Hồi tuần trước, quân đội Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Điển hình, hôm 28/7, cùng với các hạm đội của lực lượng Hải quân, quân khu Quảng Châu và Quân đoàn pháo binh số 2, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã dẫn đầu cuộc tập trận bắn đạn thật tại Biển Đông trên khu vực kéo dài hàng chục ngàn km2.
Trong 2 ngày 30 – 31/7, Hải quân Trung Quốc đã điều động một hạm đội gồm các máy bay tác chiến điện tử và máy bay ném bom phản lực hai động cơ Xian H-6, bay qua khu vực eo biển Miyako, tuyến đường thủy nằm giữa đảo Miyako và Okinawa của Nhật Bản ở Tây Thái Bình Dương. Theo Want China Times, cuộc tập trận này là nhằm chuẩn bị cho viễn cảnh tấn công hạm đội tàu sân bay của Mỹ.
Mục đích của hai cuộc tập trận trên không được phía quân đội Trung Quốc công bố. Song các trang bình luận quân sự cho rằng cuộc tập trận của Bắc Kinh trên Biển Đông là nhằm "bảo vệ" "chuỗi đảo thứ nhất", thuật ngữ được quân đội Trung Quốc sử dụng để nhắc tới vùng lãnh thổ kéo dài từ phía nam quần đảo Kuril qua Nhật Bản và đảo Ryukyu, tới Đài Loan và Philippines. Cuộc tập trận được xem là bước chuẩn bị cho viễn cảnh không may một hạm đội tàu sân bay của Mỹ tổ chức tấn công vào chuỗi đảo thứ nhất.
Trong một cuộc chiến thực thụ, dựa vào năng lực của các tên lửa chống hạm, tên lửa phóng từ tàu ngầm và tên lửa hành trình phóng trên không với phạm vi tấn công 300 km, toàn bộ tàu chiến, máy bay và tàu ngầm sẽ phải xuyên qua hàng rào phòng thủ bảo vệ cho hạm đội tàu sân bay và thâm nhập vào phòng tuyến bên trong để tấn công, phá hủy những trang thiết bị vũ khí mà tàu sân bay mang theo. Tuy nhiên, viễn cảnh này khó có thể xảy ra trong thực tế ngay cả với một lực lượng hải quân hùng mạnh như Mỹ.
Trước đó, một số báo cáo đã nhắc tới nội dung trong một cuộc tập trận do quân đội Trung Quốc triển khai.
"Trong cuộc tập trận, lực lượng quân xanh tấn công các tàu chiến của quân đỏ bằng tên lửa đạn đạo. Các tên lửa chống hạm siêu thanh tấn công tàu chiến của quân đỏ từ những hướng và độ cao khác nhau. Quân đỏ sử dụng hệ thống cảnh báo sớm có khả năng phát hiện vị trí tấn công nhưng lại bị các thiết bị điện tử của quân xanh phá sóng. Ngay lập tức, hạm đội của quân đỏ cho triển khai các biện pháp ngăn chiến tranh điện tử và nhanh chóng khóa mục tiêu. Sau đó, tàu khu trục Vũ Hán lớp Quảng Châu Type 052B và tàu hộ tống Hengyang lớp Giang Khải II Type 054A cho phóng tên lửa đạn đạo ngăn hỏa lực từ tên lửa đối phương và cho chúng nổ tung giữa bầu trời", theo Want China Times.
Nội dung trong bản báo cáo cho thấy một trong những mục tiêu quan trọng của cuộc tập trận là ngăn chặn các tên lửa siêu thanh. Song ngay cả tên lửa diệt hạm McDonnell Douglas Harpoon của Mỹ đang được sử dụng và tên lửa chống hạm tàng hình tầm xa (LRASM) đang trong giai đoạn phát triển, cũng chỉ là các tên lửa cận âm. Ngoài ra, quân đội Mỹ còn tận dụng tầm bắn của các bom dẫn hướng.
Một mục tiêu quan trọng khác của cuộc tập trận là khả năng chống ngầm. Phát biểu trong cuộc tập trận, người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu của Hạm đội Nam Hải nhấn mạnh, "các tàu ngầm sẽ tấn công ngư lôi chống ngầm".
Còn theo những hình ảnh liên quan tới cuộc tập trận, hải quân Trung Quốc không chỉ tiêu diệt các ngư lôi chống ngầm mà còn trực thăng chống ngầm và tàu ngầm. Lầu đầu tiên, Trung Quốc cũng cho đăng hình ảnh tàu hộ tống Type 054A bắn một tên lửa chống ngầm.
Đây cũng là lần đầu tiên, hình ảnh các ngư lôi chạy điện Yu-8 sử dụng trong tập trận, được công bố. Điều đó cho thấy dù quốc gia nào trở thành mục tiêu trong cuộc tập trận của Trung Quốc, họ cũng cần có một hạm đội tàu ngầm vô cùng ấn tượng. Thậm chí, để tăng cường năng lực giám sát, Trung Quốc còn đưa các máy bay kiểm soát và cảnh báo trên không Shaanxi Y-8J, KJ-200 cùng máy bay trinh sát và tác chiến điện tử Shaanxi Y-9 vào tập trận.
Một hạm đội tàu tấn công tên lửa Type 022 hùng hậu cũng được quân đội Trung Quốc huy động tham gia tập trận cùng đội tàu ngầm lớp Kilo của Hạm đội Nam Hải.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Want China Times, trang web tin tức bằng tiếng Anh của Tập đoàn truyền thông China Times (Đài Loan). Want China Times được thành lập vào năm 2010, chuyên cung cấp các thông tin về cộng đồng quốc tế đặc biệt về Trung Quốc và Đài Loan.
0 Nhận xét