Câu chuyện xì xèo về giải thưởng này, danh hiệu nọ luôn là đề tài âm ỉ nhiều năm qua. Văn nghệ sĩ, những con người được coi là tâm hồn lãng mạn, vốn coi thường công danh tiền bạc chả hiểu sao những năm gần đây “đổ đốn”, nhiều người háo danh đến thế.
Năm nào cũng vậy và kỳ nào cũng vậy, mỗi khi có đợt trao giải thưởng hay danh hiệu nào đó là giới nghệ sĩ lại xôn xao bì tị, so sánh, kèn cựa… Và đợt phong nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú lần này cũng không ngoại lệ. Nhiều cuộc “khẩu chiến” trên báo chí, trên các mạng xã hội và cả nơi vỉa hè khiến “chiến trường nghệ sĩ” vô cùng sôi động.
Thật ra, việc đoạt được các giải thưởng lớn trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật như Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh và các danh hiệu NSƯT, NSND luôn là khát vọng của tất cả văn nghệ sĩ nước nhà.
Ai chẳng muốn những công lao, những đóng góp, những thành tựu của mình ngoài việc được công chúng công nhận còn được Đảng và Nhà nước ghi nhận như một dạng “bảng vàng, bia đá”.
Đây là lẽ thường ở đời và chưa kể, kèm theo mỗi giải thưởng hoặc danh hiệu là “bổng lộc” vô hữu hình và vô hình. Là lên lương, lên chức, ở một số tỉnh còn gắn với phân nhà... Là cơ hội làm giàu, cơ hội thăng tiến và cả những điều khó định danh khác.
Đó là chưa kể món tiền thưởng không hề nhỏ, có thể lên đến hàng trăm triệu đồng (Giải thưởng Hồ Chí Minh hiện nay trị giá 200 triệu đồng/giải).
Thế nhưng tiếc thay, “thần nào” lại không “được hưởng của nấy”, “y phục” không xứng với “kỳ đức”, thời gian qua, các giải thưởng, danh hiệu (không chỉ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật) chất lượng khá mờ nhạt.
Thậm chí với các danh hiệu NSND, NSƯT, có ý kiến thẳng thắn cho rằng ngày càng ít nhận được sự đồng thuận cho nên cảm giác đứng trước các nghệ sĩ được phong tặng bây giờ không còn nhiều niềm kính trọng.
Ông Nguyễn Thành Nhân, nguyên Trưởng phòng quản lý biểu diễn và băng đĩa, Cục nghệ thuật biểu diễn Bộ VH-TTDL đã đặt bài toán so sánh rằng: "Những NSND khi được phong tặng có làm phong phú thêm thêm lĩnh vực mà mình tham gia hay không? Đặc biệt là ở mảng sân khấu. Diễn viên là NSND nhưng không hấp dẫn được khán giả đến xem mình diễn. Đạo diễn là NSND nhưng dựng vở không bán được vé, chỉ để đi hội diễn hoặc liên hoan, miễn phí là nhiều. Đó là điều rất đáng buồn. Nó giống như phong một ông sư mà không có chùa, không có môn đệ theo vậy".
Bằng tiến sĩ nhiều, đề tài khoa học xếp ngăn kéo. Nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú nhiều như “lá rụng mùa thu” nhưng nhà hát, rạp phim vắng ngơ vắng ngắt. Giải thưởng văn chương này nọ ầm ào nhưng sách bán chẳng ai mua, cho chẳng ai lấy, toàn “trâu ta ăn cỏ đồng ta”, thế giới chả ai biết đến…
Vì vậy, không ít ý kiến đề nghị nên chăng không sử dụng các danh hiệu NSND, NSƯT và cả các loại hình giải thưởng bởi các nước có mô hình này như Liên Xô (LB Nga), Trung Quốc đã bỏ.
Cách đây 4 năm (2011), trả lời báo chí, NSND Trung Kiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch) đã từng có ý tưởng này.
Đó là chưa kể những tiêu cực xảy ra trong khâu phong tặng mà nói như Nhà nghiên cứu nghệ thuật Nguyễn Văn Thành trên Dân trí là: “Ở Việt Nam, không chạy chọt mới lạ!”.
Vì vậy có lẽ cũng không ngạc nhiên khi có ý kiến cho rằng nên bỏ các giải thưởng, danh hiệu này, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám
0 Nhận xét