Nằm trong khu vực Đông Nam Á, nơi được xem là “rốn bão” của thế giới, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu nhiều thiệt hại và dễ bị tổn thương nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu.
Hàng năm, nước ta thường xuyên phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, lũ lụt, sạt lở bờ sông - kênh - rạch, xâm nhập mặn, hạn hán, cháy rừng… gây thiệt hại lớn về người, tài sản của nhà nước và nhân dân.
Chính vì thế, công tác quản lý rủi ro thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và của được đặc biệt quan tâm, và trong đó, phương châm “4 tại chỗ” (bao gồm: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) cũng là một trong những biện pháp phát huy hiệu quả khi ứng phó với thiên tai.
Tuy nhiên, để giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, cần phải đặc biệt chú trọng hơn nữa đến giai đoạn phòng ngừa trước thiên tai nhằm giảm nhẹ rủi ro do thiên tai gây ra, và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Đây là giai đoạn vô cùng quan trọng trong quá trình quản lý rủi ro thiên tai.
Theo Luật phòng, chống thiên tai (có hiệu lực từ 1/5/2014) Quá trình quản lý rủi ro thiên tai gồm ba giai đoạn chính: |
---|
Phòng ngừa: Các hoạt động chuẩn bị được tiến hành trước khi thiên tai xảy ra (bao gồm cả giảm nhẹ rủi ro thiên tai)
Ứng phó: Những hoạt động tiến hành trong khi thiên tai xảy ra bao gồm cả công tác cứu trợ.
Khắc phục hậu quả: các hoạt động tiến hành sau khi thiên tai xảy ra nhằm khắc phục hậu quả và phục hồi sau thiên tai
|
Bởi, thực chất, quản lý rủi ro thiên tai không chỉ bao gồm ứng phó và giảm nhẹ thiên tai. Đây là một quá trình mang tính hệ thống nhằm giảm nhẹ những ảnh hưởng tiêu cực và các hậu quả do thiên tai gây ra, với mục đích: giảm thiểu tổn thất thông qua công tác chuẩn bị và ứng phó hiệu quả, làm cho việc phục hồi hiệu quả và bền vững hơn.
Một trong những yêu cầu chính của giai đoạn phòng ngừa rủi ro thiên tai là nâng cao nhận thức về các loại hình thiên tai, rủi ro thiên tai, các kỹ năng phòng chống, ứng phó khi thiên tai xảy ra và khi thiên tai đi qua… cho chính quyền và người dân cả nam và nữ.
Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả một số lưu ý phòng ngừa và ứng phó thiên tai trước, trong và sau mùa mưa bão, lũ lụt.
Kỳ 1: Phòng chống bão và áp thấp nhiệt đới
Áp thấp nhiệt đới và bão là cơn gió xoáy, đường kính có thể bao phủ một vùng rộng hàng trăm km (200-500km).
Khi sức gió mạnh nhất trong vùng gần tâm của gió xoáy đạt tới cấp 6 và cấp 7 (từ 39 km/h đến 61 km/h) thì được gọi là áp thấp nhiệt đới. Khi sức gió mạnh nhất vùng gần tâm của gió xoáy đạt từ cấp 8 trở lên (từ 62km/h trở lên) thì được gọi là bão.
Áp thấp nhiệt đới và bão là hiểm họa tự nhiên thường xảy ra nhất tại Việt Nam, phân bổ khác nhau về thời gian và mật độ theo các miền Bắc, Trung và Nam. Hiện tượng này xuất hiện với tần suất cao nhất trong khoảng thời gian từ tháng 6 - 10 và rất khó dự đoán.
Trong quá trình di chuyển của bão và áp thấp nhiệt đới, áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão và bão có thể suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Khi bão đổ bộ vào đất liền, thường có hiện tượng gió to, kèm mưa, đôi khi kèm lốc, giông tố và hiện tượng nước dâng gây thiệt hại nghiêm trọng. Mưa lớn có thể gây ra hiện tượng lũ lụt và sạt lở đất.
Khó có thể dự đoán chính xác đường đi của áp thấp nhiệt đới và bão cũng như thời gian và địa điểm sẽ đổ bộ vào đất liền vì chúng có thể thay đổi rất đột ngột.
Cộng đồng nằm ở vùng thấp ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão và áp thấp nhiệt đới. Cộng đồng phụ cận chịu ảnh hưởng bởi mưa lớn và lũ lụt.
Trước khi áp thấp nhiệt đới và bão có thể xảy ra, lưu ý
Trồng cây quanh nhà và trường học để tạo hàng rào bảo vệ, chắn gió bão và ngăn không cho đất bị xói mòn. Đây là biện pháp lâu dài và liên tục.
Chặt, tỉa cành to, cây khô quanh nhà và trong khu vực để giảm nguy cơ cây gãy, đổ vào nhà và người khi bão xảy ra.
Bảo quản các giấy tờ quan trọng trong túi ni lông dán kín.
Dự trữ lương thực, thực phẩm, chất đốt, nước sạch, thuốc men và các vật dụng cần thiết khác ở nơi an toàn và cao ráo trong mùa mưa bão.
Nghe tin bão trên đài phát thanh, truyền hình và loa truyền thanh công cộng. Liên tục theo dõi tin dự báo thời tiết qua loa đài khi sắp có bão.
Mua pin để có thể dùng đài và đèn pin khi bị cắt điện.
Gia cố, chằng chống nhà cửa để có thể chịu được gió to.
Cất tất cả những đồ vật có thể bị gió bão thổi bay vào trong nhà.
Bảo vệ nguồn nước khỏi bị ô nhiễm (ví dụ: che đậy giếng nước, bể chứa, vại nước v.v…).
Xác định vị trí an toàn có thể trú ẩn được nếu phải sơ tán khỏi nhà.
Đưa gia súc đến nơi an toàn.
Neo đậu thuyền bè cẩn thận, đưa vào nơi trú ẩn an toàn.
Bảo vệ dụng cụ đánh bắt cá và khu vực nuôi tôm, cua, cá.
Trong khi bão và áp thấp nhiệt đới xảy ra
Nên tìm chỗ trú bão an toàn.
Để tránh thiệt hại về người, chỉ nên rời chỗ trú ẩn vài giờ sau khi bão tan để đề phòng khi tâm bão đến thì trời bỗng lặng đi, nhưng sau đó bão lại nổi lên.
Tránh các ổ điện ướt hoặc dây điện đứt. Ở trong các khu nhà kiên cố.
Trông nom các em nhỏ, người già, người khuyết tật, phụ nữ có thai và những người khó khăn khác.
Chú ý nếu có mưa lớn liên tục, có thể gây ra lũ lụt, cần chú ý đến những ảnh hưởng có thể gây ra bởi lũ lụt.
Không trú ẩn dưới gốc cây, đứng gần cột điện bởi vì chúng có thể đổ xuống và gây thương tích.
Không ra ngoài để tránh tai nạn do gió to, cây cối đỗ và mái tôn bay vào người.
Không ra khơi trong thời gian có áp thấp nhiệt đới hoặc bão.
Sau khi mưa bão và áp thấp nhiệt đới xảy ra
Tiếp tục nghe tin áp thấp nhiệt đới và bão trên đài, vô tuyến và loa truyền thanh.
Kiểm tra lại nguồn điện trong nhà để đảm bảo an toàn trước khi sử dụng.
Kiểm tra, phát hiện xem nhà có bị hư hỏng gì không để kịp thời sửa chữa.
Kiểm tra nguồn nước xem có xác súc vật chết, nước bẩn hoặc nước mặn làm nhiễm bẩn không.
Kiểm tra xem gia đình mình và hàng xóm có bị ảnh hưởng gì không.
Kiểm tra xem súc vật nuôi có an toàn không.
Họp cộng đồng rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống áp thấp nhiệt đới và bão.
Luôn ăn chín uống sôi.
0 Nhận xét