Đó là chuyện "ngóng" phong bì. Không, nó thậm chí không còn là “ngóng” nữa mà là ép, là bắt buộc kiểu có đưa hay không thì bảo? Có thì xong việc, không thì đợi đấy. Thậm chí, không có là không xong.
Sau tuyên ngôn “nức lòng” dân “Chúng tôi sẽ tiết kiệm từng đồng tiền thuế của nhân dân” của tân Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Trương Quang nghĩa về việc đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, gây lãng phí và thất thoát tiền của nước, của dân thì mới đây, Bộ trưởng Nghĩa lại nói một câu “giật mình” không ít quan chức dưới quyền.
Đó là ngày 15/3, sau khi nghe nghe chủ đầu tư dự án cầu Ghềnh loằng ngoằng giải thích lý do không giải ngân cho bên thi công bởi… giỗ tổ Hùng vương dù tiền đã đến kho bạc, ông Nghĩa đã nói “huỵch toẹt” bản chất của sự việc:
“Nghe các anh nói là tôi thấy lòi ra tư tưởng phong bì, thế nọ, thế kia nên dứt khoát không để việc này tồn tại. Bộ GTVT là một trong những đơn vị làm tốt cải cách hành chính. Vụ việc cầu Ghềnh được cả nước quan tâm nên không thể chậm trễ, các đơn vị phải hỗ trợ cho nhau và rút ngắn được thêm thời gian thi công một ngày cũng thật quý giá”.
Vâng, Bộ trưởng đã chỉ đích danh “cái tổ con chuồn chuồn” của không ít cán bộ, công chức thời nay. Đó là tư tưởng “ngóng”. Không, “chờ”. Mà “chờ” cũng chưa chính xác, đó là bắt ép phải “nôn” phong bì ra.
Thành thật xin lỗi bạn đọc phải dùng cái từ “nôn” mất vệ sinh này. Nhưng bản thân cái việc làm đó nó bẩn thì sao đáng được dùng ngôn từ… sạch sẽ?
Có điều buồn thay, chuyện “phong bì mất vệ sinh” ở ta giờ đây gần như đã thành phương cách ứng xử tất yếu. Tức là bất cứ việc gì dù lớn bé, to nhỏ, chuyện không có phong bì mới là sự lạ. Còn có là tất yếu, là đương nhiên, là phải thế…
Nó thậm chí không còn là “ngóng” nữa mà là ép, là bắt buộc kiểu có đưa hay không thì bảo? Có thì xong việc, không thì đợi đấy. Thậm chí, không có là không xong.
Vì thế, cái phong bì vốn khởi là nơi gửi gắm tâm tình hay thông báo chuyện này, chuyện kia thuộc tâm tư, tình cảm đã trở thành phương tiện hữu hiệu để mua bán, đổi chác, một công cụ để cúng tế, thực chất là bị một số người có quyền “trấn”, “cướp”...
Thế nhưng ai cũng biết, cũng thấy mà không ai dám nói là bởi phải “bắt tận tay, day tận trán” nên nhiều người e ngại. Vả lại, họ lo sợ lần này còn lần khác, chỗ này còn chỗ khác. Ông nào dại dột “lỡ lời” thì không có ai dám “làm ăn” với nữa. Mà thế là sập tiệm.
Rồi pháp luật còn qui định xử người đưa hối lộ tội cũng ngang (trong khi thực tế nhiều khi còn cao hơn) với nhận hối lộ.
Thế nên, thôi thì “im lặng là vàng”, nhẫn nhịn đi còn hi vọng có lần này, lần khác hay chí ít cũng không bị liên lụy.
Mới đây, Tân Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng vừa yêu cầu Tổng cục Quản lý đất đai khẩn trương phối hợp với các địa phương kiểm tra thông tin 44% số người làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải phong bì “bôi trơn” mới làm xong thủ tục. Thông tin 44% này được một thành viên của nhóm điều tra khảo sát hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2015 (PAPI 2015) cho biết.
Thế là chỉ ít ngày, đã có hai tân Bộ trưởng đề cập đến vấn đề này. Một ông thì nói thẳng về “tư tưởng phong bì”, một ông thì yêu cầu làm rõ việc phong bì “bôi trơn”.
Không biết số phận “văn hóa phong bì” rồi đây sẽ ra sao? Liệu có giảm được miligram nào không các bạn nhỉ? Mà nếu không giảm, thì cũng cầu giời xin nó đừng gia tăng…
0 Nhận xét