Đó là thông tin được Bộ Công thương đưa ra trong buổi họp báo chiều 1/6.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích: Năm nay Mỹ và Australia đã đồng ý nhập khẩu vải thiều. Đó là những tín hiệu tốt của xuất khẩu trái vải. Tuy nhiên, Mỹ và Australia cũng là những thị trường rất khó tính, có quy định chặt chẽ. Để các sản phẩm nông sản Việt Nam vào được phải mất một quy trình từ 5-8 năm.
Riêng trái vải cũng phải mất đến 4 năm để hoàn thiện quy trình xuất khẩu. Bắc Giang hiện đã áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGap và tiêu chuẩn VietGap.
Việt Nam còn phải tính đến việc đầu tư chi phí cho hoạt động marketing để xây dựng thương hiệu quốc gia cho trái vải. Vì đây chưa phải là loại quả phổ biến trên thế giới.
Tháng 6 này, Bắc Giang sẽ kết hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Bộ Công thương tìm hướng tiêu thụ tại thị trường TP.HCM.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, xuất khẩu vải thiều năm nay chưa thể tạo ra đột biến. Sản lượng cũng chỉ dao động quanh mức, mức 200 nghìn tấn. Việt Nam vẫn trông chờ vào tiêu thụ nội địa và Trung Quốc ở vụ này. Mức tiêu thụ năm ngoái ở nội địa là 60% và Trung Quốc là 40%.
Mặc xuất khẩu trái vải thiều vào thị trường Australia và Mỹ năm nay chỉ là thí điểm nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng. Ở hoạt động xuất khẩu lần này, doanh nghiệp đã trực tiếp vào cuộc, là cầu nối giữa sản xuất và thị trường. Việt Nam cần có phương án tạo điều kiện hỗ trợ để tiếp tục mở rộng thị trường của trái vải.
Thị trường nông sản trong mấy tháng qua nóng lên bởi câu chuyện đầu ra. Trái dưa hấu, thanh long ùn tắc ở cửa khẩu, gặp khó trong tiêu thụ…làm dấy lên những lo ngại cho những trái nông sản khác cũng được mùa mất giá.
Mới đây thông tin về việc xây dựng Khu trung chuyển xuất khẩu tại Lạng Sơn khiến nhiều người trồng nông sản vui hơn vì họ có thể hy vọng về hàng hóa được giao thương tốt hơn. Khu trung chuyển này nằm trong đề án Kinh tế cửa khẩu của Việt Nam và đã thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp.
Do khủng hoảng tài chính nên trước đây doanh nghiệp chưa thực hiện được. Nay Bộ Công thương cho biết, sẽ phối hợp với Lạng Sơn để xây dựng khu trung chuyển đầu mối nông sản tại Trung Quốc, tránh sự suy giảm, hao hụt sản phẩm, giữ đầu mối giao thương thương mại với Trung Quốc. Song đây cũng chỉ là một số giải pháp để đảm bảo chất lượng nông sản xuất khẩu.
Minh Anh
0 Nhận xét