Người nhà bị hại thì mặt nặng như chì, bảo gia đình bị cáo đã thỏa thuận bồi thường, đưa trước 1 triệu, số còn lại hứa khi ra tòa sẽ giao, vậy mà giờ vẫn không thấy. “Thằng đó nói với tòa ra tù sẽ làm lụng kiếm tiền để bồi thường, nhưng lỡ đi tù xong, họ không bồi thường thì làm răng?”, mẹ bị hại lo lắng.
Vô tâm ngủ, quên phiên xử
Trước đó, sáng ngày 19/2/2015 (tức mùng Một Tết Ất Mùi), Nguyễn Văn Huynh (SN 1994, ngụ phường Hương Long, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) trong khi đi chơi, đã đưa Trần Thị Hoàng (SN 2000) vào nhà nghỉ và quan hệ tình dục một lần. Khi thực hiện hành vi, Hoàng chưa đủ 16 tuổi nên Huynh phạm vào tội “giao cấu với trẻ em”.
Phiên tòa diễn ra tại TAND TP.Huế vào một chiều cuối tháng 7/2015 không giống nhiều phiên tòa khác, khi gần đến giờ xử án, phòng xử vẫn trống trơn, người thư ký ghi biên bản mấy lần ra vô hỏi “bị hại đến chưa?”, “gia đình bị cáo đến chưa?”. Phải một lúc sau, gia đình bị cáo mới lục tục kéo đến. “Họ mời 2h thì 2h mình tới, chứ tới sớm mần chi”, người nhà làu bàu giải thích với bị cáo.
Mẹ bị cáo Huynh dáng vẻ lam lũ, chất phác, đến tòa cùng cô con gái và vài người thân hai bên gia đình nội ngoại. “Chồng tui mất lâu rồi. Đứa con gái đã có chồng. Thằng Huynh là con út trong nhà, nó hiền lắm, đang đi học nghề thợ giày, chưa kịp ra nghề đã bị bắt. Phải chi yêu đương trai gái, hắn dẫn về nhà thì tui còn biết mà ngăn chặn, chứ quen biết giữa đường giữa chợ tui có biết mô”, người mẹ thở dài.
Người chủ nhà nghỉ được triệu tập đến tòa làm chứng kể, hôm Huynh đến thuê phòng là mồng Một Tết. Đầu năm, nhà nghỉ “dễ tính” không yêu cầu xuất trình giấy chứng minh nhân dân. “Nhưng con bé đó cao lớn phổng phao lắm. Tui nhìn còn lầm chứ đừng nói mấy đứa thanh niên choai choai mới lớn. Không hỏi tuổi là lầm ngay”, chủ nhà nghỉ giải thích.
Quá giờ đã lâu vẫn không thấy gia đình bị hại đến. Phiên tòa suýt chút nữa bị hoãn vì thư ký không liên lạc được với gia đình bị hại. Mẹ bị cáo càm ràm: “Mấy ngày trước, bà ấy còn gọi điện nhắc tui chiều ni nhớ đến tòa, rứa mà chừ lại không thấy mặt”. Nghe phong thanh phiên tòa có thể bị hoãn nếu gia đình bị hại không đến, một thanh niên lật đật lôi điện thoại ra, sau khi nói vài câu qua điên thoại, người này thông báo với mẹ bị cáo: “Bà ấy bảo ngủ quên. Giờ mới đang thay đồ rồi chạy lên ngay”, cả hội trường thở phào nhẹ nhõm.
Một người buột miệng: “Kỳ vậy, phiên xử liên quan đến con gái mình mà còn ngủ quên, sao vô tâm vậy?”.
Có tiền thì mới xin giảm án
Một người xúi mẹ bị cáo: “Ra đứng ngoài cổng mà đón “sui gia” đi. Chứ bà ấy không biết đường, đi loanh quanh trong tòa án chắc cả tiếng mới đến được phòng ni”. Mẹ bị cáo thở dài, bảo nếu làm sui được, thì đã “ém” luôn mọi chuyện, đâu đến nỗi phải dẫn nhau ra tòa.
“Con trai tui nói, hai đứa chỉ là bạn bè, không có yêu đương, hắn nhất quyết không lấy, thà đi tù còn hơn. Chứ nếu không tui đã xin cưới hỏi đàng hoàng, rồi đợi con bé đủ tuổi, mình lên phường đăng ký kết hôn cũng được”, người mẹ giọng thiểu não. Bà còn nói thêm: “Ngày đầu năm hắn không lo đi tảo mộ, dẫn nhau đi chơi làm chi không biết, để chừ phải ra ri. Nếu hôm đó hắn đi với tui lên mộ ba hắn thắp nhang, thì mô có phải đi tù”.
Gần 3h chiều, gia đình bị hại mới tất tả chạy đến, bị hại Hoàng đi cùng mẹ và anh trai. Phải di chuyển chỗ ngồi đến mấy bận, mẹ con bị hại mới ngồi đúng vị trí của mình tại phiên tòa. Người mẹ dáng người nhỏ thó, ốm tong teo, hàm răng trước sứt sẹo mấy cái khiến miệng bà trở nên móm mém mỗi khi nói chuyện.
Vân vê đôi bàn tay nứt nẻ còn dính đầy dầu mỡ, vài nếp móng tay đen sì nhọ than, mẹ bị hại kể về gia cảnh. Chồng bà mất cả chục năm nay, trong một lần đi làm về thì ông gặp phải kẻ sa rượu tông vào. Chồng bà nằm bệnh viện hơn một ngày người nhà mới biết, bác sĩ ráng chữa chạy nhưng không qua được. “Ngày trước nghèo, nhưng có ông ấy đi làm thợ nề, cũng đủ cái ăn, chứ nghề làm bánh ép của tui chẳng được bao nhiêu. Giờ đứa lớn đang đi học nghề, đứa nhỏ đang đi học chữ, chỉ có con Hoàng là đi bán áo quần cho người ta, không ngờ…”, bà than thở.
Người mẹ kể, chiều hôm con gái bà “xảy ra chuyện”, nhờ đứa bạn của con “méc”, bà mới biết: “Tui còn la con bé ấy, ngày đầu năm, đừng có đặt điều nói xấu con tui. Con bé kia tức quá, mới bảo tui về hỏi kỹ con gái thì biết”. Bà tức tốc về nhà, sau khi gặng hỏi con, hiểu ngọn ngành, bà chạy đi báo công an. Còn cô con gái bị mẹ la một trận tơi bời, liền nằm lì trong nhà đến mấy ngày, khiến người mẹ hoảng hồn, tưởng con tuyệt thực đến chết.
“Lúc đầu nghe chuyện, xót con, tui mới làm dữ. Chứ giờ hai gia đình “huề” rồi. Tui đòi bồi thường 10 triệu, nhưng thấy hoàn cảnh họ cũng khổ nên bớt xuống còn 7,5 triệu. Họ đưa trước 1 triệu, hứa ra tòa sẽ đưa tiếp”, mẹ bị hại kể. Bà bảo, nếu giờ nhà bị cáo không đưa tiền, bà sẽ không xin giảm nhẹ tội cho bị cáo.
“Ai rủ hắn cũng đi hết”
Phiên tòa bắt đầu, sau khi VKS công bố bản cáo trạng, bị cáo Huynh cúi đầu cho biết, vụ việc diễn ra đúng như cáo trạng. Bị cáo khai, quen bị hại được gần 3 tháng. Hôm đó, bị cáo chở bị hại đi chơi về thì rủ bị hại vào nhà nghỉ. Bị hại đồng ý.
Tòa: “Khi bị cáo rủ bị hại vào nhà nghỉ, hai người đã ở gần nhà nghỉ chưa?”.Bị cáo: “Dạ chưa, còn xa lắm, phải gần 2km”.
Tòa: “Bị cáo dẫn bị hại vào nhà nghỉ bao lâu thì ra?”.
Bị cáo: “Dạ 15 phút thì ra”.
Tòa: “Khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo có biết bị hại bao nhiêu tuổi không?”.
Bị cáo: “Dạ khi đó không biết, nhưng chừ thì biết rồi”.
Ngồi bên dưới, nghe tòa chất vấn bị cáo, bị hại đưa tay lên che miệng cười, đến lúc tòa hỏi mình, cô bé luống cuống đứng dậy, nói líu ríu. Bị hại cho rằng, bị cáo khai không đúng.
Tòa: “Cháu nói không đúng, vậy không đúng chỗ nào?”.
Bị hại: “Dạ khi nớ anh Móp (tên ở nhà của Huynh) chỉ rủ cháu đi chơi, không rủ vô nhà nghỉ”.
Tòa: “Không rủ cháu vô nhà nghỉ, sao cháu lại vô. Vậy lời khai của cháu tại cơ quan điều tra có đúng không?”.
Bị hại: “Dạ đúng”.
Tòa công bố một số lời khai của bị hại tại CQĐT, có sự chứng kiến của người mẹ. “Khi Móp rủ tôi vào nhà nghỉ chơi, tôi nói “thôi đi về” nhưng Móp vẫn vào nhà nghỉ nên tôi đi theo Móp. Lúc bà chủ đưa chìa khóa cho Móp, Móp đi vào phòng, tôi đi theo. Móp đóng cửa phòng rồi cả hai nằm xuống giường…”. Nghe đến đây, khuôn mặt bị hại bất giác đỏ bừng.
Nữ hội thẩm tham gia xét hỏi: “Khi bị cáo rủ cháu vào nhà nghỉ chơi, cháu có biết “vào chơi” nghĩa là thế nào không?”.
Bị hại: “Dạ biết”.
“Biết sao lại vào?”.
“Dạ không biết, cháu chưa vào đó bao giờ, cháu vào lần đầu”, bị hại luống cuống chối.
Mấy người bạn của bị cáo, lẫn bị hại ồ lên, bàn tán râm ran, “hắn nói láo đó, hắn mà chưa vào đó. Ai rủ hắn cũng đi hết”. Bị hại quay ngoắt đầu lui phía sau, nguýt một cái rõ dài.
Vị hội thẩm nhắc nhở: “Cháu còn rất nhỏ, nhưng đã sớm có cách sống không đúng đắn. Bị cáo không bắt ép, không lôi kéo cháu vào nhà nghỉ. Nếu cháu không đồng ý thì có thể từ chối. Mà nếu có bị bắt ép, mình cũng có thể la lên, cầu cứu mọi người trợ giúp. Nếu cháu không đồng ý, thì bị cáo đã không phạm tội, và cháu cũng không bị tổn thương”. Quay sang mẹ bị hại, bà nói tiếp: “Tôi nói cho mẹ bị hại rõ, ở đây còn có trách nhiệm của bà trong việc giáo dục con cái. Bà phải lo quản lý con mình, chứ không phải để xảy ra chuyện rồi đi đòi bồi thường, khi đó con bà bị người khác hại mất rồi. Bà về quản lý lại con mình, đừng để con cái trượt dài trên con đường hư hỏng, để rồi khi lớn lên, làm những công việc trái với luân thường đạo lý, thuần phong mỹ tục”.
Khi nghe VKS đề nghị mức án từ 12 tháng đến 18 tháng, mẹ bị cáo nói lập bập như sắp khóc: “Xin tòa giảm án cho con tui, chứ mô mà nhiều rứa”. Một người thuộc “phe” bị hại trợn trừng mắt: “Hại đời” con gái người ta, mất hết cả danh dự, mà chừng đó năm thì rẻ bèo quá”.
Người nhà bị cáo “phản pháo”: “Ai “xin” hắn cũng “cho” hết, chứ mô phải chắc thằng ni. Giám định pháp y cho kết quả, trước đó con bé ấy từng “đi” với nhiều người khác rồi”. Bị cáo thì cúi đầu, nói lí nhí: “Vì gia đình có hoàn cảnh khó khăn, xin tòa cho hưởng mức án nhẹ, để ra tù đi làm, kiếm tiền bồi thường cho bị hại”.
Tòa tuyên phạt bị cáo Huynh 12 tháng tù. Do gia đình bị cáo đã bồi thường 1 triệu đồng, nên số tiền còn lại phải bồi thường là 6,5 triệu đồng. Nhiều người tặc lưỡi, bảo “giá” đắt quá, 12 tháng tù và 7,5 triệu đồng cho 1 lần vào nhà nghỉ chưa đầy 15 phút.
Vừa nghe mức án, gia đình bị cáo lầm bầm: “Dại quá, yêu đương trai gái kiểu chi để ra nông nỗi ni. Có 15 phút mà đắt hơn cả mấy cô hoa hậu, đã vậy còn phải đi tù”.
0 Nhận xét