Trên các trang báo, hầu như chỉ thấy sự phản đối mà hiếm thấy ý kiến đồng tình, ủng hộ. Có lẽ không thể yên lòng với làn sóng dữ dội này, lãnh đạo tỉnh Sơn La đã tổ chức họp báo, chính thức thông tin, giải thích sự việc.
Và vị Bí thư tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh đã thanh minh: Con số 1.400 tỷ đồng không phải chỉ để dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh mà dự chi thêm cho các hạng mục chính khác nữa bao gồm: Đền thờ Bác Hồ; Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ; bảo tàng tổng hợp; khu điều hành và đón tiếp; khuôn viên cây xanh; quảng trường có sức chưa 20.000 người; đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư…
Vị lãnh đạo cao nhất của tỉnh Sơn La cũng cho biết thêm kế hoạch này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sở dĩ có việc xây dựng đồ sộ này, theo lời vị Bí thư Tỉnh ủy là để đáp ứng nguyện vọng của bà con các dân tộc Tây Bắc, thỏa mãn tình cảm rất đỗi kính yêu của mọi người nói chung, nhân dân ở Sơn La nói riêng giành cho vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Lý do lãnh đạo tỉnh Sơn La đưa ra để xây dựng tượng đài Hồ Chủ tịch và cả một cụm các công trình khác quả là rất chính đáng, không ai có thể bắt bẻ, phản bác. Đúng là tháng 4/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có phê duyệt quy hoạch hệ thống tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030. Tượng đài Hồ Chủ tịch với các dân tộc ở Tây Bắc nằm trong quy hoạch này.
Nhưng theo vị Cục trưởng Cục Mỹ thuật (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ) thì kinh phí cho việc xây dựng tượng đài chỉ có thể được dự toán sau khi có sự phê duyệt mẫu phác thảo tượng đài ( về quy mô, kích thước, chất liệu cùng nhiều yếu tố khác).
Việc này đối với tượng đài về Bác Hồ ở Sơn La vẫn chưa diễn ra. Vậy căn cứ vào đâu mà dám ấn định con số 200 tỷ đồng như lời công bố của vị Bí thư tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La? Cứ cho rằng sự thực chỉ là 200 tỷ chứ không phải là 1.400 tỷ như lúc đầu dư luận hiểu nhầm cũng khó chấp nhận.
Rõ ràng khi phác thảo tượng đài chưa được phê duyệt mà dám tự ý ấn định một số tiền rất lớn – dẫu chỉ còn hơn 1/6 con số 1.400 tỷ là thiếu trách nhiệm. Những người không có nghề tạo hình, không trong giới mỹ thuật lại có thể tưởng tượng để phóng ra một con số trên trời như vậy liệu có vô trách nhiêm ?
Đứng ở góc độ tình hình kinh tế tỉnh Sơn La, lượng tiền khổng lồ giành vào việc không mấy thiết thực, nhất là khi tỉnh này còn rất nghèo, là một trong những địa phương khó khăn vào bậc nhất ở nước ta.
Theo báo cáo của chính UBND Sơn La, đến hết năm 2013, toàn tỉnh có 68.947 hộ nghèo, chiếm 27% tổng số hộ; 30.277 hộ cận nghèo, chiếm 11,86% tổng số hộ. Toàn tỉnh có 5 huyện nghèo được hưởng chính sách; 99 xã, 1.143 bản có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.
Nói xây tượng đài là để đáp ứng tình cảm của bà con các dân tộc Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng đối với Bác là cách nói của lãnh đạo chứ không phải ý nghĩ của người dân.
Bởi người dân Việt Nam từ Bắc chí Nam, từ địa đầu tổ quốc đến mũi Cà Mau, từ lâu đã ghi khắc hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu trong trái tim rất sâu đậm, không gì có thể xóa mờ. Với họ, thiêng liêng, cao đẹp nhất là tượng đài Bác Hồ ở trong sâu thẳm trái tim họ chứ không phải bằng bất cứ chất liệu gì dù có sừng sững, uy nghi đến đâu.
Và họ muốn bộc lộ tình cảm cao đẹp, sâu nặng của mình với Bác bằng những hành động thiết thực đúng với ý nguyện lúc sinh thời của Bác.
Ở góc độ nào, hãy dâng lên Bác tình cảm thành kính, biết ơn nhất bằng việc đưa tỉnh nhà phát triến, cải thiện đời sống cho dân, giảm thiểu số hộ nghèo và cận nghèo. Đó chính là điều Bác Hồ mong muốn nhất trong suốt cuộc đời làm cách mạng của mình.
Nguyễn Đình San
0 Nhận xét