Thêm áp lực lên người chăn nuôi khi họ có nguy cơ đình đốn sản xuất, khó bán sản phẩm, giá giảm như từng xảy ra trong các năm 2005, 2012.
Như thống kê của cơ quan chức năng, có khoảng 30% số hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm. Như vậy, vẫn còn 70% người chăn nuôi làm ăn chân chính. Nhưng một khi bị người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm, chính người làm ăn đàng hoàng lại bị thiệt hại lớn nhất.
Vậy người chăn nuôi chân chính đã làm gì để bảo vệ mình? Họ im lặng. Bởi họ không đủ bằng chứng để tố giác những trại heo dùng thuốc. Bởi họ biết có rất nhiều hiểm nguy nếu đứng ra tố cáo khi các đầu mối nuôi heo thuốc lớn được bảo kê.
Một nghề chăn nuôi đáng ngờ như vậy mà vẫn phát triển tại Đồng Nai và nhiều địa phương khác như một nghề siêu lợi nhuận.
Cá nhân người chăn nuôi đã vậy, các hiệp hội chăn nuôi cũng không làm tốt vai trò của mình để bảo vệ các thành viên làm ăn chân chính. Trong thời gian khủng hoảng "heo dùng chất cấm", các hiệp hội chăn nuôi hầu như im hơi lặng tiếng hoặc chỉ đóng góp những ý kiến chung chung.
Chấn chỉnh, tiến tới dẹp tận gốc nạn dùng chất cấm trong chăn nuôi, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan quản lý.
Nhưng người chăn nuôi, nhân vật chính trong vụ việc này, không thể khoanh tay. Hãy làm một cái gì đó để tự cứu mình, thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn, tạo lòng tin trong người tiêu dùng, qua đó bảo vệ mình, bảo vệ người tiêu dùng.
Không ai hiểu tường tận về những chiêu trò gian lận, kiểu làm ăn không lành mạnh bằng chính những người chăn nuôi.
Nếu cứ im lặng, chính họ đã tự trói tay mình, mãi mãi chấp nhận cảnh "quýt làm cam chịu", chấp nhận tài sản mồ hôi nước mắt, nghề mưu sinh của mình đối mặt với rủi ro khi người tiêu dùng quay lưng.
Im lặng cũng là gián tiếp làm giảm lòng tin của người tiêu dùng vào sản phẩm của mình làm ra.
Bên cạnh pháp luật, cách tốt nhất là các cơ quan chức năng nên giúp người chăn nuôi, thông qua các hội cùng liên kết lại, hợp tác với nhau nói không với chất cấm, vạch mặt cơ sở dùng chất cấm, tẩy chay thương lái thu mua heo có chất cấm, tự đề ra những tiêu chuẩn "nuôi sạch" cho khu vực, địa bàn chăn nuôi của mình, cho các thành viên của mình.
Thậm chí, tiến tới nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cùng tự xây dựng cho mình những thương hiệu "nuôi sạch", có kiểm định, có đánh giá, được thị trường ghi nhận.
Chỉ có thế mới nhanh chóng loại bỏ được những cơ sở gian dối, tẩy chay những thương lái ma mãnh. Chỉ có thế, những người chăn nuôi chân chính mới tạo được lòng tin nơi người tiêu dùng, tự bảo vệ được mình và bảo vệ người tiêu dùng - những khách hàng thân thuộc hằng ngày của họ.
Những kiểu liên kết này chẳng có gì to tát, nó như sự hợp tác trong các hội ngành nghề, trong các hợp tác xã để những cơ sở dù nhỏ vẫn có uy tín lớn.
Nếu cứ im lặng, không hành động thì số đông người chăn nuôi chân chính sẽ còn thua dài dài trước số ít người làm ăn gian dối. Chắc chắn người tiêu dùng sẽ ủng hộ những người chăn nuôi hành động biết tự cứu mình trước khi được pháp luật bảo vệ.
Trần Mạnh
0 Nhận xét