Cụ thể, trong kỳ "đèn đỏ", mỗi ngày chị em sẽ được nghỉ 30 phút, tối thiểu 3 ngày trong một tháng và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Phải nói ngay, đây là một chính sách đề cao chăm sóc sức khỏe cho người lao động nữ có tính nhân văn cao được nhiều người ủng hộ và tán thành. Tuy nhiên, nhiều băn khoăn của những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách này đề cập đến khả năng thực hiện và tính hiệu quả thực thi.
"Dạ thưa sếp, nay em... "đèn đỏ" ạ"!
Chẳng cần nói gì, chị em - lao động nữ hẳn đều biết "ngày đèn đỏ" hay nói một cách khác "minh bạch hơn" là chu kỳ hành kinh của mỗi chị em khác nhau và đôi khi nó "nhảy loạn cào cào" không theo một thời gian nhất định.
Và tất nhiên, không phải ông chủ doanh nghiệp nào (kể cả các đơn vị trong hay ngoài Nhà nước) cũng am hiểu tường tận cái "đặc thù" của chị em mà thực thi cho đúng. Tuy nhiên, cái đó vẫn không quan trọng. Quan trọng nhất là chị em làm sao "mở miệng" được cái điều tế nhị kia.
Thử đặt một vấn đề thế này: Khi chính sách được thực thi, chị em sẽ gặp ai để báo cáo. Nếu báo cáo sếp, bộ phận hành chính nhân sự - những người này là nữ giới cả thì còn dễ nói, nhưng nếu là nam giới thì nói sao? "Chẳng lẽ lại: Báo cáo sếp, hôm nay em... đèn đỏ ạ! Thế tốt nhất không nghỉ là hơn"- Chị N.T.L, nhân viên văn phòng của một công ty Bất động sản chia sẻ.
Cũng chung quan điểm ấy, bạn V.A - một nữ cán bộ có chức vụ của một công ty truyền thông cho rằng: Bản chất của vấn đề của chị em trong những ngày này là được chia sẻ, thông cảm mang ý nghĩa tế nhị chứ chẳng ai dám nói với những người khác: Em (tôi, tớ, chị...) "đang bị" nhé. Nên phải được nghỉ ngơi nhé!
"Như thế chẳng khác nào làm mất tự tin của chính chị em những ngày "khó ở". Nó cũng không đến nỗi phải phô bày cho bàn dân thiên hạ biết để dành thời gian cho chị em nghỉ dưỡng!" - V.A nói.
Đó là cái khó của chị em, thế còn cái khó của người sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp (hay cách khác đi là các sếp) nghĩ gì?
Phát biểu về chính sách mới này trên một tờ báo, ông Nguyễn Sỹ Hoàn, Chánh Văn phòng Tập đoàn Nam Cường cho rằng, quy định lao động nữ vào ngày "đèn đỏ" được nghỉ thêm mỗi ngày 30 phút rất “nực cười” và chắc chắn sẽ có nhiều bình luận trái chiều.
Ông nói: “Tôi nghĩ quy định trên khó thực hiện vì nó nhạy cảm, chẳng nhẽ lại đi báo cáo với đồng chí hoặc “sếp” nam “hôm nay tôi đến ngày đèn đỏ" à!
Chẳng nhẽ thủ trưởng hay trưởng phòng nhân sự lại đi kiểm tra? Cái này chỉ có hội phụ nữ biết với nhau thôi!. Đồng tình với quan điểm của nhiều doanh nhân khác, ông Hoàn nhận định, quy định này chỉ mang tính hình thức và không khả thi dù chính đáng.
Căn cứ nào để thực thi?
Vẫn theo ông Hoàn người phụ nữ hoàn toàn có thể tự điều chỉnh chứ không cần luật hóa vì luật hóa phải có căn cứ. Giống như việc phụ nữ sinh con phải có giấy xác nhận của bệnh viện.
Nếu phụ nữ nghỉ 30 phút/ngày “đèn đỏ”, phòng nhân sự hàng tháng phải tổng hợp báo cáo, lập danh sách, tuy nhiên, cái khó mà ông Hoàn chỉ ra là lấy gì làm căn cứ rằng người phụ nữ đó đang ở ngày "đèn đỏ"?
Ông Hoàn đặt câu hỏi khá hài hước: “Báo cáo thì phải có căn cứ, chẳng nhẽ phải chụp ảnh gửi cho sếp?! Hoặc nhiều trường hợp phụ nữ ganh tị nhau, “tố” người khác không đến ngày đó thì phòng nhân sự lại phải đi giải quyết những việc “chẳng đâu vào đâu”.
Một vấn đề khác đặt ra trong việc thực thi chính sách này chính là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Trong Nghị định thi hành do Chính phủ ban hành có ghi rõ thời gian nghỉ của chị em lao động nữ tối thiểu là 3 ngày (30 phút/ngày).
LS Nguyễn Văn Hậu (Đoàn LS TP.HCM) được trích lời trên một tờ báo cho rằng điểm bất cập của quy định này là còn dựa nhiều vào tính chất thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Vì vậy, quy định cần có sự rạch ròi để đảm bảo công bằng, minh bạch với mọi lao động nữ.
Thế nhưng theo các chuyên gia sức khỏe: Có phải cơ địa chị em nào cũng giống nhau đâu? Có người 3 ngày, có người 5 ngày, có người 1 tuần... thì căn cứ nào cho chị em nghỉ khác nhau? Nếu cho người này nghỉ nhiều hơn người khác (sự thực có thể như thế cũng có thể không thế) thì liệu chị em có tự so bì với nhau không?
Chưa hết, yếu tố xã hội trong việc thực thi chính sách này ở góc độ tâm lý của chủ doanh nghiệp sẽ phải tính toán: Liệu có nên tuyển lao động nữ nếu đó không phải là công việc đặc thù mà nữ giới đảm trách tốt hơn. "Điều này tạo nên một sự e dè dù ít hay nhiều trong việc doanh nghiệp tuyển lao động nữ" - một chủ doanh nghiệp khẳng định.
Cách nào thuận lợi nhất?
Chính vì các yếu tố đó nên khi chính sách có hiệu lực thi hành, nhiều chủ doanh nghiệp lại là đối tượng băn khoăn hơn cả người lao động.
Nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng thay vì việc cho chị em nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian đèn đỏ thì nên chăng cho họ nghỉ hẳn 1 ngày trong tháng và cho họ tự chọn. "Tôi cũng là nữ giới, có nghỉ 30 phút cũng đâu có hết mệt những ngày này" - Một nữ doanh nhân chia sẻ.
“Đây là việc có ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả công việc. Vấn đề là các doanh nghiệp phải dựa rất nhiều vào tính tự giác của nhân viên. Không giống như bệnh, lao động nữ không thể đến bệnh viện chứng minh được. Vậy thì doanh nghiệp làm sao biết được nhân viên có đang sử dụng số giờ nghỉ đó đúng mục đích hay không? Chuyện chăm sóc sức khỏe cho nhân viên nữ là điều hiển nhiên. Tuy vậy cần có những chính sách hợp lý hơn. Có thể cho nhân viên nghỉ một ngày bất kỳ trong tháng chẳng hạn” - chị phân tích.
Trong khi đó, một số lãnh đạo các doanh nghiệp lại cho rằng, nếu được thỏa thuận với các lao động nữ về thực hiện chính sách này, họ sẽ cho chị em chọn phương thức khác là sử dụng tiền hỗ trợ. "Nó như một khoản phúc lợi từ phía người sử dụng lao động và có thể công bằng với tất cả các chị em" - một chủ doanh nghiệp đề xuất.
Tuy nhiên, đối với nhiều chị em, ý kiến chung cho rằng sự cảm thông, chia sẻ từ các đồng nghiệp nam giới cũng như chủ lao động đối với chị em trong những ngày "khó ở" mới là điều quan trọng nhất.
0 Nhận xét