Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII đến nay, một số đại biểu có kiến nghị về việc xây dựng luật phải đủ sức thuyết phục về sự cần thiết và cần quan tâm đến các khía cạnh khó khăn về điều kiện thi hành luật.
Về một số vấn đề cụ thể trong xây dựng văn bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, “tuổi thọ” của nhiều văn bản pháp luật ở nước ta hóa ra đều rất ngắn. Tuy đã qua rồi thời kỳ Quốc hội mất quá nhiều thời gian cho câu chữ các điều luật nhưng nội dung sửa đổi, cho ý kiến về luật rất “nặng”, ngốn nhiều thời gian nghị sự... Bộ luật sửa ít nhất cũng phải dăm ba điều, quan trọng hơn thì sửa đổi căn bản hầu như toàn bộ các chương. Lại có luật sửa đi sửa lại mãi chưa ngã ngũ như Luật Hình sự, Luật Dân sự.
Chính phủ đã quyết định kiến nghị Quốc hội sửa đổi Điều 60 của Luật BHXH
Mới đây nhất là Luật Bảo hiểm xã hội. Trước khi biểu quyết, đã có đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm nhưng rồi vẫn thông qua theo đúng kế hoạch dù tỷ lệ phiếu thuận không cao lắm. Các chuyên gia cho rằng, ý tưởng của những người làm luật là hướng tới quyền lợi của người mua bảo hiểm trong tương lai ở Điều 60. Tuy nhiên, trong thực tế, người lao động lại chỉ quan tâm đến quyền lợi tức thời của họ khi hết hạn hợp đồng hoặc khi thôi việc. Họ muốn lĩnh ngay khoản tiền đã mua bảo hiểm theo trợ cấp một lần chứ không chờ đến khi đủ tuổi hưu. Thế là dù luật chưa có hiệu lực, theo kiến nghị của UBND TP HCM và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chính phủ đã chính thức thừa nhận Điều 60 có bất cập, đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi trong kỳ họp tới đây.
Số lượng văn bản được đưa ra sửa đổi, bổ sung, thay thế nhiều hơn số lượng văn bản ban hành mới, dù các quan hệ xã hội mà pháp luật điều chỉnh đâu có nhiều thay đổi. Mặc dù luật gốc rất thoáng, nhưng hàng loạt văn bản ban hành hướng dẫn thực hiện lại “đóng” quá chặt, tiếp tục làm khó cho người dân và doanh nghiệp. Chẳng hạn các quy định của Luật Đấu thầu đang khiến cho doanh nghiêp Nhà nước thua doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp trong nước thua doanh nghiệp nước ngoài trên sân nhà. Việc sửa đổi các văn bản “con”, văn bản “cháu” rất chậm nên người dân phải chịu tác động nhiều hơn, lâu hơn.
Về nguyên nhân của thực trạng này, theo các chuyên gia chỉ ra thì chủ yếu là do trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng, thẩm định văn bản pháp quy chưa đáp ứng yêu cầu.
Nhiều văn bản liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội được chuẩn bị vội vã, thông qua kịp tiến độ mà không được tổng kết, đánh giá từ thực tiễn, thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi ban hành. Giới luật gia dẫn chứng, Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ 1-7-2015 tới đây nhưng đến bây giờ các bộ: Giáo dục & Đào tạo, Lao động - Thương binh & Xã hội vẫn còn chưa rõ thẩm quyền của mình trong quản lý các trường cao đẳng, trung cấp nghề như thế nào.
Các chuyên gia còn phát hiện tình trạng chạy theo thành tích, cố làm cho xong việc hoặc vì cục bộ ngành, địa phương đã dẫn đến việc chú trọng chuẩn bị và ban hành các văn bản có lợi cho ngành, lĩnh vực và địa phương, đẩy cái khó, phức tạp cho ngành, cơ quan khác hoặc cho công dân, tổ chức.
Về dự luật Ban hành văn bản pháp quy, đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) nêu chất vấn, tại sao luật này - một công cụ để làm các luật khác mà 5 kỳ họp Quốc hội từ khóa IX đến khóa XIII đã 4 lần phải sửa. Vấn đề này, ông Lịch đã nêu ra từ khóa XII, đến nay các tồn tại, vướng mắc vẫn hiện hữu. Rõ ràng là hướng tiếp cận khi xây dựng luật này đã không chuẩn, điều đó dẫn đến “lỗi hệ thống” trong việc làm luật, quy phạm pháp luật nói chung.
Đại biểu Lịch chỉ rõ, thẩm quyền ban hành văn bản pháp quy thuộc cơ quan nào dưới Quốc hội phải được quy định chi tiết trong chính Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo một số chuyên gia pháp luật, nhiều trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo biết rất rõ việc quy định như vậy là chưa đầy đủ, thiếu hợp lý và bất khả thi nhưng vẫn cứ tham mưu ban hành với mục đích để lần sau có cái mà sửa. Bởi lẽ, khi sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản thì cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp soạn thảo đều được bổ sung kinh phí cũng như các lợi ích nho nhỏ khác, chẳng hạn tham quan học hỏi kinh nghiệm ở địa phương hoặc ở nước ngoài...
Phải chăng đây là nguyên nhân dẫn đến việc văn bản ban hành nhiều nhưng chồng chéo, trùng lặp, bất khả thi. Đã có không ít văn bản “chết từ vòng gửi xe”, không kịp phổ biến đến cơ sở hoặc có phổ biến nhưng rồi cũng bị xếp lại vĩnh viễn như xử phạt hút thuốc nơi công cộng, xử phạt khi gọi điện thoại di động gần cây xăng. Cây đời xanh tươi, lý thuyết xám xịt là vì vậy!
Minh Nghĩa
0 Nhận xét