Máy bay quân sự Phlippines bị Trung Quốc cảnh báo, yêu cầu rời khỏi khu vực tranh chấp ở Trường Sa |
Bộ Tư lệnh miền Tây là đơn vị quân sự được chính phủ Philippines giao “bảo vệ, thực thi chủ quyền” mà nước này yêu sách ở khu vực Biển Đông, bao gồm một phần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng đang là tâm điểm tranh chấp của một số nước khác, gồm Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines và vùng lãnh thổ Đài Loan).
Theo ông Lopez, “khi các máy bay của không quân và hải quân Philippines đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra thường xuyên và bay trong không phận quốc tế thì nhận được cảnh báo từ phía Trung Quốc qua radio. Người Trung Quốc đã nói máy bay của chúng tôi đang ở trong khu vực an ninh quân sự của họ”.
Tuy nhiên, chỉ huy Bộ tư lệnh miền Tây Philippines cũng nói thêm rằng, các máy bay của nước này đã bỏ qua những cảnh báo trên và tiếp tục thực thi nhiệm vụ của mình.
Mặc dù ông Lopez không đưa khung thời gian cụ thể của những lần bị Trung Quốc “dọa dẫm” đó, nhưng một quan chức cao cấp trong lực lượng không quân Philippines đã tiết lộ rằng, những cảnh báo từ phía Trung Quốc đã xuất hiện trong 3 tháng qua.
Theo vị quan chức giấu tên này, Trung Quốc có thể đã đang “thử nghiệm” xem liệu họ có thể thực thi việc áp đặt một khu vực cấm bay ở Trường Sa hay không.
Những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy việc xây dựng, cải tạo, bồi đắp đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở khoảng 7 rạn hô mà nước này đã dùng thủ đoạn, vũ lực để chiếm đóng phi pháp ở khu vực quần đảo Trường Sa đã đạt được tiến bộ chóng vánh. Trong đó, người ta dễ dàng nhận ra được Bắc Kinh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng trái phép một đường băng cho các mục đích quân sự ở một trong những hòn đảo nhân tạo.
Điều đó đã đánh động một số nước ở khu vực Đông Nam Á và khiến Bắc Kinh bị cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, Nhật chỉ trích kịch liệt.
Trung Quốc vẫn triển khai trái phép các tàu tuần duyên và hải quân ở khu vực quần đảo Trường Sa, nhưng hiếm khi sử dụng máy bay bởi vì khoảng cách từ Trung Quốc đại lục đến đó là rất xa. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự đã cảnh báo, với việc nâng cấp, xây dựng trái phép các đường băng quân sự ở đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực từ 1974), đá Gạc Ma, đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc đánh chiếm trái phép từ năm 1988), Bắc Kinh sẽ tạo được thế chân kiềng hoàn toàn kiểm soát được Biển Đông và sẽ thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại đây.
Tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear tháng trước cũng cảnh báo rằng, Trung Quốc Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu áp đặt đơn phương ADIZ, tăng ảnh hưởng kiểm soát ở các khu vực tranh chấp, đồng thời triển khai các khí tài quân sự như radar tầm xa và hệ thống tên lửa tối tân thông qua các nỗ lực bồi đắp, xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.
Đặc biệt, việc xây dựng đường băng quân sự mới ở bãi Đá Chữ Thập được cho là sẽ giúp mở rộng khả năng hoạt động của Trung Quốc trong vùng Biển Đông, tăng cường khả năng giám sát và thậm chí là khống chế của Bắc Kinh với toàn bộ khu vực. Điều này sẽ dẫn tới những thay đổi bước ngoặt trong cục diện tranh chấp ở Biển Đông, đe dọa ổn định và an ninh khu vực.
0 Nhận xét