Tiếp tục cập nhật...
19h20: Theo thống kê ban đầu của văn phòng UBND huyện Quan Hóa, đến cuối giờ chiều 3/8, mưa lũ hai ngày qua đã làm 99 ngôi nhà của người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng, trong đó có 57 ngôi nhà ngập chìm trong nước lũ, có nguy cơ bị sập bất cứ lúc nào; 35 ngôi nhà đang có nguy cơ bị ngập tiếp; còn lại là nhà dân, chòi canh bị sập hoàn toàn.
Mưa lũ đã làm sạt lở hàng chục mét đường nhựa, làm ách tắc giao thông hai điểm trên quốc lộ 15A - tuyến đường nối trung tâm huyện Quan Hóa đi các xã của huyện là: Trung Thành, Trung Sơn, Thành Sơn, Phú Thanh, Phú Lệ, Phú Sơn, Phú Xuân, Thanh Xuân; cuốn trôi một chiếc cầu treo trên tuyến đường vận chuyển vật liệu xây dựng đang thi công thủy điện Hồi Xuân; cuốn trôi một đoạn đê quai của công trình thủy điện Hồi Xuân. Ngoài ra, lũ lớn trên sông Mã còn nhấn chìm hơn 20ha lúa ruộng của người dân địa phương. Ước tính thiệt hại nhiều tỉ đồng.
Đến cuối giờ chiều 3/8, nước sông Mã đoạn qua huyện Quan Hóa bắt đầu rút nhưng vẫn ở mức cao so với cùng kỳ mọi năm. Hiện các xã đang di chuyển các hộ dân ở gần mép nước sông Mã, có nguy cơ bị sạt lở đất đá, lũ quét, lũ ống đến nơi cư trú an toàn nhằm tránh những thiệt hại do mưa lũ gây ra.
16h10: Tin từ trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, trong 06 giờ vừa qua trên khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-70mm, một số nơi lớn hơn như Cửa Ông: 90mm; Bãi Cháy: 80mm; Uông Bí: 40mm; Hải Phòng: 60mm;… Hiện nay ở khu vực nêu trên đang có mưa vừa, mưa to.
Trên lưu vực sông Lục Nam, sông Thương vẫn có mưa vừa, mưa to. Mực nước trên sông Lục Nam, sông Thương đang lên chậm và ở mức cao. Mực nước lúc 13 giờ ngày 3 tháng 8 năm 2015 trên sông Lục Nam tại Lục Nam là 6,36m (trên báo động 3 là 0,06m); trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương là 6,05m (dưới báo động 3 là 0,25m).
Dự báo trong đêm nay và sáng mai (04/8), vùng ven biển Quảng Ninh (bao gồm cả khu vực biển giữa đảo Cô Tô và đất liền) và Hải Phòng tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-80mm, có nơi trên 100mm.
Từ trưa và chiều mai, mưa giảm nhanh về diện và lượng.
15h40: Tại Lai Châu, mưa lớn đã làm sạt lở nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và giao thông nông thôn. Tại km 195+250 trên quốc lộ 279 đã bị sạt lở núi, với khối lượng trên 14.000 m3, gây chia cắt giữa hai tỉnh Lai Châu và Sơn La. Đặc biệt, hiện nay trên tuyến đường tránh ngập tỉnh lộ 127 và tuyến đường Pa Tần – Mường Tè xuất hiện hàng chục điểm sạt lớn, gây cô lập huyện Mường Tè.
14h30: Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, tính đến 9 giờ 30 ngày 3/8, trên địa bàn 27 tỉnh miền Bắc do Tổng Công ty quản lý có mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đã gây ảnh hưởng cung cấp điện đến hơn 1,2 vạn khách hàng.
14h05: Tại Sơn La, đến thời điểm 10 giờ sáng ngày 3/8, điểm sạt lở trên đèo Pha Đin (đoạn ở huyện Thuận Châu, Sơn La) về cơ bản đã được khắc phục.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, Công ty TNHH MTV đường bộ 226 đã huy động 4 máy xúc cùng nhiều cán bộ công nhân viên xuống hiện trường để khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên theo một công nhân của Công ty TNHH MTV đường bộ 226 cho biết, nguy cơ sạt lở, gây ách tắc giao thông là rất cao nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài.
13h55: Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ba Chẽ (Quảng Ninh) Đỗ Ngọc Nam cho biết do nước lũ dâng cao, đến 10 giờ ngày 3/8, 4 xã vùng cao của huyện Ba Chẽ là Đạp Thanh, Lương Mông, Minh Cầm và Thanh Lâm vẫn bị chia cắt với trung tâm huyện.
Từ 10 giờ ngày 3/8, trên địa bàn huyện Ba Chẽ bắt đầu có mưa to trở lại. Huyện đã có các phương án chuẩn bị thuốc men, lương thực, thực phẩm cung ứng cho người dân; bố trí phương tiện chở hàng; không để tình trạng dân bị thiếu đói xảy ra.
13h50: Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Mường La (tỉnh Sơn La) cho biết: Ngày 2/8, lực lượng chức năng cùng người dân đã tìm thấy thi thể của chị Lò Thị Duyên, sinh năm 1994 (ở bản Pú Luông, xã Mường Bú, huyện Mường La) - nạn nhân bị lũ cuốn trôi vào ngày 1/8.
Vị trí tìm thấy thi thể của chị Duyên cách nơi chị bị lũ cuốn không xa và bị mắc trong khe đá.
Trước đó, ngày 1/8 trên đường đi làm nương về qua suối Nặm Ma, chị Lò Thị Duyên đã bị lũ cuốn trôi.
Lãnh đạo huyện Mường La đã đến thăm hỏi, chia buồn và trao số tiền hỗ trợ 4,5 triệu đồng cho gia đình chị Lò Thị Duyên .
13h25: Tại bản Sen, Vân Đồn, Quảng Ninh, mưa lũ đã gây thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng. Trong đó, thôn Bản Sen chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận lũ. 27 hộ bị lũ nhấn chìm, đa số tài sản của dân bị hư hỏng và lũ cuốn trôi hết. Hiện, nước lũ đang bắt đầu rút nhưng người dân ở đây vẫn chưa thể về nhà được.
13h15: Tại Thanh Hóa, nước từ thượng nguồn đổ về khiến hàng trăm hộ dân sống hai bên bờ đê sông Mã (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) phải di dời.
Hàng chục ha hoa màu và một chiếc cầu treo bị cuốn trôi. Trưa 3/8, ông Đỗ Minh Việt, Chánh văn phòng ủy ban huyện Quan Hóa cho biết, từ ngày 2/8, nước từ thượng nguồn sông Mã đổ về khiến nhiều xã ngập lụt, chủ yếu là các địa phương dọc theo quốc lộ 15A.
Thống kê ban đầu, hàng trăm nhà dân sống hai bên bờ sông Mã ngập. Số hộ dân này đã được di chuyển đến nơi an toàn.
11h15: Theo tin từ Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, do mưa lớn kéo dài, mực nước trên sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam và sông Thao đang lên (ở mức báo động 2-3).
Dự báo trong ngày và đêm nay (03/8), ở các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to diện rộng. Riêng khu vực Quảng Ninh-Hải Phòng, Bắc Giang và Tây Bắc sẽ có tổng lượng mưa 50-100mm.
Từ ngày mai (04/8), nhiều khả năng mưa ở Bắc Bộ sẽ giảm nhanh.
Lũ trên sông Lục Nam tại Lục Nam dao động ở mức đỉnh và xuống chậm. Lũ trên các sông Thương, Cầu và sông Thao tiếp tục lên. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối; ngập lụt đô thị.
11h10: Tại khu 7, khu 9, phường Cao Thắng, Tp. Hạ Long. Phường đã huy động tối đa lực lượng, có sự trợ giúp của chiến sĩ Sư đoàn 395 (Quân khu 3) đến vận động, hỗ trợ người dân nhanh chóng di dời khỏi khu vực nguy hiểm. Phường cũng đã cử cán bộ thường trực 24/24 tại tất cả các địa bàn xung yếu trên địa bàn, sẵn sàng ứng phó với tình hình mưa lụt và sạt lở đất, nhanh chóng di dời người dân nếu cần thiết.
Đến thời điểm hiện tại, phường Cao Thắng đã tiến hành di dời được gần 100 hộ dân thuộc địa bàn khu 7 và khu 9. Trước đó, một số hộ dân đã chủ động di dời đến nơi an toàn.
11h: Lượng mưa trên địa bàn TP Hạ Long đã giảm, chỉ còn mưa nhẹ. Tuy nhiên, nhiều nơi đang có dấu hiệu sạt lở trở lại.
10h20: Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã tiếp tục kiểm tra, chỉ đạo việc chống sạt lở tại tổ 8, khu 2 phường Bắc Sơn, TP Uông Bí.
Tại phường Bắc Sơn, sáng 2/8, nước xiết đã cuốn sạt 50m kè, cào sát chân móng nhà 15 hộ dân ở tổ 8, khu 2, phường Bắc Sơn. TP Uông Bí đã phải di dời khẩn cấp các hộ dân này.
9h30: Tại Cao Bằng, mưa lũ lớn làm hàng vạn khối đất đá đã đổ xuống một ngôi nhà gỗ, khiến 3 người mất tích trong đống đổ nát, 5 người bị thương hiện được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Thông Nông.
Đến sáng 3/8, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy một thi thể bị vùi lấp và đang tiếp tục tìm kiếm 2 người còn lại. Theo ông Truyền khả năng 2 người bị vùi lấp tử vong là rất cao.
Tuy nhiên, đất đá trên núi cao vẫn đang có hiện tượng sạt lở nên công tác tiếp cận hiện trường rất nguy hiểm.
9h05: Tại Quảng Ninh, trận mưa sáng 3/8 quá lớn đã khiến cho TP Hạ Long lại bị ngập úng ở hầu hết các tuyến phố. Hiện tại ở TP Hạ Long trời vẫn đổ mưa rất to khiến những điểm trũng, đường thấp trên địa bàn thành phố đều xảy ra ngập úng cục bộ, có nơi ngập sâu hơn nửa mét. Giao thông trên các tuyến phố đều bị đình trệ.
Ở một số điểm sạt lở cũ do ảnh hưởng của mưa lớn lại tiếp tục bị sạt lở.
TP Hạ Long đã huy động các lực lượng đến những điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra và đảm bảo an toàn cho người dân.
Trong 2 ngày 1 và 2/8, mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh phía Bắc. Theo thống kê từ các địa phương ở miền Bắc, đợt mưa lớn gây lũ, ngập lụt trong hai ngày 1 và 2/8 đã làm 4 người chết, 7 người bị thương.
Trong số 4 người chết ở Lai Châu có 2 mẹ con bị thiệt mạng do sạt lở đất đá ngày 1/8; Sơn La có một phụ nữ bị thiệt mạng do lũ cuốn ngày 1/8; Vĩnh Phúc có 1 người đi đánh cá ở phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên bị chết vào ngày 1/8 do nước cuốn trôi vào cống thoát nước.
Trong số 7 người bị thương Điện Biên có 4 người, Lào Cai 2 người, Hà Giang 1 người.
Về nhà cửa, Lào Cai có 4 nhà bị sập, Điện Biên có 2 nhà bị sập đổ, cuốn trôi, 150 nhà bị thiệt hại, tốc mái (Điện Biên: 131 nhà; Tuyên Quang: 2 nhà; Lai Châu: 1 nhà; Yên Bái 6 nhà; Sơn La: 10 nhà), hàng trăm nhà bị ngập nước.
Bên cạnh đó có 2.466 ha diện tích lúa bị ngập, thiệt hại (Điện Biên: 650 ha; Tuyên Quang: 1330 ha; Cao Bằng: 20 ha; Sơn La: 129 ha); Diện tích hoa màu bị thiệt hại: 680 ha (Điện Biên: 650 ha; Cao Bằng: 30 ha); Có hơn 11.5000 gia cầm, gia súc bị chết. Nhiều công trình thuỷ lợi, giao thông ở các địa phương bị hư hại...
Tổng hợp của Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết trong ngày 2-8 Quảng Ninh đã huy động 2.642 bộ đội, dân quân, công an thuộc các đơn vị đóng trên địa bàn cùng 80 phương tiện các loại tham gia khắc phục hậu quả và di dời 690 hộ dân với 2.770 người bị ngập lụt tại các huyện Ba Chẽ, Đông Triều, Hoành Bồ và thành phố Uông Bí đến nơi an toàn.
Tại Sơn La: Trong ngày 1 và 2/8 ở các huyện Mường La, Mộc, Châu, Bắc Yên, Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Sông Mã, Sốp Cộp, Yên Châu, Thuận Châu mưa lũ làm chết 1 người (Mường La), ngập úng 50 ha lúa và hoa màu, cuốn trôi 1 cầu treo (huyện Sốp Cộp), sạt lở 250 m3 đất đá. Địa phương đã huy động 872 người gồm bộ đội, dân quân, công an, lực lượng khác tham gia khắc phục hậu quả.
Tại Hà Giang: Vào lúc 5 giờ ngày 2/8 ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, mưa lũ làm đổ tường bao nhà dân làm bị thương 1 người. Địa phương huy động 20 bộ đôi và dân quân khắc phục hậu quả.
Tại Yên Bái: Ngày 2/8 mưa to gây sạt lở 1.000 m3 đất đá tại km 10, Quốc lộ 32 từ La Pán Tẩn đi Chế Cu Nha (huyện Mù Cang Chải.) Địa phương huy động lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả.
Tại Lào Cai: Trong hai ngày 1 và 2-8 tại các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Sa Pa mưa gây sạt lở đất làm sập 4 nhà, bị thương 2 người do đá sạt lở. Tỉnh Lào Cai đã di dời 36 hộ dân nơi có nguy cơ bị sạt lở ở hai huyện Bắc Hà và Sa Pa đên nơi an toàn. Tỉnh đã huy động 75 dân quân và lực lượng khác khắc phục hậu quả.
Tại Điện Biên: Ngoài sự cố vỡ hồ, ao nuôi cá gây ngập lụt thị trấn Tuần Giáo ngày 1-8, ngày 1 và 2-8 tại thành phố Điện Biên Phủ và huyện Mường Nhé, xảy ra mưa to gây ngập úng cục bộ và sạt lở 1.000 m3 đất. Lực lượng tham gia khắc phục có 238 bộ đôi và dân quân.
Tại Bắc Kạn: Ngày 1/8 ở xã Yên Thượng, huyện Chợ Đồn xảy ra sạt lở 50 m3 đất đá, ảnh hưởng đến 4 hộ dân. Địa phương huy động 45 bộ đội và dân quân than gia khắc phục.
Tại Bắc Giang: Ngày 1 và 2-8 ở các huyện Yên Thế, Sơn Động, Lục Nam, Lạng Giang, Tân Yên, Yên Dũng xảy ra mưa to làm ngập 40 nhà, 648 ha lúa và hoa mùa. Địa phương huy động 109 bộ đội, dân quân và 3 xe ô tô tham gia khắc phục.
Trước đó, đợt mưa lũ kéo dài từ 25 - 29/7 tại Quảng Ninh khiến 18 người chết, 5 người mất tích, thiệt hại lên tới 2.200 tỷ đồng. Tại Lạng Sơn, 2 người chết, hàng nghìn ha hoa màu bị ngập úng, hư hỏng.
Duyên Hà
0 Nhận xét