“Ở một số nơi hiện nay học đến lớp 5,6,7 rồi mà vẫn chưa đọc được viết được thì ở mô hình giáo dục thực nghiệm dạy một năm đã khác rồi”.
“Tất nhiên, phụ huynh và học sinh là người nhận ra điều đó đầu tiên bởi vì họ là đối tượng thụ hưởng của mô hình giáo dục đó. Vì thế không sớm thì muộn, thì ý nghĩa nền giáo dục thực nghiệm sẽ được khẳng định và lan tỏa”.
GS. TS Hồ Ngọc Đại, “cha đẻ” của lý thuyết công nghệ giáo dục (GD) và người đầu tiên đưa ra mô hình trường thực nghiệm vừa có cuộc trò chuyện đầu tuần với TH.
Thông qua việc hàng ngàn phụ huynh xếp hàng chen chúc từ nửa đêm, thậm chí đạp đổ cổng sắt ùa vào, tranh nhau mua hồ sơ vào lớp 1 cho con tại trường Tiểu học Thực nghiệm Hà Nội hay cảnh tương tự diễn ra tại trường Lương Thế Vinh… GS đánh giá thế nào về việc này?
GS.TS Hồ Ngọc Đại: Đây cũng là hiện tượng dễ hiểu và cần thông cảm. Ai cũng mong muốn mang đến cho con cái những môi trường học tập tốt nhất từ những năm tháng đầu đời. Khi dân đã tin, tất yếu họ sẽ hành động theo hướng tin yêu ấy.
Các mùa tuyển sinh những năm gần đây, tỷ lệ phụ huynh mong muốn cho con em mình vào trường thực nghiệm hay các trường dân lập có chất lượng cao rất nhiều. Số lượng hồ sơ và học sinh cứ tăng lên vùn vụt.
Tuy nhiên, năm nay thì có sự gia tăng đột biến và nó đã diễn ra như những gì đã thể hiện vừa qua…Trước đây, khi mô hình thực nghiệm ra đời có nhiều người ủng hộ lẫn phản đổi nhưng nhiều nhà quản lý gạt bỏ vì cái này vì cái khác.
Nhưng bây giờ, phụ huynh và người đi học đã nhận thức được ra vì nó là lợi ích thiết thực nhất, đáng tin cậy nhất. Tuy nhiên cái tin cậy ấy cũng chỉ là một phần thôi. Đây chính là câu chuyện GD mới.
Tức là câu chuyện: GD mang tính chất thực nghiệm đang “lên ngôi”?
GS.TS Hồ Ngọc Đại: Nói thế thì không hẳn. Hiểu một cách đơn giản hơn: Tức là phụ huynh học sinh đã chấp nhận một cái mô hình trong GD là GD thực nghiệm. Bản chất của thực nghiệm khiến phụ huynh và cả người học yên tâm.
Thực ra mà nói, nhiều người dân họ không hiểu, không biết mô hình thực nghiệm hay ở chỗ nào, ưu việt ở chỗ nào đâu. Họ chỉ nghe đồn là tốt thế này, tốt thế kia. Nhưng có một thực tế hiển hiện là người dân đã hết kiên nhẫn với những chương trình đào tạo hiện hành trong các nhà trường.
Nhưng tại trường thực nghiệm, sáng người ta gửi con đến, chiều người ta yên tâm đón con về. Trẻ em sáng nô nức đến trường, chiều hồ hởi về nhà. Đó là hạnh phúc chứ đâu và họ nhận ra điều đó.
Hiện tại thì chương trình thực nghiệm được ứng dụng ở các tình thành như thế nào thưa GS?
GS.TS Hồ Ngọc Đại: Mô hình thực nghiệm đã có lúc lan tỏa đến 43 tỉnh thành trong cả nước, nhưng sau đó lại có một thời gian “chững lại” do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra chường trình mới và người dân hy vọng vào chương trình đó.
Nghị quyết của Quốc hội chỉ cho ra một bộ sách nên chương trình bị thu hẹp lại. Bây giờ cũng đã quay trở lại nhưng cũng hết sức dè dặt. Tuy nhiên ở một vài môn học, Bộ GD cho phép sách của tôi được dạy mà hiện nay là môn Tiếng Việt lớp 1.
Theo tôi chỉ cần được phép rộng rãi thì các tỉnh thành sẽ hưởng ứng chương trình thực nghiệm của tôi ngay chứ không chỉ là 20 tỉnh thành còn tồn tại đến bây giờ.
Khi mô hình thực nghiệm được ứng dụng ở 43 tỉnh thành thì có sự so sánh giữa đồng bằng và miền núi nên cần dè dặt?
GS.TS Hồ Ngọc Đại: Thực nghiệm cũng là một phần là công nghệ GD. Mà đã là công nghệ thì cũng có sự khó khăn hay chênh lệch nhưng đó là sự chênh lệch không nhiều.
Như ở Lào Cai, chương trình thực nghiệm phải mất 3 năm mới thành công thì ở những tỉnh thành ở đồng bằng chỉ mất một năm. Nhưng điều thu lại là ở các tỉnh miền núi như Lào Cai, khi ứng dụng thì trẻ con không hoặc rất ít bỏ học.
Điều đó chứng tỏ có sự hứng thú và thích học từ các em. Bố mẹ các em dân tộc thiểu số không biết tiếng Việt mà bây giờ các em học một năm đã đọc thông viết thạo là có những đột biến lớn.
Chính vì vậy mô hình thực nghiệm có thể chứng minh những ưu việt mang tính khoa học của mình nên chắc chắn sẽ quay trở lại và phát triển chỉ trong vài năm tới.
Cuốn sách về phương pháp tâm lý sư phạm của GS mới ra đời đã mang nhiều thông điệp mới về ngành GD. Đó có phải là tâm huyết hơn 40 năm GS đi và làm theo một lý thuyết công nghệ GD và mô hình thực nghiệm mới?
GS.TS Hồ Ngọc Đại: Tôi muốn thay đổi tận gốc cái nền sư phạm hiện nay. Nền sư phạm hiện nay như đang cày bằng cày chìa vôi mà phải tay sang cày máy. Thì cuốn sách đó là tâm huyết cả đời tôi. Tôi cũng yên tâm về nó mà cũng coi như tôi đã xong một phần việc cơ bản của mình với ngành GD.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Phạm Vũ Luận có gặp gỡ với GS và bày tỏ sự ủng hộ nhân rộng mô hình này. Sự ủng hộ đó ra sao thưa GS?
GS.TS Hồ Ngọc Đại: Tôi cho rằng đó là sự ủng hộ thực bụng và thành tâm. Các ý kiến của Bộ trưởng Luận được đánh giá là muốn làm GD hẳn hoi, muốn có những đóng góp thực sự cho GD nước nhà.
Vì là ủng hộ thực bụng nên sẽ có những ý kiến tích cực và chủ động hơn. Những lợi ích sát sườn cho học sinh của mô hình thực nghiệm đã được Bộ GD đưa về các địa phương nhưng những thứ khác thì vẫn còn dè dặt lắm.
Ở một số nơi hiện nay học đến lớp 5,6,7 rồi mà vẫn chưa đọc được viết được thì cái mô hình thực nghiệm dạy một năm đã khác rồi. Các em đã biết đọc biết viết thì đó là tích cực mà Bộ trưởng Luận tiếp nhận.
Nhưng cái hay ở chổ là nếu một bộ trưởng chấp nhận thì cả hệ thống vào cuộc nên thuận lợi cho mô hình thực nghiệm hơn. Tôi đỡ phải loay hoay một mình vừa làm vừa xin phép.
Xin cảm ơn GS.TS Hồ Ngọc Đại!
0 Nhận xét