Sẽ không có sự tiến bộ nào khi chính chúng ta tự cho mình là người tiến bộ. Sẽ không có một đỉnh cao nào khác khi chúng ta đã tự cho mình đang đứng trên đỉnh cao.
Những điều này đã quá cũ nhưng cũng cần nhắc lại khi Tổng cục Du lịch Việt Nam công bố có trên 94% du khách nước ngoài đánh giá du lịch Việt Nam tốt và rất tốt, chỉ 0,22% đánh giá kém và rất kém.
Ngành du lịch đưa ra một con số và nhận lại quá nhiều ý kiến phản biện, bởi vì nó quá chối tai vì không phải là con số trung thực. Không ai tin được một điều trái với thực tế, cho dù con số đó được hợp thức hóa, được làm đẹp qua một cuộc gọi là khảo sát, điều tra. Nhưng thật đáng tiếc là đại diện của nhiều công ty du lịch đã lên tiếng chưa bao giờ biết đến cuộc khảo sát của Tổng cục Du lịch, mặc dù Tổng cục Du lịch nói rằng đã lấy ý kiến của các công ty du lịch.
Thôi, không cần bàn đến cách thực hiện khảo sát của Tổng cục Du lịch có khoa học hay không, bởi vì chỉ cần nhìn kết quả là thấy tào lao, lãng phí tiền bạc vô ích; vấn đề là cần đánh giá một cách khách quan thực trạng du lịch Việt Nam để đầu tư, phát triển, tạo ra hiệu quả thực sự đối với ngành công nghiệp này trong tương lai.
Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi nhiều thắng cảnh, đồng thời có một bề dày văn hóa với vốn liếng di sản được tích lũy không nhỏ. So sánh với Singapore, sẽ thấy họ không có nhiều thắng cảnh, không có bề dày văn hóa, vậy mà họ thu hút được lượng khách du lịch hàng năm rất lớn, bỏ xa Việt Nam. Vì sao vậy, chỉ có thể trả lời rằng, họ không có cảnh đẹp nhưng họ có người giỏi. Họ không có những cái hang lộng lẫy như Sơn Đoòng, hang Én nhưng họ có nhiều bộ óc trác tuyệt để biến đất nước thành một địa chỉ du lịch của thế giới.
Đảo quốc Singapore nổi tiếng xanh và sạch, còn Việt Nam “tai tiếng” xả rác, chừng đó thôi cũng đủ thất bại. Chưa kể, đến một điểm du lịch nào, cũng thường gặp hàng rong chèo kéo, thậm chí bán hàng lừa đảo. Chưa dẹp được nạn hàng rong, đòi làm chi cho to tát.
Chưa kể đến sân bay Việt Nam, vali của du khách có thể bị mở khóa lấy cắp vật dụng bên trong. Nạn ăn cắp ở sân bay chưa dẹp được, làm sao mời gọi thiên hạ đến nhà mình chơi.
Còn nhiều chuyện phải làm, không riêng gì ngành du lịch mà cần sự phối hợp của nhiều ngành, địa phương, mới có được một gương mặt sáng sủa để đón du khách và giữ chân du khách.
Thiên hạ có câu “ngủ quên trên chiến thắng” để cảnh báo những người thành công thường hay không tiếp tục phấn đấu. Nhưng ngành du lịch Việt Nam chưa chiến thắng thì đã vội ngủ quên.
Lê Chân Nhân
0 Nhận xét