Còn nhớ, khi tham gia một khóa học thôi miên, chúng tôi được yêu cầu viết ra một số “bí mật”, trong đó có nỗi sợ của mình. Hơi xấu tính, tôi đã “nhìn lén” tờ giấy mà cô bạn cùng nhóm ghi khi thu đưa cho thầy. Liếc qua, trong đó tôi thấy cô ghi “sợ bị chê xấu”. Lý do đơn giản là vì cô thường được khen xinh.
Khi còn là sinh viên năm nhất, lớp tôi có một bạn nữ rất xinh người Quảng Trị. Bạn cao và xinh theo kiểu… Tây, mặt khá baby. Năm thứ hai, biết ăn diện và làm đẹp, bạn trở thành hoa khôi trong lớp.
Cả hai cô bạn mà tôi kể trên khá chịu khó trang điểm, và biết cách trang điểm nên luôn là tâm điểm của bất kỳ hoạt động tập thể nào. Hai cô cũng đều là thần tượng trong lòng nhiều chàng trai và khá nhiều vệ tinh vây quanh.
Thế nhưng, có lần trời mưa, khi phấn son bị trôi hết, nhìn các bạn thật nhợt nhạt. Có anh chàng nhìn thấy, vô duyên chê… “Hôm nay không phấn son có khác!”. Khỏi phải nói, các cô buồn thế nào.
Nói chuyện dông dài vậy, bởi ngày hôm qua, trên nhiều trang báo rộ lên thông tin nữ ca sĩ hải ngoại Như Quỳnh bất ngờ về Việt Nam nhân dịp em trai cổ tổ chức liveshow ca nhạc, rồi lại nhanh chóng trở lại Mỹ vì bị… chê xấu. Bởi nói gì thì nói, ngoài giọng hát ngọt lịm đốn tim fan, cô còn là thần tượng với vẻ đẹp tựa “Nữ thần” không phai phôi theo thời gian của nhiều người Việt trong và ngoài nước.
Em yêu thần tượng của lòng em!
Vậy thần tượng là gì? Thần tượng, trong tiếng Anh là Idol (người được sùng bái, tôn sùng, người được yêu thích), chính là một người mà chúng ta ngưỡng mộ, mà chúng ta cảm thấy thích. Thần tượng là một mẫu người hoàn hảo đối với bản thân mà chúng ta luôn muốn được như vậy.
Đối với mỗi người, tùy gout và cảm nhận khác nhau sẽ lựa chọn cho mình những thần tượng khác nhau trong mọi lĩnh vực. Có người chỉ có duy nhất một thần tượng trong tim, nhưng cũng có người có dăm bảy thần tượng, âu cũng là chuyện thường tình. Và thần tượng, không nhất nhất gắn với một ai đó cả một cuộc đời, nó có thể thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh.
Nhiều người trẻ đang trong quá trình tìm tòi, học hỏi, tìm cách khẳng định chính bản thân mình thường lựa chọn cho mình một thần tượng nào đó. Có thể là bố, là mẹ, là anh chàng CEO giỏi giang bạn đọc trên báo, hay chỉ đơn giản là cô hàng xóm xinh xắn, học giỏi. Nhưng xu hướng thường thấy và khiến cho từ “thần tượng” trở nên phổ quát chính là những nghệ sĩ, người của công chúng. Và công thức chung để thần tượng này có sức sống lâu bền trong lòng người hâm mộ chính là: giỏi (hát hay, đóng phim giỏi, làm việc giỏi, học giỏi…) + xinh xắn, dễ thương hoặc đẹp trai + cư xử tốt (theo chuẩn mực đạo đức xã hội đề ra)…
Tuy nhiên, yếu tố khiến thần tượng được thần tượng ngay và thần tượng hơn - mà rất nhiều người trẻ đề cao và nâng tầm - chính là diện mạo hơn người. Chính vì thế, có một thời (và ngay hiện nay), những danh xưng như hot boy, hot girl, những mỹ nhân, mỹ nam, nữ thần, thần tiên tỷ tỷ, hoàng tử, công chúa…được sử dụng một cách rộng rãi và có phần thừa thãi, đặc biệt trong làng giải trí, trong cộng đồng cư dân mạng.
Khỏi phải nói, chính xu thế “thần tượng hóa” đã tạo nên một loạt những ca sĩ thần tượng, diễn viên thần tượng, và gây hiệu ứng cho các nhà sản xuất sáng tạo ra những bộ phim, những chương trình ca nhạc - tạp kỹ… thần tượng. Bởi có thần tượng có nghĩa là gần như nắm chắc khoảng 50% doanh thu được đảm bảo có lãi. Đơn cử nhìn lại dòng phim “mì ăn liền” gắn với tên tuổi của những Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh, Y Phụng, Lê Tuấn Anh… hồi thập niên 1990 chúng ta có thể thấy các thần tượng đã gây tiếng vang cho những bộ phim - mà nếu xem lại nội dung đôi khi na ná nhau và… chẳng có gì - ra sao.
Gồng mình làm thần tượng
Nhân nói chuyện thần tượng, tôi nhớ có lần bố tôi mắng cháu gái (con anh trai tôi) khi cháu làm sai việc gì đó rằng: “Cháu lớn rồi, sao không làm gương cho các em”. Cháu vừa khóc vừa cãi: “Cháu chẳng việc gì phải làm gương cho chúng nó cả!”. Dù khá giận và mắng khi cháu cãi ông, nhưng tôi cũng phải thừa nhận, đừng cố ép ai làm tấm gương, là mẫu mực cho ai noi theo cả.
Cũng như tấm gương, theo định luật “bảo toàn… thần tượng”, ở vế thứ nhất, thần tượng không dưng sinh ra, cũng chẳng phải tự các ông bầu, các nhà quản lý, các nhà sản xuất lắm chiêu dùng công nghệ lăng xê để “chế tạo” ra. Thần tượng do chính chúng ta, chính những người hâm mộ tạo ra, và đây chính là nhân tố quan trọng để thần tượng ra đời. Nếu những người hâm mộ không tung hô, không nhắc đến, không quá đề cao một ai đó thì chắc chắn người ấy sẽ không thể gắn với danh xưng thần tượng trong một nhóm người, một tập thể, một cộng đồng nào đó.
Và, theo quy luật thường tình, khi một ai đó quá được xem trọng, lẽ đương nhiên, họ sẽ cố làm mọi cách, thậm chí gồng lên, để sao cho xứng với danh xưng mà người khác gán cho mình.
Đơn cử hai cô bạn mà tôi kể ở trên, vì thường được khen xinh, nên sẽ luôn cố gắng ăn mặc thật đẹp, trang điểm thật bắt mắt, và cố không để “lọt” những hình ảnh bị coi là xấu xí, tầm thường, những khoảnh khắc “không thể chấp nhận được” của mình ra ngoài. Hay thường thấy nhất chính là những nữ diễn viên, ca sĩ, những người bị gắn mác “nghiện phẫu thuật thẩm mỹ” cũng chỉ vì đã được khen đẹp rồi, thì không thể… xấu xí được, kể cả là khi “nước thời gian gội trắng mái đầu xanh” đi chăng nữa.
Xét về mặt tâm lý, đây là điều hoàn toàn bình thường. Bởi khi đã là “người tốt, người đẹp” trong mắt người khác, lẽ tự nhiên, thần tượng luôn cố gắng không để bị chê, bị mất danh thần tượng vốn đã trở nên quen thuộc. Đặc biệt trong thời đại công nghệ số, với chiếc smartphone trong tay, paparazi có mặt ở khắp mọi nơi và sẵn sàng chộp những khoảnh khắc hớ hênh của những người của công chúng, của những thần tượng… tung lên mạng tạo bão scandal. Ngay lập tức, thần tượng có thể bị anti, thậm chí “sống dở chết dở”…
Khi thần tượng bị sụp đổ
Khi chúng ta thần tượng một ai đó, chúng ta xem đó là tấm gương mẫu mực để noi theo. Thậm chí, nhiều hành vi, nhiều thói quen của thần tượng cũng sẽ ảnh hưởng đến chúng ta. Nhìn vào thần tượng, có thể chính chúng ta sẽ cố gắng sống tốt hơn, học hành, làm việc giỏi giang hơn, và rất có thể mong một ngày có cơ hội gặp mặt thần tượng để… khoe thành tích của mình.
Thế nhưng, đôi khi, chỉ cần nghe một thông tin trái chiều nào đó liên quan đến thần tượng của mình, lập tức nhiều người trong chúng ta nhảy dựng lên phê phán, chỉ trích, gia nhập hội “anti-idol”. Có trường hợp tiêu cực hơn thì thất vọng, mất niềm tin khi thần tượng sụp đổ, dẫn tới bỏ bê học hành, bỏ ăn, bỏ uống, thậm chí sa đà vào những “thú vui nguy hiểm”, hay… tự tử vì thần tượng.
Và những chuyện này không hiếm trên truyền thông. Chỉ cần search Google, trong 0,47 giây, tôi đã tìm thấy khoảng 490.000 kết quả cho cụm từ khóa “fan tự sát vì thần tượng”, với đủ loại Idol từ Hàn sang Trung, đến xứ sở Mặt Trời Mọc, v.v… và v.vv… và đủ loại hình thức tự tử.
Quay trở lại câu chuyện nữ ca sĩ Như Quỳnh, “nữ thần của dòng nhạc quê hương trữ tình” mới đây bị fan Việt chê tơi tả vì… không đẹp như tưởng tượng khiến cô buồn và thất vọng đến nỗi… về Mỹ ngay.
Như Quỳnh sinh năm 1970, vậy là giờ cũng đã U50, đã ở tuổi trung niên, đã là “mẹ trẻ con” nên việc “bể dáng” hay có dấu vết thời gian trên gương mặt là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Thêm nữa, những người làm trong ngành giải trí, dù công nghệ làm đẹp có cao đến đâu, thì việc sử dụng mỹ phẩm trong một thời gian dài cũng khiến cho da yếu và dẫn tới bị lão hóa.
Điều quan trọng, fan Việt thường chỉ “tiếp xúc” với ca sĩ Như Quỳnh qua hình ảnh và các sản phẩm băng đĩa, đặc biệt là Paris by Night. Trong khi đó, bất kỳ hình ảnh hay sản phẩm nào đã được đưa ra công chúng thì đều phải đảm bảo đẹp, tức là đã qua chỉnh sửa. Công nghệ làm băng đĩa của Paris by Night thì khỏi nói, đẹp từ hình ảnh đến chất lượng âm thanh. Thế nên, việc khán giả Việt có bị shock khi thần tượng “bằng xương bằng thị” không được như mong muốn cũng… vô cùng bình thường.
Chỉ có điều, cách đánh giá, comment của cộng đồng mạng, của chính những người hâm mộ đối với một thần tượng một thời của mình khiến thần tượng buồn và thất vọng.
Là phụ nữ, ai không muốn mình đẹp, mình trẻ. Thế nhưng, thời gian, cuộc sống, bao nhiêu thứ bủa vây, liệu ai đảm bảo rằng tuổi trẻ và nhan sắc của mình sẽ là mãi mãi. Dẫu rằng, nhiều người có thể viện lý rằng, đã là người của công chúng thì phải có ý thức giữ gìn hình ảnh đẹp trong mắt người hâm mộ.
Thế nhưng, nên nhớ rằng, thần tượng là tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó nhan sắc chỉ là một phần. Vậy thì nên chăng “hãy yêu thì yêu cho chót”. Thần tượng, dù không còn “như xưa”, nhưng cái tâm, cách sống đẹp, và giọng hát của họ vẫn còn “sống mãi với thời gian”, ấy mới là điều quan trọng.
Kết
Ở một góc độ nào đó, mác Idol, xét cho cùng, do chính con người tạo ra, và cũng do chính tay con người “xé nhãn” bất cứ lúc nào khi thấy có một điểm nào đó không còn tương thích, phù hợp với ý chí, suy nghĩ của họ nữa. Những người gắn mác cho người khác là thần tượng, rồi tự tay “bóc mác”, khiến thần tượng bị tổn thương có khiến mình tốt hơn lên?
Nhật Minh
0 Nhận xét