“Choáng”, “sốc”, “giật mình”, và “xôn xao”… là một số động từ biểu thị trạng thái tâm lý hoặc liên quan đến cảm xúc mà chúng ta ghi nhận được xung quanh câu chuyện về “lòng dũng cảm của bé An” - trong sách Kỹ năng sống dành cho trẻ lớp 1 “gây xôn xao” dư luận - trên báo chí và mạng xã hội từ ngày hôm qua (24/8).
Độ “sốc”, độ “choáng” ở đây chính là bức hình minh họa một em nhỏ đi qua tấm “thảm thủy tinh”, cùng với lời dẫn giải như sau:
“Cô giáo rải một thảm thủy tinh dày trước mặt lớp và yêu cầu các bạn đi qua đó. Cả lớp rất sợ hãi và An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và giúp đỡ An tự tin đi qua thảm thủy tinh, nhờ vậy mà An đi qua thảm thủy tinh một cách dễ dàng.
Khi đi qua rồi, An thấy thảm thủy tinh không đáng sợ như mình nghĩ và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng, cả lớp đềudũng cảm đi qua thảm thủy tinh”.
Sau đó, theo nội dung cuốn sách, các em được thảo luận và cuối cùng đưa ra bài học: “Có rất nhiều điều khiến em sợ hãi nhưng em cần phải vượt qua nó. Khi em đã dũng cảm vượt qua, em sẽ không còn thấy sợ hãi nữa”.
“Thảm thủy tinh” - “phép thử” cho lòng dũng cảm?!
Trong cuộc sống, con người phải đối mặt với nhiều nỗi sợ hãi. Với các em học sinh thì đơn giản là sợ bài toán khó, sợ bị điểm kém, sợ bố mẹ mắng… Và để vượt qua nó, các em cần phải “dũng cảm”. Nhưng dũng cảm ở đây là gì?
Dũng cảm là dám đối mặt với sự thật dù nó có khó khăn và rất gian nan. Dũng cảm là không trốn tránh, là tinh thần luôn lạc quan để vượt qua bao sóng gió của cuộc sống. Dũng cảm là làm những việc mà người khác không dám làm, là dám đương đầu với những khó khăn thử thách của bản thân, dám đối diện với chính mình.
Như vậy, lòng dũng cảm được thể hiện theo nhiều cách khác nhau và ở nhiều cung bậc, mức độ khác nhau, tùy hoàn cảnh.
Quay lại câu chuyện về “lòng dũng cảm của bé An”, PV đã có cuộc trao đổi ngắn với PGS. Văn Như Cương. Ông kể lại chuyện mình cũng từng “đi qua thảm thủy tinh” trong một buổi học về kỹ năng sống dành cho các em học sinh.
Sau bài giảng của mình, thuyết trình viên mời các em thực hành. Khi đó, một phần cũng vì tò mò, và để “kiểm chứng” lại bài giảng của thuyết trình viên đó, nên PGS cũng cởi giầy, cởi tất, đi thử trên “thảm thủy tinh” bằng chân trần.
“Khi đó học sinh la ó: “Thầy ơi đừng có đi! Nhưng khi tôi đi vào thì cũng không bị làm sao cả. Cũng chẳng có phép thuật gì cả. Và hoàn toàn an toàn”, PGS. Văn Như Cương kể.
Theo ông, “Đó có thể là một phép thử về lòng dũng cảm dành cho các em. Quả thật khi đó tôi cũng liều mạng, bởi nhìn đống thủy tinh đó ai cũng nghĩ thật đáng sợ và có thể chảy máu khi động vào”.
Loại hình vượt ngưỡng bản thân
Theo TS Phan Quốc Việt, chủ biên cuốn sách Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1 để học sinh trải nghiệm thực tế, ông đã nghiên cứu kỹ. Theo nguyên tắc trong vật lý, mảnh vỡ thủy tinh to cỡ 3cm2 và độ dày 3cm thì không thể cắt vào chân.
Trên thảm thủy tinh, mảnh nào bé, thiết diện nhỏ thì áp suất lớn, sẽ bị chìm xuống dưới; mảnh nào to, thiết diện lớn thì áp suất bé, sẽ trồi lên trên. Và bao giờ các thầy cũng dùng những băng dính để dính lại những mảnh rất nhỏ.
Như vậy đi trên thảm thủy tinh sẽ không bị đau, thậm chí còn êm chân.
|
Bà Lý Hà Thu - chuyên gia quản trị tâm thế, Tổng Giám đốc Tâm Thế Việt - NLP Việt Nam cho biết, đây là một trong những chương trình đào tạo thuộc loại hình vượt ngưỡng, chẳng hạn như chọc que vào cổ, đi trên than hồng, đi trên thủy tinh… Những bài tập này nhằm mục đích nói rằng, khi quyết tâm của mỗi cá nhân lên cao đến cùng thì bất kể điều gì cũng có thể làm được.
Một ví dụ điển hình mà trong sách lịch sử đã ghi nhận, đó là nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển với dáng người nhỏ bé cao 1,4m, nặng 42kg mà đã vác cùng một lúc hai hòm đạn dính vào nhau nặng 98 kg, góp phần hạ máy bay giặc Mỹ trong ngày đầu tiên.
Đó là vì lòng căm thù giặc, quyết tâm chiến đấu với kẻ thù, bảo vệ Tổ quốc trong bà lên cao độ nên bà mới có thể làm một việc vượt sức mình như thế. Đặt giả thiết trong thời bình, khi không có những yếu tố như đã nói ở trên tác động, có thể lửa trong bà không còn và dẫn tới khó có thể vác một vật có trọng lượng tương tự như thế, bà Lý Hà Thu phân tích.
“Câu chuyện này để nói rằng, con người bên trong chúng ta rất mạnh mẽ, nếu như mình nghĩ rằng mình không làm được thì sẽ dẫn đến hành động không làm, và dẫn đến kết quả là không có kết quả gì”, bà kết luận.
Nên kèm theo lời khuyến cáo
Người viết nhớ, khi còn nhỏ hay được nghe thầy cô kể những câu chuyện về lòng dũng cảm, trong đó là một bạn học sinh cứu em nhỏ không may bị ngã xuống sông, hay những con vật bé nhỏ trong rừng vận dụng mưu trí và lòng dũng cảm đấu tranh để chống lại chúa tể rừng xanh ra sao. Thậm chí, cho đến tận bây giờ, trong nhiều cuốn sách dành cho trẻ cấp 1, thậm chí trẻ mẫu giáo (mà mẹ mua về đọc cho con nghe), hay phim hoạt hình, vẫn rất nhiều những câu chuyện cổ tích dạy trẻ về lòng dũng cảm, mà ở đó là những con vật, những nhân vật anh hùng phi thực tế.
Thế giới trẻ thơ ngộ nghĩnh, giàu tưởng tượng, thích khám phá. Khi đọc những câu chuyện như vậy, bé rất thích và có thể đặt mình là một trong những nhân vật trong đó. Và, rất có thể, bé sẽ thể hiện ra bên ngoài bằng hành động cụ thể khiến bố mẹ lắng lo.
Như vậy, bất cứ kiến thức sách vở nào, nhất là dành cho lứa tuổi tiểu học (đặc biệt các em học sinh lớp 1), cũng cần có sự phối kết hợp giữa sách vở - thầy cô - và - phụ huynh trong việc giải thích, định hướng, và vận dụng ở cuộc sống. Nếu bạn coi “thảm thủy tinh” chỉ là một chướng ngại vật bình thường như bất kỳ chướng ngại vật nào trong cuộc sống, bạn có thể đơn giản hóa vấn đề bằng cách áp dụng và giải thích cho con (thay vì nhảy xổ lên).
Chẳng hạn, “Thủy tinh vỡ có thể đứt chân, đứt tay, và làm chảy máu. Con sợ không? Mấy bài toán khó này cũng như thảm thủy tinh mà con cần phải vượt qua, cần phải giải được. Tìm mọi cách và quyết tâm để giải bài. Đó, nhưng vậy là con đã vượt qua thảm thủy tinh rồi đó!”.
Tuy nhiên, việc đưa ra bất kỳ một chương trình dạy kỹ năng sống nào vào phổ cập cho học sinh cũng nên kèm theo lời khuyến cáo, hướng dẫn dành cho học sinh và phụ huynh, để tránh trẻ không biết mà thích bắt chước, và có thể không may xảy ra trường hợp không hay, PGS. Văn Như Cương và bà Lý Hà Thu đều có chung kết luận như vậy.
Không nên mạo hiểm tính mạng và sức khỏe để chứng minh… sự dũng cảm
Phó giám đốc Trung tâm Khoa học Kỹ thuật PCCC - Đại học PCCC, chuyên gia đào tạo kỹ năng sống cho trẻ tại tại Trung tâm Kỹ năng sống YDC (Youth Development Center) thì “hoàn toàn không đồng ý” với cách “dạy trẻ sự dũng cảm bằng việc đi qua mảnh thủy tinh”. Anh lý giải:
Ở góc độ chuyên môn trong lĩnh vực đảm bảo sự an toàn như chúng tôi, tất cả mọi hoạt động, mọi trải nghiệm đòi hỏi sự dũng cảm đều để đảm bảo sự an toàn phải là yếu tố hàng đầu. Vì thế, chúng ta cần suy nghĩ xem khi đưa ra một trải nghiệm, các em học sinh vượt qua nó để học được bài học gì. Không thể rèn luyện theo hướng mạo hiểm tính mạng và sức khỏe để cho người khác hoặc bản thân thấy mình dũng cảm. Hôm nay là mảnh thuỷ tinh, nhưng sau này giả sử các em được các bạn thách thức đi đinh gỉ hoặc nhảy từ tầng cao xuống đất, cũng bởi vì sĩ diện và lòng tự ái mà các em nhắm mắt làm thì hệ hụy sẽ đi đến đâu.
Trong những chương trình huấn luyện của chúng tôi, chúng tôi cũng rèn luyện cho các em lòng dũng cảm rất nhiều. Chẳng hạn như các em vượt qua nỗi sợ độ cao để tự cứu mình trong hoàn cảnh khẩn cấp... Lý do chúng tôi đưa các em vào hoàn cảnh đó là bởi vì chúng tôi muốn các em phải vượt qua được trở ngại tâm lý nỗi sợ độ cao.
Sau khi được giảng dạy kỹ lưỡng về phương pháp nhảy và tiếp đệm chính xác, thứ duy nhất vẫn giữ đôi chân các em ở lại dù trí óc rất muốn cho bản thân thoát xuống nơi an toàn đó chính là nỗi sợ. Việc huấn luyện sẽ cho các em một phản xạ và sự chuẩn bị tâm lý cần thiết cho những tình huống thực tế. Theo chúng tôi, đó mới là kỹ năng sống và là thứ “dũng cảm” các em đáng được dạy dỗ nhất.
Trong cuộc sống biết bao sự nguy hiểm rình rập, bởi vậy các em cần được học tập các kỹ năng để tự bảo vệ mình, tự cứu bản thân mình trước khi cần sự hỗ trợ của người khác.
|
0 Nhận xét