Kỳ 2: Từ “thiên thần” trở thành “ác quỷ”
Theo lời kể của bệnh nhân H., trước đó chị đã sử dụng kem dưỡng làm trắng da, đắp mặt nạ có tên Aremo có xuất xứ Thái Lan. Sử dụng được 3 tuần thì phần da mặt nổi mụn mủ, toàn bộ hai má và phần trán, cổ đã mọc kín mụn. Sau đó những ban đỏ lan rộng khắp người.
Các bác sĩ Trung Tâm Dị ứng miễn dịch Lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội chẩn đoán, chị H. bị viêm da nặng do sử dụng mỹ phẩm giả.
Phải điều trị hơn 1 tháng tại bệnh viện khuôn mặt chị H. mới liền sẹo. Tuy nhiên, những vết sẹo của chị H. hằn sâu trên khuôn mặt. Nhiều vết sẹo trở lên lỗ chỗ phá hỏng dung nhan vốn được đánh giá là “hoa khôi khu phố” của chị H.
“Mấy chị bạn làm cùng cơ quan nói có loại kem Thái Lan làm trắng mặt, quảng cáo làm đẹp, mịn da trong 2 tuần sử dụng nên mình mua dùng thử. Nào ngờ mới dùng chưa được một lọ (loại thể tích 50mg) đã sưng vù mặt mũi, có vết loét thành mủ. Giờ chịu hậu quả như thế này đây”- chị H. sụt sùi nói.
Vẫn theo lời chị H., loại kem dưỡng này chị mua ở một “shop” trên vỉa hè phố Khâm Thiên với giá 26.000 đồng/hộp, rẻ chỉ bằng 1/6 loại kem khác có cùng tính năng”. Những đồng nghiệp khác của chị cũng mua và dùng nhưng bị nhẹ hơn chỉ phải dùng nước rửa, giải độc da do vết loét chưa ăn sâu.
“Do mình dùng quá nhiều lần trong ngày trong khi chất lượng của nó thì…”-chị H. hối hận nói.
Nhẹ hơn trường hợp của chị H., chị Lê Thị T.A., chuyên viên kiểm soát quỹ của một chi nhánh ngân hang tại Q.Thanh Xuân, Hà Nội cũng phải vào viện Da liễu Hà Nội điều trị trong tình trạng: Da vùng lưng, hai cánh tay, vùng bụng bị đỏ tấy, sưng đỏ, chuẩn bị có mủ.
Các bác sỹ chẩn đoán chị bị dị ứng mỹ phẩm kém chất lượng, nếu không kịp thời điều trị có thể dẫn đến nhiễm độc máu vì trong loại mỹ phẩm này có lượng chì khá cao.
“ Là “tín đồ” của mỹ phẩm nên cứ có loại gì mới là mình mua dùng thử. Thứ mỹ phẩm dẫn đến việc mình phải nhập viện là loại kem dưỡng da toàn than được mua ở ven đường Lê Văn Lương. Khi đi làm về, thấy tấm bảng quảng cáo là “hàng xách tay Hàn Quốc” bán có giá 25.000 đồng/lọ dạng nước 50ml. Mình mua liền 3 lọ. Đến khi chưa dùng hết một lọ thì phải vào viện”- chị T.A. kể lại.
Mỗi năm có hàng ngàn người nhập viện vì mỹ phẩm giả
Theo thống kê của bệnh viện Da liễu trung ương thường xuyên phải tiếp nhận điều trị cho những bệnh nhân bị dị ứng và phản ứng với mỹ phẩm, trong đó không ít trường hợp bị tổn thương da rất nặng, khó có thể phục hồi. Còn tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội, trong năm qua có hơn 1.000 trường hợp tới khám chữa bệnh liên quan đến dị ứng mỹ phẩm, chủ yếu do sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng.
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai), hầu hết các loại mỹ phẩm đều chứa một số loại hóa chất, dù với hàm lượng nhỏ cũng có thể gây hại cho những người bị dị ứng với chất đó. Ngoài ra, một sản phẩm mỹ phẩm có thể an toàn với người này nhưng chưa chắc an toàn với người khác.
Thậm chí, một người dùng cùng một loại mỹ phẩm ở những thời điểm khác nhau vẫn có thể bị dị ứng, phản ứng, nổi mụn hay bỏng da do sức khỏe của cơ thể thay đổi, sức khỏe của làn da cũng thay đổi nên gây ra những phản ứng với các chất tiếp xúc tại từng thời điểm khác nhau.
Ngay cả những người có cơ địa khỏe mạnh, khi tiếp xúc liên tục với những loại hóa chất lạ trong mỹ phẩm kém chất lượng đều bị tổn thương và mắc bệnh về da. Ngoài ra, những loại mỹ phẩm làm giả nhãn mác, thương hiệu được quảng cáo có tác dụng mạnh, hiệu quả cao thì đều có nồng độ hóa chất lớn, thậm chí có cả chì, thủy ngân... nên nguy cơ gây nhiễm độc, phá hủy da, làm khô da, sạm da đối với người sử dụng rất cao.
Khi da bị những tổn thương do hóa chất gây ra thì việc điều trị sẽ kéo dài và rất khó khăn. Qua nghiên cứu cho thấy hầu hết bệnh nhân dị ứng mỹ phẩm ở lứa tuổi 18 - 25, trong đó tác nhân gây dị ứng nhiều nhất là kem dưỡng da (chiếm hơn 33%), tiếp đó là loại kem tổng hợp (22%) và thuốc nhuộm tóc.
Theo các bác sỹ bệnh viện Da liễu Trung ương, trong các loại mỹ phẩn giả thường có thêm những chất: PEG (dùng trong kem dưỡng da, chống khô da), PG (thuốc nhuộm, khử mùi), TEA, DEA (sữa tắm, kem chống nắng, dầu gội...) vượt xa quy định có khả năng gây ảnh hưởng bất lợi đến hệ miễn dịch, ảnh hưởng xấu cho gan, não, thận, hệ thần kinh trung ương.
Kỳ 3: Đường đi của mỹ phẩm "dỏm"
0 Nhận xét