Trong nhiều thập kỷ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đi theo chiến lược của Đặng Tiểu Bình "giấu năng lực và chờ đợi thời cơ”. Tuy nhiên, kể từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, Trung Quốc đã áp dụng một chiến lược quyết đoán hơn, nhấn mạnh "giấc mơ một quốc gia hùng mạnh” và cần phải "tích cực phấn đấu hoàn thành mục tiêu". Không ở đâu học thuyết mới này trở nên rõ ràng và nguy hiểm hơn tại các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông.
Kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến Trung Quốc, Bắc Kinh đã bảo kê cho toàn bộ biển Nam Trung Quốc, tất cả các con đường xuống bờ biển của Việt Nam, Philippines đến bờ biển Borneo dài 1.700 dặm. Năm 2009, Trung Quốc gửi lên Liên Hiệp Quốc tấm bản đồ “đường 9 đoạn”, tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.
Khu vực Biển Đông trải dài từ bờ biển phía Nam Trung Quốc đến bờ biển phía đông bắc Malaysia là tuyến đường thương mại quan trọng với trị giá lên đến gần 5000 tỷ USD mỗi năm. Rõ rằng đây là một khu vực có tầm quan trọng và vị trí chiến lược đối với các quốc gia trong khu vực. Đây là lý do tại sao những hành động ngày càng khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông rất đáng báo động đối với các nước láng giềng và Mỹ.
Mỹ kêu gọi tất cả các bên liên quan không nên có những hành động làm trầm trọng thêm căng thẳng, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng tàu hải quân, tàu cảnh sát biển, các thiết bị phi quân sự khác để quấy nhiễu tàu của các quốc gia khác, thậm chí còn đặt giàn khoan và xây dựng các đảo nhân tạo gọi là “lâu đài cát” trên vùng biển tranh chấp (Great Wall of Sand).
Đội tàu “vỏ trắng” bán quân sự của Trung Quốc hiện đang gia tăng về số lượng, cũng như chất lượng, lớn hơn các đội tàu cảnh sát biển của Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Philippines. Dường như Bắc Kinh đang theo đuổi chiến lược thận trọng và xây dựng nguồn lực tốt nhằm đạt quyền kiểm soát, sau đó là chủ quyền tại Biển Đông.
“Mỹ nên kiên định trong việc hỗ trợ tự do hàng hải, giải quyết các tranh chấp đa phương bằng cách duy trì sự hiện diện hải quân liên tục trong khu vực thông qua việc điều tàu và máy bay tuần tra đến vùng biển quốc tế mà Bắc Kinh tuyên bố thuộc chủ quyền Trung Quốc”, Nghị sĩ J. Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban Lực lượng và Sức mạnh trên biển thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, trả lời tạp chí The National Interest.
Để thực hiện việc này, Mỹ cần điều chỉnh, triển khai lực lượng hải quân theo mô hình toàn cầu và phân bổ các nguồn lực bổ sung cho lực lượng hải quân. Ông J. Randy Forbes nói thêm rằng đây cũng là thông điệp thông báo Mỹ đã nhận ra những hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ nên khuyến khích và hỗ trợ các quốc gia khác trong khu vực đang phản đối các hành động của Trung Quốc.
Theo ông J. Randy Forbes, Mỹ phải tìm một giải pháp đa phương để giải quyết vấn đề, như khuyến khích ASEAN phát triển một mặt trận thống nhất, ngay cả khi chỉ nhấn mạnh rằng vấn đề tranh chấp lãnh thổ cần được giải quyết tại một tòa án quốc tế, cũng sẽ là một hành động chứng tỏ Trung Quốc có hành vi ngang ngược tại Biển Đông.
Nói rộng hơn, Mỹ phải chứng minh với bạn bè và đồng minh rằng sẽ duy trì cân bằng quyền lực để không cho phép Trung Quốc thống trị hoặc đơn phương đạt được mục tiêu trên vùng biển tranh chấp này.
Trang Nguyễn
0 Nhận xét