Bởi đơn giản, cái gì xuất phát từ lương tâm trách nhiệm, và tự trọng thì mãi trường tồn.
Mấy ngày nay, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện hình ảnh bộ trưởng Y tế tiễn bệnh nhân vụ sập giàn giáo Formosa ra viện. Thực ra, bức hình này đi kèm bản tin đăng tải trước đó một tuần: sáng 8.4, bệnh viện Bạch Mai tổ chức Lễ ra viện cho bệnh nhân Cao Xuân Hòa (34 tuổi, Cát Sơn, Nghĩa Hiếu, Nghĩa Đàn, Nghệ An) - một trong 4 bệnh nhân nặng nhất trong vụ sập giàn giáo tại Formosa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến dự.
Bộ trưởng ngành Y là nhân vật đặc biệt, ở đây xét trên khía cạnh dùng mạng xã hội bởi, bà là bộ trưởng duy nhất dùng nó như một kênh để truyền tin và nhận hồi đáp thông tin trên một fanpage. Đó cũng là cách để tạo dựng hình ảnh một bộ trưởng thân thiện với dân.
Tuy nhiên, tấm hình mà pano phía sau là “Lễ tiễn bệnh nhân ra viện” lại mô tả về một sự kiện thái quá, khoa trương có thể gây phản cảm. Bởi, đương kim bộ trưởng ngành y quên mất rằng, việc vài trăm “like” của cộng đồng cư dân mạng trên fanpage rất khác với những hành động, việc làm cụ thể của bà trong đời thường khiến người ta cảm phục. Ở đó, vẫn có những sản phụ, bệnh nhi tử vong do sự tắc trách của bác sĩ trực ca; hành động vòi vĩnh trịch thượng của bác sĩ với bệnh nhân vẫn còn nhan nhản. Những hình ảnh khốn khó đó không dễ trôi nhanh như những dòng tin trên news feed (dòng thời gian trên Facebook).
Nếu chịu khó nghe và đi thực tế các bệnh viện, tình cảnh bệnh nhân nằm xếp lớp như cá mòi, thân nhân người bệnh vạ vật ở hành lang, tệ tham nhũng... thì hẳn bà sẽ dành sự thao thức cho những quyết sách, hành động mang lại những điều người dân cần, bệnh nhân mong mỏi hơn là note ra những ghi chú mang tính thống kê sự xuất hiện của lãnh đạo trên facebook. Để mỗi người bệnh được sử dụng dịch vụ y tế, cùng sự quan tâm như đã dành cho bệnh nhân vụ sập giàn giáo Formosa .
Bởi, việc có được vài nghìn, thậm chí vài chục nghìn “like” trang fanpage dễ hơn nhiều so với việc nghĩ cách để cải thiện điều kiện chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân – là điều dân thực sự “thích”. Những hình ảnh, tình cảnh bệnh nhân đang nếm trải ra ở bệnh viện, những người mà số đông ít có điều kiện để vào "phây" đã ngay lập tức "giải thiêng" sự mẫn cán của bộ trưởng bởi buổi "lễ" mang tính thái quá.
Cũng hôm qua trên news feed, một bản tin trên Thanh Niên được chia sẻ, có tựa đề “Sự thật về việc bắt được cá tầm 'khủng' ở Lâm Đồng". Theo đó, "một số tờ báo đưa tin một thanh niên người Cil tên Cil Múp Ha Quyên, ở thôn Long Lanh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), bắt được hai con cá tầm nặng 20 kg/con, sau đó được một chủ nhà hàng ở TP.HCM mua giá 1,5 triệu đồng/kg. Trưởng công an xã Đạ Chais, khẳng định với PV Thanh Niên Online trên hệ thống hồ suối tự nhiên ở thôn Long Lanh (Đạ Chais) không thể có cá tầm lớn như vậy; càng không thể có chuyện một thanh niên bắt được cùng lúc 2 con cá tầm “khủng” nặng 20 kg/con".
Sau đó, Ha Quyên tường trình lại toàn bộ câu chuyện: "Ngày 9.4, anh Tiến mang 2 con cá tầm “khủng” trên về thả trong hồ nuôi (không rõ anh Tiến mua ở đâu). Khoảng 9 giờ ngày 11.4, một chiếc ô tô chở 4 người từ TP.HCM lên gặp anh Tiến mua 2 con cá tầm “khủng” trên. Sau đó, họ nhờ Ha Quyên cùng 1 thanh niên đến từ TP.HCM đưa 2 con cá thả xuống suối cạn chỉ cách hồ nuôi cá khoảng hơn 10 m. Những người mua cá mượn lưới của anh Tiến để Ha Quyên và thanh niên kia giả kéo lưới bắt cá để quay phim".
Bản tin đã bóc mẽ một sự sắp đặt hòng tạo ra sự thu hút thực khách của chủ một nhà hàng tại TP.HCM. Bởi, việc săn hàng độc, lạ trên bàn tiệc vẫn là nhu cầu của không ít người lắm tiền nhiều của. Hưởng một miếng ngon bằng tiền chân chính, làm ra từ mồ hôi nước mắt chả có gì sai, nhưng nếu biết được sự thật của miếng ăn đắt đỏ, hẳn nhiều người phải lợm miệng…
Việc tăng “gia vị” cho miếng ăn ở tính tươi, sạch là điều cần thiết; nhưng nếu bằng cách "thiên nhiên" hoá hai con cá của chủ nhà hàng, thì cũng mang lại hiệu quả khi những bản tin được đăng tải, nhưng mặt trái của nó là bên cạnh sự lan toả người ta đã chịu khó kiểm chứng và bóc trần sự thật. Anh có thể lừa khách hàng một lần chứ không thể tạo uy tín cho nhà hàng bằng cách giàn dựng trơ trẽn đó.
Và hôm qua, cách nay 103 năm, con tàu Titanic va vào băng, đến nay khi nhắc tới, bên cạnh sự ngậm ngùi cho một thảm kịch của hàng hải thế giới người ta vẫn đề cập đến điểm sáng về những hành động quả cảm lay động lòng người trước phút lâm nguy, của thuyền viên, của những hành khách và cả thuyền trưởng Smith. Ít ai biết về những khoảnh khắc cuối cùng của thuyền trưởng Smith, nhưng ông vẫn được nhớ về như một người anh hùng, dù ông bỏ qua lời cảnh báo về băng trôi và không giảm tốc độ con tàu khi được báo tin có băng trên hải lộ của Titanic.
Báo chí trích dẫn: “Lịch sử ghi tạc rằng ông đã chết một cái chết anh hùng. Những tấm thiệp và những câu chuyện kể lại rằng ông đã bơi qua dòng nước với một đứa trẻ trên tay rồi nói rằng "chúc may mắn, cậu bé, hãy tự chăm sóc bản thân nhé". Trách nhiệm và sự tự trọng nghề nghiệp đã dẫn dắt vị thuyền trưởng đưa ra một quyết định, dù không cứu được con tàu, nhưng đã cứu được nhiều hành khách trên đó. Ông không tự sát, càng không muốn vụ tai nạn xảy ra để được nhắc tới như người hùng. Ông đã chìm theo con tàu xuống đại dương thẳm sâu.
Không được share, không được like nhưng hành động của vị thuyền trưởng vẫn được nhắc nhớ sau hơn 100 năm. Bởi đơn giản, cái gì xuất phát từ lương tâm trách nhiệm, và tự trọng thì mãi trường tồn.
0 Nhận xét