Home » Archives for tháng 8 2015
Sinh viên Sài Gòn “đội nắng” xếp hình Tổ quốc mừng Quốc khánh
15:35 |1000 sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh) sáng nay đã “đội nắng” đứng xếp hình chữ "Việt Nam" thân yêu đón chào ngày Quốc khánh 2/9.
Xem thêm…
Sáng nay (30/8), 1.000 sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP HCM) đã "đội nắng" cùng đồng hành xếp hình chữ Tổ quốc mang dòng chữ "Việt Nam" thân yêu tại khuôn viên nhà trường với nhiều hoạt động như đồng diễn tập thể “Những trái tim Việt Nam”, nhảy flashmob và xếp hình chữ “Việt Nam” thân yêu.
Trước đó, ngày 29/8, tại Nhà văn hóa Thanh niên (Quận 1, TP Hồ Chí Minh), Thành đoàn TP Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức thành công ngày hội “Tôi yêu Tổ quốc tôi” với nhiều hoạt động phong phú và bổ ích thu hút sự quan tâm và tham gia của hàng ngàn đoàn viên thanh niên Thành phố.
Cũng trong sáng hôm nay, chương trình điểm hẹn “Tôi yêu Tổ quốc tôi” do Thành đoàn Hà Nội tại SVĐ Quốc gia Mỹ Đình tổ chức thu hút 12.000 thanh niên thanh gia. Ngoài nghi thức thượng cờ Quốc kỳ Việt Nam và hát Quốc ca – Đoàn ca, 12.000 thành niên này còn đứng xếp hình khối bản đồ chữ S – cờ Tổ quốc – cờ Đảng.
Đồng hành cùng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trong dịp lễ này, nhiều tỉnh (thành đoàn) cũng có nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa và thiết thực như tổ chức dâng hương nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi Bà Mẹ VNAH, gia đình anh hùng liệt sĩ, người có công cách mạng,...
Đây cũng chính là một trong những hoạt động chính yếu nhằm chào mừng 70 năm ngày Cách mạng tháng Tám (19/8/1945-19/8/2015) và Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2015) do Trung ương Đoàn phát động.
Phút giây đoàn tụ của anh em ông Đoàn Văn Vươn với gia đình
15:13 |Từ sáng sớm nay, ngày 31/8/2015, cả gia đình ông Đoàn Văn Vươn, ông Đoàn Văn Quý cùng nhiều bạn bè, hàng xóm đã có mặt tại cổng trại giam Hoàng Tiến để đón anh em ông Vươn trở về. Đúng 11h trưa, hai anh em ông đã lên xe cùng gia đình về Tiên Lãng, Hải Phòng.
Hai anh em ông Đoàn Văn Vươn xúc động ngồi nghe đọc quyết định đặc xá của Chủ tịch nước tại hội trường Trại giam Hoàng Tiến.
Cả gia đình náo nức, bồi hồi suốt mấy ngày này, cả đêm qua không ngủ được, sáng nay từ 4h sáng đã khởi hành đi đón hai phạm nhân “đặc biệt” của đợt đặc xá này.
Chia sẻ cùng PV Dân trí ngay trước cổng trại giam, bà Nguyễn Thị Thương, vợ ông Đoàn Văn Vươn, không nén được xúc động: "Chỉ còn ít tiếng nữa thôi là vợ chồng tôi được đoàn tụ, các con tôi được nhìn thấy bố nó. Trong lòng tôi xúc động lắm. Vui buồn lẫn lộn. Anh ấy được về là mừng rồi nhưng sau thời gian dài tù tội nay bắt đầu cuộc sống mới sẽ có nhiều khó khăn”.
Ngoài cổng trại giam, mấy đứa trẻ con ông Quý, ông Vươn cũng ríu rít nói cười, mừng vì được gặp cha sau gần 4 năm xa cách.
Gần 500 phạm nhân của Trại giam Hoàng Tiến được đặc xá trong dịp này.
Phía trong Trại giam Hoàng Tiến thuộc Tổng cục 8, Bộ Công An, từ lúc 6h30 sáng nay, 481 phạm nhân được đặc xá của trại đã có mặt ở hội trường; hai anh em ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý ngồi ngay hàng đầu, bồi hồi nghe quyết định đặc xá của Chủ tịch nước.
Kể từ hôm nay, hai anh em ông sẽ được trở về với gia đình, cộng đồng, làm lại cuộc sống. Hai người đàn ông vốn khô khan, cứng rắn hôm nay cũng thấy nghẹn ngào xúc động.
Vào lúc 10 sáng nay, anh em ông Đoàn Văn Vươn đã chính thức được xướng tên thả tự do trước thời hạn theo lệnh đặc xá. Những cái bắt tay chúc mừng của cán bộ quản giáo, những lời tạm biệt dặn dò nhau nỗ lực xây dựng lại cuộc sống của phạm nhân cùng phân trại khiến cho anh em ông thêm bùi ngùi.
10h30, ông Vươn và ông Quý chính thức được làm thủ tục ra khỏi cổng trại giam. Phía trước cổng trại, gia đình, vợ con và rất đông bạn bè ông cùng nhiều nông dân trong hiệp hội nuôi trồng thủy sản huyện Tiên Lãng mừng tủi chào đón ông trở về quê hương.
Ông Vươn khi được xướng tên trong danh sách đặc xá.
Trao quyết định đặc xá trước thời hạn cho ông Vươn
11h sáng nay, ông Vươn và ông Quý đã lên xe cùng gia đình và người thân về Tiên Lãng, Hải Phòng. Trả lời nhanh PV Dân trí, ông Vươn cho biết: "Tôi gửi lời cảm ơn đến đến Chủ tịch nước, gửi lời cảm ơn đến mọi người đã giúp đỡ, chia sẻ động viên. Anh em tôi lại được về lại với gia đình và lại gắn bó với đầm ruộng".
Ông Vươn chào cán bộ trại giam trước khi về đoàn tụ với gia đình
Ông Đoàn Văn Vươn ký nhận hồ sơ và tiền tàu xe
Một bộ quần áo mới thay cho bộ quần áo tù nhân, từ nay ông trở thành công dân tự do.
Thoáng thấy người thân ngoài cổng trại ông Vươn đã không nén được vui mừng
Phút giây đoàn tụ của gia đình ông Đoàn Văn Vươn.
Trước đó, như báo chí đã thông tin, cách đây 4 năm, ông Vươn, ông Quý đã có hành vi nổ súng chống trả đoàn cưỡng chế trái quy định của UBND huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. Với hành vi này, hai anh em ông Vươn bị tuyên án 5 năm tù về tội “giết người”. Tính đến ngày được đặc xá, ông Vươn và ông Quý đã thụ án 3 năm 7 tháng tù.
"Nữ sinh sát hại người tình trên xe lexus" được đặc xá
15:09 |Trong số hơn 400 phạm nhân được đặc xá lần này ở Trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên) có Vũ Thị Kim Anh, 28 tuổi.
Xem thêm…
Vụ án của Kim Anh xảy ra vào đúng sáng ngày Lễ tình nhân năm 2009 nên càng gây sự chú ý của dư luận. Khi được đưa về cải tạo tại Trại giam Phú Sơn 4, Kim Anh luôn có ý thức cải tạo tốt. Với khả năng ca hát nên Kim Anh được tham gia vào đội văn nghệ "Tiếng hát tình đời" của Trại. Với mức án 14 năm, đã thi hành án được hơn 6 năm, Kim Anh được đặc xá lần này.
Sáng 31/8, trong Lễ công bố quyết định đặc xá năm 2015 của Trại giam Phú Sơn 4, Vũ Thị Kim Anh vẫn tham gia trong buổi biểu diễn văn nghệ với các bạn trong đội. Khi cô biểu diễn xong những tiết mục múa cuối cùng, nội dung về vòng tay nhân ái của các cán bộ quản giáo, về ước vọng hoàn lương của các phạm nhân, cô đã rất xúc động.
Gặp Kim Anh bên cánh gà của buổi diễn văn nghệ, cô cười tươi khi nói về niềm vui được đặc xá lần này. Kim Anh bảo, cô sẽ tự ra bến xe khách để đi về nhà ở Cao Bằng. Kim Anh không muốn bố mẹ lặn lội đường xa từ Cao Bằng đến trại giam đón mình, bởi cô bảo sức khoẻ bố mẹ không tốt, mẹ mới chữa bệnh về. Chỉ còn ít giờ nữa thôi, cô gái này sẽ được đặc xá trở về, sẽ bắt đầu một cuộc sống mới.
Tôi hỏi Kim Anh sẽ dự định làm gì sau khi ra trại, cô ngập ngừng: "Bây giờ em chưa có dự định gì lớn, bởi xuất phát của em bây giờ không như trước đây. Thời điểm trước, em học Đại học sư phạm, bây giờ em ra Trại, muốn học tiếp ngành này cũng không thể được nữa vì với quá khứ này, em không thể đứng trên bục giảng. Có thể, em sẽ tìm một hướng đi khác". Vẻ cứng cỏi và quyết tâm hiện rõ trên gương mặt phạm nhân Kim Anh. Hy vọng rằng với những gì đã trải qua, cô sẽ có bài học cho riêng mình để bước tốt trên con đường tiếp theo...
Thay mặt các phạm nhân được đặc xá, Kim Anh đã cảm ơn các cán bộ Trại giam Phú Sơn 4 đã giáo dục cô và các phạm nhân khác trở thành người có ích cho xã hội và cô cũng khẳng định khi được đặc xá về địa phương sẽ làm ăn lương thiện.
Chuyện chưa kể lần Việt Nam duyệt, diễu binh quy mô nhất
14:16 |Có lẽ từ năm 1955 đến tận ngày nay, cuộc duyệt, diễu binh 1985 với loạt máy bay, xe tăng, thiết giáp vẫn là cuộc diễu binh quy mô nhất nước ta.
Xem thêm…
Lực lượng hùng hậu nhất
Nhiều người đánh giá cuộc duyệt, diễu binh năm 1985 là cuộc duyệt, diễu binh quy mô lớn nhất, hoành tráng nhất của nước ta kể từ năm 1945 đến không những thời điểm 1985 mà có lẽ cả đến ngày nay.
Tham gia vào cuộc diễu binh lớn mang mật danh A-85 này, ngoài các khối bộ đội còn có cả các loại xe tăng, pháo tự hành, pháo phòng không, tên lửa và hàng chục máy bay. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ nêu ra một phần lực lượng trong cuộc diễu binh ấy, đó là lực lượng không quân.
Theo cuốn sách Lịch sử dẫn đường không quân, kế hoạch duyệt, diễu binh A-85 là khi các khối mặt đất đại diện cho các quân binh chủng tiến bước qua lễ đài thì đội hình của các lực lượng không quân sẽ bay qua Quảng trường Ba Đình.
Quân chủng Không quân quyết định sử dụng 24 chiếc MiG-21 Bis đại diện cho lực lượng không quân tiêm kích do hai trung đoàn 927 và 921 đảm nhiệm, 12 chiếc Su-22M của Trung đoàn 923 đại diện cho không quân tiêm kích bom, 12 chiếc An-26 của Trung đoàn 918 đại diện cho không quân vận tải, 9 chiếc Mi-24 và 3 chiếc Mi-8 của Trung đoàn 916 đại diện cho không quân trực thăng và 15 chiếc máy bay huấn luyện L-39 của Trung đoàn 910 đại diện cho nhà trường, xếp hình cho số 40 trên bầu trời.
Để chuẩn bị, Quân chủng Không quân đã chỉ thị cho các đơn vị có lực lượng tham gia diễu binh tổ chức huấn luyện bay đội hình tại căn cứ của mình trong giai đoạn 1. Tiểu ban Dẫn đường của các trung đoàn này tiến hành tính toán, xác định thứ tự, giãn cách thời gian cất cánh giữa các tốp và cách dẫn bay tập hợp đội hình bay diễu binh.
Sang giai đoạn 2, Không quân tổ chức bay hợp luyện qua sân bay Hòa Lạc và quảng trường Ba Đình. Riêng Trung đoàn 910, sau chuyển sân từ Nha Trang ra Gia Lâm, tiến hành bay huấn luyện bổ sung đội hình số 40. Khi bay hợp luyện và bay chính thức, Quân chủng Không quân triển khai đài chỉ huy bay tại Hòa Lạc và Ba Đình.
Về thứ tự bay, theo sách Lịch sử Trung đoàn Không quân 923, các máy bay phản lực sẽ bay theo đội hình biên đội chiến đấu 4 chiếc theo thứ tự từng trung đoàn. Trực thăng vận tải treo cờ Tổ quốc dưới bụng, trực thăng vũ trang bay theo đội hình biên đội chiến đấu, máy bay vận tải An-26 cũng bay theo đội hình biên đội. Riêng máy bay L-39 bay xếp thành hình số 40 trên bầu trời.
Ngày 6/8/1985, đội hình của không quân thực hiện bay hợp luyện hai lần qua sân bay Hòa Lạc đều đạt yêu cầu đề ra. Trong ba ngày 25, 27 và 29 tháng 8 năm 1985, các đội hình bay tiếp tục thực hiện bay hợp luyện qua quảng trường Ba Đình. Kết quả kiểm tra bay hợp luyện lần cuối cùng cho thấy, đội hình của các lực lượng không quân luôn được giữ rất ổn định, chữ số 40 đẹp thời gian thông qua quảng trường chính xác đến từng giây và bảo đảm an toàn tuyết đối.
Quyết tâm khắc phục thời tiết xấu
Vào ngày 2/9/1985, thời tiết có phần xấu đi vì đêm trước mưa nhiều. Ở tại Ba Đình trời không mưa nhưng nhiều mây, đáy mây tương đối thấp, tầm nhìn giảm còn tại các sân bay có các lực lượng tham gia bay diễu binh và các khu vực đường bay diễu binh đi qua thời tiết đều không ổn định. Theo dự báo, đến giờ G lượng mây tiếp tục tăng.
Mặc dù thời tiết không ủng hộ, sau khi cân nhắc kỹ về nhiều mặt, Sở chỉ huy Quân chủng Không quân vẫn quyết định Trung đoàn không quân 910 chờ lệnh, còn các trung đoàn khác sẵn sàng cất cánh. Các kíp trực ban dẫn đường nhanh chóng chuẩn bị thêm cách xử lý các tình huống dẫn bay khi phi công gặp thời tiết xấu.
Theo đúng kế hoạch bay đã được phê chuẩn, 12 chiếc MiG-21 Bis của Trung đoàn 927 do Trung đoàn trưởng Phạm Phú Thái dẫn đầu, cất cánh từ Kép, tập hợp tại đỉnh, vào đúng đường bay, với đội hình rất chỉnh tề, bay qua quảng trường Ba Đình đúng giờ quy định. Trong khi đó tại Kiến An, trời mưa to, dù Trung đoàn 921 quyết tâm cất cánh, nhưng chỉ lên được 6 chiếc MiG-21 Bis. Trung đoàn trưởng Trần Việt dẫn đầu và quyết định bay theo đội hình từng đôi một.
Riêng các máy bay Su-22M của Trung đoàn 923, sau khi cất cánh khỏi Thọ Xuân, 12 chiếc Su-22M đã không thể vượt qua được vùng thời tiết đột biến xấu trên diện rộng ở khu vực Nam Định. Sách Lịch sử Trung đoàn Không quân 923 cho biết các máy bay này sau đó đã hạ cánh xuống sân bay Kép.
Trong tình hình đó, Trung đoàn 921 xin phép được bay vòng lại thay vị trí 12 chiếc Su-22M và được chỉ huy mặt đất đồng ý. 12 chiếc MiG-21Bis của Trung đoàn 927 thông qua quảng trường lần thứ hai đáp ứng yêu cầu thay thế cho Su-22M. Tiếp sau đó là 12 chiếc An-26 của Trung đoàn 918 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Xuân Hiển dẫn đầu, cất cánh từ Gia Lâm, tập hợp đội hình chỉnh tề trong khu chờ và bay qua quảng trường Ba Đình đúng thời gian. 9 chiếc Mi-24 và 3 chiếc Mi-8 của Trung đoàn 916, cất cánh từ Hòa Lạc, do Trung đoàn trưởng Nguyễn Đình Khoa dẫn đầu, bay qua quảng trường đúng vào lúc khối bộ binh cơ giới tiến qua lễ đài.
Đến hiện tại, các tài liệu chính thức về các thành phần khác tham gia trong cuộc duyệt, diễu binh 1985 vẫn còn khá ít ỏi. Tuy nhiên theo một số thông tin do các nhân chứng tham gia viết lại đăng rải rác trên một số diễn đàn mạng thì cuộc diễu binh 1985 ngoài lực lượng không quân hùng hậu còn có các quân binh chủng khác cũng hùng hậu không kém. Chẳng hạn có lực lượng tên lửa, pháo phòng không, xe tăng – thiết giáp, pháo tự hành...
Theo như kế hoạch sử dụng lực lượng, trong buổi diễu binh ngày 2/9/1985 sẽ có 75 chiếc máy bay đủ các loại bay qua quảng trường Ba Đình. Tuy thực tế trong cuộc diễu binh, các máy bay Su-22 đã không tham dự được vì thời tiết và chỉ có 57 chiếc bay qua Ba Đình nhưng đó vẫn là đợt diễu binh có số lượng máy bay tham gia nhiều nhất ở nước ta.
Cần 'tái cấu trúc' lại con người Việt Nam
11:07 |70 năm qua, nhiều lúc chúng ta cứ quen ngửa mặt lên trời, vỗ ngực mà tự hào chứ không dám cúi nhìn xuống xem gót chân mình lấm đến đâu để mà gột rửa.
Năm nay, chúng ta vui mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9. 70 năm qua, tính từ ngày 2-9-1945 cho đến nay, nếu nói một cách chính xác thì đất nước ta chưa được một ngày yên ổn.
Hết cuộc kháng chiến chống Pháp rồi đến cuộc kháng chiến chống Mỹ giành lại non sông về một mối.
Sau Chiến thắng lịch sử 30-4-1975, những tưởng đất nước ta từ nay sẽ yên bình vắng tiếng súng, nhưng chưa yên ổn được ngày nào lại xảy ra Chiến tranh Biên giới Tây Nam mà nguyên do là “ông bạn lớn” Trung Quốc giật dây đám Khmer Đỏ Pol Pot gây sự; rồi hết biên giới Tây Nam lại đến Chiến tranh Biên giới phía Bắc, tiếp theo là sự cấm vận của Mỹ, Trung Quốc, sự chống phá quyết liệt của một số nước thù địch phương Tây, với đủ mọi hình thức khác nhau.
Rồi “ông bạn lớn” Trung Quốc lại nổ súng chiếm một số đảo thuộc chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Trường Sa; rồi họ ngang nhiên kéo giàn khoan vào vùng biển nước ta để khoan, đổ đá, đổ đất để xây dựng với mưu đồ bất di bất dịch: Độc chiếm Biển Đông.
Đúng là 70 năm qua, Đảng ta, đất nước ta và nhân dân ta chưa được một ngày yên hàn để lo cho việc xây dựng kinh tế, phát triển đất nước.
Thậm chí cũng có những người nói rằng 70 năm qua, Đảng Lao động Việt Nam trước kia là Đảng Cộng sản Việt Nam bây giờ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân giành độc lập tự do cho Tổ quốc, và thời nào thì cũng có sự thay đổi và bộ máy chính trị phải thay đổi…Ấy vậy mà gần đây cũng lại có một số luận điệu, mà điều đáng nói là những luận điệu này lại chính từ những người mang tiếng là trí thức, học giả trong nước. Họ rêu rao rằng, Việt Nam là một đất nước “không chịu phát triển”, rồi là Cách mạng Tháng Tám là “cách mạng” hay “cuộc khởi nghĩa”, rồi họ liệt kê ra đủ mọi thứ trì trệ trong xây dựng phát triển kinh tế, rồi bới móc nạn quan liêu, tham nhũng.
Cổ nhân có câu: “Ôn cố tri tân” - nhớ lại chuyện cũ để biết giá trị của cái mới. Hình ảnh gần 2 triệu người chết đói năm 1945 cho đến bây giờ vẫn chưa phai trong tâm khảm nhiều người.
Rồi những cuộc chiến tranh tàn bạo do Pháp, Mỹ, Trung Quốc gây ra mấy chục năm qua đã chứng minh một điều, nếu như chúng ta không giành được độc lập thì Việt Nam chắc chắn không có tên trên bản đồ thế giới hiện nay.
Và chưa biết chừng dải đất hình chữ S này sẽ bị chia ra làm ba. Rồi khi các nước Đông Âu sụp đổ, nước Liên Xô XHCN tan rã, những phần tử cơ hội chính trị, thế lực phản động hí hửng trông chờ vào một ngày xấu trời nào đó, nước Việt Nam sẽ không còn là XHCN nữa.
70 năm qua, chúng ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trên tất cả các lĩnh vực: Đánh đuổi ngoại xâm giành độc lập tự do. Bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh quốc gia; Xây dựng và phát triển kinh tế và đã trở thành một nước đi đầu trên thế giới về xóa đói giảm nghèo.
Sự vĩ đại đó lẽ ra cần phải được tôn vinh cao hơn nữa và đặc biệt là phải làm cho mỗi một người dân từ các cháu bé cho đến cụ già hiểu được điều này, nhưng tiếc thay có những điều chúng ta đã không làm được. Thôi thì bây giờ không phải là lúc trách cứ việc này, việc khác mà vấn đề là phải nhìn về phía trước để có những ứng xử thay đổi phù hợp.
Một trong những vấn đề gần đây được nói đến rất nhiều là chúng ta xây dựng nềnkinh tế thị trường định hướng XHCN và mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam có chế độ xã hội công bằng, dân chủ văn minh.
Chúng ta nói nhiều đến tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc từng doanh nghiệp, làm sao cho đạt hiệu quả tốt hơn, đi đúng hướng hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng…
Việt Nam bây giờ không thể đứng lẻ loi một mình và xây dựng nền kinh tế khép kín theo kiểu “tự cung tự cấp”. Thế giới bây giờ đã đổi thay một cách cực kỳ mạnh mẽ.Chưa bao giờ ảnh hưởng của quốc gia này với quốc gia khác lớn đến như vậy; Và cũng chưa bao giờ các vấn đề an ninh phi truyền thống lại đặt ra và giải quyết cấp bách như bây giờ.
Trong bối cảnh như vậy, có một điều chúng ta xoay xỏa không kịp là vấn đề con người. Nhìn đi nhìn lại thì vẫn thấy người Việt Nam đang bộc lộ những khiếm khuyết, thói hư tật xấu mà có những cái ngày càng nghiêm trọng, nặng nề: Đó là thiếu ý thức kỷ luật trong lao động; Đó là tính háo danh, sĩ diện hão; Đó là tính tiểu nông trong khi phải đi lên công nghiệp hóa.
Ở một chừng mực nào đó thì một bộ phận người Việt đã tự làm xấu đi hình ảnh của nước Việt trong con mắt bạn bè nước ngoài.
Người lao động đi Nhật Bản, Hàn Quốc thì chỉ tìm cách trốn ở lại, rồi nữa việc Indonesia cho nổ tung tàu cá vào vùng biển của họ để đánh trộm cá… Những việc đó đừng trách ai cả mà trách chính người Việt chúng ta.
Một thực tế không thể không nhìn thấy đó là về chính trị chúng ta được các nước trên thế giới tôn trọng, thậm chí được đánh giá cao. Nhưng ở một góc độ nào đó vẫn phải nhìn thấy rằng, Việt Nam chưa được các quốc gia tôn trọng một cách thực chất, các nước lớn vì lợi ích của mình vẫn có những cuộc mặc cả sau lưng chúng ta và trong từng giai đoạn lịch sử, họ đã lấy Việt Nam ra làm món hàng ngã giá với nhau.
Vậy để không trở thành món hàng trong tương lai nữa thì rõ ràng chúng ta không thể trông mong gì ở cái gọi là “tình hữu nghị” mà chúng ta chỉ trông mong vào chính nội lực của mình. Thế giới sẽ chỉ tôn trọng Việt Nam nếu như Việt Nam độc lập tự chủ được về chính trị, kinh tế, quân sự.
Còn nếu bất cứ điều gì chúng ta không làm được, phải dựa vào nước ngoài thì có nghĩa rằng, chúng ta vẫn phải ngửa tay đi xin, và mong chờ sự thông cảm, ủng hộ giúp đỡ.
Chúng ta xây dựng một nền kinh tế mới theo một con đường mới. Ấy vậy mà việc, đào tạo lại con người Việt Nam cho phù hợp với sự phát triển của thời đại lại chưa theo kịp được yêu cầu.
Ngành giáo dục Việt Nam bao năm nay cứ loay hoay với những đề án cải tiến giáo dục nhưng hình như càng cải tiến thì chất lượng học sinh lại càng thụt lùi. Chúng ta đã đặt ra quá nhiều tham vọng, mục tiêu cho tất cả các ngành nghề lĩnh vực mà không biết rằng ôm đồm quá, tham lam quá thì cuối cùng làm cái gì cũng như “chuồn chuồn đạp nước”.
Có câu, “thà ít mà tốt”. Nếu chúng ta không biết “thà ít mà tốt” mà làm cái gì cũng cứ thích to tát, hoành tráng để thỏa mãn cái tôi, háo danh sĩ diện của mình thì cuối cùng sẽ chẳng có cái gì tốt cả.
Ngày trước, từng có tiêu chí xây dựng con người Việt Nam trong chiến tranh khá rõ. Vậy tiêu chí bây giờ của con người Việt Nam hôm nay là gì. Và để xây dựng tiêu chí đấy thì bắt đầu từ đâu…
70 năm qua, nhiều lúc chúng ta cứ quen ngửa mặt lên trời, vỗ ngực mà tự hào chứ không dám cúi nhìn xuống xem gót chân mình lấm đến đâu để mà gột rửa.
Đã đến lúc phải phát huy lại tinh thần Cách mạng Tháng Tám - thay cũ đổi mới và cần phải có một cuộc cách mạng đối với con người là “tái cấu trúc” lại chính con người.
Trung Quốc sẽ bớt hung hăng trên Biển Đông khi kinh tế suy yếu?
10:49 |Kinh tế Trung Quốc suy yếu sẽ khiến cho nước này không còn là mối đe dọa như khi họ còn mạnh mẽ. Thậm chí, sự sụp đổ của kinh tế Trung Quốc được hi vọng có thể sẽ “cứu” cả Biển Đông?
Đó là nhận định của giáo sư người Mỹ gốc Hoa Bùi Mẫn Hân - hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược Keck thuộc Học viện Claremont McKenna, đồng thời là cựu chuyên gia cao cấp của Chương trình châu Á tại Quỹ vì hòa bình quốc tế Carnegie, trên tờ National Interest (Lợi ích quốc gia).
Theo Giáo sư họ Bùi, cách đây không lâu, đã có những dự báo triển vọng hấp dẫn, cũng như những thách thức và rủi ro của nền kinh tế Trung Quốc. Bất chấp tăng trưởng qua các năm không cân bằng, nhưng Bắc Kinh vẫn cố gắng dựa vào đầu tư để tăng sức mạnh, cũng như giữ nhịp độ tăng trưởng cao cho nền kinh tế. May mắn là cơn sốt tăng trưởng tín dụng từ năm 2009 mặc dù đã khiến tỉ lệ nợ của nước này trên GDP lên đến gần 300% - mức độ nguy hiểm đối với một nước có thu nhập trên trung bình, nhưng đã không gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính ở Trung Quốc. Bong bóng bất động sản có lẽ là lớn nhất thế giới đã hình thành nhưng mới chỉ bị rò rỉ chứ chưa sụp đổ hoàn toàn.
Sự tăng trưởng kinh tế may mắn này đã khuyến khích Bắc Kinh theo đuổi một chính sách đối ngoại đầy tham vọng nhưng cũng rủi ro nhất trong vài năm qua.
Nhiều thành viên trong giới tinh hoa Trung Quốc đã hả hê xem sự suy giảm của Hoa Kỳ và các nước phương Tây là không thể đảo ngược và sự trỗi dậy của Trung Quốc là tất yếu không gì cản nổi. Chính sự kiêu căng, ngạo mạn này đã dẫn đến việc Bắc Kinh theo đuổi các chính sách kinh tế và an ninh mà chắc chắn sẽ lần lượt “chôn” các di sản của Đặng Tiểu Bình xuống mồ sâu.
Thay vì duy trì cách tiếp cận “giấu mình, chờ thời”, Bắc Kinh đã mở rộng rất nhiều cam kết kinh tế ở nước ngoài và bắt đầu công khai thách thức trật tự an ninh do Mỹ dẫn dầu ở khu vực Đông Nam Á.
Về mặt kinh tế, Trung Quốc đã cam kết góp vốn hơn 100 tỉ USD cho Ngân hàng Hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng Phát triển mới và Quỹ Con đường Tơ lụa mới, một loạt tổ chức tài chính và các cơ cấu được thiết kế để bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài, tích cực cạnh tranh với các định chế tài chính quốc tế hiện có như Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới.
Trong thế giới đang phát triển, Trung Quốc cũng đặt cược nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn. Ở Mỹ Latinh, Trung Quốc đã cho vay gần 120 tỉ USD từ năm 2005. Tại châu Phi, Trung Quốc đầu tư và cho vay ước tính vượt trên 100 tỉ USD.
Đối mặt với một đối thủ “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, nắm trong tay 4 nghìn tỉ USD dự trữ ngoại tệ như Trung Quốc, tất cả những gì phương Tây có thể làm là lo ngại, dè chừng và công khai phàn nàn về sự phá hủy môi trường cũng như vi phạm nhân quyền mà Trung Quốc gây ra khi hoạt động đầu tư ở nước ngoài.
Bước đi táo bạo nhất mà Trung Quốc đã thực hiện ở thời điểm họ có sức mạnh kinh tế rõ ràng và không thể nghi ngờ chính là cách tiếp đối với với các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông - một trong những tuyến giao thương, hàng hải huyết mạch của cả khu vực và thế giới.
Trong khi các thế hệ lãnh đạo trước của Bắc Kinh cố tình gác lại các tranh chấp khó khăn và tiềm ẩn nguy hiểm ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông và ở Biển Đông, thì những người kế nhiệm họ hiện nay ở Trung Nam Hải lại có cách tiếp cận đối đầu nhiều hơn với niềm tin rằng, với sức mạnh phát triển nhanh chóng về kinh tế và quân sự, Trung Quốc không cần phải tôn trọng lợi ích và sự nhạy cảm của Hoa Kỳ cùng đồng minh, đối tác trong khu vực.
Kết quả là, trong 2 năm qua, Trung Quốc đã bành trướng và đẩy căng thẳng leo thang khi đơn phương áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản và bồi đắp, xây dựng một loạt đảo nhân tạo với quy mô lớn và tốc độ chưa từng có ở các vùng biển tranh chấp tại Biển Đông.
Bây giờ động lực của nền kinh tế Trung Quốc cuối cùng cũng dừng lại và điểm yếu của nó đã bộc lộ có thể thấy rõ, câu hỏi rõ ràng đặt ra là liệu Bắc Kinh còn có thể tiếp tục duy trì chính sách đối ngoại diều hâu của mình hay không.
Căn cứ vào những hành vi của Trung Quốc trong quá khứ và những hạn chế cứng hiện tại, có vẻ như nếu có bất kỳ điều gì tích cực xuất hiện trong nền kinh tế Trung Quốc thì đó sẽ là một chính sách ngoại giao bớt hung hăng hơn.
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã lựa chọn chính sách đối ngoại mang lại những rủi ro lớn, trong khi chủ nghĩa thực dụng và thận trọng lại là cách làm việc của những người tiền nhiệm thời hậu Mao Trạch Đông.
Ba người tiền nhiệm của ông Tập là các ông Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào – tất cả đều nhận thức rất rõ sự chênh lệch về quyền lực giữa Trung Quốc và phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Do đó, họ đều có những nhượng bộ chính sách đối ngoại đáng kể khi kinh tế Trung Quốc yếu kém. Ví dụ, Đặng Tiểu Bình đã không để vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan ảnh hưởng đến quan hệ thương mại Mỹ - Trung, còn Giang Trạch Dân kiềm chế rất lớn trong vấn đề Đài Loan cuối những năm 1990 để đổi lấy sự ủng hộ của Hoa Kỳ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO.
Nếu tăng trưởng của Trung Quốc trong ngắn hạn đòi hỏi phải tăng cường xuất khẩu nhiều hơn vào các nước phương Tây, thì thật không thể tưởng tượng rằng Bắc Kinh có thể thành công trong nhiệm vụ này khi mà vẫn tiếp tục chính sách cứng rắn, hung hăng ở Biển Đông.
Đồng thời, sự suy giảm kinh tế trong nước cũng sẽ hạn chế đáng kể năng lực tài trợ của Bắc Kinh đối với các dự án kinh tế siêu “khủng” nhưng đầy rủi ro ở bên ngoài biên giới. Nguy cơ vỡ nợ được dự đoán trong những năm tới sẽ khiến Trung Quốc lúng túng và là bài kiểm tra xem Bắc Kinh có thể tiếp tục “rót tiền vào hang thỏ” đến bao giờ.
Quan trọng nhất, việc kinh tế tiếp tục suy yếu sẽ đòi hỏi Trung Quốc phải bố trị lại các nguồn lực tài chính hạn chế của mình để duy trì tăng trưởng Trung Quốc. Và khi đó, ông Tập sẽ buộc phải lựa chọn sự tồn tại của chế độ hay những vinh quang, hào nhoáng bên ngoài.
Linh Phương
Ts Trần Công Trục: Chuyện "đi đêm" trên Biển Đông
10:15 |Nói Việt Nam "đi đêm" với Trung Quốc hay với Mỹ, Nhật, Nga hoặc bất cứ quốc gia nào khác trong vấn đề Biển Đông là không chính xác trong khi lại chính là ...
Xem thêm…
Tiến sĩ Trần Công Trục đã gửi tiếp cho báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về chuyện "đi đêm" ở Biển Đông để trả lời câu hỏi có hay không chuyện Việt Nam "đi đêm" với Trung Quốc trên Biển Đông, xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. |
Trước tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp khó lường vì các hành vi leo thang bất chấp thủ đoạn từ phía Trung Quốc xâm phạm, đe dọa trực tiếp chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam cũng như khu vực, quốc tế ở Biển Đông thì việc dư luận quan tâm theo dõi, đặt câu hỏi nhiều chiều nhằm tìm ra sự thật là việc đương nhiên, đáng tôn trọng.
Cá nhân tôi rất vui và tâm đắc khi có độc giả lật ngược vấn đề trong bài báo ngày 27/8 xung quanh ý kiến của tôi về khả năng Mỹ, Trung Quốc "đi đêm" với nhau trên Biển Đông và Việt Nam cần cảnh giác.
Độc giả Nguyễn Hoàng và những người khác có cùng suy nghĩ nêu vấn đề, liệu có chuyện Việt Nam và Trung Quốc "đi đêm" với nhau trên Biển Đông hay không, vì ông/bà cho rằng Biển Đông trước tiên là vấn đề cốt tử đối với Việt Nam chứ không phải Mỹ.
Điều này chứng tỏ dư luận đang rất quan tâm và có những nhận thức khác nhau về vấn đề Biển Đông, đặc biệt là bản chất các tranh chấp ở vùng biển này, trong khi Biển Đông lại đang trở thành địa bàn cạnh tranh địa chính trị, địa chiến lược của các cường quốc hàng đầu thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Những ý kiến đó theo tôi cần được làm rõ trên tinh thần khách quan, cầu thị, hợp pháp, hợp lý, làm sao để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Thế nào là "đi đêm"?
Để trả lời câu hỏi của độc giả Nguyễn Hoàng cũng như những người có cùng băn khoăn, đầu tiên cần thống nhất với nhau về nhận thức thế nào là hành vi "đi đêm" trong quan hệ quốc tế. Cá nhân tôi cho rằng, đi đêm là những hành vi thỏa thuận ngầm, trao đổi ngầm giữa hai bên để cùng kiếm lợi trong vấn đề/lợi ích liên quan đến một hay nhiều bên thứ ba khác.
Nếu không có một bên thứ 3 nào đó bị tổn thất lợi ích vì hành vi "đi đêm" của 2 bên kia thì khó có thể gọi đó là hành vi "đi đêm". Với nguyên tắc lợi ích chi phối các mối quan hệ, "đi đêm" giữa các nước, đặc biệt là các nước lớn là chuyện khó tránh trong quan hệ quốc tế xưa cũng như nay. Chúng ta cũng không nên gắn cho nó một hàm ý đạo đức nào, quan trọng nhất là phải tỉnh táo để thấy được ai đang đi đêm trên lưng mình, đổi chác lợi ích của mình để có cách ứng phó phù hợp.
Ở Biển Đông, ví dụ "đi đêm" điển hình là Tuyên bố Thượng Hải năm 1972 giữa Richard Nixon với Mao Trạch Đông. Sau cú bắt tay xuyên Thái Bình Dương này, cục diện Chiến tranh Việt Nam chuyển biến mạnh và khi công cuộc thống nhất nước nhà của Việt Nam đang vào hồi nước rút thì năm 1974 Trung Quốc cất quân xâm lược nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa trước sự ngoảnh mặt làm ngơ của Hạm đội 7 Hoa Kỳ.
Cần lưu ý là Hoàng Sa và Trường Sa lúc này đang do Việt Nam Cộng hòa đại diện cho dân tộc Việt Nam quản lý thực thi chủ quyền theo Hiệp định Geneva 1954 chờ ngày thống nhất đất nước. Và thời điểm đó, Việt Nam Cộng hòa đang là đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ ở châu Á.
Sớm hơn nữa, khi kết thúc Chiến tranh Thế giới II, Hiệp ước Hòa bình San Francisco được ký ngày 8/9/1951 trong đó quy định Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền, về danh nghĩa cũng như yêu sách đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không nói rõ lực lượng nào sẽ tiếp nhận, điều đó đã gây ra những ngộ nhận pháp lý sau này và Trung Quốc đang tìm mọi cách khai thác triệt để.
Nhưng ngay từ ngày 7/9/1951, ông Trần Văn Hữu, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam tham dự hội nghị theo lời mời của chính phủ Hoa Kỳ đã trịnh trọng tuyên bố: "Để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa". Tuyên bố xác nhận chủ quyền này của Việt Nam không vấp phải bất kỳ phản đối hoặc yêu sách nào khác từ 51 quốc gia tham dự hội nghị.
Tuy nhiên ngày 5/9/1951, Ngoại trưởng Liên Xô Andrei A. Gromyko đã đưa ra đề nghị "nhìn nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa về phía Nam" ở Biển Đông, Hội nghị đã bác bỏ đề nghị này với 48 phiếu chống và 3 phiếu thuận. Đề xuất này của Liên Xô thời điểm đó rõ ràng mang màu sắc "đồng minh chính trị" với Bắc Kinh và khó có thể gạt yếu tố "đi đêm" trong đề xuất "xí phần" này.
Đặng Tiểu BÌnh và Jimmy Carter trong cuộc họp báo chung ngày 31/1/1979, 17 ngày sau đó Đặng xua quân ồ ạt tấn công xâm lược toàn tuyến biên giới Việt Nam. Ảnh: BBC. |
Trong trục quan hệ Mỹ - Việt - Trung, chúng ta hẳn còn nhớ ngày 31/1/1979 Đặng Tiểu Bình thăm Hoa Kỳ và họp báo với Tổng thống Jimmy Carter thì ngày 17/2/1979 Đặng ồ ạt xua đại quân xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam gây ra cuộc chiến tranh đẫm máu. Trước đó Đặng Tiểu Bình công khai tuyên bố "dạy cho Việt Nam một bài học" và người ta không thể không đặt dấu hỏi về một thỏa thuận ngầm, một cái bắt tay "đi đêm" giữa Đặng Tiểu Bình và Jimmy Carter.
Qua một vài ví dụ cho thấy "đi đêm" đã trở thành chuyện bình thường trong chính trị quốc tế, đặc biệt là giữa các cường quốc. Chỉ tính từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới II đến nay, quốc tế đã chứng kiến những thay đổi liên tục trong quan hệ Mỹ - Trung - Nga (trước đây là Liên Xô). Cứ khi nào thấy cần là 2 nước có thể thỏa thuận ngầm với nhau để chống lại bên thứ 3.
Đầu tiên là Trung - Xô chống Mỹ, rồi sau 1972 là Trung - Mỹ chống Liên Xô, cho đến bây giờ dư luận quốc tế đang chứng kiến một "liên minh" giữa Moscow và Bắc Kinh chống lại Washington, tất cả đều do quan hệ lợi ích chi phối. Một đặc điểm nữa của "đi đêm" cần lưu ý ở đây là, thông thường do các nước lớn dùng nước nhỏ làm quân cờ để mặc cả lợi ích với nhau, "đi đêm" trên lưng nước nhỏ.
Bản chất các tranh chấp ở Biển Đông và câu chuyện "đi đêm"
Để hiểu rõ hơn ai "đi đêm" với ai ở Biển Đông, cần phải nắm rõ các loại tranh chấp và lợi ích của các bên ở Biển Đông hiện nay là gì mới có thể xác định cái gì được đem ra đổi chác, và đổi chác để được cái gì? Biển Đông là tên gọi chính thức của Việt Nam đối với một biển rìa lục địa, một phần của Thái Bình Dương, trải rộng từ Singapore đến eo biển Đài Loan với diện tích khoảng 3,5 triệu km vuông. Biển Đông là vùng biển lớn thứ 4 thế giới.
Trong Biển Đông, Việt Nam có chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa được xác lập một cách hòa bình, hợp pháp và thực thi liên tục chí ít là từ đầu thế kỷ 17 đến nay. Ngoài ra Việt Nam có chủ quyền đối với lãnh hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích hợp pháp khác trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Ở Biển Đông hiện nay có 3 loại tranh chấp. Thứ nhất là tranh chấp chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Riêng Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp từ các năm 1956, 1974 đến nay là đối tượng tranh chấp giữa 2 nước và Đài Loan cũng đưa ra yêu sách. Nhìn từ góc độ Việt Nam chúng ta, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hiện là đối tượng 4 nước 5 bên khác nhảy vào tranh chấp, gồm: Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Cuộc gặp Tập Cận Bình - Obama trong tháng 9 này, Biển Đông là một trong những nội dung quan trọng. Ảnh: Uscnpm.org |
Tranh chấp thứ hai là các vùng biển chồng lấn do áp dụng, giải thích Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 trên Biển Đông. Tranh chấp thứ 3 là việc áp dụng giải thích sai UNCLOS xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác trên Biển Đông cũng là thành viên Công ước. Vụ kiện của Philippines là nhằm vào loại tranh chấp thứ 3.
Vụ Trung Quốc bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa bất hợp pháp trên 7 bãi đá ở Trường Sa vừa xâm phạm chủ quyền Việt Nam, vừa vi phạm UNCLOS về hiệu lực pháp lý của các thực thể (cấm tàu thuyền, máy bay các nước khác đi qua vùng biển, vùng trời quốc tế phạm trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo trên các bãi ngầm, rặng san hô vốn chỉ có tối đa 500 mét bán kính vùng an toàn), vừa hủy diệt môi trường biển, vừa đe dọa an ninh an toàn hàng không hàng hải ở Biển Đông.
Như vậy có thể thấy trong vấn đề Biển Đông, giữa Việt Nam và Trung Quốc tồn tại cả 3 loại tranh chấp và trong 3 loại tranh chấp này, Việt Nam và Trung Quốc đều ở hai đầu chiến tuyến. Trong khi Trung Quốc liên tục bành trướng sức mạnh quân sự, ỷ lớn hiếp nhỏ và Việt Nam đang là một trong những nạn nhân của sự bành trướng ấy, chẳng có lý do hay lợi lộc gì để có thể "đi đêm" với Trung Quốc. Điều này càng rõ nét hơn nếu xét trong trục quan hệ Mỹ - Việt - Trung bởi Mỹ là bên thứ 3 không có yêu sách ở Biển Đông.
Tại sao lại đặt ra vấn đề "đi đêm" và làm thế nào để hạn chế tác động ảnh hưởng từ việc "đi đêm" của các nước lớn trên Biển Đông?
Sở dĩ cá nhân tôi nêu ra vấn đề này vì nó đã từng xảy ra và ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Thứ hai, trước chiến lược xoay trục sang châu Á của Hoa Kỳ và sự cải thiện đáng kể của quan hệ Việt - Mỹ đã khiến không ít người cảm thấy lạc quan thái quá vào việc "dựa vào Hoa Kỳ để ngăn Trung Quốc bành trướng Biển Đông".
Chính người Mỹ đã công khai khẳng định, họ không thể điều Hạm đội 7 can thiệp một khi nổ ra xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông nên hơn bao giờ hết, chúng ta cần nhận thức rõ điều đó để chủ động trong vấn đề của chính mình.
Ngày nay không có quốc gia nào đem sinh mạng binh sĩ và tài sản, vũ khí của mình ra chiến đấu chống lại một đối thủ khác chỉ vì để bảo vệ một nước thứ 3, mà đặc biệt nước thứ 3 đó chưa hoặc không mang lại cho họ lợi lộc gì lớn hơn con số tổn thất ấy. Đó là cái theo tôi người Việt cần ghi nhớ nằm lòng, dù lúc nào cũng phải tranh thủ tối đa những gì có lợi nhất cho công cuộc đấu tranh bảo vệ, đòi lại chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước một đối thủ không cân sức và thừa thâm hiểm như Trung Quốc.
Tự lực cánh sinh, tăng cường sức mạnh nội lực mới là giải pháp lâu dài, kết hợp và tranh thủ ủng hộ của dư luận quốc tế cũng như các xu thế, trào lưu quốc tế có lợi cho Việt Nam là điều các nhà chiến lược cần làm lúc này. Việc độc giả đặt ra vấn đề này cũng cho thấy nhận thức về vấn đề chủ quyền cũng như thực trạng tranh chấp ở Biển Đông, quan điểm chủ trương của Việt Nam vẫn chưa được tuyên truyền một cách hiệu quả.
Nói Việt Nam "đi đêm" với Trung Quốc hay với Mỹ, Nhật, Nga hoặc bất cứ quốc gia nào khác trong vấn đề Biển Đông là không chính xác trong khi lại chính là những gì truyền thông nhà nước Trung Quốc đang ra rả tuyên truyền, cũng chính là những gì Trung Nam Hải đang muốn dư luận quốc tế phải nghe.
TS Trần Công Trục