Là người quê gốc ở Nông Cống, Thanh Hóa, Thiếu tướng Lê Mã Lương sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, có bố hy sinh trong cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Mẹ ông đã ở vậy tần tảo nuôi anh em ông khôn lớn. Chính vì thế, đối với Lê Mã Lương, người mẹ có một vị trí quan trọng trong cuộc đời.
Vốn là con liệt sĩ trong thời kỳ chống Pháp, ông có thể được miễn quân sự và có thể được theo học một trường đại học nào đó, nhưng tháng 7/1967, khi mới 17 tuổi, ông đã tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ. Ông bảo, mình không muốn dựa vào danh tiếng của bố để trốn tránh trách nhiệm đối với vận mệnh đất nước, không muốn dựa vào đó như một nấc thang để leo lên đài vinh quang mà ngược lại, đó là động lực để ông sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
"Nếu bây giờ được làm lại, tôi vẫn hành động như khi 17 tuổi. Không có một chút băn khoăn nào. Trong lịch sử, bà Triệu Thị Trinh đã từng phất ngọn cờ chống lại quân Ngô. Lớn dần trong sự nuôi dưỡng của mẹ, của bà con làng xóm và đắm mình trong dòng sông quê hương Thanh Hóa, tôi ý thức được bản thân phải có trách nhiệm bảo vệ quê hương. Đến năm 10 tuổi, tôi phải xa mẹ, ra thị xã Thanh Hóa, cách nhà 18km, để đi học theo chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho con em liệt sĩ. Tôi sống trong sự đùm bọc của các cô, các chú đến năm 17 tuổi.
Năm 1967, chiến tranh phá hoại của Mỹ tại miền Bắc diễn ra hết sức ác liệt, nhiều phong trào khởi nghĩa sôi sục. Mọi người không nghĩ đến nguy hiểm, việc tham gia quân đội là một điều hết sức tự nhiên. Đây cũng là nguyện vọng của tất cả mọi người. Ngay cả khi được nhà nước cử ra nước ngoài du học, tôi cũng đã gác lại chuyện hết sức nhẹ nhõm, lao vào chỗ mà nay mình sống, mai mình có thể chết. Nhiều người nói rằng “nhẹ như lông hồng” khi thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng đó", Thiếu tướng Lê Mã Lương chia sẻ.
Ngày tiễn con ra trận, mẹ ông nuốt nước mắt dặn dò: “Con ra đi cố gắng rèn luyện cho bằng anh, bằng em, đừng lo cho mẹ. Cho dù gian khổ đến đâu con cũng phải cố gắng hết mình để chiến đấu vì Tổ quốc, vì niềm tự hào của gia đình và nhân dân…”
Lời căn dặn đó của mẹ tôi luôn là sự động viên, khích lệ rất lớn đối với anh hùng Lê Mã Lương, để ông có thêm sức mạnh, ý chí và nghị lực để vượt qua những vất vả, gian khổ nhất của một người lính cụ Hồ. Có thể nói, trong cuộc chiến đấu này, không ai có thể hiểu chiến tranh hơn những người mẹ. Mẹ ông đã từng phải chịu nỗi đau khi mất đi người chồng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Lần tiễn đưa này, cũng có thể là lần bà sẽ mất đi tiếp đứa con của mình, nhưng bà vẫn sẵn sàng chấp nhập và luôn động viên ông chiến đấu làm sao cho xứng với anh linh của bố – một thế hệ bộ đội cụ Hồ mẫu mực. đây là sự hy sinh vĩ đại của tất cả những người phụ nữ Việt Nam.
"Người phụ nữ Việt Nam rất vất vả. Sức chịu đựng của người các mẹ, các chị trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp cực kỳ phi thường", anh hùng Lê Mã Lương nói.
Từ 1968 đến năm 1974, Thiếu tướng Lê Mã Lương đã tham gia nhiều chiến dịch đánh ác liệt ở đường 9 Nam Lào, Lao Bảo, Cửa Việt, Quảng Nam, Đà Nẵng… Những trận đánh ác liệt đã tôi rèn ông trở thành một người lính gan dạ, dày dạn kinh nghiệm trong chiến đấu.
Tháng 8/1969, trên đường hành quân tại dốc Pa Trang (Tây Khe Sanh), đơn vị của ông đụng độ với bọn thám báo Mỹ. Chỉ sau một tiếng rưỡi quần thảo, Lê Mã Lương tiêu diệt 14 tên Mỹ. Qua 14 trận đánh lớn, ông đã cùng đồng đội lập được nhiều chiến công, diệt 53 tên Mỹ, bắn cháy 1 xe tăng, máy bay, trực thăng HU-1A của địch.
Với những chiến công đó, ngày 20/9/1971, ông vinh dự được tuyên dương Anh hùng quân đội khi mới 21 tuổi. Đến thời điểm sau năm 1975, ông còn tham gia diệt trừ bọn phỉ Phun-rô tại Tây Nguyên, lên chiến trường biên giới phía Bắc để chiến đấu chống lại quân xâm lược Trung Quốc…
Khi đất nước hòa bình, ông học khoa Sử, ĐH Tổng hợp Hà Nội mà năm xưa đã bỏ dở để lên đường chiến đấu. Ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ và được bổ nhiệm làm Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu. Năm 2006, ông chính thức được Nhà nước phong hàm Thiếu tướng.
0 Nhận xét