chức tại trường tiểu học ở một quận Hà Nội. Bản thân người bạn ấy giờ đã lập gia đình song vẫn phải gánh trả lãi ngân hàng hàng tháng cho hết số tiền vay đổ vào vụ đó.
Thế nhưng, sau hơn 2 năm cố gắng “cày trả nợ”, làm việc và cống hiến, cô giáo tiểu học ấy lại than chán vì “đồng lương eo hẹp”, phải sống một cuộc sống chật vật, phải tính toán rất nhiều trước khi định mua một bộ quần áo đẹp hay một bộ mỹ phẩm make-up cho thêm phần xinh đẹp khi cần tham dự một sự kiện đặc biệt ở trường hay lễ cưới nào đó…
Vừa mới đây thôi, một giảng viên đại học 40 tuổi, có chồng và 3 con nhỏ (2 con thứ sinh đôi) lại lên báo VietNamNet tâm sự về đồng lương còm cõi của mình. Giỏi giang, xinh xắn, con nhà giáo, muốn nối nghiệp gia đình, nhưng cuối cùng chị lại than “giảng viên chỉ là cái danh hão” và chẳng thể cho chị cuộc sống sung túc như từng tưởng tượng. Và rồi, chị băn khoăn liệu có nên bỏ “nghề cao quý” ấy để “chường mặt ra đường kiếm sống”, mà cụ thể là đi bán xôi? Bởi, chị để ý thấy cách người ta kiếm tiền đơn giản quá khi “tình cờ ghé hàng xôi gần nhà ăn sáng”…
3 Lại có phụ huynh than: “Giáo viên thì chạy tiền vào công chức. Liệu rằng những cô cậu học trò sẽ học được gì từ sản phẩm của sự nói dối ấy?”.
Ở đây, xin nói đến một khía cạnh khác của “sự nói dối” mà vị phụ huynh nói trên “than vãn”. Nó khác với những gì báo chí vẫn đưa về việc “giáo viên dạy học trò nói dối” bằng những “bài văn mẫu”, những lời dặn dò “về nhà bố mẹ con có hỏi thì con phải nói thế này, thế này…”, hay khi có đoàn kiểm tra đến thì các con phải trả lời ra sao, v.v… và v.vv…
Vị phụ huynh ấy cho rằng, bản thân người thầy, người cô đó phải “chạy vạy” mới có được một chốn yên thân - là vị trí công chức trong một ngôi trường mơ ước nào đó, thì nó cũng đâu có khác gì so với “một sự nói dối nghiêm trọng”. Và như thế, khi đứng trên bục giảng, khi trên vai là gánh nặng phải hoàn trả “món tiền chạy chọt”, phải làm sao để “lấy lại vốn” thì liệu rằng người giáo viên ấy có dốc hết tâm, hết sức mà dạy học sinh với lòng yêu nghề, yêu trò vô bờ bến?
4. Đem những “nghịch lý về công chức ngành sư phạm” trao đổi với PGS. Văn Như Cương và TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, hai ông “cười xòa”.
PGS. Văn Như Cương cho rằng “chuyện trong chán ngoài thèm như vậy hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của mỗi người, và họ chắc hẳn suy tính rất kỹ cho mỗi sự lựa chọn của mình. Mà không phải chỉ nghề giáo đâu, bất cứ nghề nào cũng có những chuyện như vậy. Và đó hoàn toàn là chuyện bình thường”.
Tuy nhiên, theo nhà giáo lão thành này, câu chuyện đặt ra ở đây là, nếu như có chuyện “chạy công chức” như ở huyện ngoại thành nọ mà báo chí đã đưa thì nên điều tra rõ. Còn việc sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp thường rất khó khăn khi tìm việc ổn định tại một trường công lập nào đó.
“Mà nếu như có “chạy mà vào được” thì có lẽ cũng tốt, ít nhất là đối với tân cử nhân đó”, PGS. Văn Như Cương thẳng thắn.
Còn TS. Nguyễn Tùng Lâm khẳng định: “Đây là hiện thực cuộc sống, là việc bình thường, bởi xã hội đang trong giai đoạn chuyển đổi nên việc tốt và chưa tốt nó vẫn xen kẽ nhau”. Ông cũng đưa ra một con số thống kê của Viện Khoa học Giáo dục, “có một mẫu không lớn lắm, khoảng hơn 1.500 giáo viên của ba miền, có đến 49-50% không muốn làm nghề này nữa”.
TS Nguyễn Tùng Lâm nói thêm: “Việc vào viên chức ngành sư phạm phải có khoản “bôi trơn” như nhiều báo chí đưa, thì nói một cách thực tế, đây không phải là việc riêng, cá biệt của ngành này. Ở đây cần đặt ra vấn đề: đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mới vào và đã vào công tác tại một trường ra sao, và sử dụng, đánh giá họ và đãi ngộ họ thế nào. Song cần phải tiến hành đồng bộ, và đảm bảo rằng giáo viên phải sống được bằng đồng lương của mình như thì mới giảm bớt cảnh “trong chán” như giảng viên muốn bỏ nghề đi bán xôi kể trên”.
5. Liên quan đến câu chuyện “sản phẩm của sự giả dối” mà một vị phụ huynh ca thán như đã nói ở trên, hai nhà giáo lão thành đều cho rằng: “Không nên vơ đũa cả nắm, mà quan trọng là người thầy, người cô ấy làm giảng dạy như thế nào, đối xử với học trò ra sao…”.
PGS. Văn Như Cương lý giải: Việc người giáo viên “chạy” để có thể có được vị trí ổn định, trong khi họ vẫn yêu nghề, vẫn cố gắng đào tạo ra những trò giỏi trò ngoan thì đó là một việc tốt chứ không nên dùng một cụm từ nghe có vẻ thái quá như “sản phẩm của sự nói dối” như vậy.
“Bởi đó là việc chẳng đừng, họ mới buộc phải làm thế. Nhưng biết đâu, khi đã phải bỏ ra một khoản tiền lớn để “chạy”, để “lo lót”, họ sẽ cố gắng dạy thật tốt để cố kiếm mà hoàn trả cho đủ”.
TS Nguyễn Tùng Lâm thẳng thắn: “Tôi không quan niệm đó là sự giả dối, điều này không phụ thuộc vào nhân cách thấp bởi nhân cách thấp phụ thuộc vào nhiều điều khác nhau”.
Tuy nhiên, theo PGS. Văn Như Cương, có thể vị phụ huynh trên cho rằng vì áp lực “hoàn lại món tiền vốn”, biết đâu sẽ có những điều tiêu cực xảy ra, như bắt đi học thêm, bắt phụ huynh quà cáp, bòn rút bằng cách nào đó để có thể kiếm đủ số tiền mà mình đã chi lúc ban đầu, thậm chí số tiền đó phải đi vay mượn chứ không phải là gia đình có sẵn. “Theo tôi đó mới là điều nguy hiểm!”, ông kết luận.
Nhật Minh
0 Nhận xét