Bất đồng về quan điểm giữa giới tướng lĩnh (chủ trương phản ứng mạnh hơn để răn đe Trung Quốc) với giới lãnh đạo chính trị và ngoại giao (không muốn làm ảnh hưởng tới quan hệ với Bắc Kinh) vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Khi trả lời tờ Politico, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ cho rằng, việc giới hạn hoạt động của Hải quân Mỹ bên ngoài vùng 12 hải lý xung quanh các đảo đá đã được Trung Quốc cải tạo trái phép là sai lầm nguy hiểm bởi đó là một sự mặc nhiên công nhận các yêu sách chủ quyền nhân tạo của Bắc Kinh.
Còn Thượng nghị sĩ Dan Sullivan cho rằng, dường như có một sự mơ hồ về chính sách của Mỹ ở Biển Đông.
Ngày 31-7, tờ Politico cho biết, Hải quân Mỹ vẫn chưa quyết định có đưa tàu thuyền hoặc máy bay tiến vào vùng biển xung quanh hoặc không phận các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh vừa bồi đắp tại khu vực Trường Sa của Việt Nam.
Trong khi một số lãnh đạo quân đội Mỹ cho rằng, phải chứng tỏ bằng hành động cụ thể về quyền tự do lưu thông trên không và trên biển, thì quan chức chính phủ và lãnh đạo ngoại giao lại muốn xử lý tốt quan hệ Mỹ - Trung. Cũng trong ngày 31-7, tờ Tin tức tham khảo Trung Quốc cho rằng, Hải quân Mỹ chế tạo tàu tấn công đổ bộ lớn nhất trong lịch sử cho máy bay chiến đấu F-35.
Theo trang mạng quân sự Mỹ, việc lắp ráp tàu tấn công đổ bộ lớp America thứ hai mang tên USS Tripoli đang được tiến hành theo kế hoạch, và 1/3 công tác chế tạo giai đoạn đầu đã hoàn thành.
Dự kiến, tàu tấn công đổ bộ USS Tripoli (còn gọi là LHA-7, tàu tấn công đổ bộ trực thăng) sẽ hạ thủy vào tháng 7-2017, có khả năng chở máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35B và nhiều loại máy bay khác của lực lượng Thủy quân lục chiến như máy bay vận tải cánh xoay nghiêng MV-22 Osprey, máy bay trực thăng vận tải CH-53 Super Stallion và máy bay trực thăng UH-1Y Venom.
So với tàu tấn công đổ bộ lớp America đầu tiên mang tên USS America đã đưa vào hoạt động từ tháng 10-2014, tàu tấn công đổ bộ USS Tripoli sẽ có một số cải tiến. Trước đó (28-7), Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey cảnh báo, thế giới đang đối diện ngày càng nhiều mối đe dọa an ninh toàn cầu và cần củng cố lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế.
Giới quân sự cho rằng, việc Mỹ triển khai siêu tiêm kích F-35C tới Biển Đông sẽ khiến Trung Quốc lo ngại.
Theo nhận định của Chuẩn đô đốc Hải quân Mỹ Michael McDevitt, tới năm 2020, Hải quân Trung Quốc có thể trở thành một phiên bản cỡ nhỏ của Hải quân Mỹ và có khả năng trở thành “đệ nhị” trên biển.
Theo ông Michael McDeveitt, Trung Quốc có thể sẽ sở hữu 2 tàu sân bay, bằng với số lượng của Anh và Ấn Độ, cùng với đó là 6 hoặc 7 tàu ngầm tấn công hạt nhân và khoảng 20 đến 22 tàu khu trục giống với Aegis của hải quân Mỹ. Ông Michael McDevitt cũng cảnh báo, công nghệ tàu ngầm Mỹ phải giữ ưu thế đặc biệt ở các vùng biển xa, đồng thời cần nhiều tàu ngầm để đảm bảo rằng, Trung Quốc sẽ luôn phải lo lắng với nó.
Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert cho rằng, đến năm 2020, Hải quân Mỹ phải gia tăng số lượng tàu chiến đã triển khai ở Châu Á - Thái Bình Dương từ 95 chiếc lên 115 chiếc.
Trong khi đó tờ Stars and Strapes dẫn lời Đô đốc về hưu Timothy Keating, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng, hải quân Mỹ cần từ 325 đến 350 tàu, tức tăng thêm 50-75 tàu so với mức hiện nay mới bảo đảm an ninh cũng như thương mại trên biển của Mỹ, đặc biệt tại khu vực Thái Bình Dương.
Theo bà Mackenzie Eaglen, chuyên gia phân tích quốc phòng tại Viện nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ, hải quân Mỹ chưa đáp ứng được nhu cầu.
Với tư cách luật sư kỳ cựu, ông Raul Pedrozo (là cố vấn pháp lý của Lầu Năm Góc) cho rằng, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Bắc Kinh không có quyền tuyên bố chủ quyền những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông.
Còn trong bài viết “Quan chức Lầu Năm Góc bàn các thách thức trên phương diện duy trì ưu thế công nghệ” trên trang mạng Thời báo quân đội Mỹ ngày 28-7, tác giả Phillip Swartz cho rằng, Mỹ đang bị Trung Quốc thách thức trong lĩnh vực công nghệ cao.
Thứ trưởng Quốc phòng Frank Kendall nhận định, thứ mà Bắc Kinh đang mua sắm là một loạt năng lực nhằm làm cho Mỹ rời xa khu vực của Trung Quốc. Phát biểu tại hội nghị cấp cao năng lượng định hướng do Công ty cổ phần Booz Allen & Hamilton và Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách tổ chức, ông Frank Kendall cho biết, Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu phát triển tên lửa không đối không và hệ thống điện tử có trình độ tương đương với Mỹ.
Đồng thời cho rằng, Trung Quốc có khả năng bán công nghệ của họ cho các tổ chức hoặc quốc gia có khả năng trở thành đối thủ chiến tranh của Mỹ; do đó Mỹ không nên tự mãn đối với sáng tạo công nghệ của mình. Tư lệnh hải quân Mỹ Ray Mabus cho rằng, năng lượng định hướng là loại công nghệ có thể giúp Mỹ duy trì ưu thế.
Ngày 30-7, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân đã tố cáo Mỹ đang “quân sự hóa” Biển Đông và thổi phồng mối đe dọa Trung Quốc, cũng như “tìm cách gây chia rẽ” Trung Quốc với các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Trong khi đó, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Amy Searight cho biết, Washington khuyến khích Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố ủng hộ nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục xây đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông. Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ Michael Fuchs cho rằng, phải lập tức giảm căng thẳng trên Biển Đông.
Còn Đô đốc Tomohisa Takei, Tư lệnh Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản nhấn mạnh, các nước châu Á cần tăng cường sức mạnh hải quân và hợp tác để ngăn chặn nguy cơ xung đột trên Biển Đông.
|
Tuấn Quỳnh
0 Nhận xét