Tại đám tang người mẫu Duy Nhân, người ta lại bắt gặp cảnh đám đông tới đây gây huyên náo vì thấy thần tượng tới viếng.
Mới đây, danh hài Hoài Linh đến đám tang tiễn biệt người mẫu đoản mệnh Duy Nhân nhưng khi vừa bước ra ngoài, anh vẫn bị người hâm mộ vỗ tay, reo hò và lấy điện thoại chụp lại.
Chứng kiến những cảnh tượng đau lòng này, nhiều người lại nhớ đến đám tang của Wanbi Tuấn Anh hay Toàn Shinoda trước đó - khi cái chết của các nghệ sĩ là cái cớ để người ta có thể gặp gỡ nhân vật nổi tiếng.
Đám đông hiếu kỳ và tò mò tới mức khó tin. Họ sẵn sàng chen lấn, tranh giành một vị trí đẹp như thể đang xem một liveshow miễn phí.
Họ náo nhiệt, vẫy tay, thản nhiên gọi tên thần tượng hệt như đang tham dự một cuộc họp dành cho người hâm mộ.
Họ cũng chẳng mảy may quan tâm tới những ánh mắt nhìn khó chịu, những cái lắc đầu ngao ngán hay thậm chí là cả những câu nạt nộ, bực bội từ lực lượng bảo vệ hay người thân của nghệ sĩ mới ra đi.
Khi được hỏi về vấn đề này PGS TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho rằng, đây là biểu hiện vô cảm của một số cá nhân:
'Đám đông ngưỡng mộ, mong muốn mình tận mắt hoặc bắt tận tay người nổi tiếng, đó là nhu cầu hết sức bình thường của con người.
Điều đáng buồn là trong đám tang của một người được coi là nghệ sĩ, mà đám đông xung quanh đã quên đi không khí rất tang thương, quên đi những quy củ xã hội hết sức chừng mực.
Đặc biệt, họ quên đi giá trị nhân văn được tuân thủ trong đám tang ấy mà vô tình họ làm quá bằng những cử chỉ quá khích.
Tôi cho rằng đó là một biểu hiện của sự thiếu kiểm soát và sự lây lan tâm lý đám đông.
Nếu nói một cách mạnh mẽ hơn đó là biểu hiện lệch chuẩn hành vi xã hội và đó chính là biểu hiện vô cảm của một số cá nhân trong cuộc sống'.
Nghệ sĩ Hoài Linh phải vô cùng vất vả để len ra khỏi đám đông xin chữ ký. Ảnh: Trí Thức Trẻ.
Một fan cuồng xin được giấu tên khi được hỏi về việc có cơ hội gặp thần tượng ở một đám tang không giấu được cảm xúc:
Em sẽ lao đến xin chữ ký ngay. Không dễ gì gặp họ. Tuy nhiên, khi được nhắc rằng đây là đám tang, bạn trẻ này tỏ ra lúng túng và xấu hổ:
'Em vô tâm quá, lẽ ra em phải đợi thần tượng của mình viếng xong, khi ra xe sẽ tiếp xúc để xin chữ ký, chụp hình'.
Cũng là một fan lâu năm của danh hài Hoài Linh, bạn Bùi Thu Hoài (Quảng Ninh) cho rằng, nếu trong hoàn cảnh gặp thần tượng tại một đám tang, người hâm mộ nên tiết chế lại cảm xúc của mình hơn:
'Là một người hâm mộ chú Hoài Linh, cá nhân mình khó chấp nhận được hành vi xấu xí, lạnh lùng của những người hâm mộ vừa rồi.
Họ đã thần tượng một cách quá mức và không biết tiết chế cảm xúc của mình cho phù hợp hoàn cảnh ở một đám tang.
Dù có hâm mộ thần tượng của mình như thế nào phải có những cách thông minh hơn, vừa để tôn trọng người đã khuất, vừa tôn trọng chính nghệ sĩ mà mình yêu mến'.
Là người động viên gia đình Duy Nhân nhiều ngày, người mẫu Trương Nam Thành chia sẻ:
'Vấn đề này theo tôi do thị hiếu của dân mình càng thấy đông và có người họ yêu thích thì họ tới thôi.
Tuy nhiên, từ sở thích của mình, họ lại có hành động sai khi thể hiện cảm xúc không đúng hoàn cảnh nên bị lố và phản cảm.
Họ không hiểu đây là một đám tang chứ không phải một sân khấu hài hay ca nhạc.
Tuy nhiên cũng rất khó để cấm vì có thể đây là lần đầu tiên trong đời, họ mới được gặp anh Hoài Linh, Đông Nhi, Phương Thanh.
Cảm xúc lần đầu tiên dễ khiến họ không kìm nén được hành động la hét và vỗ tay', Trương Nam Thành nhìn nhận.
Cũng là người đến viếng Duy Nhân, ca sĩ Phương Thanh tỏ ra độ lượng:
'Nhìn từ bên ngoài vào hành vi đó là không được nhưng có thể bỏ qua.
Bởi đám tang của nghệ sĩ cũng có phần khác người thường, khi chết họ cũng được quan tâm. Hơn nữa hành vi này cũng diễn ra trong thời gian ngắn'.
Tại lễ tang của Wanbi Tuấn Anh, fan hâm mộ cũng chạy theo xin chữ kỹ các nghệ sĩ nổi tiếng. Ảnh: Dân Việt.
Còn TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho rằng:
'Ủng hộ và tung hô những người nổi tiếng là điều hết sức bình thường trong cuộc sống.
Tuy nhiên, gia đình và thầy cô cần dạy kỹ năng cho các em để biết ứng xử đúng trong những điều kiện như thế này.
Hơn nữa, mỗi bạn trẻ phải biết tự trọng, biết tự kiểm soát được hành vi của mình cũng như tuân thủ những quy tắc ứng xử trong xã hội'.
Đặc biệt là, theo một số nhà nghiên cứu xã hội, người hâm mộsẽ trật tự hơn, biết tôn trọng tang quyến với người đã khuất nếu như chính các thần tượng định hướng cho người hâm mộ cách ứng xử.
Vào lúc đau buồn, trang nghiêm ấy, nếu các nghệ sĩ ra dấu hiệu trật tự, im lặng, hướng dẫn người hâm mộ chờ ngoài xa, khi viếng đám tang xong sẽ tách ra một địa điểm khác để chiều lòng người hâm mộ chắc chắn các fan sẽ không vỗ tay, gào thét, huyên náo đến lạc lõng, vô tâm như vậy.
Thậm chí, các thần tượng sẽ tiếp tục ghi điểm nếu mời người hâm mộ cùng vào thắp hương viếng người đã khuất.
Rất tiếc, ở ta hiếm có nghệ sĩ, người nổi tiếng nào làm được việc này.
Vì vậy, khi người hâm mộ vỗ tay, huyên náo, nháo nhào xin chữ ký ở đám tang, không thể không có trách nhiệm của nghệ sĩ, người nổi tiếng.
0 Nhận xét