Làm trẻ con bây giờ thật sướng, bằng chứng là ngay từ còn trong trứng nước đã được bậc cha mẹ dạy học bằng các phương pháp giáo dục thai kỳ. Rồi vừa lọt lòng chúng lại được gia đình định hướng theo đủ kiểu 'dạy con kiểu Nhật', 'chăm con kiểu Mỹ,' ăn dặm kiểu Pháp'...
Trên các diễn đàn, thậm chí cả trên công sở, không khó để bắt gặp hội 'bà mẹ bỉm sữa' say sưa kể một cách đầy tự hào về phương pháp dạy con ngoại lai mà mình vừa áp dụng. Chị Trang (Từ Liêm, Hà Nội) là mẹ của cậu con trai 3 tuổi cho rằng cách nuôi dạy con từ thời ngày xưa đã quá lỗi thời, cần phải thay đổi để hợp với xu thế mới:
'Trước khi sinh cháu tôi đã nghiên cứu kỹ về cách nuôi dạy con của người Nhật, vì vậy tôi quán triệt tinh thần với gia đình sẽ chăm con theo cách đó, trộm vía cháu khá ngoan, biết tự lập và nhanh nhẹn hơn các bạn cùng tuổi'.
Xã hội càng phát triển, các bậc cha mẹ càng có cơ hội tiếp xúc với văn hóa các nước khác nhau nhiều hơn. Lựa chọn những điều tốt đẹp để nuôi dạy và kỳ vọng ở con mình không phải là điều xấu.
Tuy nhiên, cứ đà này, dễ 1 - 2 thập kỷ nữa Việt Nam có khi toàn nhân tài na ná nhau về lý thuyết.
Đó là kết quả của quá trình dạy con theo mớ lý thuyết sách vở, khi cha mẹ đặt lên đôi vai chúng gánh nặng phải hơn 'con nhà người ta' về thành tích học tập, thậm chí phải đạt giải này giải kia cho cha mẹ tự hào.
Ảnh minh họa
Họ tô vẽ lên hình tượng
con mình như trung tâm của vũ trụ, vậy nên giả dụ như trong lúc vui chơi
với bạn bè, đứa trẻ bị xước tí da, hay ở lớp đùa nghịch bị cô tét mông
phạt thì cả gia đình sẽ bị một phen náo loạn. Họ quyết đòi công bằng,
không làm con mình mất oan một cọng tóc.Điều này cứ ngỡ như đứa trẻ sẽ được gia đình bảo vệ một cách toàn diện, nhưng ngẫm ra chỉ đúng nếu điều đó bảo vệ được cả tính sĩ diện của cha mẹ mà thôi.
Vừa mới đây, những hình ảnh cha mẹ 'cõng' con vượt qua hàng rào sắc nhọn để quyết vào công viên nước Hồ Tây vui chơi dù phía công viên đã thông báo tạm đóng cửa khiến dư luận bàng hoàng và bức xúc. Họ đã quá coi thường tính mạng con mình nếu không may đứa trẻ bị ngã hoặc bị thanh sắt nhọn đâm phải.
Khi chứng kiến cảnh đó, một người dân đã phải thốt lên: 'Nếu chỉ lỡ chân một chút thôi, đứa trẻ bị ngã khỏi hàng rào, rơi xuống đất, hoặc rơi xuống đám người đang chen lấn, xô đẩy dưới hàng rào kia, không biết hậu quả sẽ thế nào?'
Đây không phải lần đầu tiên cha mẹ lấy lý do 'vội', 'tranh thủ' mà đùa cợt với tính mạng của chính đứa con mình. Trước đó dư luận dậy sóng bởi các hình ảnh, clip bà mẹ 'hồn nhiên' đèo con trên đường mà không hề có đai, yếm bảo vệ. Đứa trẻ chừng 2 - 3 tuổi ngủ gật gù trên xe khiến người đi đường thót tim.
Có những ông bố bà mẹ còn tự tin đến nỗi nhường tay lái cho một đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi phi xe trên đường mà không lường trước được chỉ cần chiếc xe bên cạnh bấm còi làm giật mình hay gặp tình huống bất ngờ là đứa có thể gặp nguy hiểm.
Mới đây theo Theo Nghị định 171 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên xe gắn máy bắt buộc đội mũ bảo hiểm cài quai đúng quy cách. Bên cạnh quy định của pháp luật thì đây cũng là cách bảo vệ tính mạng cho chính đứa con của mình.
Thế nhưng, ngay trong ngày đầu ra quân tại cổng các trường học, hàng loạt phụ huynh vi phạm. Họ lại tiếp tục mang tính mạng con mình ra cân đo với sự vướng víu, do gần nhà, hay lại tiếp tục điệp khúc 'quên' hoặc 'chưa rõ quy định'.
Theo thống kê hàng năm toàn quốc có khoảng 1.900 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông, trong đó có tới 50 % do không đội mũ bảo hiểm.
Trung bình mỗi ngày có 20 trẻ bị đuối nước. Hàng chục vụ trẻ gặp chấn thương do những nguyên nhân khác.
Những con số giật mình nhưng hoàn toàn có thể lường trước. Vì vậy, thay vì phải chạy đua tìm môi trường giáo dục tốt nhất cho con, thay vì đau đầu tìm những thực phẩm giúp con ăn nhanh chóng lớn thì mỗi người làm cha làm mẹ cần quan tâm hơn đến con mình hơn nữa để không phải hối hận về những rủi ro đáng tiếc xảy ra.
0 Nhận xét