Vào những ngày Tháng Năm này, không chỉ có Việt Nam tưng bừng kỷ niệm ngày sinh của vị lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh mà ở nhiều nước trên thế giới - trong đó có Cuba, cũng đều có những hoạt động chào mừng rất ý nghĩa. Phóng viên Tintuc.vn đã vinh dự có buổi phỏng vấn ông Phạm Tiến Tư, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cuba giai đoạn 2002-2007, để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
PV: Như chúng ta đã biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho tình hữu nghị Việt Nam – Cuba. Là một Đại sứ của Việt Nam tại đây, theo ông, Bác Hồ trong lòng người Cuba có ý nghĩa lớn lao như thế nào?
Nguyên Đại sứ Phạm Tiến Tư: Đối với Việt Nam, Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho nền độc lập, còn ở Cuba là José Martí và Fidel Castro. Bác Hồ cùng với 2 lãnh tụ nói trên sau đó đã khởi nguồn cho mối quan hệ anh em truyền thống giữa Việt Nam và Cuba.
Mọi sự bắt nguồn từ thế kỷ 19 khi lãnh tụ José Martí, người sau này đã đánh đuổi thực dân Tây Ban Nha và giành độc lập cho Cuba có cơ hội đọc cuốn sách mang tên “Cuộc dạo chơi trên đất An Nam”. Cuốn sách kể về phong tục và nền văn hóa của Việt Nam trong thời kỳ thuộc địa của Pháp. Vào thời điểm đó, Martí đã nói rằng nếu như người dân An Nam đoàn kết cùng đứng lên thì sẽ đánh lại mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù.
Đúng như lời ông nói, chúng ta đã đánh thắng thực dân Pháp trong trận cuối cùng ở Điện Biên Phủ và giành độc lập cho miền Bắc. Như vậy, giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ José Martí có nhiều điểm tương đồng về tư tưởng hòa bình và độc lập dân tộc. Chính điều này về sau đã tạo nên tình hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Cuba.
Sau này, bản thân lãnh tụ Fidel Castro trong thời kỳ chống Mỹ đã có câu nói:“Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”; đồng thời cũng là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới đi thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1973. Lãnh tụ Fidel Castro cũng nói rằng, Cuba sẵn sàng đổ mồ hôi để xây dựng lại Việt Nam 10 lần to đẹp hơn như trong di chúc của Hồ Chí Minh để lại cho Việt Nam khi qua đời.
Bên cạnh đó, thời kỳ chúng ta chống thực dân Pháp cũng là lúc Cuba chống thực dân Tây Ban Nha. Còn khi miền Nam Việt Nam là thuộc địa kiểu mới của Mỹ (1854-1975) thì ở Cuba lúc này, thực dân Tây Ban Nha đã chuyển chân cho Mỹ tới chiếm đóng vào năm 1898, để rồi 1 năm sau đó, Fidel đã làm cuộc cách mạng giành độc lập cho dân tộc.
Chính vì vậy nên các vị lãnh tụ thường có những tuyên ngôn rất tương đồng về ý nghĩa. Fidel nói “Tổ quốc hay là chết” (1956), Bác Hồ lại nói: “Thà hi sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. José Martí nói “Có văn hóa là có tự do”, Bác Hồ căn dặn: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.
Điểm tương đồng lớn nhất giữa lãnh tụ 2 nước chính là đều đi lên từ Chủ nghĩa yêu nước đến Chủ nghĩa xã hội. Các vị lãnh tụ cùng đề cao tinh thần đoàn kết nhân dân để chiến thắng mọi kẻ thù. Sau này, khi 2 nước đã xây dựng Chủ nghĩa xã hội thì tình cảm giữa nhân dân Việt Nam và Cuba ngày càng sâu đậm hơn.
PV: Với tình hữu nghị đặc biệt như vậy thì vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở Cuba có hoạt động gì đặc biệt không, thưa ông?
Nguyên Đại sứ Phạm Tiến Tư: Ngày 19/5 ở Cuba được gọi là ngày của 2 lãnh tụ: Ngày sinh của Bác Hồ và 5 năm sau là ngày hi sinh của José Martí trong trận chiến đấu giành độc lập cho Cuba. Do vậy, vào ngày 19/5 ở Cuba có rất nhiều chương trình và hoạt động đáng chú ý. Trong thời kỳ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vào dịp đó Cuba đã tổ chức nhiều hội thảo kéo dài hàng tuần về các vị lãnh tụ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân Cuba coi như là người lãnh tụ của chính mình. Còn nhớ khi Bác Hồ mất, nhân dân Cuba đã để tang Bác 7 ngày. Chúng tôi là những du học sinh đã thay nhau túc trực ở các điểm viếng Bác Hồ. Vào thời điểm ấy, ngay cả những người tàn tật cũng đi xe lăn hoặc nhờ người thân đưa đến tận nơi viếng.
Chúng tôi đã có mặt ở đó cả ngày và đêm và sắp xếp gọn gàng hàng nghìn cuốn sổ tang với hàng triệu chữ ký của người dân Cuba viếng Bác Hồ. Lời đồng chí Fidel Castro viết phân ưu đã ca ngợi Bác Hồ như là một trong những vị lãnh tụ kiệt xuất của phong trào cách mạng thế giới và của thế hệ tiên phong trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sự ra đi của Người đã gieo mầm cho hàng triệu triệu sự sống ở Tổ quốc Người và trên thế giới.
Như vậy có thể thấy tình cảm của nhân dân Cuba đối với Bác Hồ là rất sâu đậm bởi Việt Nam đã đại diện cho các nước thuộc địa đứng lên chống lại đế quốc hùng mạnh để giành độc lập. Phía Cuba thường đưa tin rất kịp thời những chiến thắng của dân tộc Việt Nam. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Cuba đã theo dấu từng trận đánh Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng cho tới Sài Gòn; đồng thời cũng ăn mừng chiến thắng của nhân dân Việt Nam như là chiến thắng của chính mình.
PV: Ông đã đi công tác tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ông có thể cho biết quan điểm và suy nghĩ của người dân các nước mà ông đã đi qua về Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Nguyên Đại sứ Phạm Tiến Tư: Cuộc kháng chiến giành độc lập của nước ta cũng có cùng mục tiêu với các nước ở châu Á, Phi và Mỹ Latinh. Việt Nam, Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp là những khẩu ngữ thường thấy ở châu Phi thời kỳ đó. Sau khi Việt Nam chống Pháp thắng lợi, hàng loạt các nước châu Phi cũng đã đứng lên giành độc lập dân tộc.
Thời xưa, ở nhiều nơi không có ảnh Bác Hồ, người ta tự tưởng tượng để vẽ nên hình ảnh Bác là một chiến binh dũng mãnh. Nhưng khi được cầm trong tay tấm chân dung Bác thì họ lại ngạc nhiên vì trước mắt là một người quá đỗi hiền từ và giản dị.
Những kỷ vật được làm từ xác máy bay Mỹ như chiếc lược hay nhẫn cùng cờ Việt Nam, ảnh Bác Hồ thường rất được quý trọng tại đây.
PV: Trong quãng thời gian đó, kỷ niệm nào khiến Đại sứ ghi nhớ nhất, thưa ông?
Nguyên Đại sứ Phạm Tiến Tư: Tôi từng được gặp Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Ông đã nói rất nhiều và đầy xúc cảm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp rằng: “Thời kỳ ở trong tù tôi có thêm nghị lực chính là nhờ đọc Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh”. Sau này, Đảng của ông Mandela cũng đã học rất nhiều từ Việt Nam.
Tôi đến Nicaragua năm 1979, hàng nghìn người dân đã đứng đón đoàn Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại sân bay với khẩu hiệu: “Nhân dân của lãnh tụ Sandino đón chào nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhân dân Việt Nam nghìn lần anh hùng”. Cùng với đó là tiếng vỗ tay tán thưởng rất nồng nhiệt.
Khi ở lại thăm, chúng tôi thấy rằng họ thật sự tôn sùng tài lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ý chí quật cường của người dân Việt Nam. Khắp nơi đâu đâu tôi cũng thấy khẩu hiệu như ở Việt Nam: "Quân đội như quân đội Việt Nam", "Đảng như Đảng Việt Nam", "Thiếu nhi như thiếu nhi Việt Nam", "Nhân dân như nhân dân Việt Nam"…
Đó chỉ là một phần rất nhỏ những kỷ niệm của tôi khi công tác tại các nước bạn. Chúng tôi đã cảm nhận được tình yêu họ dành cho Hồ Chủ tịch cũng như nhân dân Việt Nam lớn đến nhường nào và càng cảm thấy tự hào hơn khi được là một người con của dân tộc Việt Nam.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Anh Đào - Hồng Kim Hải
0 Nhận xét