Home » Archives for tháng 4 2015
Vai trò của Văn học với giáo dục lòng biết ơn cho trẻ
10:38 |Việc giáo dục lòng biết ơn cho trẻ là một vấn đề quan trọng cần sự quan tâm để giúp trẻ có những tư cách đạo đức tốt được rèn luyện từ nhỏ.
Xem thêm…
Có một vấn đề mà trẻ em hiện nay đang rất hạn chế đó là ngại nói lời cảm ơn và thậm chí chưa biết nói lời cảm ơn. Nguyên nhân bắt nguồn từ cách giáo dục của cha mẹ và trẻ không được người lớn nêu gương.
Việc giáo dục lòng biết ơn cho trẻ là một vấn đề quan trọng cần sự quan tâm để giúp trẻ có những tư cách đạo đức tốt được rèn luyện từ nhỏ.
Việc giáo dục lòng biết ơn cho trẻ là một vấn đề quan trọng. |
Mạnh mẽ và kì diệu, Văn học cần được đưa vào giáo dục nhân cách, đạo đức nói chung và giáo dục lòng biết ơn cho trẻ nói riêng trong một xã hội mà con người ngày càng sống khô khan, dửng dưng và ngày càng thiếu đi lòng biết ơn giữa con người với con người.Văn học là một phương tiện giáo dục hết sức tinh tế, văn học có khả năng tác động sâu sắc vào tâm hồn, tư tưởng và nhận thức của con người.
Ca dao, một thể loại trữ tình dân gian đã có những bài học giáo dục rất cơ bản với con người. Trước tiên khi con người được sinh ra thì phải có lòng biết ơn với cha mẹ:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Những bài học đạo đức như biết ơn ông bà cha mẹ, hiếu kính phụng dưỡng cha mẹ được giáo dục cho trẻ thông qua chương trình học tập ở các cấp khác nhau nhưng có một điều mà chúng ta cần thay đổi đó là nên hiện thực hóa tri thức trong cuộc sống của trẻ.
Với trẻ, để ghi nhớ những thứ trực quan, sinh động sẽ dễ dàng hơn là lí thuyết tồn tại trong sách vở. Việc giúp trẻ thâm nhập những bài học đạo đức từ trong sách vở không hề dễ dàng.
Cô giáo có thể giải thích cho bé công ơn cha mẹ lớn lao như trong bài ca dao trên và đã là con cái thì phải biết ơn cha mẹ và hiếu thảo với cha mẹ.
Tuy nhiên bài học lí thuyết ấy lại có thể chỉ là một bài học khó hiểu, khó nhớ và tất nhiên là sẽ đi đến khó có thể trở nên một phần trong nhân cách trẻ.
Đối với trẻ em, việc giáo dục nhân cách phải khéo léo, tế nhị. (Nguồn ảnh: Internet) |
Như vậy một câu hỏi đặt ra là phải làm sao để khi tiếp xúc với Văn học, trẻ có thể tiếp nhận được chức năng giáo dục của tác phẩm?
Rèn luyện tư cách đạo đức cho trẻ thông qua Văn học phải bắt đầu một cách tự nhiên, không nên gò bó cách giáo dục trong phạm vi sách vở, trong môi trường giáo dục của nhà trường.
Tình yêu với văn chương phải được hun đúc từ trong gia đình trong đó vai trò của người mẹ hết sức quan trọng. Một người mẹ biết đọc cho con nghe những câu ca dao có nội dung giáo dục nhân cách và giải thích cho con trẻ hiểu thì đó cũng chính là một cách tác động đến trẻ tối ưu hơn cả.
Một học trò có thể quên bài học đạo đức cô giáo đã dạy trong những bài ca dao về công cha nghĩa mẹ nhưng một đứa trẻ sẽ khó có thể quên lời mẹ đã ru, đã hát, đọc và giải thích bài học đó. Những lời ru về tình người của mẹ sẽ ấn tượng với trẻ và để lại dấu ấn trong tâm hồn trẻ, đó là cách bồi dưỡng đạo đức cho trẻ tự nhiên nhất.Ngoài ra, chúng ta đã thấy hát ru có vai trò không chỉ đối với giấc ngủ là với trẻ mà còn tác động đến tâm hồn, nhận thức của trẻ. Khi những bài ca dao nghĩa tình, những lời ru ngọt ngào chan chứa tình cảm của người mẹ biết ru con cất lên thì cũng là lúc chúng ta cho trẻ tiếp nhận chức năng thẩm mĩ, giáo dục của Văn học một cách sinh động, sâu lắng nhất.
Đối với trẻ em, sự ảnh hưởng lớn nhất về đạo đức chính là từ môi trường gia đình. Lòng biết ơn với quê hương, xứ sở, biết ơn với những người đã hi sinh cho đất nước, biết ơn thầy cô, ông bà, cha mẹ …phải được dạy cho trẻ thông qua con đường Văn học.
Nhưng thế giới văn chương phải được tạo dựng một cách tự nhiên trong môi trường gia đình với vai trò của cha mẹ.
Cách giáo huấn đạo đức khô khan xưa nay đối với trẻ là những lời dạy dỗ chán ngắt, khó hiểu. Đối với trẻ em, việc giáo dục nhân cách phải khéo léo, tế nhị. Chính vì điều đó mà Văn học là một phương tiện giáo dục đem đến cho trẻ sự hứng thú hơn cả mà chúng ta cần phát huy.
Đích đến của chuyến tàu Bao dung là Hòa hợp và Hòa giải
10:35 | Đoàn tàu bao dung đã khởi hành, đích đến là hòa hợp và hòa giải, những ai còn tần ngần trên sân ga, có sợ rằng có thể sẽ bị muộn?
Xem thêm…
Bốn mươi năm đã qua kể từ ngày cầu Hiền Lương, sông Bến Hải không còn là ranh giới phân chia hai miền Nam-Bắc. Với mỗi sinh linh, đó là quỹ thời gian của một nửa đời người.
Lớp người tuổi 40 được Khổng Tử gọi là “Nhi bất hoặc” nghĩa là những người đã đủ năng lực kiến giải về phải-trái, tốt-xấu, biết điều gì là nên hay không nên. “Nhi bất hoặc” nghĩa là nghe người khác nói, ngẫm việc người ta làm mà biết đó là người yêu nước thương dân, là chính nhân quân tử hay kẻ xảo ngôn, ngụy biện.
Gần 5 triệu người Việt đang sống ở nước ngoài, khá đông người thuộc vào tuổi 40, nhiều người đã có dịp về thăm quê cha đất tổ, cũng có người chỉ biết qua báo chí, tivi.
Đối với quê hương, đồng bào trong nước, sự “Nhi bất hoặc” thật khó vẹn toàn nếu trong tâm không mang nặng những chữ “Hòa hợp, Hòa giải”.
Vào sáng chủ nhật, ngày 7 tháng 12 năm 1941 Hải quân Nhật Bản bất ngờ tấn công căn cứ hải quân của Hoa Kỳ tại Trân Châu Cảng, hơn 2.000 người Mỹ tử vong.
Ngày 6 và 9/8/1945 Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, số người Nhật tử vong vì hai quả bom này gấp hàng trăm lần người Mỹ.
Ngày nay Mỹ và Nhật là đồng minh chiến lược, là những người bạn.
Những cựu thù trong thế chiến 2, Đức, Pháp, Anh, Nga ngày nay nếu không là đồng minh thân cận thì cũng là đối tác làm ăn.
Các nước vẫn kỷ niệm những cột mốc chiến tranh nhưng người ta cố tránh những ngôn từ khơi lại lòng thù hận giữa các dân tộc.
Nội chiến Hoa Kỳ, còn gọi là cuộc chiến tranh Bắc-Nam, diễn ra trong bốn năm 1861-1865, đây là cuộc nội chiến đẫm máu nhất lịch sử Hoa Kỳ, khoảng 750.000 binh sĩ thiệt mạng, số lượng dân thường thiệt mạng nhiều không thể xác định.
Theo sử gia John Huddleston thì số nam giới tử vong trong cuộc chiến này chiếm khoảng 20% toàn bộ số nam giới Hoa Kỳ độ tuổi từ 18 đến 45. [1]
Với gần năm triệu người Việt định cư ở nước ngoài, có thể quốc gia không còn là vĩnh viễn nhưng họ vẫn mang trong mình dòng máu Lạc Hồng như 90 triệu đồng bào trong nước, quốc gia có thể thay đổi nhưng dân tộc là vĩnh viễn không thể chối bỏ.Thế giới luôn tồn tại một nguyên tắc “không tồn tại kẻ thù hoặc bạn bè vĩnh viễn, chỉ có quốc gia, dân tộc là vĩnh viễn”.
Điều may mắn khi con người trở thành chủ nhân hành tinh này lại đi kèm nỗi bất hạnh, ấy là sự hình thành các quốc gia, dân tộc với ngôn ngữ khác nhau, ý thức hệ khác nhau, sự giàu có và nghèo đói khác nhau…
Thứ mà con người hướng tới là một thế giới bình đẳng, bác ái, văn minh, không đói nghèo, bệnh tật, không chiến tranh cho đến giờ này vẫn còn là một mơ ước xa vời. Loài người vẫn ngày ngày tập trung trí tuệ tìm ra những vũ khí hủy diệt chính sự tồn tại của mình.
Khi Lịch sử đặt những bước chân xuống hành tinh này, nếu vết chân bên phải là những tiến bộ, văn minh, là lòng nhân ái, vị tha thì vết chân bên trái luôn là những cuộc chiến tàn khốc, làng mạc bị tàn phá, môi trường bị hủy hoại và khủng khiếp nhất là hàng chục triệu con người, cả dân thường lẫn chiến binh phải trả giá bởi sinh mạng của mình.
Tại sao cho đến bây giờ, chiến tranh vẫn là công cụ cho cuộc chiến sinh tồn của các cộng đồng? Hình thức chiến tranh có thể khác nhau: chiến tranh kinh tế, thương mại hay bom đạn nhưng mục đích cuối cùng vẫn là sự thống trị của quốc gia này với quốc gia khác, của tộc người này với tộc người khác, của hệ tư tưởng này với hệ tư tưởng khác.
Không ít chính khách cho đến giờ này vẫn nuôi tham vọng lãnh đạo thế giới.
Xem dân tộc mình là thượng đẳng, người Đức phát động chiến tranh thế giới mà nạn nhân đầu tiên là người Do Thái. Đến lượt mình, người Do Thái đàn áp người Palestine, người Anh da trắng coi người da đen ở Nam Phi là nô lệ, vua chúa Trung Hoa ngày xưa luôn coi các dân tộc khác là man di, mọi rợ…
Đã đến lúc mỗi người, không phân biệt màu da, tiếng nói phải làm một việc gì đó để xóa đi nỗi bất hạnh mà tạo hóa mang lại cho loài người là sự tham lam, ích kỷ.
Sinh ra trong nỗi bất hạnh, loài người không thể tiếp tục reo rắc sự bất hạnh cho các thế hệ mai sau.
Người Việt chúng ta cũng vậy, sinh ra và lớn lên trong chiến tranh dựng nước và giữ nước từ thủa Hùng Vương đến tận hôm nay, sự ly tán đã hằn sâu trong mỗi nếp nhà.
Điều mà thế hệ người Việt hôm nay phải làm là sự hòa hợp, hòa giải.
Tôi và các bạn, chúng ta phải làm sao cho mỗi người Việt, dù sống ở bất kỳ phương trời nào cũng nhớ đến ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba âm lịch chứ không phải là ngày cất bước ra đi.
Thứ duy nhất mà chúng ta cần lúc này có lẽ là sự bao dung, “những gì mà mình không thích thì đừng bắt người khác phải thích”, một triết gia đã nói đại ý như vậy.
Trong một xã hội có giai cấp mà quyền lợi đối kháng nhau, chính quyền luôn là công cụ được giai cấp thống trị sử dụng để trấn áp các giai cấp đối kháng.Sự bất hạnh của nhân loại chẳng qua chỉ là tổng hợp nỗi bất hạnh của từng dân tộc. Với tham vọng thống trị thế giới, những kẻ đầu cơ chính trị luôn sử dụng cách thức chia để trị, đối ngoại là chia rẽ các quốc gia, dân tộc, đối nội là chia rẽ các tầng lớp cư dân.
Đây là quan điểm kinh điển của các triết gia về chủ nghĩa duy vật lịch sử, nghĩa là nó đúng với mọi chính thể không phân biệt hệ tư tưởng.
Đánh giá một giai đoạn lịch sử của đất nước, hay các chính trị gia dưới góc nhìn bao dung sẽ giúp chúng ta bớt đi định kiến. Những gì thuộc về lịch sử hãy để lịch sử phán xét, cố tô hồng hay bóp méo cũng không thể thay đổi lịch sử, có chăng nó chỉ thỏa mãn một chút ấm ức trong lòng.
“Thái quá, bất cập”, cái gì quá cũng đều không tốt, yêu quá không tốt mà ghét quá cũng không tốt.
Để duy trì địa vị lãnh đạo quốc gia, chỉ có hai con đường, hoặc là thống trị dân tộc mình bằng niềm tin hoặc là bằng bạo lực. Đạt được quyền lãnh đạo bởi sự tin tưởng của đa số cư dân luôn khó khăn nhưng bền vững bởi niềm tin luôn sinh ra niềm tin, bạo lực bao giờ cũng sinh ra bạo lực, chỉ có niềm tin mù quáng mới sinh ra bạo lực mà thôi.
Niềm tin cháy bỏng, mơ ước ngàn đời của người Việt là gì? Đó là “sông núi nước Nam vua Nam ở”, đó là “dù có phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải giữ cho được tự do độc lập”.
Người Việt có thể có chính kiến khác nhau nhưng luôn có điểm chung, ấy là sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ luôn được đặt lên hàng đầu.
Không một người Việt nào mong muốn ngoại bang dày xéo quê hương, vậy nên những bậc tiền nhân có công quét sạch xâm lăng giữ yên bờ cõi như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp… luôn được dân chúng tôn thờ.
Thăm Côn Đảo, viếng mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu, bất kể người Việt trong nước hay kiều bào hải ngoại đều cúi đầu thành kính. Khác biệt về chính kiến của những người thắp nhang không hề ảnh hưởng đến sự ngưỡng vọng mà họ dành cho những người yêu nước đã ngã xuống để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ bất kỳ vị thế của họ là như thế nào.
Mộ anh hùng Võ Thị Sáu tại Côn Đảo. |
Có những ẩn ý phía sau các câu hỏi, dẫu sao nói ra được suy nghĩ của mình cũng là điều tốt, còn hơn là cứ ấm ức suốt cuộc đời.Tác giả Allen Quach trong bài “Tuổi bất hoặc”[2] nêu câu hỏi với cha mình: “Tại sao nhà mình lại chống cộng? Tại sao con lại phải chống cộng? Con bây giờ là người Mỹ. Con có bị cộng sản hành hạ gì đâu?”.
Những người cộng sản lãnh đạo đất nước hơn nửa thế kỷ qua, không phải là không hề mắc sai lầm, không phải tất cả đều là những tấm gương trong sáng.
Song sự thật không thể phủ nhận là chính họ đã lãnh đạo dân tộc quét khỏi bờ cõi bốn kẻ địch mạnh nhất thời đại là Pháp, Nhật, Mỹ, Trung, khiến giang sơn thu về một mối.
Vậy có nên vì chút niềm riêng mà phủ nhận tất cả, có nên khiến cho con cháu cứ ngơ ngác với những câu hỏi “tại sao” như trường hợp của Allen Quach?
Nước Mỹ ngày nay trở nên hùng cường chính vì họ đã biết vượt qua nỗi đau của cuộc chiến huynh đệ giữa thế kỷ 19.
Một dân tộc đoàn kết trong một quốc gia thống nhất luôn là sức mạnh vượt qua mọi trở ngại, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc Việt là phân tán sức mạnh, là nguy cơ khiến đất nước tụt hậu về kinh tế, quân sự, trở lại thời kỳ phụ thuộc vào nước ngoài.
Sau gần tám trăm năm lưu lạc sang Hàn Quốc, hậu duệ của Hoàng tử Lý Long Tường, của Kiến Hải vương Lý Dương Côn vẫn tìm đường trở về với nguồn cội để thắp nén nhang tưởng nhớ tổ tiên.
Ông Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 31 của Hoàng tử Lý Long Tường đã tặng lãnh đạo Việt Nam câu đối bằng tiếng Hàn: “Thân dẫu ở xa muôn vạn dặm. Hồn lưu Tổ quốc xứ Việt Nam”.
Đấy là nói về những người con xa xứ, còn ở trong nước những năm tháng đánh giặc giữ quê, vị thi tướng người Nam Bộ Huỳnh Văn Nghệ đã lưu lại vần thơ bất hủ: “Từ thủa mang gươm đi mở cõi, Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.
Người Việt là như thế, xa nhớ, gần thương, lẽ nào thế kỷ 21 này vẫn còn một bộ phận người Việt không thể theo gương những người đi trước?
Nhiều người gốc Việt tuổi trên dưới 40 không sinh ra trên đất Việt, không mang quốc tịch Việt Nam, thậm chí không biết tiếng Việt, nhưng như vậy không có nghĩa là gen di truyền của họ không thuộc về dòng giống Lạc Hồng.
Mong sao người Việt khắp năm châu, cũng như hậu duệ của Lý tộc ở Hàn Quốc, luôn nhớ rằng quê hương, dòng tộc mãi mãi vẫn ở nơi dải đất hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương, đầy đau thương nhưng cũng đầy kiêu hãnh?
Những bậc làm cha, làm mẹ của thế hệ “nhi bất hoặc” rời Việt Nam những năm 70 của thế kỷ trước, hẳn tất cả đều đã “lục thập nhi nhĩ thuận” hay “thất thập cổ lai hy”, xin kể tặng quý vị một đoạn trong truyện ngắn “Con chim Cú gáy” mà người viết tình cờ đọc được từ mấy chục năm trước khi đang ở châu Âu.
Truyện rằng “Trên một cành cây khô ở góc vườn, vào một chiều thu muộn, có con chim cu gáy cất lên tiếng gáy trầm buồn: “Cuộc sống đẹp vô cùng, bạn trẻ ơi, hãy yêu đi, hãy sống đi, còn tôi, tôi chỉ có một mình, cúc cu, cúc cu…”.
Chúng ta, những người lớn, dù sống ở bất kỳ phương trời nào, có nên nhìn về cố hương như con chim cu gáy nọ, hãy để cho con chúng ta, cháu chúng ta “yêu đi, sống đi” và hãy giữ lại nỗi buồn cho riêng mình nếu không thể hay không muốn chia sẻ nỗi buồn với cuộc đời?
Sự chia cắt (nếu vẫn còn tồn tại) giữa những người phía bên này hay phía bên kia không phải được hình thành bởi những dòng sông hay bởi sự mênh mông của đại dương mà nằm trong suy nghĩ của mỗi chúng ta.
Xóa nhòa sự ngăn cách ấy chính là nhịp cầu bao dung đã được xây cất từ hai phía, từ 90 triệu đồng bào trong nước và gần 5 triệu đồng bào ở nước ngoài. Bước lên cầu hay dừng lại là tùy thuộc mỗi người nhưng thời gian không chờ đợi ai cả.
Nhìn về phía sau, sẽ chỉ thấy vết chân của mình, ngoái đầu nhìn mãi sẽ bỏ lỡ giây phút đón bình minh, bạn và tôi, chúng ta đều biết bình minh luôn rạng rỡ dù có hay không có tiếng gà gáy sáng.
Đoàn tàu bao dung đã khởi hành, đích đến là hòa hợp và hòa giải, những ai còn tần ngần trên sân ga, có sợ rằng có thể sẽ bị muộn?
Sách ngôn từ tục tĩu "bủa vây" Đền Hùng
10:29 |
Ngay chốn thiêng liêng, những cuốn sách với ngôn từ tục tĩu, phản cảm được bày bán tràn lan, gây nhức mắt du khách.
Xuất hiện sách ngôn từ tục tĩu bày bán tại lễ hội Đền Hùng
Thoạt đầu nhìn, những cuốn sách có tựa đề “Cười để trẻ lâu - chuyện cấm cười”, “Chuyện cười”,... bìa được trang trí hấp dẫn, tuy nhiên người xem phải ngã ngửa khi đọc nội dung bên trong cuốn sách.
Cụ thể trong cuốn sách “Cười để trẻ lâu - chuyện cấm cười” của tác giả Lan Phương và Hạ Vinh Thi sưu tầm, tuyển chọn và biên soạn (ngoài bìa ghi của NXB Văn hóa - Thông tin và công ty Bảo Thắng ấn hành).
Cuốn sách được in bởi NXB Thống Kê, 700 cuốn được in xong và nộp lưu chiểu từ năm 2004.
Người xem sẽ bắt gặp ngôn từ thô tục, phản cảm khó có thể cảm thụ nổi. Mặc dù mang mác truyện cười, nhưng người xem sẽ có cảm giác đọc truyện buồn thườn thượt, bởi càng đọc càng ức chế, nóng mắt.
Hầu hết những câu chuyện trong hai cuốn sách này đều được kể bằng lời lẽ thô thiển, xen lẫn nhiều từ ngữ tục tĩu.
Hầu hết những cuốn sách có nội dung như trên đều được bày bán ở trung tâm dịch vụ, du lịch đền Hùng, quầy phục vụ khách tham quan, ...
Trước sự việc sách có nội dung thô tục, phản cảm “bủa vây” lễ hội Đền Hùng, trả lời về vấn đề này, đại diện NXB Văn hóa – Thông tin cho biết, NXB đang kiểm tra, rất có thể số sách được in và nộp lưu chiểu là sách in lậu. Bởi số sách được in cách đây hơn 10 năm khó mà còn số lượng nhiều như vậy.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ hút khách ngày đầu mở cửa
10:26 |
Dù mở cửa khi còn nắng nóng, nhưng rất đông người dân và du khách đã vào tham quan phố đi bộ Nguyễn Huệ. Về đêm, phố đi bộ càng trở nên lung linh.
Nhìn lại cuộc chiến thống nhất đất nước: Sao phải thù hận!
10:23 |
Khi chiến tranh đã qua đi, người lính năm xưa mới có thể bình tĩnh và nhìn nhận lại những gì họ đã trải qua.
Tôi là người lính từng tham gia chiến tranh, tự nguyện và hết lòng. Nhiệm vụ của người lính; trách nhiệm với đồng đội, đơn vị, tổ quốc; danh dự cá nhân, gia đình đã buộc tôi gắn kết với chiến tranh 12 năm.
Tôi có sự căm thù không? Không! Chúng tôi biết gì người Mỹ mà căm thù họ! Nhưng người Mỹ đã tới.
Khởi đầu của cuộc chiến, Mỹ ném bom miền Bắc và tuyên bố: 'Đánh cho Việt Nam quay lại thời đại đồ đá'.
Hãy hình dung, khi một con người bị sỉ nhục như thế, nhất là con người ấy yêu quê hương, yêu từng viên đá, gốc cây Hà Nội, sẽ hành xử ra sao nhất là khi anh ta trực tiếp nhìn rõ bom của người Mỹ ném xuống mảnh đất thân yêu, giết chết bao con người chưa một lần gây hấn với họ.
Họ, người Mỹ đã ném chiến tranh xuống quê hương của tôi, của em, của ta và của chúng ta, khi Hà Nội là trái tim của cả nước. Và khi ấy, hỏi ai lại cam tâm ngồi yên.
Và chúng tôi đã ra trận chiến đấu với chỉ lòng dũng cảm vô song, bởi nếu không có lòng dũng cảm, sẽ không ai dám chống lại người Mỹ, khi thực sự nhìn chúng bay, rải thảm cái chết...
Người Mỹ tới và buộc chúng tôi phải lên đường... (Ảnh minh họa)
Chúng tôi phải đánh nhau với súng ống cổ lỗ, từ súng máy 12,7 ly tới pháo 57, 100 ly, đều là loại súng ống của đại chiến II. Kể cả tận khi trang bị tên lửa thì Sam II cũng là loại tên lửa cổ lỗ.
Trong khi đó, người Mỹ dùng tất cả sức mạnh của hải quân của không quân từ B52 tới F, A các loại siêu thanh, đều là phương tiện hiện đại nhất.
Thế hệ chúng tôi đã kế tục truyền thống chống Nguyên Mông của tiền nhân, thay vì thích trên cánh tay, chúng tôi thích 2 từ Sát Thát vào tận trái tim từng người ra trận.
Lứa Hà Nội khi ấy đều đa số có học, ý thức rất rõ việc chúng tôi đang làm, đang chiến đấu, theo đuổi.
Chúng tôi đã đánh hàng trăm trận, bất kể khi người Mỹ với sức mạnh quân sự tưởng như ăn sống nuốt tươi đối thủ trên không và trên biển, trên bộ.
Thế nhưng, sự áp đảo của cả đạo quân gồm không quân hải quân, xe tăng và bộ binh trang bị tận răng, no đủ như ở nhà, vẫn không làm chúng tôi run sợ.
Mãi tới năm 1971 họ mới nhận ra, khi anh làm nhục một dân tộc, tức là các anh đã khơi dậy một cơn giận dữ bất tận của một dân tộc.
Khi những hòa ước được ký kết, người Mỹ hạn chế và chấm dứt ném bom miền Bắc chúng tôi lại vào Nam chiến đấu. Hỏi tôi có hận thù gì với anh em binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa không? Không!
Tôi không có hận thù gì với anh em binh sĩ miền Nam nhưng tôi không muốn người Mỹ và tất cả binh lính nước ngoài chà đạp lên Tổ quốc tôi.
Khi người Mỹ sát cánh với họ chà đạp 60 vạn gót giầy trên quê hương miền Nam, tôi đã một lần nữa vào Nam chiến đấu.
Tôi không có ân oán gì về cá nhân với anh em binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa cả.
Tuy nhiên, chúng tôi, những con người tường các quy luật của chiến tranh, cả sử nước nhà và lịch sử thế giới, ý thức rất rõ và cụ thể từng trận chiến rằng:
Chiến tranh chỉ chấm dứt khi có bên thắng bên thua, vì đất nước Việt Nam không thể chia cắt.
Do vậy, tôi và bao người đã chiến đấu cho cánh quân bên chúng tôi - bộ đội miền Bắc, tới giọt máu, tới sức lực cuối cùng, nhằm chiến thắng để chấm dứt chiến tranh chứ không phải giải quyết thù hận.
Ngày 30/4/1975, trước khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, hàng vạn vạn binh sĩ chúng tôi đều muốn sống, cầu nguyện được là kẻ sống sót cuối cùng sau cuộc chiến; song không ai bảo đảm rằng, họ có thể chắc chắn sẽ còn lại trong trận chiến cuối ấy.
Cho tới hôm nay khi ngồi viết những dòng này tôi nhận ra, cuộc chiến ở Việt Nam đã gây ra một vết thương rất sâu và rất dài cho dân tộc Việt Nam.
Hàng triệu người dân đã bỏ mình. Hàng triệu gia đình đã mất cha, mất chồng và mất con trên trận mạc.
Cũng do chiến tranh để lại, hàng triệu người đã bỏ nước ra đi, ly tán và mất mát đau khổ trên biển xanh, trong rừng rậm, để lại một vết hận không nhỏ trong một bộ phận không nhỏ những gia đình phía chiến tuyến bên kia.
Đó là niềm đau vô cùng lớn không chỉ riêng ai khi họ còn yêu đất nước.
Sự mất mát của thế hệ chúng tôi cả hai bên, sự mất mát của cả dân tộc tới ngày 30/4 khi đất nước yên súng, giang sơn thu về một cõi là sự đòi hỏi tất yếu của lịch sử, của dân tộc nhưng đó cũng đã phải trả với giá quá đắt.
Và một câu hỏi luôn luôn làm tôi đau nhức là tại sao cứ phải căm thù khi tất cả đều là nòi giống Việt, khi mà xu hướng chung của nhân loại tiến bộ là hòa bình cho tất cả các dân tộc, cởi bỏ tất cả nỗi niềm và xóa đi đau đớn giận hờn với chính nỗ lực của từng con người chúng ta.
Rồi đây thế hệ chúng tôi cả hai phía sẽ theo quy luật sinh bệnh lão tử, rồi đây đất nước này dành cho và chỉ là cho các thế hệ sau chúng tôi; chúng không liên quan gì tới những hận thù trận mạc bấy nay và cười diễu cha anh nếu còn cố chấp.
Vậy lý do gì để con người Việt Nam vẫn chia tách và hận thù về những điều đã qua mà không thực sự chung tay hàn gắn, nếu thực sự yêu thương đất nước và dân tộc này?
Các bác thì "lợi”, dân có thể chỉ... còn "răng"!
10:17 |Dân chúng em không có tầm “nhìn xa, trộng rộng” như các bác mà chỉ mong dù chỉ một lần nhìn thấy tận mắt từ EVN ba chữ “hạ giá điện”. Còn xin gửi lại bác hai chữ “sẽ hạ” cùng điệp khúc “tăng tăng”. Và thật lòng, có lẽ chỉ các bác là thấy là có lợi, còn dân chúng em thì chỉ thấy còn... răng, phải không các bạn?!
Vào Google hồi 12g ngày 27/8/2015, tìm “tăng giá điện” thấy khoảng 1,23 triệu kết quả (0,24 giây). Tìm “giảm giá điện”, có tới 37,2 triệu kết quả.
Điều khác nhau “nho nhỏ” là ở “tăng giá điện” hầu như chỉ thấy thông báo việc tăng giá bán điện và những ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với nền kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Còn “giảm giá điện” thì chỉ thấy giảm giá đồ điện, các sản phẩm liên quan đến điện còn tuyệt nhiên không có bất cứ một kết quả nào cho giảm giá bán điện.
Ở nước ta, điện là mặt hàng kỳ lạ!
Vàng có khi lên khi xuống. Đất có lúc sốt, lúc đóng băng. Xăng có tăng, có giảm. Tất cả, tất cả đều có giảm, có tăng, có lên, có xuống nhưng duy nhất chỉ có mặt hàng điện là tuyệt nhiên không có giảm mà chỉ có tăng không ngừng nghỉ.
Tăng, tăng, tăng và tăng! Tăng rồi, tăng tiếp, tăng nữa… Đó là cái điệp khúc có lẽ ra đời từ thủa khai sinh của ngành điện lực nước nhà.
Lần tăng giá gần đây nhất là từ 15/3/2015, giá điện tăng 7,5%. Do giá điện tăng từ giữa tháng, đến cuối tháng mới tính tiền nên tác động đến đời sống chưa mạnh nhưng hết tháng 4, khi mà số tiền điện tăng phải trả sẽ là cả tháng, lúc đó chắc nhiều người mới… giật mình ngã ngửa.
Thế nhưng lần tăng giá điện này có điều đặc biệt, nói theo các bác quan chức công thương và ngành điện lực thì tất cả… đều vui.
Cách đây gần 2 tháng (3/2015), tại cuộc họp về điều chỉnh tăng giá điện, bác Đinh Quang Tri, Tổng Giám đốc EVN cho biết đáng ra giá điện phải tăng 12,8% thay vì 7,5% như vừa qua.
Ui cha! Cám ơn bác Tri vì bác đã không làm cái điều “đáng ra” ấy.
Thế nhưng bác Tri còn cảnh báo rằng giá điện của Việt Nam tới đây sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Nếu như nhu cầu điện tăng quá nóng, phải đầu tư nhà máy giá thành cao, vay vốn với điều kiện không thuận thì sẽ đẩy giá mua điện cao…
Tóm lại là theo qui luật “tăng tăng tăng” của ngành điện, đây có thể là lời tuyên báo giá điện sẽ tiếp tục tăng cao và tăng tiếp.
Thế nhưng dân chúng còn mừng hơn nữa cùng vào thời điểm đó, bác Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định việc tăng giá điện sẽ khiến người dân được lợi.
"Giá bán lẻ là một trong những điều khoản thu hút vốn của các nhà đầu tư. Một khi có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất và bán điện thì chi phí sẽ hạ. Khi đó người dân sẽ được hưởng một mức giá cạnh tranh nhất". bác Thắng lý giải về lý do "người dân được lợi".
Hơ! Phân tích như bác thì chỉ có... siêu đúng trở lên. Nó không chỉ đúng với ngành điện mà đúng với tất cả mọi ngành.
Ví như giao thông, tăng phí thì sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia, sẽ mở rộng được nhiều con đường hơn và đường sá cũng hiện đại hơn.
Tăng giá thuốc cũng có thể lập luận tương tự rằng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, chất lượng tốt hơn…
Giá sữa tăng cũng từa tựa thế!
Nhưng dân chúng em không có tầm “nhìn xa, trộng rộng” như các bác mà chỉ mong dù chỉ một lần nhìn thấy tận mắt từ EVN ba chữ “hạ giá điện”. Còn xin gửi lại bác hai chữ “sẽ hạ” và điệp khúc “tăng tăng”.
Và thật lòng, có lẽ chỉ bác là thấy tăng giá điện là có lợi, còn dân chúng em thì có thể chỉ thấy còn.. răng, phải không các bạn?!
Dưới suối vàng chắc mẹ Âu Cơ buồn lắm!
10:15 |Chúng ta mất hai mươi năm để thống nhất đất nước và đã mất bốn mươi năm để hòa hợp nhưng vết thương vẫn chưa lành hẳn. Trong lòng những đứa con sinh ra từ một bọc nhiều lúc, nhiều nơi vẫn còn ly tán… Biết có điều này, dưới suối vàng chắc mẹ Âu Cơ buồn lắm!
40 năm đã qua kể từ ngày thống nhất, đất nước ta đã có những bước tiến dài trong nhiều lĩnh vực như phát triển kinh tế, nâng cao vị thế quốc tế và đặc biệt là mở rộng quan hệ bang giao với hầu hết các nước trên thế giới, kể cả các quốc gia từng là “cựu thù” như Pháp, Nhật, Mỹ…
Song, có một điều vô cùng quan trọng thì chúng ta lại chưa thành công như mong đợi. Đó là tinh thần hòa hợp của những người con cùng sinh ra từ một bọc “đồng bào”. Và năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, đề tài hòa hợp dân tộc lại được khơi lại như một “ẩn ức” chưa được giải tỏa.
Trong một bài trả lời phỏng vấn cách đây 2 năm (4/2013), nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên kể lại rằng năm 1972, khi thăm Vĩnh Linh, trong một bữa cơm, ông Lê Duẩn đã đặt câu hỏi sau khi thống nhất đất nước, việc gì là lớn nhất?
Người thì nói rằng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, người thì cho rằng phải phát triển nông thôn, người thì nói cần ưu tiên đẩy mạnh khai thác tài nguyên… Ông chăm chú lắng nghe mọi người rồi nói: “Vấn đề lớn nhất sau chiến tranh cần phải làm, đó là hòa hợp dân tộc”.
Cũng trong bài báo trên, Bộ trưởng Niên còn kể năm 2008, gặp nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong Đại lễ Phật đản Vesak tại Hà Nội, ông Niên đã đề nghị “xây dựng một tượng đài hòa bình ở TP HCM, hay ở bất cứ nơi nào đó để tưởng nhớ những người đã nằm xuống trong chiến tranh, dù ở bất cứ bên nào.
Ở nơi đây, mọi người có thể đến thắp nhang, đặt hoa. Không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng hàn gắn, nó cũng nhắc nhở chúng ta bài học. Ông Kiệt đã rất thích thú với ý tưởng này nhưng rất tiếc điều đó đã không thực hiện được vì sau đó không bao lâu ông Kiệt, một nhà lãnh đạo kiệt xuất, đã vĩnh biệt chúng ta”.
Mới đây trên báo Lao động, ĐB Dương Trung Quốc đã lý giải nguyên nhân vết thương tinh thần của dân tộc vẫn chưa lành hẳn: “Quy luật chiến tranh rất khắc nghiệt, có máu đổ xương rơi từ cả hai phía, có những chính sách khắc nghiệt để lại những vết hằn khó lành.
Đó là một sự thực chúng ta phải nhìn thẳng. Có những sự thực đôi khi rất đơn giản, đó là sự chết chóc, thương tật, mất mát, nhưng cũng có những yếu tố đời thường như của cải, tài sản, lại có những vấn đề về chế độ, chính sách đãi ngộ và không đãi ngộ, có cả những yếu tố mà chúng ta chưa đánh giá là đúng hay sai, nhưng rõ ràng để lại những hậu quả rất sâu sắc.
Tôi cho rằng, đương nhiên một cuộc chiến tranh có kẻ thắng người thua, nhưng quan trọng nhất là chúng ta đạt được mục tiêu. Mục tiêu không phải chúng ta chiến thắng đối phương, mà đó chỉ là phương thức để đạt tới mục tiêu thống nhất đất nước”.
Ông Nguyễn Phú Bình, ủy viên Đoàn Chủ tịch TW MTTQ VN, Chủ tịch Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm UB Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng bày tỏ mong muốn trong lúc chủ quyền và lãnh thổ quốc gia đang đứng trước thách thức mới, vấn đề đại đoàn kết dân tộc lại càng trở nên cấp thiết. “Với tinh thần đó, những người đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ, cả Trường Sa và Hoàng Sa đều xứng đáng để Nhà nước và xã hội tôn vinh”. Ông Bình nói.
Xây dựng tượng đài hòa bình như sáng kiến của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên, tôn vinh những người đã ngã xuống ở Hoàng Sa như mong muốn của ông Nguyễn Phú Bình chính là “phương thức để đạt tới mục tiêu thống nhất đất nước” như lời ĐB Dương Trung Quốc.
Chúng ta mất hai mươi năm để thống nhất đất nước và đã mất 40 năm để hòa hợp nhưng vết thương vẫn chưa lành hẳn. Trong lòng những đứa con sinh ra từ một bọc nhiều lúc, nhiều nơi vẫn còn ly tán…
Biết có điều này, dưới suối vàng chắc mẹ Âu Cơ buồn lắm!
Con cháu bất hiếu vì đâu?
10:10 |Trong tư tưởng văn hoá phương Đông – hiếu thảo được xếp đứng đầu trong thang giá trị đạo đức của con người, do đó – tội bất hiếu được xem là một trọng tội.
Xem thêm…
Vài năm trở lại đây, những chuyện con cháu ngược đãi, bất hiếu với ông bà, cha mẹ xảy ra ngày càng phổ biến và với tần suất đáng báo động.
Chỉ ra nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, người ta thường hay đổ lỗi cho sự tác động của văn hoá ngoại lai, sự du nhập lối sống thực dụng, chạy theo vật chất, ích kỷ, hẹp hòi...
Tuy nhiên không mấy khi người ta đề cập tới trách nhiệm của chính những bậc làm cha, làm mẹ trong việc giáo dục, dạy dỗ con cái.
Thầy giáo tôi thời đại học đã nói một khiến tôi nhớ mãi. Thầy bảo: “Con người giống như viên gạch, và gia đình chính là cái lò gạch. Nếu viên gạch được nung đủ lửa ở trong lò thì khi ra ngoài trời, dù nó có phải dầm mưa dãi nắng, phải ngâm xuống bùn lầy hoặc bị nghiền nát đi chăng nữa thì bản chất của nó vẫn là gạch”.
Thực tế cho thấy gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo tiền đề, nền tảng góp phần hình thành nên nhân cách của con người.
Song có không ít những ông bố, bà mẹ đã vô tình giết chết sự ngây thơ, trong sáng và cả nhân cách của con cái mình mà họ không hề hay biết.
Phải chứng kiến cái cảnh bố mẹ và các cô chú phân công nhau chăm sóc ông bà, họ đùn đẩy cho nhau, có khi chỉ vì nhanh chậm “tiếp quản” đấng sinh thành một vài ngày mà cũng nảy sinh bất hoà, anh em cãi vã.
Gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành nên nhân cách của con người |
Đó là lời nói của một học sinh lớp 9! Nơi tâm hồn còn ngây thơ, trong sáng của cô bé không hề có khái niệm tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, chỉ có trách nhiệm và đùn đẩy trách nhiệm.Vậy nên tôi đã không ngạc nhiên khi người em của bạn tôi rất vô tư nói rằng: “bố mẹ phải chăm sóc em vì trách nhiệm”.
Trường hợp khác, một người mẹ đã dạy cho cô con gái mới lên lớp 8 của mình cách dùng “thủ đoạn” để tranh giành “thứ hạng” ở trên lớp - khi thành tích học tập cô bé thấp hơn bạn.
Không những thế, bà còn dạy con mình sẵn sàng làm mọi việc miễn là có lợi cho bản thân. Cùng với đó là sự cung phụng, chăm sóc đặc biệt như một cô công chúa…
Người mẹ ấy không thể nghĩ được rằng bà đang từng ngày, từng giờ đầu độc tâm hồn con của gái mình, bà đang tạo ra một con người ích kỷ, hẹp hòi, chỉ biết đến bản thân.
Không lâu sau đó, từ một con ngoan, trò giỏi – Chẳng ai ngờ được rằng cô bé đó lại rời ghế nhà trường cùng với thành tích bất hảo.
Có thời gian cô bỏ nhà ra đi, nhập vào cuộc sống “bầy đàn” cùng với đám bạn bụi đời. Lần trở về nhà cũng là lần cô lớn tiếng đe doạ sẽ đưa “tam mao” về “xử thằng già” – người trước đây cô vẫn hay gọi là bố.
Có gia đình hai vợ chồng thường xuyên xảy ra xích mích vì đủ thứ chuyện. Trước mặt con cái, nếu một trong hai người vắng mặt thì người vắng mặt sẵn sàng bị nói xấu đủ điều với những từ ngữ mang đầy tính miệt thị…
Khi bố mẹ không có sự tôn trọng lẫn nhau thì những đứa con có thể tôn trọng bố mẹ của chúng hay không?
Còn những ông bố, bà mẹ chỉ biết dùng đến roi vọt để cưỡng ép con cái phải theo những điều mà họ cho là phải, thay vì giáo dục, thuyết phục để chúng hiểu cái gì là đúng và cái gì là sai. Liệu họ có nghĩ được rằng: roi vọt chỉ làm những đứa trẻ trở nên lỳ lợm, khó bảo hơn, sẽ tạo cho chúng thói quen giải quyết mọi vấn đề bằng bạo lực?
Đó chỉ là một vài trường hợp tiêu biểu, không hẳn là phổ biến trong xã hội nhưng nhiều người trong chúng ta dã một lần gặp phải. Trong xã hội còn rất nhiều những gia đình, những ông bố, bà mẹ như vậy.
Song hầu hết không mấy ai trong số họ ý thức được hậu quả từ lời nói, việc làm của mình sẽ gây tác động to lớn như thế nào đối với những đứa trẻ đang trong quá trình hình thành nhân cách.
Và cũng không mấy khi họ có thể nhìn nhận một cách nghiêm túc, đúng đắn về trách nhiệm của bản thân đối với những lỗi lầm mà con cái mình mắc phải.
Giáo lý nhà Phật chỉ ra rằng: “gieo nhân nào gặt quả nấy”. Bậc làm cha, làm mẹ khi sinh ra đứa con, họ chính là những người đầu tiên gieo vào tâm hồn đứa trẻ những thứ làm nền tảng hình thành nên nhân cách về sau. Gieo điều thiện thì hầu hết trẻ em lớn lên sẽ trở thành con người có nhân cách tốt, hiếu kính với bề trên.
Và ngược lại - nếu họ gieo điều ác thì không có gì để đảm bảo rằng sau này đứa trẻ ấy sẽ trở nên người lương thiện. Cho nên đối với những chuyện đau lòng xảy ra trong gia đình – trước hết phải nói tới trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ trong việc dạy dỗ và làm gương cho con cái noi theo.