Ngày 1/8, Hội nghị Ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 48 tại Kuala Lumpur đã chính thức mở màn với các cuộc họp chuẩn bị ở cấp quan chức cao cấp. Tại hội nghị, Trung Quốc và ASEAN đã thảo luận các quy định mới và lập ra một đường dây nóng để giải quyết các trường hợp bất ngờ và khẩn cấp ở Biển Đông. Đây sẽ là đường dây nóng cấp ngoại trưởng đầu tiên có sự tham gia của Trung Quốc.
Đây là chương trình nghị sự nối tiếp của một tuyên bố sau cuộc gặp tại Thiên Tân, giữa Trung Quốc và ASEAN hôm 29/7. Trong đó các bên cam kết tìm kiếm các giải pháp nhằm mục đích “kiểm soát có hiệu quả tình hình hàng hải và phòng ngừa các sự cố bất ngờ xảy ra”.
Dự kiến vấn đề đường dây nóng có thể sẽ được đưa ra trong tuyên bố chung của hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vào ngày 4/8 tới tại Malaysia, với sự tham gia của các ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, các nước đối tác của hiệp hội.
Theo nhận xét của một quan chức giấu tên Philippines, các lãnh đạo ASEAN hy vọng đường dây nóng sẽ giúp làm dịu căng thẳng do bất đồng trong các yêu sách chủ quyền tại Biển Đông. Người này cho hay Philippines hoan nghênh cơ chế mới để tránh xảy ra những sự vụ và sự tính toán sai lầm. Đường dây nóng là một biện pháp giúp các bên xây dựng lòng tin, giúp thúc đẩy hòa bình và ổn định, giảm căng thẳng trong khu vực.
Đường dây nóng này là cơ chế đầu tiên liên quan đến Trung Quốc, trong khi Philippines và Việt Nam đã có đường dây nóng của hải quân từ năm ngoái để theo dõi tranh chấp ở Biển Đông.
Từ Lệ Bình, một nhà nghiên cứu cấp cao về các vấn đề khu vực Đông Nam Á tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói: "Các quy định và các đường dây nóng đã được đề xuất vào đúng thời điểm, trong lúc sự tin tưởng lẫn nhau đang đối mặt với thách thức”.
Nhà nghiên cứu này cho biết thêm, các đường dây nóng và quy tắc ứng xử cho thấy Trung Quốc và các nước ASEAN có khả năng duy trì hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Biển Đông.
Nhà nghiên cứu Đông Nam Á tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, Trần Khánh Hồng cho biết, đây là những biện pháp thiết thực để giải quyết các tranh chấp, đúng theo cách tiếp cận hai hướng mà Trung Quốc và hầu hết các thành viên ASEAN đã đồng ý hồi tháng 11 năm ngoái.
Tuy nhiên, các chuyên gia độc lập cho rằng đường dây nóng giải quyết khẩn cấp các vấn đề trên Biển Đông là một bước tiến khả quan, nhưng Bản Tuyên Bố Qui Tắc Ứng Xử (DOC) trên Biển Đông mới là điều quan trọng nhất cần phải thực hiện.
Được ký năm 2002, DOC (có chữ ký của Trung Quốc) yêu cầu các bên liên quan thực hiện kiềm chế các hoạt động có thể làm leo thang căng thẳng. Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman hôm qua đã tỏ ý lạc quan về các tiến triển gặt hái được trong cuộc đàm phán giữa khối ASEAN và Trung Quốc về một Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC), nhưng không giấu nỗi lo ngại về nguy cơ các diễn biến gần đây ở Biển Đông đe dọa hòa bình và an ninh chung.
Ông Anifah nói rằng, 4 nước ASEAN có tranh chấp trực tiếp tại Biển Đông là Malaysia, Brunei, Philippines và Việt Nam đều cam kết thực thi đầy đủ bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, nhưng cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa bao giờ thực hiện.
Theo các nhà quan sát, do tình hình căng thẳng hiện nay, vấn đề Biển Đông sẽ không chỉ được nêu lên ở Hội nghị Ngoại trưởng 10 nước ASEAN ngày 4/8 tới, mà còn sẽ nổi cộm tại các Hội nghị giữa ASEAN và các đối tác chủ chốt, và nhất là tại Diễn đàn An Ninh Khu vực ASEAN (ARF) ngày 6/8, trên nguyên tắc có sự tham gia của Ngoại trưởng các nước như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga…
Trong thời gian gần đây, Mỹ và Nhật Bản chẳng hạn, đã gia tăng chỉ trích Trung Quốc về việc bồi đắp đảo nhân tạo tại vùng Trường Sa và không che giấu ý định sử dụng các công trình mới xây vào mục tiêu quân sự. Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt, tố cáo ngược lại Mỹ và Nhật cố tình khuấy động căng thẳng và cho rằng hai nước này không được quyền can thiệp vào Biển Đông. Tranh cãi nói trên được cho là sẽ tiếp tục tại Diễn đàn An ninh Khu vực, hay là tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước thuộc Khối Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á…
Nh.Thạch
0 Nhận xét