Sơn Đoòng đã trở thành một hiện tượng truyền thông trong những ngày qua khi xuất hiện một cách hoành tráng trên chương trình GMA của đài truyền hình Mỹ ABC.
Nhưng, khi niềm tự hào về Sơn Đoòng đệ nhất hang động thế giới chưa lắng xuống thì những tâm tư về tương lai của Sơn Đoòng cũng bắt đầu xuất hiện.
Sơn Đoòng sẽ được bảo vệ như thế nào trước làn sóng du lịch đại trà khi nó đã được truyền thông bởi rất nhiều mỹ từ, như một điểm đến “không thể bỏ qua trước khi chết”?
Khi mà Sơn Đoòng đã được quảng bá một cách ồn ào như một điểm đến, dĩ nhiên, nó sẽ buộc phải đối mặt với những hệ lụy của du lịch đại trà, không cách nào tránh được.
Người ta sẽ cấp giấy phép du lịch theo hạn ngạch? Điều đó là khả thi về mặt lý thuyết! Song trên thực tế, hạn ngạch đó được quy định ra sao, dựa trên khả năng chịu tải của di sản hay dựa trên năng lực cung cấp dịch vụ?
Nếu dựa trên khả năng chịu tải của di sản, chúng ta đã có một bài học trực quan từ việc quản lý đường bộ, nơi mà việc quản lý tải trọng xe tham gia giao thông dễ dàng hơn rất nhiều. Quyết định nâng tải sẽ phụ thuộc vào vai trò của những cơ quan được giao quyền lực.
Nếu dựa trên khả năng cung cấp dịch vụ. Đó lại là câu chuyện của thị trường, mà thị trường thì phụ thuộc vào nhu cầu của người tiêu dùng. Sẽ có nhiều công ty như Oxalis, và những đoàn người từ những vùng quê nghèo khắp đất nước về đây làm cửu vạn.
Sơn Đoòng cho đến lúc này được hình dung như một mỹ nhân con nhà nghèo được phát hiện bởi truyền thông, được ngợi ca để trở thành nỗi khát thèm của công chúng.
Các đại gia thèm muốn nàng, muốn chinh phục nàng, sở hữu nàng bằng tiền bạc của mình, và tìm cách để đám trai làng không thể bén mảng chạm vào cơ thể nàng. Đám trai làng, dù không đủ khả năng để chung sống hạnh phúc với một người đẹp, để vừa sở hữu nàng, vừa chăm chút giữ gìn nhan sắc của nàng, nhưng cũng không thể chỉ ngậm ngùi quay đi. Cha mẹ nghèo của nàng thì vô cùng bối rối. Nhà nghèo giữ mỹ nữ, khó thay!
Đừng nhìn nhận Sơn Đoòng như một điểm đến, như một kỳ quan tuyệt sắc, như Phong Nha, như Hạ Long trước kia, hay Tràng An gần đây.
Thực tế, giá trị quan trọng nhất của Sơn Đoòng không phải là một điểm đến hấp dẫn với đại chúng.Trước hết, đó là một kho tàng lưu giữ những bí ẩn quan trọngcủa tự nhiên, là chìa khóa để mở ra những hiểu biết của con người về cuộc sống. Sơn Đoòng là một báu vật đối với nhân loại dưới lăng kính khoa học.
Dưới góc nhìn lợi ích của việc nghiên cứu khoa học, du lịch sẽ là một sát thủ đối với Sơn Đoòng, và chúng ta không thể tin vào một lời hứa về cái gọi là du lịch hạn chế ở Việt Nam.
Để bảo vệ những giá trị tự nhiên của hang Lechuguilla, Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ đã quyết định đóng cửa hang động dài thứ 7 thế giới đối với khách du lịch, chỉ để dành phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Đó là một quyết định khó khăn đối với chính nước Mỹ, vốn không quá cần đến một nguồn thu từ du lịch hang động.
Đóng cửa Sơn Đoòng thì sao? Nó sẽ khép lại khát khao được khám phá hang động kỳ vĩ nhất thế giới của mọi người?
Đúng vậy! Nhưng mỗi con người có biết bao khao khát trong cuộc đời này, và có ai trong đời thỏa nguyện được tất cả khát khao? Khát khao khám phá Sơn Đòong là một khát khao tốn kém, về tiền bạc, thời gian, và sức khỏe.
Nếu Sơn Đoòng sẵn sàng thì cũng không nhiều người có thể thực hiện việc chinh phục được nó. Vậy hãy để nó luôn là một nỗi khát khao, một giấc mơ bí ẩn, để nó trở thành một biểu tượng của một vùng đất, một công viên hang động tự nhiên hấp dẫn nhất thế giới với quần thể hàng trăm hang động xung quanh Sơn Đoòng.
Đóng cửa hang Sơn Đoòng. Đó là điều mà không nhiều người muốn nhắc đến lúc này, nhất là khi vẫn đang say trong cơn tự hào sở hữu một hang động lớn nhất thế giới, đang ngất ngây khi được truyền hình Mỹ ca ngợi, đang nỗ lực hô hào quảng bá và quảng bá.
Đóng cửa hang Sơn Đoòng liệu có phải là một quyết định cần được đưa ra để thảo luận hay không? Khi mà chính các nhà khoa học Việt Nam, những người, về lý thuyết sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất, vẫn hoàn toàn thờ ơ, và hoàn toàn im lặng!
Phạm Trung Tuyến
0 Nhận xét