Hàng loạt cầu vượt vừa xây xong bị dỡ bỏ, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đặt nghi vấn có hay không sự "tùy hứng"?
TS. Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng (Nguồn: Internet).
Làm cầu đi bộ theo kiểu “tùy hứng”?
Thời gian qua, hàng loạt các cây cầu vượt đi bộ có giá trị tới cả trăm tỷ đồng đã bị dỡ bỏ vì ảnh hưởng tới dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Việc dự án chồng lên dự án khiến không ít người dân đặt câu hỏi trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc PV với Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam để làm rõ hơn vấn đề này.
Theo Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, việc xây các cây cầu vượt đi bộ trong nội đô là một chủ trương đúng vì nó đã phần nào giúp cho quá trình lưu thông của người dân được thuận tiện và an toàn hơn tại một số điểm. Ban đầu còn chưa nhận được sự hoan nghênh từ nhiều người dân nhưng lãnh đạo Hà Nội vẫn quan tâm và quyết tâm làm.
Lý giải nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm cho rằng: “Trước khi thi công thì các đơn vị đã thiếu mất một khâu rất quan trọng là xem xét nó trên một quy hoạch toàn diện về giao thông đô thị. Tức là phải đánh giá mối quan hệ của những cây cầu đó với các công trình xây dựng khác xung quanh nó trong một tầm nhìn dài hạn”.
“Liệu các nhà quản lý đã tính toán tới phương án lâu dài chưa hay chỉ “tùy hứng” thấy chỗ nào đông người qua lại thì xây mà thiếu đi cái nhìn tổng thể trong bức tranh chung của giao thông đô thị tại Thủ đô?”, ông Phạm Sỹ Liêm đặt câu hỏi.
Hình ảnh lan can thành cầu vượt đi bộ tại khu vực trước cổng ĐH KHXH&NV được đặt “chỏng trơ” trên hè phố (Ảnh: Đình Tuệ).
"Vì làm cầu vượt ta chưa có kinh nghiệm nên buộc phải vừa làm vừa học. Mỗi khi dự án thực hiện xong thì các đơn vị chủ đầu tư lại chưa hề có bước rút kinh nghiệm cũng như bài học. Suy rộng ra là bước tổng kết thành lý luận thực tiễn bởi các chuyên gia trong ngành thì lại không được tính đến.
Vị Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh, việc xây dựng hẳn một bản quy hoạch toàn diện về giao thông đô thị phải được tính đầu tiên để sau này khi thực hiện các dự án liên quan sẽ không rơi vào trạng thái “Dự án chồng lên dự án” như thực trạng hiện nay. Nhìn vào quy hoạch hiện tại thì người soạn thảo văn bản đó vẫn chưa có tầm nhìn bao quát đô thị. Quy hoạch mang vẫn tính cục bộ mà gần như chỉ quan tâm nơi nào đông người qua lại thì làm theo kiểu “tùy hứng”.
Cán bộ nào tư tưởng cục bộ thì nên cho nghỉ
Trước thực trạng trên, TS Phạm Sỹ Liêm dẫn chứng ở một số nước bạn như Singapore, Hàn Quốc hay Trung Quốc… họ có tư duy về xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị rất dài hạn và văn minh, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất cao. Tầm nhìn của họ kéo dài tới cả trăm năm nên đó cũng là bài học mà ta cần tham khảo và học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế.
Tại Hà Nội có cả hầm và cầu dành cho người đi bộ. Rộng ra toàn quốc còn có cả loại hình đường sắt đô thị trên cao, metro, đường cao tốc trên cao (từ Mai Dịch – Cầu Thanh Trì)… cũng cần phải xem xét xây dựng, khai thác và quản lý thật hiệu quả trong bối cảnh chung của giao thông đô thị.
Cây cầu vượt dành cho người đi bộ mới được xây dựng bắc qua đường La Khê (Hà Đông) hiện vẫn vắng người qua lại. (Ảnh: Đình Tuệ).
TS Liêm góp ý: “Các cấp chính quyền cần có chủ trương rõ ràng ngay từ đầu. Cán bộ nào bảo thủ, cục bộ thì nên cho nghỉ để thay thế vào đó những người có tâm, có tài vào để họ cống hiến. Tuyệt đối tránh tình trạng hình thành lợi ích nhóm trong việc xây (bỏ) cầu vượt đi bộ”.
“Nếu vẫn giữ cách quản lý và tư duy cũ thì trong tương lai, kịch bản về việc phá dỡ các cây cầu vượt dành cho xe máy ở một số nút trọng điểm, dễ gây ùn tắc như hiện nay cũng sẽ lặp lại. Khi đó, sẽ kéo theo thiệt hại về nhiều mặt. Điều này cần phải được phân tích trên nhiều góc độ để đảm bảo mỹ quan đô thị cũng như chất lượng sử dụng các công trình giao thông đó với người dân Thủ đô”, TS Phạm Sỹ Liêm cho biết.
Theo quan sát của PV, tại nút giao giữa đường Lê Văn Lương kéo dài – La Khê (Hà Đông) cũng đã xuất hiện hai cây cầu dành cho người đi bộ bên cạnh một nhà chờ xe buýt cũng đang trong quá trình hoàn thiện. Liệu cây cầu này có phát huy được hiệu quả sử dụng hay không hay lại bị dỡ bỏ vẫn là câu hỏi cần được thời gian kiểm chứng?
Mới đây nhất, cuối tháng 4/2015, cây cầu vượt dành cho người đi bộ trước cổng trường ĐH KHXH & NV đã bị các đơn vị chủ đầu tư dỡ bỏ xuống để lấy không gian thi công cho dự án “Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông”.
Trước đó cũng có ba cây cầu vượt dành cho người đi bộ nữa tại Thủ đô cũng chịu chung "số phận". Đó là các cây cầu đi bộ tại nút giao thông Nguyễn Chí Thanh – Kim Mã và nút Đại Cồ Việt – Phố Huế cũng đã bị “khai tử” để nhường chỗ cho dự án xây các cây cầu vượt bằng thép từ đầu năm 2013.
Tới tháng 10/2014, cây cầu đi bộ tại nút giao trung chuyển Cầu Giấy (khu vực trước cổng trường ĐH GTVT) cũng bị tháo dỡ để lấy không gian thi công cho dự án đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội.
Được biết, các cây cầu trên nằm trong kế hoạch xây dựng 15 cây cầu đi bộ đã được lãnh đạo Thành phố Hà Nội cho phép xây dựng từ năm 2008 – 2010 với tổng vốn đầu tư lên tới 105 tỷ đồng.
|
Đình Tuệ
0 Nhận xét