Mấy ngày nay báo chí lại rộ lên chuyện "Cả họ làm quan", rồi chuyện "chạy" một suất giáo viên mầm non phải mất 200 triệu đồng...
Một tờ báo rút tít “Cả họ làm quan và chuyện chạy ghế 200 triệu”. Ấy là ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) có 13 phòng ban thì “người nhà” của ông Bí thư huyện ủy đã có tới… 10 người làm ở các phòng ban trong huyện.
Còn ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), theo báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh muốn làm giáo viên mầm non phải đút cho “cò” 200 triệu. Bài báo đã đặt ra câu hỏi“Mầm non 200 triệu thì ghế cao hơn là bao nhiêu?”.
Chợt nhớ, một dạo báo chí hay nói đến “Nền kinh tế phong bì”. Có một nền “kinh tế” phong bì ư? Lẽ nào?! Rồi lại rộ lên chuyện lót tay bằng phong bì cho các y tá, bác sĩ trong bệnh viện v.v… và v.vv…
Nạn “chạy”… “lót tay” bằng phong bì có lẽ đang trở nên phổ biến hiện nay chăng?
Có người nói ta cải cách hành chính giờ một dấu, một cửa. Có người lại nói một cửa nhưng nhiều khóa! Có cửa thì phải mở. Có khóa phải mở. Mở bằng cách gì để người dân dễ dàng vào…? Bằng cách “ chạy” phong bì lót tay?!
Bác sĩ Nguyễn Minh Hồng, nguyên đại biếu quốc hội tỉnh Nghệ An đã dẫn dụ sinh động về nạn lót tay này bằng chính điều ông đã trải qua.
Có lần ông đã nói “Phong bì đi trước, muốn mua một mảnh đất cũng sẽ có cán bộ đến tận nơi làm thủ tục”. Ông còn nói thêm: “Quen thân cũng chưa chắc được việc nếu không có lót tay”.
“Lót tay” là một dạng “chạy”… Chạy chức, chạy quyền, chạy tiền mới được việc.
Cũng theo một tờ báo, ông Lê Văn Cuông, nguyên đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ lúc đó là Trần Văn Tuấn về vấn đề này. Ông Cuông cho biết, khóa trước ông cũng đã chất vấn Bộ trưởng Đỗ Quang Trung.
Tất nhiên cả hai vị Bộ trưởng đều cho rằng nếu bắt được sẽ xử lý nghiêm. Nhưng, ông Cuông cho rằng: “Chạy chức, chạy quyền, có bắt được đâu mà xử”!
Vậy làm sao đây?
Chẳng lẽ cứ để những kẻ kém tài, kém đức chạy vào các chức vụ, để từ đó không phục vụ dân mà chỉ lo vun vén cho mình?!
“Cơ chế như hiện nay chỉ béo bở cho những người biết chạy, tích cực chạy.
Phải thay đổi cơ chế, áp dụng cách thức bầu chọn dân chủ thì mới có được cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất”, ông Lê Văn Cuông đã từng khẳng định.
Chúng ta đã và đang đổi mới cơ chế, nhưng đến bao giờ mới hết nạn “chạy” … “lót tay”?
Nhà báo Dương Xuân Nam
1. Đầu tháng 12/2012, ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đưa ra thông tin “Phòng Nội vụ các quận, huyện đang là đầu mối thu hút việc tiếp nhận hồ sơ và nhận tiền “chạy” của các thí sinh để đỗ công chức giá không dưới 100 triệu đồng...”.
Ngày 11/01/2013, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã ký ban hành báo cáo Kết quả thanh tra, kiểm tra, rà soát công tác tuyển dụng công chức, viên chức các quận, huyện, thị xã năm 2011 - 2012. Báo cáo khẳng định, tính đến ngày 04/01/2013 chưa phát hiện trường hợp nào đưa tiền và cán bộ nhận tiền để “chạy” vào công chức, viên chức.
Tiếp đó, trong buổi họp báo tổ chức ngày 05/02/2013, ông Hoàng Quốc Long, Vụ phó Vụ Công chức viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết không có thông tin về chạy công chức ở Hà Nội giá 100 triệu đồng. Theo ông Long, ông Trần Trọng Dực “đã không đưa ra được bằng chứng cụ thể”.
2. Điều tra độc quyền: “Cò viên chức giáo dục lộng hành ở Thủ đô” là điều tra độc quyền của Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh khởi đăng từ ngày 07/9/2015.
Theo đó, tháng 8/2015, trong khi các quận, huyện trong TP.Hà Nội phát hành hồ sơ thi tuyển công chức, viên chức, thì các PV của Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh có mặt tại huyện Sóc Sơn và ghi nhận việc có “những giáo viên mầm non vừa bị mất việc liên tiếp nhận được những lời mời chào chạy vào ngành với giá 150 - 250 triệu đồng”.
Đến ngày 09/9/2015, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã triệu tập cuộc họp với sự tham dự của toàn bộ các sở, ngành liên quan đề nghị làm rõ vụ việc mà báo chí phản ánh.
Đồng thời, Hà Nội cũng yêu cầu Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở GD-ĐT và các đơn vị có liên quan rà soát toàn bộ công tác tuyển dụng viên chức giáo dục thời gian qua để kịp thời khắc phục các hạn chế, thiếu sót và báo cáo với Thành phố trước 10/10.
3. Ngày 14/9/2015, báo Người lao động đăng ý kiến của bạn đọc phản ánh “Cả họ tham gia bộ máy lãnh đạo huyện”.
Theo đó, huyện Mỹ Đức có 13 phòng, ban thì hơn 10 người là anh em, họ hàng với Bí thư Huyện ủy và giữ các vai trò chủ chốt như Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phó chánh Văn phòng Huyện ủy, Phó ban quản lý dự án, Phó Phòng Kinh tế, Trưởng Phòng Dân tộc học...
Hai con trai của Phó Chủ tịch huyện Mỹ Đức thì làm nhân viên tại Phòng Tài chính-Kế hoạch và Phòng Nội vụ của huyện.
Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy, chú của Bí thư Huyện ủy xác nhận các mối quan hệ trên và cho biết cơ cấu UBND huyện có 13 phòng, ban quản lý về mặt nhà nước. Ông này cũng cho biết việc bổ nhiệm cán bộ tại huyện đã trải qua các bước tuyển chọn, cân nhắc và đúng quy trình. Thậm chí “người trong nhà thì càng phải tính toán kỹ hơn. Trình độ phải nổi trội hơn người khác mới chọn”.
Trong khi đó, Phó Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức cũng khẳng định: “Toàn bộ quy trình về công tác cán bộ đều theo đúng quy định, quy trình. Nếu sai thì Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã về kiểm tra rồi”.
|
0 Nhận xét