Đây là một trong những vấn đề được đem ra thảo luận tại phiên họp lần thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) ngày làm việc thứ 2, 12/5 tại Hà Nội.
Chuyển giới: Cần những điều kiện cụ thể
Tuy nhiên, theo bà Mai, việc xác định lại giới tính vì đó là quyền của con người; còn vấn đề chuyển giới thì cần nghiên cứu kỹ xem văn hóa, tâm lý xã hội chúng ta chấp nhận được điều này chưa?
“Quyền được xác định lại giới tính và quyền chuyển đổi giới tính là hai vấn đề khác nhau, vì vậy cần được quy định thành hai điều luật riêng biệt trong Bộ luật dân sự”, bà Mai bày tỏ.
Bởi theo phân tích của bà Mai, trong trường hợp thứ nhất, là con người nhưng chưa rõ là nam hay nữ thì tôi có quyền đi xác định lại giới tính. Trường hợp thứ hai: tôi là đàn ông nhưng trong đầu tôi cứ nghĩ mình là nữ hoặc tôi là nữ nhưng trong đầu nghĩ là đàn ông nên muốn đi chuyển đổi giới tính; hoặc còn trường hợp nữa là do ý thích (tức tôi là nam nhưng thích trở thành nữ để dễ chọn nghề, chọn ngành…).
Trong khi đó, ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển lại cho rằng: Đồng ý cho phép chuyển giới nhưng cần quy định điều kiện cụ thể. Ví dụ một người có đầy đủ bộ phận của một giới tính thì dứt khoát không cho phép, chỉ những người mà khó phân biệt, nhận biết được giới tính nào hoặc khiếm khuyết về giới tính thì cho phép họ chuyển giới.
Nhắc lại câu chuyện khi Quốc hội thảo luận và quyết định sửa đổi Luật hôn nhân và gia đình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề cập đến kết hôn đồng tính là không thừa nhận nhưng không cấm.
“Đây là quyền con người, Nhà nước không cấm. Nhà nước mặc dù không thừa nhận nhưng vẫn phải xử lý những hậu quả nó xảy ra, không thể nói là không công nhận nên không giải quyết” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Một cái tên “thuần Việt” có bao nhiêu chữ cái?
Một vấn đề khá “nóng” trong thảo luận tại Ủy ban TVQH chiều nay là về quyền đối với họ, tên và chữ đệm một số ý kiến tán thành với đề nghị bổ sung nội dung “Tên và chữ đệm của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam, không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái.”
Ông Phùng Quốc Hiển đồng ý với nội dung này và cho rằng: Vừa qua do nhận thức, nhiều người đã đặt tên cho con rất dài, ảnh hưởng lớn đến quá trình làm hồ sơ, giao dịch.
Tuy nhiên ông Hiển tỏ ra không đồng tình đối với quy định người nước ngoài nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên Việt Nam. “Tôi muốn hỏi tên Việt Nam là tên thế nào? Ví dụ cầu thủ nhập quốc tịch Việt Nam lấy tên là Đinh Hoàng Maxx thì Maxx có phải là tên Việt Nam không? Tôi đề nghị không nên có quy định này” - ông Hiển bày tỏ,
Bổ sung ý kiến của ông Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng đề nghị quy định rõ thế nào là tên Việt Nam. “Ví dụ có người gốc Việt về nước gọi là Thanh Bùi, nhưng truyền thống của chúng ta đâu có gọi như vậy, chúng ta đọc họ rồi mới đến tên đệm và tên” - ông Giàu nêu ví dụ.
“Tôi cho rằng dự thảo quy định quá cụ thể trong trường hợp tên người không được vượt quá 25 chữ cái. Như vậy sẽ không phù hợp với Hiến pháp, bởi cái tên dài không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, trật tự xã hội…
Chúng ta chỉ khuyến khích người dân chứ còn đặt tên thế nào là quyền của họ” - bà Trương Thị Mai dẫn quy định của Hiến pháp và cho rằng đặt tên thế nào là quyền của người dân.
Giải thích về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: “Cái tên của con người nhưng liên quan đến giấy tờ của Nhà nước thì phải ghi trong chứng minh nhân dân (sau này là căn cước), giấp phép lái xe và sổ sách khác, nếu tên dài quá phải viết tắt thì có thể gây rắc rối cho chính người ấy.
Chúng ta tôn trọng quyền tự do nhân thân nhưng phải định hướng để không gây ra những phức tạp trong quản lý xã hội quản lý”.
Cần thiết ban hành Luật Trưng cầu ý dân |
---|
Trong chiều 12/5, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Trưng cầu ý dân. Trong tờ trình dự án Luật Trưng cầu ý dân do Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền trình bày nêu rõ: Việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân gồm 9 chương, 56 Điều. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng khẳng định: Việc ban hành Luật trưng cầu ý dân là cần thiết nhằm kịp thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.
|
0 Nhận xét