7h
sáng nay, 1/7, hơn 950.000 thí sinh vào phòng để làm bài thi môn Toán,
môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia. Chỉ diễn ra một lần trong năm
nhưng kỳ thi này nhằm hai mục tiêu quan trọng của học sinh phổ thông.
Đó
là mục tiêu vừa để công nhận tốt nghiệp THPT, vừa tham gia xét tuyển
ĐH, CĐ; thường được gọi vắn tắt là kỳ thi "hai trong một". Đây là sự
kiện được ngành giáo dục xác định là khâu quan trọng trong chuỗi đổi mới
giáo dục toàn diện.
Khác với mọi năm, năm nay thí sinh sẽ thi xong rồi mới sử dụng kết quả để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Thay vì tập trung về một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM... thí sinh sẽ thi ở 38 cụm thi quốc gia và 61 cụm thi địa phương.
3 nhóm thí sinh
Theo
thống kê từ Bộ GD-ĐT, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký thí sinh
dự thi. Trong đó, số thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp là 279.000,
chiếm 28%.
Trong
số 725.000 còn lại, số thí sinh dự thi với 2 mục đích vừa xét tốt
nghiệp vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ là hơn 590.000. Hơn 132.000 thí sinh chỉ
đăng ký dự thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Các thí sinh sẽ tới thi ở 38 cụm thi quốc gia do các trường ĐH chủ trì và 61 cụm thi đị phương do các sở GD-ĐT chủ trì.
Các cụm thi đã bố trí tổng cộng hơn 1.600 điểm thi với gần 35.000 phòng thi.
Theo
thông tin nhanh từ Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2015 cuối ngày 30/6,
có 957.529 thí sinh đến làm thủ tục dự thi, chiếm khoảng 95% tổng số thí
sinh đăng ký. Những sai sót trong hồ sơ phát sinh do quá trình nhập
liệu, các nguyện vọng bỏ bớt môn thi của thí sinh...đã được tiếp nhận và
giải quyết với mục tiêu
không ảnh hưởng đến quá trình tham gia và kết quả thi tuyển của thí sinh.
Tha thiết mong kỳ thi nghiêm túc
Tại
phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra sáng 29/6, Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng nhấn mạnh: Đây là kỳ thi đổi mới mạnh mẽ, vừa tốt nghiệp phổ
thông, vừa làm căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng, không hạ thấp chất
lượng nhưng tạo thuận lợi cho dân, giảm khó khăn, chi phí cho xã hội.
"Lần đầu làm tốt, các năm sau sẽ có điều kiện làm tốt hơn", Thủ tướng động viên.
"Chúng
tôi đã làm tất cả các công việc này với sự tiếp thu nghiêm túc ý kiến
đóng góp của các thầy cô giáo, cán bộ quản lý và dư luận, nhân dân. Các
thầy cô giáo và các cán bộ quản lý giáo dục ở các trường đại học và phổ
thông được phân công làm nhiệm vụ đã được tập huấn, thống nhất các
phương án phối hợp", ông Phạm Vũ Luận cho biết.
Trước
ngày diễn ra kỳ thi, ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An
tha thiết đề nghị Bộ đảm bảo “kỳ thi diễn ra công bằng khách quan giữa
tỉnh này với tỉnh khác”.
Ông
Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ - Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi
THPT quốc gia của cụm thi Phú Thọ (tổ chức thi cho 5 tỉnh lân cận) bày
tỏ: “Chúng tôi băn khoăn chưa biết kế quả tốt nghiệp cao hay thấp nhưng
mong muốn và đồng thuận với Bộ GD-ĐT là phải làm kỳ thi nghiêm túc trên
toàn quốc để chính quyền và nhân dân nhìn rõ hơn thực chất kết quả con
em chúng ta”. Ông San hy vọng Bộ GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị làm thật
nghiêm túc trong mọi khâu.
Mua chữ may mắn. Ảnh: Lê Anh Dũng
|
Chị
Hiền Anh, một phụ huynh ở Hà Nội có con vừa tham dự kỳ thi khảo sát
năng lực của ĐHQG Hà Nội hồi tháng 5 chia sẻ: Với cách tổ chức một lần
thi cho các mục đích tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cả phụ huynh và
học sinh đều cảm thấy áp lực bớt nặng nề. Chị hy vọng ngành giáo dục sẽ
cải tiến hơn nữa để sự nặng nề trong thi cử giảm bớt, tiến tới có những
đổi mới cơ bản trong giáo dục. Điều mà chị mong muốn hơn cả là ngành
giáo dục cần kiên trì với nỗ lực đổi mới, đừng né tránh những vấn đề cam
go về tâm lý, thói quen, kỹ thuật tổ chức,v.v...và chấp nhận đối diện
với sự thật để vượt qua.
"Tôi còn một cậu con trai năm nay vào lớp 10 nữa, nên càng hy vọng được thấy những thay đổi tích cực của giáo dục" - chị bày tỏ.
0 Nhận xét