Bốn mươi năm đã qua kể từ ngày cầu Hiền Lương, sông Bến Hải không còn là ranh giới phân chia hai miền Nam-Bắc. Với mỗi sinh linh, đó là quỹ thời gian của một nửa đời người.
Lớp người tuổi 40 được Khổng Tử gọi là “Nhi bất hoặc” nghĩa là những người đã đủ năng lực kiến giải về phải-trái, tốt-xấu, biết điều gì là nên hay không nên. “Nhi bất hoặc” nghĩa là nghe người khác nói, ngẫm việc người ta làm mà biết đó là người yêu nước thương dân, là chính nhân quân tử hay kẻ xảo ngôn, ngụy biện.
Gần 5 triệu người Việt đang sống ở nước ngoài, khá đông người thuộc vào tuổi 40, nhiều người đã có dịp về thăm quê cha đất tổ, cũng có người chỉ biết qua báo chí, tivi.
Đối với quê hương, đồng bào trong nước, sự “Nhi bất hoặc” thật khó vẹn toàn nếu trong tâm không mang nặng những chữ “Hòa hợp, Hòa giải”.
Vào sáng chủ nhật, ngày 7 tháng 12 năm 1941 Hải quân Nhật Bản bất ngờ tấn công căn cứ hải quân của Hoa Kỳ tại Trân Châu Cảng, hơn 2.000 người Mỹ tử vong.
Ngày 6 và 9/8/1945 Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, số người Nhật tử vong vì hai quả bom này gấp hàng trăm lần người Mỹ.
Ngày nay Mỹ và Nhật là đồng minh chiến lược, là những người bạn.
Những cựu thù trong thế chiến 2, Đức, Pháp, Anh, Nga ngày nay nếu không là đồng minh thân cận thì cũng là đối tác làm ăn.
Các nước vẫn kỷ niệm những cột mốc chiến tranh nhưng người ta cố tránh những ngôn từ khơi lại lòng thù hận giữa các dân tộc.
Nội chiến Hoa Kỳ, còn gọi là cuộc chiến tranh Bắc-Nam, diễn ra trong bốn năm 1861-1865, đây là cuộc nội chiến đẫm máu nhất lịch sử Hoa Kỳ, khoảng 750.000 binh sĩ thiệt mạng, số lượng dân thường thiệt mạng nhiều không thể xác định.
Theo sử gia John Huddleston thì số nam giới tử vong trong cuộc chiến này chiếm khoảng 20% toàn bộ số nam giới Hoa Kỳ độ tuổi từ 18 đến 45. [1]
Với gần năm triệu người Việt định cư ở nước ngoài, có thể quốc gia không còn là vĩnh viễn nhưng họ vẫn mang trong mình dòng máu Lạc Hồng như 90 triệu đồng bào trong nước, quốc gia có thể thay đổi nhưng dân tộc là vĩnh viễn không thể chối bỏ.Thế giới luôn tồn tại một nguyên tắc “không tồn tại kẻ thù hoặc bạn bè vĩnh viễn, chỉ có quốc gia, dân tộc là vĩnh viễn”.
Điều may mắn khi con người trở thành chủ nhân hành tinh này lại đi kèm nỗi bất hạnh, ấy là sự hình thành các quốc gia, dân tộc với ngôn ngữ khác nhau, ý thức hệ khác nhau, sự giàu có và nghèo đói khác nhau…
Thứ mà con người hướng tới là một thế giới bình đẳng, bác ái, văn minh, không đói nghèo, bệnh tật, không chiến tranh cho đến giờ này vẫn còn là một mơ ước xa vời. Loài người vẫn ngày ngày tập trung trí tuệ tìm ra những vũ khí hủy diệt chính sự tồn tại của mình.
Khi Lịch sử đặt những bước chân xuống hành tinh này, nếu vết chân bên phải là những tiến bộ, văn minh, là lòng nhân ái, vị tha thì vết chân bên trái luôn là những cuộc chiến tàn khốc, làng mạc bị tàn phá, môi trường bị hủy hoại và khủng khiếp nhất là hàng chục triệu con người, cả dân thường lẫn chiến binh phải trả giá bởi sinh mạng của mình.
Tại sao cho đến bây giờ, chiến tranh vẫn là công cụ cho cuộc chiến sinh tồn của các cộng đồng? Hình thức chiến tranh có thể khác nhau: chiến tranh kinh tế, thương mại hay bom đạn nhưng mục đích cuối cùng vẫn là sự thống trị của quốc gia này với quốc gia khác, của tộc người này với tộc người khác, của hệ tư tưởng này với hệ tư tưởng khác.
Không ít chính khách cho đến giờ này vẫn nuôi tham vọng lãnh đạo thế giới.
Xem dân tộc mình là thượng đẳng, người Đức phát động chiến tranh thế giới mà nạn nhân đầu tiên là người Do Thái. Đến lượt mình, người Do Thái đàn áp người Palestine, người Anh da trắng coi người da đen ở Nam Phi là nô lệ, vua chúa Trung Hoa ngày xưa luôn coi các dân tộc khác là man di, mọi rợ…
Đã đến lúc mỗi người, không phân biệt màu da, tiếng nói phải làm một việc gì đó để xóa đi nỗi bất hạnh mà tạo hóa mang lại cho loài người là sự tham lam, ích kỷ.
Sinh ra trong nỗi bất hạnh, loài người không thể tiếp tục reo rắc sự bất hạnh cho các thế hệ mai sau.
Người Việt chúng ta cũng vậy, sinh ra và lớn lên trong chiến tranh dựng nước và giữ nước từ thủa Hùng Vương đến tận hôm nay, sự ly tán đã hằn sâu trong mỗi nếp nhà.
Điều mà thế hệ người Việt hôm nay phải làm là sự hòa hợp, hòa giải.
Tôi và các bạn, chúng ta phải làm sao cho mỗi người Việt, dù sống ở bất kỳ phương trời nào cũng nhớ đến ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba âm lịch chứ không phải là ngày cất bước ra đi.
Thứ duy nhất mà chúng ta cần lúc này có lẽ là sự bao dung, “những gì mà mình không thích thì đừng bắt người khác phải thích”, một triết gia đã nói đại ý như vậy.
Trong một xã hội có giai cấp mà quyền lợi đối kháng nhau, chính quyền luôn là công cụ được giai cấp thống trị sử dụng để trấn áp các giai cấp đối kháng.Sự bất hạnh của nhân loại chẳng qua chỉ là tổng hợp nỗi bất hạnh của từng dân tộc. Với tham vọng thống trị thế giới, những kẻ đầu cơ chính trị luôn sử dụng cách thức chia để trị, đối ngoại là chia rẽ các quốc gia, dân tộc, đối nội là chia rẽ các tầng lớp cư dân.
Đây là quan điểm kinh điển của các triết gia về chủ nghĩa duy vật lịch sử, nghĩa là nó đúng với mọi chính thể không phân biệt hệ tư tưởng.
Đánh giá một giai đoạn lịch sử của đất nước, hay các chính trị gia dưới góc nhìn bao dung sẽ giúp chúng ta bớt đi định kiến. Những gì thuộc về lịch sử hãy để lịch sử phán xét, cố tô hồng hay bóp méo cũng không thể thay đổi lịch sử, có chăng nó chỉ thỏa mãn một chút ấm ức trong lòng.
“Thái quá, bất cập”, cái gì quá cũng đều không tốt, yêu quá không tốt mà ghét quá cũng không tốt.
Để duy trì địa vị lãnh đạo quốc gia, chỉ có hai con đường, hoặc là thống trị dân tộc mình bằng niềm tin hoặc là bằng bạo lực. Đạt được quyền lãnh đạo bởi sự tin tưởng của đa số cư dân luôn khó khăn nhưng bền vững bởi niềm tin luôn sinh ra niềm tin, bạo lực bao giờ cũng sinh ra bạo lực, chỉ có niềm tin mù quáng mới sinh ra bạo lực mà thôi.
Niềm tin cháy bỏng, mơ ước ngàn đời của người Việt là gì? Đó là “sông núi nước Nam vua Nam ở”, đó là “dù có phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải giữ cho được tự do độc lập”.
Người Việt có thể có chính kiến khác nhau nhưng luôn có điểm chung, ấy là sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ luôn được đặt lên hàng đầu.
Không một người Việt nào mong muốn ngoại bang dày xéo quê hương, vậy nên những bậc tiền nhân có công quét sạch xâm lăng giữ yên bờ cõi như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp… luôn được dân chúng tôn thờ.
Thăm Côn Đảo, viếng mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu, bất kể người Việt trong nước hay kiều bào hải ngoại đều cúi đầu thành kính. Khác biệt về chính kiến của những người thắp nhang không hề ảnh hưởng đến sự ngưỡng vọng mà họ dành cho những người yêu nước đã ngã xuống để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ bất kỳ vị thế của họ là như thế nào.
Mộ anh hùng Võ Thị Sáu tại Côn Đảo. |
Có những ẩn ý phía sau các câu hỏi, dẫu sao nói ra được suy nghĩ của mình cũng là điều tốt, còn hơn là cứ ấm ức suốt cuộc đời.Tác giả Allen Quach trong bài “Tuổi bất hoặc”[2] nêu câu hỏi với cha mình: “Tại sao nhà mình lại chống cộng? Tại sao con lại phải chống cộng? Con bây giờ là người Mỹ. Con có bị cộng sản hành hạ gì đâu?”.
Những người cộng sản lãnh đạo đất nước hơn nửa thế kỷ qua, không phải là không hề mắc sai lầm, không phải tất cả đều là những tấm gương trong sáng.
Song sự thật không thể phủ nhận là chính họ đã lãnh đạo dân tộc quét khỏi bờ cõi bốn kẻ địch mạnh nhất thời đại là Pháp, Nhật, Mỹ, Trung, khiến giang sơn thu về một mối.
Vậy có nên vì chút niềm riêng mà phủ nhận tất cả, có nên khiến cho con cháu cứ ngơ ngác với những câu hỏi “tại sao” như trường hợp của Allen Quach?
Nước Mỹ ngày nay trở nên hùng cường chính vì họ đã biết vượt qua nỗi đau của cuộc chiến huynh đệ giữa thế kỷ 19.
Một dân tộc đoàn kết trong một quốc gia thống nhất luôn là sức mạnh vượt qua mọi trở ngại, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc Việt là phân tán sức mạnh, là nguy cơ khiến đất nước tụt hậu về kinh tế, quân sự, trở lại thời kỳ phụ thuộc vào nước ngoài.
Sau gần tám trăm năm lưu lạc sang Hàn Quốc, hậu duệ của Hoàng tử Lý Long Tường, của Kiến Hải vương Lý Dương Côn vẫn tìm đường trở về với nguồn cội để thắp nén nhang tưởng nhớ tổ tiên.
Ông Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 31 của Hoàng tử Lý Long Tường đã tặng lãnh đạo Việt Nam câu đối bằng tiếng Hàn: “Thân dẫu ở xa muôn vạn dặm. Hồn lưu Tổ quốc xứ Việt Nam”.
Đấy là nói về những người con xa xứ, còn ở trong nước những năm tháng đánh giặc giữ quê, vị thi tướng người Nam Bộ Huỳnh Văn Nghệ đã lưu lại vần thơ bất hủ: “Từ thủa mang gươm đi mở cõi, Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.
Người Việt là như thế, xa nhớ, gần thương, lẽ nào thế kỷ 21 này vẫn còn một bộ phận người Việt không thể theo gương những người đi trước?
Nhiều người gốc Việt tuổi trên dưới 40 không sinh ra trên đất Việt, không mang quốc tịch Việt Nam, thậm chí không biết tiếng Việt, nhưng như vậy không có nghĩa là gen di truyền của họ không thuộc về dòng giống Lạc Hồng.
Mong sao người Việt khắp năm châu, cũng như hậu duệ của Lý tộc ở Hàn Quốc, luôn nhớ rằng quê hương, dòng tộc mãi mãi vẫn ở nơi dải đất hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương, đầy đau thương nhưng cũng đầy kiêu hãnh?
Những bậc làm cha, làm mẹ của thế hệ “nhi bất hoặc” rời Việt Nam những năm 70 của thế kỷ trước, hẳn tất cả đều đã “lục thập nhi nhĩ thuận” hay “thất thập cổ lai hy”, xin kể tặng quý vị một đoạn trong truyện ngắn “Con chim Cú gáy” mà người viết tình cờ đọc được từ mấy chục năm trước khi đang ở châu Âu.
Truyện rằng “Trên một cành cây khô ở góc vườn, vào một chiều thu muộn, có con chim cu gáy cất lên tiếng gáy trầm buồn: “Cuộc sống đẹp vô cùng, bạn trẻ ơi, hãy yêu đi, hãy sống đi, còn tôi, tôi chỉ có một mình, cúc cu, cúc cu…”.
Chúng ta, những người lớn, dù sống ở bất kỳ phương trời nào, có nên nhìn về cố hương như con chim cu gáy nọ, hãy để cho con chúng ta, cháu chúng ta “yêu đi, sống đi” và hãy giữ lại nỗi buồn cho riêng mình nếu không thể hay không muốn chia sẻ nỗi buồn với cuộc đời?
Sự chia cắt (nếu vẫn còn tồn tại) giữa những người phía bên này hay phía bên kia không phải được hình thành bởi những dòng sông hay bởi sự mênh mông của đại dương mà nằm trong suy nghĩ của mỗi chúng ta.
Xóa nhòa sự ngăn cách ấy chính là nhịp cầu bao dung đã được xây cất từ hai phía, từ 90 triệu đồng bào trong nước và gần 5 triệu đồng bào ở nước ngoài. Bước lên cầu hay dừng lại là tùy thuộc mỗi người nhưng thời gian không chờ đợi ai cả.
Nhìn về phía sau, sẽ chỉ thấy vết chân của mình, ngoái đầu nhìn mãi sẽ bỏ lỡ giây phút đón bình minh, bạn và tôi, chúng ta đều biết bình minh luôn rạng rỡ dù có hay không có tiếng gà gáy sáng.
Đoàn tàu bao dung đã khởi hành, đích đến là hòa hợp và hòa giải, những ai còn tần ngần trên sân ga, có sợ rằng có thể sẽ bị muộn?
0 Nhận xét