Một số năm trở lại đây, cứ vào dịp hè hàng năm - nghĩa là trước niên học mới - những bậc cha mẹ có con nhỏ sắp vào học lớp 1 ở Hà Nội lại vô cùng lo lắng cho việc con mình sẽ vào học trường nào sau khi chấm dứt 3 năm ở trường mầm non. Và họ nháo nhào, đôn đáo để chạy vạy, xin xỏ cho con mình vào được một trường như ý dù có phải trái tuyến, mất nhiều tiền lo lót.
Đó là một sự việc quả là bất thường mà khoảng 10 năm trở về trước không hề có. Ngày ấy, các em nhỏ hết tuổi mầm non, cứ việc lên học lớp 1 theo đúng địa lý khu vực căn cứ theo hộ khẩu. Việc này do trường mầm non chuyển lên, gia đình các em không phải làm bất cứ việc gì, ngoài việc đưa cháu đến tựu trường vào ngày khai giảng sau khi đã biết con mình sẽ học ở trường nào. Không có việc xin “trái tuyến” như những năm gần đây, vì chất lượng các trường như nhau, không có sự quá chênh lệch như bây giờ để dẫn tới tình trạng phụ huynh phải đổ xô “chạy” cho con mình vào trường tốt, trường “điểm”.
Ngày trước có một vài trường hợp đặc biệt nào đó, ví như gia đình bé chuyển chỗ ở nhưng chưa kịp chuyển hộ khẩu thì chỉ cần làm đơn, có công an quản lý hộ khẩu xác nhận là được nhà trường chấp nhận. Tuyệt nhiên không có sự đua nhau chạy vạy như hiện nay.
Có thể nói hiện trạng vừa nói trên là một trong những điều nhức nhối mà ngành giáo dục Thủ đô, bên cạnh những thành tích đáng kể nào đó đã đạt được, còn khiến người dân- đặc biệt là gia đình có con sắp vào lớp 1- kêu ca, phàn nàn.
Quả là thật khó chấp nhận khi cùng trên một mặt bằng giáo dục chung ở Hà Nội, cùng một sự quản lý của hệ thống điều hành từ cấp Sở trở xuống các phòng giáo dục, cùng một chủ trương, đường lối, chính sách giáo dục của Nhà nước mà lại có hiện tượng: Có những trường rất yếu kém, và có những trừơng nổi trội về mọi phương diện - chủ yếu là chất lượng dạy dỗ của giáo viên và phương tiện, cơ sở vật chất của trường, lớp.
Chính sự chênh lệch quá đáng này mới tạo nên việc nhiều gia đình cố “chạy” bằng được cho con mình vào trường “điểm”. Thế nào là “điểm” và “điểm” ở những khâu gì? Chắc chắn không thể là những thứ ngoài việc giảng dạy và những phương tiện phục vụ cho tiêu chí hàng đầu đó. Chế độ ta ưu việt. Đảng và Nhà nước ta chẳng những luôn coi trọng mà còn đặc biệt ưu tiên cho sự nghiệp giáo dục, càng không bao giờ tạo nên sự bất bình đẳng trong việc hưởng thụ giáo dục của tất thảy các em nhỏ. Ngay con em những kẻ phạm tội đang ở tù vẫn còn được học tập bình thường huống hồ của mọi công dân lương thiện.
Vậy người ta có quyền thắc mắc: Tại sao lại có sự chênh lệch quá đáng giữa các trường cùng trên địa bàn Thủ đô, để dẫn đến tình trạng trường thì quá tải, ai cũng đổ xô xin cho con vào học, còn trường thì lèo tèo học sinh, mỗi lớp chỉ mươi em, chưa đủ chỉ tiêu theo quy định đối với mỗi giáo viên đứng lớp? Ở nơi cung không đủ cầu, lẽ đương nhiên là phát sinh tiêu cực bởi cuộc “chạy đua” của các bậc cha mẹ “tất cả vì con em chúng ta”.
Nói chung, tâm lý các bậc cha mẹ, ông bà đều muốn cố gắng tìm mọi cách, bằng mọi giá cho con cháu mình vào học được ở các trường họ dùng từ “tử tế” để không áy náy, nhất là những gia đình có đứa đầu tiên học lớp 1. Vậy nên dù nghèo, khó khăn đến mấy, họ cũng cố gắng bằng được. Ai không chạy được thì tủi thân, buồn phiền, nhìn đứa con, cháu mình buộc phải vào trường “đúng tuyến”, nhưng không phải là “điểm” mà ngầm thương cho nó.
Cũng là con trẻ- những mầm non của đất nước- mà sao đứa vào trường cao sang, đứa lại phải vào nơi mà các bậc cha mẹ chúng cho là “không tử tế”? Chúng thì hồn nhiên, đâu có biết tất cả do bố mẹ, ông bà mình phải lao vào một cuộc chạy đua, rốt cuộc thành hay bại sẽ dẫn đến chúng phải vào học ở những nơi khác nhau.
Và đội ngũ những “kỹ sư tâm hồn” kia, bỗng dưng tự nhiên mà người này thì kiêu kỳ ngẩng mặt, còn kẻ khác lại ngậm ngùi buồn tủi do xã hội phân công vào những trường thật khác nhau mà nhận được sự vồ vập hoặc ghẻ lạnh, đối ngược của các phụ huynh gia đình có con cháu vào học.
Hãy trả lại sự công bằng, bình đẳng cho tất cả các trường, cho mọi giáo viên, cho bầy trẻ thơ dẫu chỉ là tương đối. Sự chênh lệch hẳn nhiên là có, và có thể chấp nhận được, nhưng chỉ có thể ở mức độ một tám, một mười. Như hiện nay là không thể chấp nhận.
Lẽ nào việc này cứ mỗi năm lại gia tăng trầm trọng, lộ liễu hơn? Và người dân, nhất là những người có con cháu sắp vào học lớp 1 bao giờ mới không còn phải chứng kiến tình cảnh này?
Trả lời câu hỏi này chỉ có thể là ngành giáo dục – đào tạo thủ đô và trên đó là UBND TP Hà Nội. Môi trường giáo dục, hơn bất cứ ở dâu, không thể tồn tại những biểu hiện phản nhân văn. Đó là nỗi bức xúc đã rung thành những hồi chuông gióng giả, riết ráo, chấn động toàn xã hội mỗi độ niên học mới sắp sửa bắt đầu./.
Nguyễn Đình San
0 Nhận xét