Sáng 17/8, nhiều người đi qua khu vực đường Cầu Giấy (đoạn ngã tư giao với đường Láng) ngạc nhiên khi thấy một thanh niên cầm một tấm biển lạ. Trên tấm biển viết: “Tôi vừa tốt nghiệp, tôi đã là Bố. Tôi cần một công việc để mua sữa cho con. Bạn cần tuyển tôi. Liên hệ: Conanbn90@gmail.com”.
Kèm theo đó hình ảnh người bố đang dắt tay con gái và chỉ về phía biển, nơi có những cánh buồm mơ ước như chính ước mơ của người cha vậy.
Ngay khi hình ảnh “kỳ lạ” đó xuất hiện trên báo, có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc làm của anh thanh niên này. Nhiều người tỏ ra thông cảm và mong anh sớm tìm được công việc phù hợp để có thể “mua sữa cho con”.
Có người thì chỉ trích: “Cầm biển đứng giữa đường xin việc: Nhục nhã thay cho một cử nhân!”; và ngay lập tức, có nhiều người lên tiếng phản bác “có gì mà nhục nhã”. Thậm chí, có người còn quy kết đây là… lỗi của cả một hệ thống giáo dục! v.v… và v.vv…
Một kiểu tiếp thị bản thân lạ nhưng… không hiệu quả!
Nhìn hình ảnh người thanh niên với một tấm biển xin việc khác cách xin việc truyền thống - rải hồ sơ các cơ quan trực tiếp, hoặc online - người viết chợt nhớ cách đây vài năm đã đọc được thông tin, có người dán giấy xin việc làm ở trước cửa… nhà vệ sinh! Tuy nhiên, đó là ở nước ngoài. Và cách tiếp thị hình ảnh của họ đã thu được kết quả, bởi sau đó họ đã có việc làm mong muốn.
Còn anh thanh niên trong câu chuyện “cầm biển đứng giữa đường xin việc” thì sao? Phân tích tấm biển “xin việc” của anh thanh niên, là một nhà tuyển dụng, liệu bạn có liên hệ với anh này?
Thứ nhất, trong bản “CV xin việc” của anh không chứa những thông tin quan trọng liên quan đến năng lực cũng như các kỹ năng mềm mà bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng cần.
Anh chỉ nói về trình độ văn hóa của mình: “đã tốt nghiệp”, song cũng không cụ thể là tốt nghiệp ngành gì, trường gì… Liệu có một công ty săn đầu người, một nhân viên phụ trách nhân sự nào sẽ liên hệ với anh khi không biết khả năng có hợp với vị trí mà công ty đang tuyển dụng hay không?
Thứ hai, trong bản “CV xin việc” của anh không nói về mục tiêu, mong muốn của bản thân - điều mà nhiều công ty tuyển dụng muốn biết để cân nhắc có nên liên hệ.
Anh muốn làm gì? Mục tiêu công việc trước mắt và lâu dài của anh là gì? Mục tiêu chỉ là “kiếm tiền mua sữa cho con”? Thế thì liệu nhà tuyển dụng nào đủ lòng trắc ẩn để tìm đến anh khi không biết anh sẽ có thể làm gì khi trúng tuyển?
Thứ ba, trong bản “CV xin việc” của anh để một cái email cực trẻ con -Conanbn90@gmail.com. Rất nhiều bản CV đẹp đã bị loại ngay khỏi vòng hồ sơ chỉ vì những email… thiếu chuyên nghiệp như thế này! Nếu đã dám đứng ra giữa đường cùng tấm biển xin việc đặc biệt này, sao anh không thể viết một cái email “đủ tin tưởng” hơn cho nhà tuyển dụng?
Thứ tư, thông tin liên hệ thiếu tính “tiện dụng” cho nhà tuyển dụng. Tại sao lại như vậy? Có thể vì xấu hổ và vì sợ “spam” điện thoại nên anh không để số mobile của mình lại. Nhưng anh có nghĩ, thay vì bốc máy gọi cho anh nói vài phút, mấy nhà tuyển dụng sẽ dành thời gian ra mail cho một cái email “cực trẻ con” mang tên nhân vật thám tử lừng danh Conan? (Chắc chắn trừ vài công ty cò lừa, công ty đa cấp… gửi một loạt thư spam cho người tìm việc mà người viết đã từng được nhận rất nhiều!).
Còn rất nhiều điều để nói về tấm biển xin việc cũng như cách tiếp thị (PR) bản thân của anh, nhưng người viết chỉ xin nêu vài điểm cơ bản nêu trên. Tóm lại, với một tấm biển như thế này, rất khó để anh có thể “lọt vào mắt xanh” của bất cứ nhà tuyển dụng nào. Trong thời đại công nghiệp, thời đại công nghệ số, khi phòng nhân sự của các công ty luôn nhận được hàng chục, hàng trăm (với các công ty sản xuất) bộ hồ sơ, đó là chưa kể đến mỗi ngày email của nhân viên phụ trách nhân sự còn nhận được hàng chục email của ứng viên gửi đến, liệu anh có thể có cơ hội?
Nếu anh muốn làm mình trở nên khác biệt? Hãy chứng tỏ sự khác biệt của anh để “hấp dẫn” nhà tuyển dụng!
Đừng cổ xúy bằng cách đổ lỗi cho ngành giáo dục!
Anh thanh niên chia sẻ đã tốt nghiệp hệ Cao đẳng Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, rồi sau đó liên thông trường Đại học Điện lực. Trong quá trình theo học, do hoàn cảnh khó khăn, anh cũng cố gắng phụ giúp cha mẹ. Tuy nhiên, vì sức khỏe yếu nên anh không thể làm được nhiều việc nặng. Anh từng bưng bê, dọn dẹp hàng quá hơn 1 năm trước khi bị đau ruột thừa và phải nằm viện 2 tháng.
Nhiều người trách, sao anh không đi nộp đơn xin việc ở các công ty, các doanh nghiệp, thì anh giãi bày rằng, sau khi học xong cao đẳng, anh cũng rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ kỹ đi khắp thành phố Hà Nội xin việc nhưng không ai nhận. Có nơi yêu cầu kinh nghiệm vài năm, có nơi yêu cầu trình độ cao hơn.
Đem chuyện của anh kể cho một nhà tuyển dụng ở Hà Nội, chị cho biết: “Nói thật với bạn, không phải chê trách hay gì cả, nhưng bạn thử nghĩ mà xem. Riêng hình ảnh bạn ấy xuất hiện đã không đủ “hấp dẫn” chúng tôi”.
“Chưa nói đến kinh nghiệm, hay trình độ, việc bạn ấy đi xe đạp đi xin việc đã rất khó để nhà tuyển dụng có thể cho bạn ấy cơ hội. Nếu khó khăn về phương tiện đi lại, thì khi đi xin việc cũng nên “đánh bóng” mình chút chứ”, chị cười.
“Và khi đó, bạn ấy hoặc xin một công việc phù hợp với trình độ, với điều kiện đi lại của mình. Còn nếu như, có một cơ hội tốt hơn, thì cứ thử liều, và sau đó… tính sau”, nhà tuyển dụng này nói thêm.
Trao đổi với PGS. Văn Như Cương, ông cho rằng, một thanh niên sức dài vai rộng đã tốt nghiệp cao đẳng, đã có vợ có con sao lại mất thời gian để đi xin việc kiểu đó. Dù có bí đến mấy cũng nên tính toán chứ. Đã là chồng, là cha rồi cơ mà.
Theo PGS. Văn Như Cương, tại sao anh không dành thời gian đó để nộp đơn xin việc, rồi có thể trong lúc chờ đợi thì kiếm việc gì đó để làm kiếm sống nuôi bản thân, nuôi gia đình, kiếm tiền mua sữa cho con như anh ta nói trong tấm biển. Bằng Đại học chưa xin ở đâu được thì cứ tạm để đó mà làm việc khác không đúng chuyên môn, kể cả là lao động chân tay.
Với những ý kiến cho rằng, hành động của anh thanh niên này đã phản ánh phần nào lỗ hổng cũng như cách giáo dục hiện nay ở nhiều trường đại học, cao đẳng, PGS. Văn Như Cương thẳng thắn: “Đây là một cá biệt, vì thế không nên từ hành động của thanh niên này mà suy rộng ra việc anh thanh niên phải xin việc theo cách không giống ai cũng một phần do lỗi của hệ thống giáo dục hiện nay, dạy những kiến thức xa rời thực tế, nên sau khi rời khỏi ghế nhà trường nhiều tân cử nhân, thậm chí thạc sĩ chới với, không biết phải đi đâu về đâu”.
Nhật Minh
0 Nhận xét