Thiết nghĩ, thay vì trực tiếp tham dự, Bộ trưởng có thể cử đại diện, và dành thời gian giải quyết những vấn đề lớn còn tồn đọng của ngành y tế thì sẽ tốt hơn chăng?.
Lễ tiễn ra viện cho các bệnh nhân nặng không còn là sự kiện mới ở Bệnh viện Bạch Mai từ mấy năm nay. Thế nhưng, câu chuyện này bỗng chốc thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là các thành viên cộng đồng mạng khi Bộ trưởng Y tế post tấm hình bà chụp tham gia sự kiện hôm 08/4 vừa qua.
Nhiều người đặt ra câu hỏi, tại sao Bệnh viện lại tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân này, mà không phải là bệnh nhân khác?. Có nên có sự “phân biệt đối xử”như vậy không?, điều nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi là đường đường một lãnh đạo trên Bộ có nhất thiết phải tham gia một sự kiện như vậy không?
Về Lễ ra viện cho bệnh nhân, PV đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS. Bác sĩ cao cấp Nguyễn Quốc Anh chia sẻ, lễ tiễn ra viện đã tổ chức khoảng 4-5 năm nay, chứ không phải chỉ có 2 sự kiện nổi bật vừa qua. Đó là lễ ra viện cho bệnh nhân Cao Xuân Hòa - một trong bốn bệnh nhân nặng nhất trong vụ sập giàn giáo tại Formosa và bệnh nhi Vừ Mí Chá (2 tuổi, dân tộc H’mong, Cao Bằng ) bị rắn độc cắn gây rối loạn đông máu.
Ông Nguyễn Quốc Anh cho biết, ý nghĩa lớn nhất của lễ ra viện chính là động viên tinh thần cho bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ có thành tích xuất sắc trong công tác cứu chữa những bệnh nhân.
Có thể nói, lễ ra viện cũng là dịp để giới thiệu những thành tựu y khoa mới đến với những đồng nghiệp ở các bệnh viện khác trên cả nước. Từ đó nhân dân và xã hội tin tưởng vào nền y học của nước nhà đã vươn lên những tầm cao không kém gì so với các nước trong khu vực hay nền y học quốc tế.
Về lý do, “Tại sao lại chỉ làm lễ ra viện cho bệnh nhân này mà không phải là những bệnh nhân khác?”, cả Giám đốc lẫn Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đều cho biết: "Không hề có một sự phân biệt đối xử nào ở đây cả. Hàng ngày, ở bệnh viện chúng tôi có hàng trăm bệnh nhân ra viện. Sở dĩ chúng tôi chỉ tổ chức lễ ra viện cho những bệnh nhân mà các bạn đã biết trên báo chí, truyền thông thời gian vừa qua, đó là những bệnh nhân hiểm nghèo, tưởng rằng trước kia không chữa được, thì bây giờ cứu được, thậm chí có những bệnh nhân ngay cả nền y học thế giới vẫn chưa tìm ra phương pháp chữa trị. Điều này có tác dụng rất lớn không chỉ trong việc động viên tinh thần của đội ngũ y bác sĩ và những người bệnh đang điều trị. Những người mắc bệnh hiểm nghèo, đang cố gắng giành giật mạng sống với tử thần, nhìn thấy những người cùng cảnh ngộ như vậy, họ sẽ có thêm động lực để chiến đấu với bệnh tật”.
Theo chia sẻ của GS.TS. Phạm Minh Thông, dù không làm lễ ra viện cho các bệnh nhân khác, nhưng những bệnh nhân khi vào đây đều được đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai quan tâm, chăm sóc nhiệt tình.
Ông Nguyễn Quốc Anh cũng cho biết thêm, với những ca đặc biệt, Bệnh viện Bạch Mai vẫn mời cán bộ của Bộ Y tế. “Tôi cho rằng nếu như lãnh đạo của Bộ bố trí và sắp xếp thời gian tham dự lễ ra viện cho bệnh nhân được thì điều đó cũng hoàn toàn bình thường, nó thể hiện sự quan tâm đến người bệnh, cán bộ y tế, cũng như nền y học nước nhà”.
Như vậy, xét ở một góc độ nào đó, đây cũng là hoạt động hoàn toàn bình thường của một đơn vị sự nghiệp nhà nước, cũng như một doanh nghiệp tổ chức hoạt động thường niên, hay sự kiện nào đó cho đội ngũ cán bộ công nhân viên chức mà thôi. Tuy nhiên, vì đó là sự kiện của ngành y tế - vốn vẫn thu hút sự quan tâm và chú ý của dân chúng nên được để ý hơn chăng?.
Trao đổi với một số bác sĩ của các bệnh viện khác, nhiều người cho rằng, việc các trang mạng xã hội bình luận những ý kiến không hay về Bộ trưởng Y tế rằng “làm màu” hay “cố đánh bóng hình ảnh bản thân” bằng việc sử dụng facebook. hay đăng những chia sẻ, những hình ảnh liên quan đến các sự kiện y tế, đặc biệt việc bà tham gia lễ ra viện cho bệnh nhân vụ sập giàn giáo Formosa có phải là quá “thổi phồng” sự việc lên quá chăng?.
Trước đó, vào hồi đầu năm ngoái, báo chí từng rộ lên hình ảnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi đó đã “vi hành” đến Bệnh viện K và “giả thường dân” đến Bệnh viện Việt - Đức để xem xét tình hình, hoạt động thực tế ở các bệnh viện. Hành động này đã được đánh giá rất cao bởi tinh thần sẵn sàng đi vào trong dân để tìm hiểu đúng bản chất sự việc của Phó Thủ tướng.
Nói về chuyện “vi hành” của các bộ cấp cao của Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cũng là một trường hợp điển hình về việc “đi sâu, đi sát” vào các hoạt động của ngành. Ông đã vào Nam ra Bắc, kinh lý ngược xuôi để kiểm tra các công trình dự án. Không chỉ kiểm tra, ông còn giải quyết, chỉ đạo, thậm chí nơi nào, cá nhân nào làm ăn không đến nơi đến chốn là“trảm” luôn...
Đành rằng việc “vi hành” hay tham gia các sự kiện của đơn vị cấp dưới là thể hiện sự quan tâm của đội ngũ lãnh đạo đối với cán bộ cấp dưới, với người dân, nhưng nên chăng, thời gian “đi sâu, đi sát” hay tham gia sự kiện này nọ đó được thay bằng những việc làm thiết thực hơn để giải quyết những vấn đề lớn hơn chăng? Nếu như trên thông, dưới thông, thì chắc chắn bộ máy sẽ vận hành trơn tru, và không phải vấp phải những ý kiến trái chiều như thế.
Nhân chuyện Bộ trưởng Y tế tham dự lễ ra viện cho bệnh nhân bị mắc bệnh hiểm nghèo của Bệnh viện Bạch Mai, thiển nghĩ, thay vì trực tiếp tham dự, Bộ trưởng có thể cử đại diện, hay thậm chí gửi một lẵng hoa, hay một món quà nào đó đến, và thời gian đó, bà dành thời gian để giải quyết những vấn đề lớn còn tồn đọng của ngành y tế thì sẽ tốt hơn chăng?
Đó chỉ là ý kiến chủ quan của cá nhân người viết, một người dân bình thường như tất cả những người dân khác, rất có thể chưa đúng và chắc chắn sẽ nhận được nhiều ý kiến phản hồi trái chiều!?.
0 Nhận xét