Đầu tháng 6, giữa thời tiết nóng bức lên tới 40 độ C, nhiều người bán hàng rong cũng như bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ở Bệnh viện K cảm thấy mát lòng mát dạ bởi những cốc nước vối mát, sạch của bà Nguyễn Thị Thụng (66 tuổi, ở Phúc Tân, Hoàn Kiếm).
Đầu tháng 7, trời nóng như đổ lửa, cùng với những “hàng rào sống” của sinh viên tình nguyện, ngay trước cổng trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội, cô Nguyễn Thị Bích (48 tuổi, quê Nam Định, hiện ở thôn Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) cũng cùng “tiếp sức mùa thi” bằng bình trà đá, la hán, vối… vợ chồng cô tự tay chuẩn bị từ lúc sáng sớm.
Ngày 27/7 vừa qua, hình ảnh bình trà đá miễn phí lại một lần nữa nóng lên trên cộng đồng mạng khi bình trà của anh Trần Nam Anh (ngụ tại số nhà 1031B đường Giải Phóng, phường Thịnh Liệt, Quận Đống Đa, Hà Nội) bị tịch thu.
Xung quanh câu chuyện bình trà đá của anh Nam Anh có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng gần như số đông cư dân mạng xã hội phê phán hành động của lực lượng chức năng là “cực đoan, cứng nhắc”, làm vậy chẳng khác nào… “tịch thu lòng tốt”!?
Thế nhưng, đã bao giờ những người ném đá, “chửi hội đồng” lực lượng chức năng - khi họ tịch thu bình trà đá - nhìn nhận vấn đề theo nhiều khía cạnh khác?
Còn nhớ, trong tác phẩm “Đôi mắt” của nhà văn Nam Cao, tác giả đã nêu lên cách nhìn, cách nhận thức về con người và cuộc sống cần “đa diện” như nhân vật Độ, chứ không chỉ “phiến diện” như Hoàng thì chỉ nhìn thấy cái xấu xa, ngu dốt của con người.
Quay trở lại câu chuyện bình trà đá miễn phí phục vụ người nghèo - một trong những việc làm thiện nguyện, một hành động tốt đáng được tuyên dương, được nhân rộng trong xã hội. Đúng! Việc tử tế bao giờ cũng đáng khen và khuyến khích. Thế nhưng, việc gì cũng có hai mặt của nó và chúng ta nên nhìn nhận một cách khách quan.
Thứ nhất, việc đặt một bình trà đá trên vỉa hè, xét về lý, trong một xã hội pháp trị, thượng tôn pháp luật, rõ ràng đây là một việc làm chưa đúng.
Nếu bỏ qua hai chữ “miễn phí” và “từ thiện” thì nó cũng đâu khác gì những hành vi lấn chiếm vỉa hè của một số quán trà đá hay những người bán hàng rong! Xét dưới khía cạnh pháp luật, nhiều luật gia cho rằng, trong trường hợp bình trá đá đặt ở vỉa hè, vi phạm quy định về vỉa hè, lòng đường thì việc công an phường tịch thu là hoàn toàn đúng, và thậm chí, nên động viên họ.
Thứ hai, nếu như trong giờ cao điểm, cùng một lúc rất nhiều người cùng đỗ lại chờ để lấy nước uống, thì rất có thể sẽ dẫn tới mất trật tự, ùn tắc giao thông. Tất nhiên, sẽ có nhiều người nói, giờ cao điểm, có ai lại “dở hơi” đỗ lại uống nước. Nhưng, đó là giả thiết có thể xảy ra và không thể loại trừ.
Thứ ba, xét về khía cạnh an toàn vệ sinh thực phẩm thì bình trà đá công cộng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây những bệnh lây lan qua đường tiêu hóa. Nếu chẳng may một ai đó bị viêm gan B, cảm cúm, rubella, hay thậm chí bị bệnh sinh dục uống cốc nước, rất có khả năng những người sau đó dùng cốc này để uống nước cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Thứ tư, chắc chắn anh Nam Anh không thể trông bình trà cả ngày. Trong trường hợp có ai đó muốn làm việc xấu, cho thứ gì đó vào bình trà, liệu rằng người uống có bị nguy hiểm đến tính mạng (hay chỉ đơn giản là đau bụng, ngộ độc…), và anh Nam Anh liệu tránh khỏi liên lụy? Sẽ có nhiều người cho giả thiết đậm chất Sherlock Homles này là vô lý, nhưng như đã nói ở trên, không có gì là không thể.
Nhân đây, người viết cũng xin kể một câu chuyện nhỏ về tính kỷ luật của Bác Hồ mà chắc hẳn nhiều người được nghe, được học từ khi còn là học sinh tiểu học, thậm chí mẫu giáo, có tên “Bác cũng phải có giấy mà!”.
Câu chuyện kể: Anh Lý Phúc Nha mới vào bộ đội. Một hôm anh được gặp chỉ huy giao nhiệm vụ đứng gác một vị trí đặc biệt quan trọng.
Nha thuộc lòng lời dặn của đại đội trưởng “Ai có giấy tờ hợp lệ mới được ra vào”. Một hôm, bỗng Nha thấy từ xa một ông cụ dáng cao cao, thanh thanh, đội chiếc mũ đã cũ, quần xắn tận đầu gối,chân đi dép cao su, vai mang túi vải đi nhanh về phía mình.
Khi thấy “ông cụ” định đi vào ngôi nhà mình đang bảo vệ, anh nói: “Cụ cho cháu xem giấy ra vào ạ”. Mặc dù “ông cụ” và một cán bộ đi cùng bảo “Bác đấy!”nhưng chiến sĩ Lý Phúc Nha vẫn nói: “Bác cũng phải có giấy mà! Có giấy thì mới được vào mà!”.
Chỉ đến khi đồng chí đại đội trưởng hốt hoảng chạy tới bảo “Bác Hồ đấy!”, thì Lý Phúc Nha lại tự trách mình và lo lắng “sao lại đi hỏi giấy Bác”. Thế nhưng, Bác khen: “Chú làm nhiệm vụ như vậy là tốt”.
Sáng hôm sau, hết giờ thể dục, Bác gọi Nha và cán bộ chỉ huy lên gặp. Bác bảo mọi người ngồi, rồi Bác tự tay rót nước mời.
Đoạn, Bác lấy trong cuốn sách ra một tấm ảnh của Bác, cầm bút ghi mấy dòng chữ phía sau, trao cho Lý Phúc Nha và nói: “Chú Nha mới vào bộ đội chưa biết Bác. Hôm qua thấy Bác không có giấy nên không cho vào nơi quy định, như vậy là đúng và đáng khen”…
Bình trà đá từ thiện và tấm giấy ra vào nhà Bác có liên quan gì đến nhau? Đó là tính kỷ luật, là yêu cầu tuân thủ quy định pháp luật mà tất cả mọi người nên và buộc phải thi hành nghiêm chỉnh.
Những việc làm tử tế, những hành động thiện nguyện luôn được lòng người và được khuyến khích. Nhưng, từ thiện cũng cần đúng pháp luật. Bởi rõ ràng ở đây, mọi người xem bình trà đá là nhỏ, nhưng đánh giá cao việc làm của anh Nam Anh, thậm chí bỏ qua yếu tố pháp luật ở đây. Nếu những hoạt động từ thiện được tổ chức ở quy mô lớn hơn, và có thể, cũng nhân danh việc tử tế mà bất chấp vi phạm pháp luật thì mọi việc sẽ đi đến đâu?
Bình trà đá từ thiện cần được nhân rộng. Nhưng sẽ đẹp hơn rất nhiều khi đó là những “bình trà đá từ thiện đúng pháp luật”!
Nhật Minh
0 Nhận xét