Căn hộ tăng cả chục triệu đồng/m2
Năm 2014, khi đang trong giai đoạn hoàn
thiện, Dự án Thăng Long Number One của Viglacera có mức giá 28 triệu
đồng/m2. Tuy nhiên, hiện căn hộ Thăng Long Number One đang được chào bán
với giá gọi là “siêu rẻ” cũng dao động từ 35 - 38 triệu đồng/m2.
Trong khi Dự án Thăng Long Number One đã
hoàn thiện tăng mạnh giá bán còn có thể giải thích, thì các dự án khác,
dù chỉ vừa xong móng, mà giá tăng cả chục triệu đồng/m2 lại là “hiện
tượng” khó lý giải. Tuy nhiên, những “hiện tượng” này lại đang xảy ra
tại hàng loạt dự án căn hộ trên địa bàn Hà Nội.
Đơn cử, cuối năm 2014, căn hộ Dự án Home
City (Cầu Giấy) của Văn Phú Invest chào bán ra thị trường với mức giá
khoảng 24 triệu đồng/m2. Tại đợt mở bán lần 2 sau đó không lâu, giá bán
căn hộ đã tăng lên khoảng 26 triệu đồng/m2. Lần mở bán kế tiếp, mức giá
khoảng 28 triệu đồng/m2 và hiện nay, căn hộ Home City được chào bán trên
thị trường dao động từ 32 - 34 triệu đồng/m2.
Còn tại Dự án Hongkong Tower tại “hẻm”
243A đường Đê La Thành, cuối năm 2014 được đưa ra thị trường với giá 28
triệu đồng/m2, nhưng tại đợt chào bán cách đây không lâu, giá căn hộ đã
“nhảy” lên từ 35 - 40 triệu đồng/m2.
Tại các dự án khác như Sun Square Lê Đức
Thọ, Goldmark City Hồ Tùng Mậu…, chủ đầu tư cũng tiếp tục tăng giá, dù
mức giá trước đó đã rất cao. Trong khi đó, tại Dự án Kim Văn - Kim Lũ
của Vinaconex 2 và CT4 Vimeco Cầu Giấy của Vimeco lại có mức chênh lên
tới hàng trăm triệu đồng/căn.
“Liên minh” làm giá bất động sản
Tại một Hội thảo về bất động sản cách
đây không lâu, ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản
Việt Nam đã đặt ra nghi vấn về sự bắt tay giữa chủ đầu tư và đơn vị phân
phối trong việc tăng giá bán bất động sản.
Nghi vấn này không phải không có cơ sở,
bởi rất nhiều dự án trên thị trường thời gian gần đây có nguồn hàng rất
lớn, nhưng tình trạng bán nhỏ giọt, khan hàng dẫn đến tình trạng loạn
giá chênh diễn ra ngày một phổ biến.
Ngay cả 2 đơn vị chuyên bán căn hộ theo
giá niêm yết của chủ đầu tư là Đất Xanh Miền Bắc và Hệ thống Siêu thị dự
án, việc tăng giá bán cũng không phải chuyện hiếm.
Theo ông Trần Như Trung, Phó tổng giám
đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, việc tăng giá bất động sản, về lý thuyết,
các chủ đầu là đối tượng muốn tăng nhất. Kế đến là nhóm nhà đầu cơ, tham
gia thị trường để ăn chênh.
Các nhóm đối tượng trên, mỗi đối tượng
đều có thế mạnh riêng trong việc làm giá và thổi giá bất động sản. Chẳng
hạn, chủ đầu tư có quyền quyết định việc tăng giá bán sản phẩm, đơn vị
phân phối là đối tượng điều tiết sản phẩm trên thị trường, đồng thời có
thể tăng giá bán ngoài hợp đồng.
Cũng theo ông Trung, việc thị trường bất
động sản Hà Nội liên tục tăng giá, ngoài tác động của các các đối tượng
trên, còn một nguyên nhân khác, là xu hướng hồi phục của thị trường.
Chính việc thị trường phục hồi khiến nhiều người nhấp nhổm muốn bỏ vốn
vào bất động sản và giá càng tăng, "cơn khát" mua bán càng lớn.
Theo nghiên cứu của Savills Việt Nam mới
đây, thị trường căn hộ Hà Nội có sự tăng giá ngoạn mục. Cụ thể, trong
quý IV/2014, mức tăng ở thị trường sơ cấp từ 0,3%-14% và tiếp tục tăng ở
hầu hết các dự án trong quý I/2015. Trong khi trên thị trường thứ cấp,
mức tăng trung bình là 2%, thậm chí tại nhiều quận, mức tăng lên đến
11%.
Việc bất động sản tăng giá liên tục ở cả
thị trường sơ cấp và thứ cấp cho thấy, cả chủ đầu tư và nhà đầu cơ,
bằng những biện pháp khác nhau vẫn liên tục thổi giá bất động sản. Việc
giá bất động sản tăng nhanh đem lại những lợi nhuận lớn cho nhóm đối
tượng này, nhưng lại khiến nguy cơ “bong bóng” quay trở lại nhanh hơn.
0 Nhận xét