Lạ Hà Nội: Tích rác, ủ phân trong nhà để được ăn sạch

08:00 |

Cơm thừa, cọng rau, nước vo gạo, vỏ hoa quả,... tất cả những thứ trước đó được tống ngay vào sọt rác thì nay người dân ở Hà Nội giữ lại, tích thành núi trong nhà để ủ thành phân hữu cơ. Thậm chí, nhiều nhà còn mua thêm rác rau, rác vỏ hoa quả để có thể ủ được đủ số phân mình cần dùng.


Tích cả núi rác trong nhà
Tranh thủ lúc vừa mới nấu bữa cơm chiều xong, chị Nguyễn Thị Hà Duyên ở Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) lại xách mấy túi nilon chứa đầy rác lên trên sân thượng tầng 3 nhà mình để đổ vào 3 chiếc thùng phuy to. Chị khoe: “Khoảng 3 năm nay rồi, từ khi tôi trồng rau sạch ăn, một cọng rác cũng được giữ lại để bỏ vào 3 chiếc thùng phi này ủ phân”.
Tất cả các loại từ thức ăn thừa, nước vo gạo, gốc rau, vỏ hoa quả,... đều được chị giữ lại ủ thành phân hữu cơ bón cho ruộng rau sạch chị trồng trên sân thượng.
“Mình trồng rau cho gia đình ăn nên không muốn dùng phân hóa học, tự làm phân hữu cơ để bón cho rau nên mới tích rác đầy trong nhà như vậy. Còn cái chuyện tự ủ phân này thì tôi học được từ kinh nghiệm của ông bà ở quê vẫn tự ủ phân chuồng để bón cho lúa”, chị nói.
Chị Duyên cũng tiết lộ, công thức ủ phân cực kỳ đơn giản. Chỉ cần chuẩn bị thùng xốp (nhà chị dùng thùng phuy vì to, có thể ủ được nhiều) có nắp đậy. Hằng ngày, thức ăn thừa bao gồm: nước vo gạo, cơm canh thừa, gốc rau, vỏ dưa, vỏ chuối,... được gom lại đổ hết vào thùng. Lưu ý, mỗi ngày phải lấy gậy khuấy đều lên một lần để cho rác ngập nước dễ phân hủy.
Ủ khoảng một tuần hoặc lâu hơn càng tốt, sau đó, chắt nước đó sang một cái thùng khác để tích trữ dùng làm phân tưới rau dần. Rác tiếp tục gom hàng ngày lại đổ vào ủ như bình thường. Đến khi dùng nước phân đã ủ thì pha loãng ra cùng với nước sạch rồi tưới lên rau, chị Duyên cho hay.

Các loại rác đều được tận dụng để ủ phân hữu cơ bón rau
Các loại rác đều được tận dụng để ủ phân hữu cơ bón rau
Theo chị Duyên, loại phân hữu cơ tự ủ tưới cho rau cực tốt, rau xanh non mỡ màng. Tuy nhiên, phân có mùi hơi khó chịu do rác phân hủy, thậm chí, thùng ủ phân nhiều khi còn có giòi bọ.
“Tôi ngửi mãi rồi thành quen, song, hàng xóm thì hay ca thán bởi hôm nào mở nắp thùng lấy phân tưới cho rau, mùi phân bay ra cách 1-2 nhà vẫn ngửi thấy”. chị nói.
Tương tự, chị Trần Thị Loan ở Núi Trúc (Ba Đình, Hà Nội) cũng có thói quen tích đầy rác trong nhà từ 2 năm nay để ủ phân hữu cơ bón rau.
“Ngoài ủ phân nước, tôi còn ủ luôn với đất trước khi trồng rau khoảng nửa tháng”. Chị nói và cho biết, cách này được áp dụng để làm cho đất tới xốp và có nhiều chất dinh dưỡng hơn. Còn rác ủ thì cũng dùng các loại rác giống như rác ủ với nước. Cứ một lớp rác, một lớp đất cho đến khi đầy lên miệng nắp thùng.
“Nhờ tích từng cọng rác trong nhà mà trong hai năm trồng rau sạch, tôi chưa từng phải bỏ một đồng nào để mua các loại phân hóa học về bón cho rau. Trong khi đó, rau vẫn xanh tốt, ăn lại cực kỳ yên tâm, không sợ độc hại”, chị khoe.

Nhờ được bón phân hữu cơ ủ từ rác mà rau luôn xanh tốt và sạch
Nhờ được bón phân hữu cơ ủ từ rác mà rau luôn xanh tốt và sạch
Bỏ tiền mua rác
Không những gom đủ các loại rác trong nhà, nhiều người ở Hà Nội còn bỏ tiền mua rác rau ngoài chợ về tích đầy nhà để ủ thành phân hữu cơ.
Chị Phan Diệu Linh (Trần Cung, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, nhà chị trồng vườn rau trên sân thượng rộng 40m2. Nếu chỉ dùng rác trong nhà làm phân hữu cơ bón cho rau thì không thể đủ nên chị phải mua thêm rác ngoài chợ.
“Nói là mua nhưng số tiền bỏ ra mỗi lần chỉ 5.000-10.000 đồng cho cả một bao tải rác to đùng”. Chị cho hay, các bà hàng rau hay hàng hoa quả ở chở thường hái rau, bổ hoa quả sẵn cho khách nên có cả đóng gốc rau, vỏ hoa quả thừa ra. Do đó, khi đi chợ chỉ cần nói mấy người bán để lại cho chị, chị trả cho họ vài nghìn đồng là họ đồng ý ngay.
“Có hôm mua 10.000 đồng tiền rác mà được tận 2 bao tải to. Lúc đó, chất lên xe máy chở rác về mà mẹ chồng tôi bảo mua được rác còn vui hơn bắt được vàng”, chị cho hay.
Thừa nhận, bà Nguyễn Thị Liên ở chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết, ngày trước bà bán rau, mỗi lần ngồi nhặt rau sẵn cho khách, gốc rau không biết bỏ đi đâu. Những lúc đó, bà phải đóng thêm tiền cho người gom rác vì gốc rau, rác tại sạp rau của bà thải ra quá nhiều.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, không những không phải đóng thêm tiền đổ rác, bà còn bán được cho người dân.
“Mới đầu thấy mọi người hỏi tôi ngạc nhiên lắm, hỏi mua rác về làm gì thì họ bảo để ủ làm phân bón rau. Sau đó một thời gian, càng ngày người hỏi mua càng nhiều nên mấy mối quen bèn đặt trước tôi, mỗi người lấy một ngày”, bà Liên nói.

Xem thêm…

Trọng tài Hà Anh Chiến bị “trảm” và câu chuyện của thượng tầng

07:58 |

Giới trọng tài, dân bóng đá quá hiểu vụ việc xử trọng tài Hà Anh Chiến của Ban trọng tài chủ yếu chỉ là chiều theo dư luận. Những vấn đề liên quan tới sự cố trọng tài thời gian qua, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.


Vấn đề xử lý trọng tài luôn là câu chuyện của nội bộ Ban trọng tài. Vì thế, nhiều HLV, cầu thủ thắc mắc rằng những kết luận về trọng tài đúng, sai, hay vi phạm ở mức độ nào, chỉ có các thành viên Ban trọng tài biết với nhau, người ngoài không rõ thế nào.
Khi được hỏi về vấn đề “mổ băng”, xử lý trọng tài ra sao, câu trả lời luôn là: “Căn cứ Quy chế tổ chức và hoạt động của trọng tài BĐVN, Ban trọng tài có quyền đề xuất kỷ luật đối với các trọng tài có sai sót về chuyên môn để VFF xem xét. Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật đối với trọng tài có sai phạm trong khi làm nhiệm vụ, nhất là những sai phạm về chuyên môn, nghiệp vụ phải tuân theo các quy định của FIFA và VFF không được tùy tiện công khai. Chỉ có BCH VFF mới có quyền quyết định việc công khai kỷ luật đối với trọng tài”.
Từ việc không thể công khai hình thức xử lý các trọng tài, nên từ trước tới nay, nhiều người chỉ biết có thông tin trọng tài này, trọng tài kia bị treo còi, treo cờ, chứ chưa ai được nhìn thấy quyết định chính thức. Nói cách khác, theo quy định của FIFA không được phép công bố việc kỷ luật, xử trọng tài và bao nhiêu vụ trọng tài bị xử ở BĐVN lâu nay đều chỉ người trong cuộc biết.
Kể từ năm 2005 sau vụ hàng loạt trọng tài vướng vòng lao lý, những mùa giải gần đây cũng đã xuất hiện một số thông tin trọng tài bị treo còi vĩnh viễn hoặc cấm có thời hạn. Nhưng việc các trọng tài mắc lỗi bị quy tội vẫn là câu chuyện thường xảy ra mỗi khi gặp sự cố.
Vụ việc của trọng tài Hà Anh Chiến mới đây người ta thấy Ban trọng tài sốt sắng muốn xử thật nhanh và ra án phạt thật nặng để hướng dư luận tới sai sót của ông Chiến. Thế nhưng, giới cầm còi, cầm cờ đã không phục án phạt này bởi trọng tài cuối cùng vẫn chỉ là một quân cờ, luôn bị quy trách nhiệm, còn người đứng đầu thì gần như vô can.
Ở đây, có một điều rất lạ là khi thành lập BTC giải thì VPF lại mời ông Nguyễn Văn Mùi, Trưởng Ban trọng tài làm Phó BTC giải. VPF là một tổ chức thành viên của VFF và ở đây, việc sai nguyên tắc thuộc về cả Ban trọng tài lẫn VPF, VFF. Đó là cái sai về sự thiếu minh bạch, khách quan và độc lập, giống như “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Ở vụ của trọng tài Hà Anh Chiến, vị vua áo đen này nhận được sự phân công của Trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi. Như vậy, mâu thuẫn đa xảy ra bởi theo quy định, Không có bất cứ CLB, cơ quan tổ chức giải đấu hoặc bất kỳ bộ phận nào khác của các tổ chức thành viên VFF có quyền can thiệp vào quá trình trọng tài.
Đó là chưa kể vì sao một trọng tài không được đánh giá cao và từng mắc lỗi trên sân Thanh Hoá lại được bố trí bắt trận đấu được dự báo rất căng thẳng giữa Thanh Hoá và SL Nghệ An.
Thượng tầng trọng tài bóng đá Việt Nam bao năm qua chưa bao giờ yên ổn với những dây này, dây nọ. Giờ thì sau một vụ việc, những vấn đề của giới lãnh đạo trọng tài Việt lại được phơi ra rất rõ.
Trọng tài Hà Anh Chiến mắc sai lầm khó có thể bỏ qua, nhưng việc vua áo đen này bị quy trách nhiệm, bị đổ lỗi hết về mình thì thật cay đắng quá. Ngay cả việc Ban trọng tài đánh giá ông Chiến có năng lực chuyên môn chỉ ở mức trung bình nhưng vẫn tin dùng suốt 2 năm qua cho thấy sự bất hợp lý.
Đã tới lúc các trọng tài cần được bảo vệ và những lãnh đạo của họ cũng cần nhận trách nhiệm, để anh em trong giới cầm còi, cầm cờ tâm phục khẩu phục.
Xem thêm…

Hoãn xử vụ cướp bánh mì

07:56 |

Dự kiến hôm nay (17/5), TAND quận Thủ Đức (TPHCM) sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm với 2 bị cáo Nguyễn Hoàng Tuấn và Ôn Thành Tân (cùng sinh năm 1998, ngụ TPHCM) phạm tội “cướp tài sản”. Tuy nhiên, phiên tòa này đã tạm hoãn.


Lý do hoãn là vì luật sư Đỗ Hải Bình bào chữa chỉ định cho bị cáo Nguyễn Hoàng Tuấn có đơn xin tạm hoãn phiên tòa, Luật sư Bình cho biết, xin tạm hoãn là do vụ án có một vài tình tiết chưa được làm rõ trong quá trình điều tra nên cần đề nghị tòa triệu tập người liên quan.
Theo cáo trạng, khoảng 22h ngày 17/10/2015, Tuấn gặp Tân tại một tiệm internet ở phường Tăng Nhơn Phú B (quận 9). 10h ngày 18/10/2015, Tân lấy xe máy hiệu chở Tuấn đến một quán nhậu ở quận Thủ Đức để xin việc làm.
Trên đường đi, Tân và Tuấn đói bụng nhưng cả hai không có tiền nên nảy sinh ý định “cướp” bánh mì ăn.
Đến trước một tiệm tạp hóa (thuộc địa bàn quận Thủ Đức), Tuấn ngồi sau xe kêu chủ tiệm tạp hóa bán 2 bọc chuối sấy, 1 ổ bánh mì ngọt, 1 bịch đậu phộng rang muối và 3 bịch me trộn đường.
Khi chủ tiệm mang hàng ra xe thì Tuấn giật lấy túi thức ăn, còn Tân tăng ga xe máy bỏ chạy.
Chủ tiệm tạp hóa tri hô, người dân vây bắt được cả hai rồi chuyển cho Công an phường xử lý. Tại cơ quan điều tra, Tuấn và Tân cùng khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Cáo trạng của VKS cho rằng, hành vi phạm tội của Tân, Tuấn là “cướp tài sản” thuộc trường hợp dùng thủ đoạn nguy hiểm và truy tố 2 đối tượng theo Khoản 2, Điều 136 Bộ luật hình sự, với mức hình phạt mỗi đối tượng từ 3-10 năm tù.
Được biết trước đó, bị cáo Ôn Thành Tân còn được Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tặng thưởng huy chương bạc võ sĩ Vovinam. Đây là vụ án nhỏ nhưng thu hút khá nhiều sự quan tâm của dư luận những ngày qua.
Xem thêm…

Áp thuế 5,7 tỷ cho 253 m2 đất: Xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm

07:55 |

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường yêu cầu sáng tỏ những uẩn khúc vụ thu hồi và áp thuế đất nhiều tỷ đồng xảy ra tại Lâm Đồng.


Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trước việc báo chí nêu trường hợp cụ bà Đàm Thị Lích, 75 tuổi tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng bị thu gần 4.000m2 đất và có nguy cơ mất trắng vì không thể đóng được số tiền thuế khổng lồ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa ra chỉ đạo Tổng cục Quản lý Đất đai trực tiếp làm rõ vướng mắc, giải quyết ngay vụ việc này.
Theo phản ánh của báo chí, bà Đàm Thị Lích (75 tuổi, ngụ số 93 Trần Hưng Đạo, tổ 13, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) bị thu gần 4.000m2 đất, gia đình cụ Lích được cấp lại 610m2 đất thổ cư.
Tuy nhiên gần 30 năm sau, cụ bà này đứng trước nguy cơ trắng tay và phải đóng nhiều tỷ đồng để sử dụng chính mảnh đất được “quy đổi” từ 3.925m2 đất mà gia đình bà đã khai phá và được công nhận là lô đất thổ cư từ nhiều năm trước. Sự việc đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ” trong khi chính quyền địa phương thực hiện tinh thần “im lặng là vàng”.
Mới đây nhất, cụ Đàm Thị Lích đã có đơn khiếu nại gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng với mong muốn được làm sáng tỏ những uẩn khúc bị “chìm xuồng” lâu nay.
Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai dẫn đầu đoàn công tác trong ngày 14/5 phải trực tiếp vào phối hợp, làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Lâm Đồng và UBND huyện Đức Trọng kiểm tra ngay vấn đề báo chí nêu.
Thứ hai, Bộ trưởng yêu cầu: Khi làm việc với địa phương, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và môi trường phải kiểm tra, làm việc đảm bảo giải quyết vấn đề trên tinh thần bảo vệ lợi ích của người dân.
Vận dụng đúng, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước để giải quyết cho người dân mà cụ thể ở đây là trường hợp bà Đàm Thị Lích theo đúng tinh thần của Luật Đất đai 2013, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ ba, sau khi kiểm tra, nếu phát hiện bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sai phạm thì xử lý theo tinh thần thượng tôn pháp luật, xử lý nghiêm không loại trừ một ai.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu Tổng cục Quản lý Đất đai bên cạnh việc thường xuyên tiếp nhận thông tin người dân, doanh nghiệp phản ánh qua đường dây nóng 043.7957889 về tình trạng cán bộ, công chức gây khó khăn, nhũng nhiễu trong thi hành Luật Đất đai, đặc biệt là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất thì cần phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra các vấn đề mà các cơ quan báo chí đã nêu liên quan đến lĩnh vực này./.

Xem thêm…

Muốn thanh, kiểm tra doanh nghiệp, cần phải có căn cứ

07:53 |

Nghị quyết vừa được Chính phủ ban hành hôm qua (16/5) nêu rõ nguyên tắc không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không được quá 1 lần/năm. Kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp.


Có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào 2020
Hôm qua (16/5), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó nêu rõ: "Việt Nam phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu dựa trên tri thức đổi mới, sáng tạo, khoa học và công nghệ cao, trong đó doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế".
Mục tiêu là, đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.
Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm, có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Một trong những nguyên tắc quan trọng và hàng đầu đó là Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng nêu rõ nguyên tắc thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.
Theo Nghị quyết này, Nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách; ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện. Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành và thực thi chính sách phải bảo đảm xác định rõ mỗi nhiệm vụ có một đầu mối và người chịu trách nhiệm.
Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: Vốn, tài nguyên, đất đai… và đầu tư kinh doanh. Có chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển.
"Các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý" - bản Nghị quyết nêu rõ.
Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần bảo đảm mục tiêu ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật. Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, song song với đó, doanh nghiệp cũng phải đảm bảo nguyên tắc "nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác; đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh".
Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ đã đối thoại và lắng nghe phản ánh, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp
Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ đã đối thoại và lắng nghe phản ánh, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp
Kiên quyết xử lý cán bộ gây phiền hà cho doanh nghiệp
Nghị quyết cũng đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp, trong đó giải pháp đầu tiên là cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Cụ thể, quán triệt cán bộ công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính; chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu; tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp. Công khai quy trình và cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ, tăng cường thanh tra công vụ; kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về các vi phạm của công chức, viên chức trong phạm vi quản lý.
Kế hoạch thanh tra, kiểm tra và kiểm toán doanh nghiệp phải được công khai trước để tránh trùng lặp, chồng chéo; không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực về quản lý thuế.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá 1 lần/năm); kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng; chỉ đạo các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để báo cáo Chính phủ sửa đổi theo hướng phân định rõ chức năng quản lý nhà nước, không bỏ sót hoặc chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.
Xem thêm…

Xe du lịch tự lái Trung Quốc được vào Móng Cái tối đa 3 ngày

07:50 |

Nguồn tin Dân trí vừa cho biết, Bộ Giao Thông Vận Tải (GTVT) mới ban hành văn bản hướng dẫn UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện tổ chức thí điểm xe ô tô du lịch tự lái được hoạt động giữa Tp Đông Hưng (Trung Quốc) và Tp Móng Cái (Quảng Ninh). Bộ này yêu cầu: Không cấp giấy phép loại B cho loại xe này.


Trước đó, ngày 11/1/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh Quảng Ninh về đề xuất thí điểm hoạt động xe ô tô du lịch tự lái giữa Tp Móng Cái (Quảng Ninh) và Tp Đông Hưng (Trung Quốc) trong thời hạn 1 năm. Tỉnh Quảng Ninh phối hợp làm việc với Bộ GTVT để có phương án xây dựng và quản lý tốt các phương tiện du lịch. Hết hạn thí điểm, tỉnh phải tổng kết, đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Trong Văn bản hướng dẫn, Bộ GTVT nêu rõ: Trong thời gian thí điểm, cơ quan chức năng không sử dụng mẫu giấy phép loại B để cấp cho các phương tiện du lịch tự lái. Về tổ chức quản lý đoàn xe ô tô tự lái vào du lịch, tỉnh Quảng Ninh chỉ được giao cho một đơn vị thực hiện thí điểm là Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ Hồng Gai (đơn vị được Tỉnh đề xuất).
Công ty dẫn đoàn, tổ chức phải hướng dẫn xe đi theo đoàn, trong phạm vi thành phố Móng Cái, không vượt quá Trạm Kiểm soát liên hợp K15 và xe không được hoạt động trên đường quốc lộ 18C (đường vành đai biên giới) và các khu vực quân sự.
Đặc biệt, thời gian lưu hành tối đa đối với đoàn xe du lịch tự lái tại Việt Nam không quá 03 ngày. Trong trường hợp bất khả kháng do phương tiện hư hỏng, tai nạn giao thông thì được phép ở thêm tối đa 01 ngày.
Các cơ quan chức năng của Quảng Ninh phải thực hiện theo nguyên tắc đoàn vào lần trước xuất cảnh hết mới được tổ chức đoàn tiếp theo nhập cảnh. Người và phương tiện nhập cảnh phải làm thủ tục khai báo tại bộ phận cửa khẩu của Sở GTVT Quảng Ninh.
Trước đó, theo Văn bản kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh về nội dung trên, tỉnh này đề nghị Chính phủ và bộ, ngành liên quan mở cơ chế giao lưu, hợp tác phát triển du lịch của cư dân hai thành phố, đặc biệt việc cho phép cá nhân người Trung Quốc - Việt Nam được điều khiển xe ô tô du lịch 9 chỗ ngồi trở xuống qua lại hai thành phố.
Theo Bộ GTVT và UBND tỉnh Quảng Ninh, xe du lịch tự lái của cư dân Trung Quốc sang Móng Cái phải phải chấp hành Luật Giao thông đường bộ Việt Nam; xe du lịch vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam hoặc các hiệp định, nghị định thư, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc ký kết.
Xem thêm…

Ô tô Thái ồ ạt vào Việt Nam

07:40 |

Bốn tháng đầu năm, hơn 10.000 chiếc xe Thái được nhập khẩu vào Việt Nam; trong đó, riêng tháng 4/2016 đã có hơn 2.300 chiếc.


Tổng cục Hải Quan vừa công bố cập nhật về mặt hàng được nhập khẩu trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2016. Theo đó, trong tháng 4/2016, Việt Nam nhập khẩu hơn 9.300 chiếc xe, trị giá hơn 250 triệu USD, số lượng xe Thái Lan nhập khẩu nhiều nhất với 2.300 chiếc (chiếm 25%). Tổng lượng nhập xe ô tô 4 tháng đầu năm 2016 đạt 29.054 chiếc xe, trị giá 732,7 triệu USD, tăng mạnh về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Xe Thái tiếp tục dẫn đầu vào Việt Nam với lượng nhập khẩu đạt 10.155 chiếc, xe Hàn Quốc đứng thứ 2 với 5.369 chiếc, Trung Quốc là 4.261 chiếc, Nhật Bản là 2.528 chiếc và Ấn Độ là 2.363 chiếc.
Riêng trong tháng 4/2016, con số nhập xe Thái đạt hơn 2.300 chiếc, tương đương với lượng xe nhập khẩu 3 tháng của Nhật Bản và Ấn Độ vào Việt Nam; so với số lượng xe nhập từ chính thị trường này 3 tháng trước, lượng xe nhập tháng 4/2016 tăng gần 130%.
Trước đó, 3 tháng đầu năm 2016, số lượng xe ô tô nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam cũng đạt hơn 7.800 chiếc, thị trường này dẫn đầu trong cung cấp xe ô tô cho Việt Nam, tiếp sau là Hàn Quốc với 3.560 chiếc và 2.260 chiếc của Trung Quốc.
Theo nhận định của giới chuyên môn, xe Thái Lan được nhập khẩu mạnh vào Việt Nam chủ yếu là các dòng xe bán tải, đang có mức thuế thấp theo mức thuế cam kết của Việt Nam trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Bên cạnh đó, hiện các dòng xe bán tải phù hợp với lựa chọn của nhiều người dân Việt Nam bởi các mức thuế dòng xe bán tải như: phí trước bạ, đăng ký xe, làm biển, thuế tiêu thụ đặc biệt hay các mức thuế - phí khác cũng thấp hơn nhiều so với các dòng xe du lịch 4 - 7 chỗ… Đây cũng chính là dòng xe chiến lược mà các nhà sản xuất ô tô Thái hướng đến để tập trung cạnh tranh, đổ bộ vào thị trường Việt Nam và ASEAN.
Cũng về con số nhập khẩu, ba tháng đầu năm 2016, theo công bố của Hải quan, Việt Nam gia tăng nhập siêu từ Thái Lan. Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này 3 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 836 triệu USD nhưng nhập khẩu đạt 1,8 tỷ USD, mức thâm hụt cán cân thương mại gần 1 tỷ USD. Đây là mức thâm hụt quý cao nhất trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam với 1 nước đối tác trong ASEAN trong 2 năm trở lại đây.
Đáng chú ý, các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu cao từ Thái Lan trong thời gian gần đây tập trung nhiều vào các mặt hàng như: hàng điện gia dụng và linh kiện; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng và ô tô, sản phẩm tiêu dùng...
Xem thêm…

Phục chức bí thư chi bộ cho người tố cáo lãnh đạo sai phạm

10:27 |

Ông Trương Văn Long, người tố cáo các sai phạm của lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công trình Đô thị Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã được phục chức Bí thư chi bộ.

Ngày 10-5, Công ty TNHH MTV Công trình Đô thị Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang xác nhận đã có quyết định hủy quyết định miễn nhiệm chức vụ bí thư chi bộ Đội Vệ sinh môi trường đối với ông Trương Văn Long mà trước đó ông Nguyễn Công Khanh, Bí thư Đảng ủy công ty đã ký trái quy định.
Ông Long chính là người đứng ra tố cáo hàng loạt sai phạm có liên quan đến lãnh đạo công ty này đang được cơ quan công an tỉnh Tiền Giang thụ lý điều tra thì bỗng nhiên bị cách chức đội phó và bãi miễn chức vụ bí thư chi bộ.
Liên quan đến vụ tố cáo của ông Long, cơ quan Thanh tra tỉnh Tiền Giang đã mời ông đến để trao đổi và cho biết sẽ thành lập đoàn thanh tra để xác minh những sai phạm theo đơn tố cáo.
Không chỉ vậy, mới đây nhiều công nhân khác còn tố cáo thêm nhiều việc khuất tất khác như cứ đến dịp tết là ông Đặng Văn Bông ( Đội phó Đội Công viên cây xanh) đều có bút phê “Kế hoạch vận chuyển” hàng trăm giỏ hoa để phục vụ … nhà riêng lãnh đạo và cả những người thân của lãnh đạo.
Cụ thể, vào dịp tết Nguyên đán năm 2015, ông Bông lập kế hoạch vận chuyển hoa cho nhà lãnh đạo và người nhà của lãnh đạo như sau: Anh Hoàng (Phan Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND thành phố Mỹ Tho, nguyên giám đốc công ty-PV) nhà đường Hồ Văn Nhánh 4 loại ( mỗi loại 20 giỏ), nhà đường Trịnh Hoài Đức 4 loại 10 giỏ; nhà anh Khanh (Nguyễn Công Khanh, Phó giám đốc- PV) 4 loại, mỗi loại 20 giỏ; nhà anh Kiệt (Lê Anh Kiệt, Phó giám đốc-PV) 4 loại, mỗi loại 20 giỏ, Mỹ (Trần Thị Thiện Mỹ- Trưởng Phòng kế toán -PV) 4 loại, mỗi loại 20 giỏ.
Ngoài số quà tình cảm cho các lãnh đạo đó, nhà của mẹ ông Hoàng cũng được “tặng” 60 giỏ hoa, nhà ông Đức, Trưởng Phòng Quản lý đô thị cũng được tặng 30 giỏ….
Khi được hỏi, ông Nguyễn Minh Trị, Phó Bí thư Đảng ủy công ty cho biết: “Hàng năm công ty có kế hoạch sản xuất hoa tươi để trưng bày các tiểu đảo, vòng xoay, nhà bia, tượng đài…do công nhân thể hiện tình cảm trong dịp tết với lãnh đạo nên chở đến nhà chứ ban giám đốc không có chỉ đạo”.
Khi ông L.T.T thắc mắc vụ vì sao nhà lãnh đạo được ưu ái tặng hàng trăm giỏ hoa đến tận nhà thì ban giám đốc công ty đã mời ông T… đến lập hội đồng khen thưởng để kỷ luật ông T. Theo tinh thần cuộc họp, đã thống nhất cách chức Đội phó đối với ông T. Ông T. liền “cầu cứu” đến UBND thành phố Mỹ Tho. Sau đó, công ty mời ông T. đến thông báo “ Theo ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND thành phố Mỹ Tho tạm ngưng về việc cách chức đội phó đối với ông T. chờ kết luận của công an điều tra".
Xem thêm…

Thủ tướng quyết định hỗ trợ khẩn cấp người dân thiệt hại vụ cá chết

10:27 |

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường.

Cụ thể, hỗ trợ hộ nông dân, ngư dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (gọi chung là cơ sở nuôi trồng thủy sản) bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường theo quy định tại Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg.
Hỗ trợ 15kg gạo/người/tháng trong thời gian 1,5 tháng đối với các nhân khẩu thuộc hộ gia đình chủ tàu và hộ gia đình của lao động trên tàu khai thác hải sản ở vùng ven bờ, vùng lộng không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 90 CV và các hộ gia đình làm dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng trực tiếp.
Hỗ trợ một lần tối đa 5 triệu đồng/tàu không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 90 CV đánh bắt ven bờ và vùng lộng do phải tạm ngừng ra khơi khai thác hải sản. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức hỗ trợ cụ thể theo từng loại tàu, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Các doanh nghiệp, chủ vựa, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có hoạt động thu mua, dịch vụ hậu cần nghề cá được vay vốn tín dụng tại các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định với lãi suất thấp nhất áp dụng cho lĩnh vực ưu tiên, kỳ hạn ngắn và được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian tạm trữ tối đa 6 tháng để thu mua, tạm trữ hải sản từ ngày 5/5-5/6/2016.
Hải sản khai thác trong vùng biển từ 20 hải lý trở vào bờ thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế khi cơ quan có thẩm quyền xác nhận không bảo đảm an toàn buộc phải tiêu hủy thì được hỗ trợ không quá 70% giá trị.
Hỗ trợ khắc phục hậu quả môi trường (chi phí tiêu hủy hải sản chết bất thường như: chi phí vận chuyển, thu gom, vật tư, hóa chất khử trùng, tiêu độc; hỗ trợ tiền công tiêu hủy, bảo hộ lao động, trang thiết bị.
Xem thêm…

Đoàn công tác cùng nhóm thợ lặn thấy gì dưới đáy biển Quảng Bình?

10:25 |

Sau chuyến lặn khảo sát tại một số điểm được cho là có cá chết xếp tầng dưới đáy biển, bước đầu, đoàn công tác của Trung tâm Điều tra tài nguyên – môi trường biển và Sở TN-MT Quảng Bình cho biết không phát hiện tình trạng cá chết xếp tầng dưới đáy biển hay mắc trong rạn san hô...


Ông Phan Xuân Hào, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Quảng Bình cho biết, ngày 7/5, đoàn công tác của Trung tâm Điều tra tài nguyên – môi trường biển (MGMC) thuộc Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam (VASI) cùng một nhóm thợ lặn là ngư dân người địa phương đã phối hợp với Sở TN-MT Quảng Bình lặn khảo sát, lấy mẫu ở một số điểm được cho là có hiện tượng cá chết xếp tầng, hải sản và rạn san hô chết dưới đáy biển.
Khác với phản ánh của ngư dân, điều bất ngờ là các cảnh quay dưới biển của đoàn công tác cho thấy không phát hiện cá chết xếp tầng dưới đáy biển hay mắc trong rạn san hô, cũng không có hiện tượng nước màu trắng đục nghi có hóa chất...
Ông Hào cho biết thêm, các mẫu đoàn đã lấy dưới đáy biển như bùn đất, xác thủy hải sản, san hô và các trầm tích phải được phân tích rất cẩn trọng, chuyên sâu. Ngoài ra, các mẫu nước biển ở tầng đáy, tầng mặt cũng phải phân tích một cách kỹ lưỡng trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. Còn hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn chưa thể đưa ra một nhận định cụ thể nào.

Tàu chở đoàn công tác thả neo cách cửa sông Nhật Lệ chừng 3 hải lý.
Tàu chở đoàn công tác thả neo cách cửa sông Nhật Lệ chừng 3 hải lý.
Trước đó, cũng trong ngày 7/5, PV Dân trí đã cùng một nhóm thợ lặn ở xã Quang Phú, TP Đồng Hới có thâm niên trên 30 năm mưu sinh trên biển, đi khảo sát vùng biển cách cửa sông Nhật Lệ, TP Đồng Hới khoảng 3 hải lý.
Kết quả sau khoảng 30 phút lặn tìm dưới đáy biển, nhóm thợ lặn đã mang lên một bao lưới trong đó có những rạn san hô đổi màu hồng thành trắng, từng con hải sâm, vẹm, sò, hàu… chết và đang trong quá trình phân hủy.
Từng rạn san hô đổi màu từ hồng sang trắng
Từng rạn san hô đổi màu từ hồng sang trắng
Hàu, vẹm, hải sâm... chết đang trong quá trình phân hủy
Hàu, vẹm, hải sâm... chết đang trong quá trình phân hủy
Các thợ lặn này cũng cho biết, khoảng hơn 2 tuần trước đó, trong lúc lặn dưới biển, cách đất liền từ 2 - 3 hải lý, họ có thấy cá chết rất nhiều nằm dưới tầng đáy biển. Tuy nhiên ở thời điểm này không còn thấy con cá nào, dù là cá sống hay cá chết.

Xem thêm…

20 hộ dân "treo" tính mạng dưới bãi thải khổng lồ

10:24 |

Nằm ngay dưới chân bãi thải khổng lồ với hàng nghìn m3 đất đá chất tầng cao tới hàng chục mét, cuộc sống của 20 hộ dân tổ 9, khu 6, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả lâm vào cảnh khốn khổ, mùa khô thì bụi, mưa bão thì sợ núi sập đè chết người.


Mưa hay nắng đều khốn khổ
Theo quan sát của phóng viên, bãi đất đá thải cao vài chục mét nằm chình ình ngay trên đầu hàng chục hộ dân là "tác phẩm" của Công ty TNHH MTV Thăng Long nhiều năm qua. Bãi thải này hiện đang đe doạ nghiêm trọng tới đời sống, tính mạng và tài sản của cả khu dân cư.
Vì thế, 20 hộ dân nơi đây luôn lo sợ khi mùa mưa lũ đến gần khiến bãi thải này ngậm úng nước và có thể đổ sập xuống đầu người dân bất cứ lúc nào. Các hộ dân nơi đây đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới các cấp chính quyền nhưng bãi thải khổng lồ này vẫn nằm ngang nhiên tồn tại như một sự thách thức.
Ông Vũ Văn Mỳ (55 tuổi), một cư dân sinh sống tại khu dân cư từ trước năm 1990 cho biết, cứ trời mưa là đất đá từ bãi thải trôi xuống vùi lấp hết cống, vườn và cả đường đi. “Vườn nhà tôi trồng vài gốc cam nhưng giờ đất đá bao vây chả biết có thu hoạch được không”, ông Mỳ nói.
Bà Bùi Thị Dung (52 tuổi) sống sát nhà ông Mỳ bức xúc phản ánh, khi họ đổ thải lúc trời nắng thì bụi bay mù mịt, bụi phủ kín hết đồ đạc trong nhà, cây cối ngoài vườn, đường đi... Bụi khiến người dân lúc nào cũng thấy khó thở, ngột ngạt.
Còn theo anh Tấn Văn Thạnh (40 tuổi, nhà ở ngay sát ranh giới của Công ty than Thăng Long), nhà anh có tới hơn 600 gốc na và cam nhưng do trời mưa cuốn trôi bùn cùng với nước từ bãi thải chảy xuống làm nguồn nước ở các giếng khoan, giếng khơi nơi đây bị ô nhiễm nên không có nước tưới cây. “Nước trong giếng vàng đục, nước ở cống thoát nước cũng đỏ ngầu. Tưới cây thì chỉ có chết cây thôi”, anh Thạnh nói.
bt3-1462786680180
Chỉ cần một trận mưa lớn có thể bãi thải này đổ ập xuống và xoá sổ hàng chục hộ dân đang sinh sống dưới chân bãi thải.
Có mặt tại tổ 9 khu 6, phóng viên Dân trí ghi nhận sát khu dân cư là một bãi thải cao tới hàng chục mét. Và ngay dưới chân núi nhân tạo khổng lô này là cuộc sống của hơn 20 hộ dân. Trong đó, nhà gần bãi thải nhất là nhà của ông Nguyễn Văn Chi, chỉ cách khoảng 20m. Vườn những hộ dân gần bãi thải bị đất đá phủ kín bề mặt, cống thoát nước cũng bị đất đá tấn công.
Hoàn nguyên hay tiếp tục đổ thải?
ông Phạm Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND phường Mông Dương cho biết, Công ty TNHH MTV Thăng Long đã dừng khai thác tại khu vực này từ lâu. Do quá trình khai thác để lại hiện trạng lồi lõm nên năm 2015 công ty tiến hành hoàn nguyên chứ không đổ thải.
Giải thích về bãi thải khổng lồ nằm ngay sát khu dân cư, ông Chiến cho rằng: “Trông thế chứ thực tế bãi thải này đã có từ trước, lại nằm ở bình độ cao và mới đổ thêm chút ít nên nhìn nó mới như vậy”.
Ông Chiến cùng khẳng định, UBND phường đã từng nhiều lần có văn bản yêu cầu công ty TNHH MTV Thăng Long dừng đổ thải tại đây.
Còn theo phản ánh người dân, ngay từ tháng 1/2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đình chỉ việc khai thác than của công ty TNHH MTV Thăng Long tại đây do không thực hiện đúng thiết kế kỹ thuật và qui trình đổ thải để đảm bảo môi trường cho các hộ dân.
Tháng 6/2013, công ty này đã thực hiện xong công tác cải tạo phục hồi hoàn nguyên môi trường. Tuy nhiên theo phản ánh của các hộ dân, từ tháng 7/2015, công ty lại tiếp tục cho xe đổ thải lên diện tích mà công ty đã hoàn nguyên xong ngay sát các hộ dân. Chỉ trong vài tháng bãi thải đã cao lên tới vài chục m khiến người dân cho rằng công ty này lấy lý do hoàn nguyên chứ thực chất là tiếp tục đổ thải tại đây!
bt2-1462786537828
Cống thoát nước này luôn bị đất đá vùi lấp gây ngập lụt cho hàng chục hộ dân nơi đây.
Điều đáng nói, gần đây Công ty than Thăng Long mới dừng hoạt động đổ thải tại khu vực trên. Ngay từ tháng 11/2015, UBND phường Mông Dương đã từng đề nghị Công ty than Thăng Long dừng toàn bộ hoạt động san gạt, bốc xúc đất đá và di chuyển mày móc thiết bị ra khỏi khu vực…
Đồng thời chính quyền địa phương cũng yêu cầu công ty này tiến hành nạo vét khơi thông dòng chảy, giải quyết triệt để kiến nghị chính đáng của người dân; khẩn trương lập phương án cải tạo phục hồi môi trường. Có phương án xử lý cho các hộ dân đã bị ảnh hưởng tại khu vực trên.
Đến nay, mặc dù Công ty than Thăng Long đã dừng đổ thải nhưng bãi thải này vẫn đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các hộ dân nơi đây, nhất là khi mùa mưa lụt đang đến gần. Vì vậy người dân nơi đây đang rất mong chờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và Cty TNHH MTV Thăng Long để người dân bớt lo sợ khi mùa mưa bão đang đến gần.
Xem thêm…

Vụ bé 2 tháng tuổi tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem: Do sốc phản vệ

10:11 |

Chiều muộn ngày 9/5, Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Hà Nội đã họp xong, xác định nguyên nhân khiến bé T.T.H (2 tháng tuổi ở Thường Tín, Hà Nội) tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem là do sốc phản vệ.


Sau ca tử vong ngày 5/5, chiều 9/5 Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Hà Nội đã họp, đưa ra kết luận ban đầu: trẻ tử vong do sốc phản vệ sau tiêm vắc xin Quinvaxem trên cơ địa bé mắc bệnh cơ tim giãn.
Trước đó, sáng ngày 5/5, bé H được gia đình đưa đến trạm y tế xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín để tiêm vắc x in 5 trong 1 Quinvaxem. Đây là mũi tiêm vắc xin 5 trong 1 đầu tiên của bé.
Sau tiêm 30 phút, trẻ được theo dõi tại Trạm Y tế xã trong 30 phút, thấy không có gì bất thường nên gia đình chưa trẻ về nhà. Gần một ngày sau, rạng sáng hôm 6/5 bé có biểu hiện sốt cao, ho nên được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín. Theo dõi thấy bệnh nhi ổn định, bác sĩ đã cho trẻ ra viện về nhà theo dõi tiếp.
Tuy nhiên khi về nhà thấy con có biểu hiện thở nhanh, khó thở tăng dần, gia đình nhanh chóng đưa bé trở lại Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín vào buổi chiều cùng ngày. Bệnh nhi nhanh chóng được chuyển lên BV Đa khoa Xanh Pôn tuy nhiên bé đã không qua khỏi.
Xem thêm…

Nhà máy 2.400 tỷ ở Phú Thọ ‘chết yểu’

10:10 |

Dù đã gần hoàn thành, nhưng hơn 4 năm nay, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ vốn đầu tư 2.400 tỉ lại nằm bất động, mặc cho thời gian, sương gió đang tàn phá những thiết bị nghìn tỷ.


Cuối 2007, Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến 2015 và tầm nhìn đến 2025”, với mục tiêu phát triển nhiên liệu sinh học để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường. Ngay sau đó, hàng loạt DN đã đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp mới mẻ đầy hứa hẹn này. 7 dự án nhà máy sản xuất ethanol để làm nguyên liệu phối trộn xăng sinh học ra đời trên cả nước.
Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các dự án này đều đang “sống dở chết dở”: Có nhà đã xong nhưng đóng cửa khi chưa kịp hoạt động, có nhà máy đi vào hoạt động nợ nần nguy cơ phá sản, có nhà máy xây giữa chừng bỏ dở chôn vốn hàng ngàn tỷ.
Công nghệ Mỹ, thiết bị EU “đắp chiếu”
Đầu tháng 4/2016, có mặt ở Nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ (xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), hiện ra giữa mênh mông đồng ruộng là khung cảnh một nhà máy im lìm, hoang lạnh. Quanh nhà máy, ngoài một số người làm công tác bảo vệ thì không còn dấu hiệu của công tác thi công hay sản xuất.
Những người dân xung quanh đây cho biết, “đợt vừa rồi vừa có đoàn trên tỉnh về nên họ bắt đầu cắt cỏ xung quanh để nhìn cho đỡ chướng mắt một chút rồi đấy”.
Và dù cỏ dại, dây leo đã được cắt xén cho đỡ “nhức mắt”, nhưng khung cảnh bên trong nhà máy vẫn hiện lên cảnh hoang lạnh. Hàng trăm ngàn tấn trang thiết bị được giới thiệu là công nghệ Mỹ, thiết bị EU, Đan Mạch, Thái Lan, Ấn Độ…” nằm phơi nắng, phơi mưa khiến ai cũng xót xa.
Trên công trường nhà máy, các hạng mục quan trọng của nhà máy gần như đã cơ bản hoàn tất như: nhà điều hành, kho sắn, nhà nghiền, nhà sản xuất chính, khu bồn cồn thành phẩm, khu xử lý chất thải, khu điện, khu lò hơi…
Các thiết bị cho các hạng mục chính khác của nhà máy như hệ thống xử lý nước thải, cấp nước, cụm nghiền, hệ thống lò hơi, tháp làm mát… đã được lắp đặt.
Tuy nhiên, tất cả những thiết bị mới toanh, “ngốn” tiền tỉ ngày nào, giờ đã nhuốm màu vàng nhợt, rỉ sét. Từng mảng bê tông bong tróc, lở loét. Những thiết bị dang dở cái thì được đắp bạt kín mít, cái thì để chỏng chơ giữa trời.

Ở phía trong nhà máy, nhiều hạng mục vẫn còn dang dở, nhiều khối thiết bị đắp chiếu han gỉ.
Ở phía trong nhà máy, nhiều hạng mục vẫn còn dang dở, nhiều khối thiết bị đắp chiếu han gỉ.
Trước thực tế này, ít ai có thể ngờ rằng, đây lại là hình hài của một nhà máy có vốn đầu tư ban đầu là khoảng 1.700 tỉ đồng, sau điều chỉnh lên hơn 2.400 tỉ đồng.
Đây là một trong những dự án nguyên liệu sinh học nhằm sản xuất ethanol làm nguyên liệu phối trộn tạo xăng sinh học. Chủ đầu tư trực tiếp là Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB).
Triển khai cách đây hơn 6 năm, từ tháng 6/2009, nhà máy có diện tích hơn 50 ha này được khởi công và dự kiến đi vào sản xuất từ năm 2012. Thế nhưng khi đã xong khoảng 80% khối lượng công việc, từ cuối năm 2011 đến nay dự án dừng thi công, toàn bộ hệ thống nhà xưởng đang từng ngày lâm cảnh hoang tàn.
Thiếu vốn được cho là một trong những nguyên nhân đầu tiên khiến dự án này chẳng thể hoàn thành việc xây dựng. Chủ đầu tư đã phải tính đến việc điều chỉnh vốn. Thế nhưng, không được các cổ đông chấp thuận.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến khi dừng triển khai, các hạng mục chính của dự án đã được triển khai thi công với phần lớn khối lượng đã hoàn thành. Dự án tạm dừng thi công do khó khăn về vốn. Chủ đầu tư và các bên góp vốn chưa thống nhất phương án xử lý giá trị hợp đồng và do tình hình tiêu thụ sản phẩm nhiên liệu sinh học trên thực tế rất chậm.
Những hệ lụy
Dự án dừng, những người nông dân trước đây phải nhường hơn 50 ha đất cho xây dựng nhà máy không khỏi tiếc nuối.
Ở đối diện nhà máy, ông Nguyễn Đăng Lượng, Trưởng khu I, xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông băn khoăn: Họ thu hồi đất xong, dự án không làm được, đất của bà con nông dân để “chết” lâu năm quá. 50 ha đất dành xây nhà máy là của 3 xã Cổ Tiết, Tam Cường, Văn Lương, trong đó xã Cổ Tiết chiếm khoảng 27 ha.

Rất nhiều hạng mục vẫn còn chờ hoàn thiện. Đã 2.400 tỷ đổ vào đây nhưng giờ nó đang xuống cấp hàng ngày.
Rất nhiều hạng mục vẫn còn chờ hoàn thiện. Đã 2.400 tỷ đổ vào đây nhưng giờ nó đang xuống cấp hàng ngày.
“Khu đất đó đa số trồng 2 vụ, người dân cơ bản sống bằng trồng lúa. Tôi đồng ý là đất nước phát triển phải có công nghiệp. Nhưng xây dựng nhà máy lại dở dang, không hoạt động được chắc chắn dân không được hưởng lợi. Dự án lấy đất của dân, có đền bù, nhưng nhà máy không đi vào hoạt động thì cái lợi lớn nhất và lâu dài chưa thấy mà đất đai hoang phí, tiền đầu tư lãng phí, nhìn mà xót.
Vợ ông Lượng bày tỏ, “lúc đầu họ nói nhà máy làm xong sẽ tuyển công nhân vào làm nhưng giờ nhà máy có hoạt động được vào đâu mà tuyển. Nhà máy may ở bên cạnh, tuy giá đất đền bù thấp hơn, nhưng đi vào hoạt động ngay, bao nhiêu công nhân vào làm việc cũng đỡ.
Nhà máy bế tắc khiến các lãnh đạo của tỉnh Phú Thọ phải đau đầu. Trong những cuộc làm việc với lãnh đạo Chính phủ về dự án, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đều bày tỏ mong muốn chủ đầu tư sớm hoàn thành dự án. Nhưng đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Trao đổi với VietNamNet, ông Phan Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết: Dự án này khởi công từ năm 2009, đến giờ phút này vẫn không ra được giọt sản phẩm nào. Nhà máy lấy trên 50 ha đất ruộng, chủ đầu tư đã đền bù cho dân rồi nhưng đến nay vẫn còn mấy chục hộ vẫn không nhận đền bù.
“Chúng tôi đã gửi công văn lên sở, lên tỉnh nhiều lần rồi nhưng nhà máy vẫn cứ im lìm như thế” – ông Phan Văn Ngọc bức xúc.
Chưa hết, khi nhà máy nghìn tỷ này rục rịch đầu tư, một vùng nguyên liệu cho nhà máy cũng đã được tính đến. Khi đó, người dân các huyện Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Sơn đua nhau trồng sắn nguyên liệu cho nhà máy. Nhưng đến khi trồng xong nhà máy vẫn chưa đi vào hoạt động nên không có người mua. Loại sắn này người không ăn được, gia súc cũng không thể ăn nổi, người dân lâm cảnh khổ sở vì sắn.
“Giờ người dân thôi không trồng nữa rồi, họ chuyển đổi mục đích sản xuất, không trồng sắn nữa và trồng chè là chính thôi” – ông Phan Văn Ngọc cho biết.

Xem thêm…

Ông Nguyễn Văn Mùi nhận định gì về trọng tài Hà Anh Chiến?

09:56 |

Trước phản ứng quá mạnh của dư luận trước sai phạm rõ ràng của trọng tài Hà Anh Chiến, Trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi công khai khẳng định thuộc cấp của mình đã làm sai lệch kết quả trận đấu.


Người đứng đầu Ban trọng tài nói: “Trước mắt, Ban trọng tài sẽ không phân công trọng tài Hà Anh Chiến làm nhiệm vụ trong các trận đấu tại V-League. Vì tình huống xử lý của trọng tài này là sai lầm nghiêm trọng, làm sai lệch kết quả trận đấu”.

Trước mắt, mức “treo còi” trọng tài Hà Anh Chiến có thể là đến hết lượt đi mùa giải năm nay. Tuy nhiên, đây chỉ là mức phạt ban đầu, trong thời gian tới, đặc biệt là sau cuộc họp vào đầu tháng 6, Ban trọng tài sẽ xem xét việc có phạt nặng hơn với trọng tài Hà Anh Chiến hay không.
Cũng theo Trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi, thì: “Trọng tài Hà Anh Chiến đã mắc sai lầm rõ ràng về mặt chuyên môn. Đấy là sai lầm không thể bào chữa. Tuy nhiên, chúng tôi không có cơ sở để kết luận trọng tài Hà Anh Chiến có vấn đề tư tưởng hay không, có tiêu cực hay không?”.
Trước đó, Tổng giám đốc VPF (đơn vị quản lý giải V-League) Cao Văn Chóng cũng thẳng thắn cho rằng sai lầm của trọng tài Hà Anh Chiến là không thể chấp nhận, đồng thời VPF sẽ tạm thời không mời trọng tài này hợp tác trong thời gian tới, trong khi chờ quyết định chính thức từ Ban trọng tài.
Cũng sau vòng 9 V-League, một trợ lý trọng tài không phát hiện tình huống bóng qua vạch vôi khung thành hơn cả mét, trong trận Hà Nội T&T – Hải Phòng trên sân Hàng Đẫy, từ đó khước từ bàn thắng hợp lệ của Hà Nội T&T cũng đã mắc sai lầm nghiêm trọng, và cũng có khả năng bị “treo cờ” cho đến hết lượt đi mùa giải năm nay.
Xem thêm…

Copyright ©2015
Mọi thông tin xin liên hệ: tinhhinhvietnamnews@gmail.com