Nằm cách cầu Long Biên chưa đầy 1km, chúng tôi men theo con đường mòn phía dưới chân cầu đi sâu vào khu bãi giữa sông Hồng. Cảnh tượng heo hút, cây cối rậm rạp sẽ khiến cho ai lần đầu tiên bước chân vào đây cũng phải sởn da gà.
Kỳ 2: Rách nát xóm vạn chài “3 không” bãi giữa sông Hồng
Càng đi sâu vào trong, lối mòn càng nhỏ dần, thiên nhiên bao quanh có sông nước, cỏ cây tuy vắng vẻ nhưng lại vô cùng thanh tịnh và dân dã. Sẽ chẳng ai ngờ, đằng sau lớp dân cư phố thị tấp nập lại có một khu dân vạn chài “3 không – không điện, không nhà, không nước sạch” tồn tại suốt mấy chục năm.
Nghèo truyền kiếp!
Cả xóm chài có 28 hộ dân, phân ra làm 3, 4 khu khác nhau. Nhưng ở khu vực bãi bồi là đông nhất với gần 20 hộ. Tất cả họ đều sống lay lắt trên những chiếc thuyền tự chế với mành tre bao quanh làm tường, mái được bọc bởi những tấm bạt xanh, đỏ hay những tấm băng rôn quảng cáo người ta vứt bỏ được chắp vá chằng chịt. Chỉ có 1 - 2 “nhà thuyền” giàu có hơn thì làm mái tôn nhưng cũng lởm chởm đủ các loại bạt màu sắc rất hỗn tạp. Bên dưới là những chiếc thùng phuy được gắn chặt chẽ để mỗi mùa lũ đến chiếc thuyền sẽ không bị sóng to quật chìm.
Bà Mai Thị Sinh (62 tuổi, quê gốc Thanh Hóa) dạt lên đây cùng chồng và con gái đã 10 năm. Cách đây hơn 2 năm, chồng bà lâm bệnh nặng rồi qua đời. Bà cùng con gái cứ lục đục làm lụng bám víu nuôi nhau qua ngày. Bà chia sẻ: “Mấy năm nay không bị lụt, chúng tôi cứ ở đây làm ăn sống qua ngày đoạn tháng. Như những năm trước, mưa nhiều chẳng làm ăn được gì vì cứ đi làm lại lo nước cuốn trôi mất nhà”.
Đa phần những người dân ở xóm chài này đều hành nghề nhặt rác, lượm ve chai, bốc vác, một vài phụ nữ trẻ như con gái bà Sinh thì đầu tư ít đồ nghề mở sạp nước nhỏ bán ở cầu Long Biên. Bà Sinh tâm sự thêm: “Đi làm cả ngày chỉ được 50 - 60.000 đồng, cũng gọi là đủ ăn nhưng chật vật lắm, người già chúng tôi hay đau ốm, lúc đấy thì có gì ăn nấy, ai cho gì thì nhận”.
Cũng chẳng ai nhớ xóm chài này có tự bao giờ, nhưng suốt nhiều năm tháng, xóm vạn chài giữa sông Hồng vẫn tiêu điều, xơ xác và thiếu thốn như vậy. Họ ở nhiều nơi đến đây, bén duyên và cứ thế về sống chung một nhà không cưới, không hôn thú rồi phát triển xóm chài ra đông hơn về quân số. Nghèo khó cứ đeo bám họ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Thậm chí nhiều lớp trẻ con ở đây cũng không có điều kiện học hành.
Xóm “ba không” giữa Thủ đô
Khó mà tưởng tượng được giữa chốn phố thị sầm uất lại có một nơi dân cư “không điện, không nước sạch, không nhà” sinh sống. Những người dân nơi này đều là dân tỉnh lẻ từ Hưng Yên, Bắc Giang đến Thanh Hóa… Họ làm đủ mọi ngành nghề thậm chí có những người còn từng vào tù ra tội, song tất cả họ đều cùng hoàn cảnh cơ cực và nghèo khó. Họ quy tụ về bãi giữa sông Hồng, dựng những chiếc thuyền cũ nát thành nơi trú mưa nắng và hình thành nên xóm chài. Ở đây, không một ai có hộ khẩu và có một căn nhà đàng hoàng theo đúng nghĩa, các cặp vợ chồng đến với nhau không hôn thú và những đứa trẻ sinh ra cũng không có giấy khai sinh. Bởi thế, việc học hành của chúng cũng gặp muôn vàn khó khăn.
Bà Thủy (76 tuổi) là một trong những cư dân lâu đời nhất xóm chài tâm sự: “Chúng có được đi học chứ, nhưng người ta cũng chỉ tạo điều kiện cho vài năm vì không có giấy tờ, sau chúng lớn hơn một chút thì bố mẹ cũng cho chúng nghỉ vì không nuôi được. Đứa lớn lại dạy đứa bé mà dù sao số chúng nó sau này cũng chẳng thoát được kiếp nghèo nên học hành nhiều làm gì hả cháu”. Nói đoạn, bà lại nheo đôi mắt đượm màu thời gian nhìn đám trẻ con chơi trên bãi.
Không có nhà đã đành, những người dân nơi đây còn phải chịu kiếp “không điện” suốt mấy chục năm. Nếu bên phố là đèn điện đủ sắc màu được giăng sáng khắp các nẻo đường thì đối với những người dân xóm chài này, điện là một thứ gì đó rất xa sỉ. Ngày trước, nước lũ dâng cao, người dân xóm vạn chài dạt gần bờ hơn, nhờ thế mà họ có thể mắc được điện từ nhà dân.
Những năm gần đây, nước sông Hồng cạn, xóm vạn chài nằm sâu trong bãi giữa cách khu dân cư đến gần 2km, điện không mắc được nữa. Họ chỉ còn cách đi vào phố, nạp năng lượng cho các bình ắc quy với giá 15 -20.000 đồng 1 bình về để chạy điện sinh hoạt. Nhưng họ cũng chỉ dám dùng cho nấu cơm và cho số ít trẻ con học bài, còn lại là đều dùng đèn dầu hoặc không dùng gì cả.
Cả xóm đâu chỉ có 2 – 3 chiếc ti vi cũ, trẻ con trong xóm dù thích xem vô cùng cũng chỉ dám mở trộm khi bố mẹ chúng đi làm quần quật cả ngày. Nhưng cũng chỉ xem 1, 2 chương trình chúng thích rồi cũng tắt đi. Dù chỉ là những đứa trẻ lên năm, lên bảy nhưng vì môi trường sống quá khó khăn, bản thân chúng cũng tự nhận thức được việc gì nên và không nên. Điều đặc biệt, những đứa trẻ nơi đây có cách ứng xử giống như một cái máy được lập trình sẵn. Thấy người lạ hỏi gì chúng cũng nói “em không biết gì hết”.
Vấn đề nước sạch ở đây cũng là điều rất đáng lo ngại. Những năm trước người dân nơi đây đều tận dụng triệt để nước sông Hồng để sinh hoạt, một vài năm trở lại đây, họ cũng được hỗ trợ 2 - 3 chiếc giếng khoan cung cấp nước cho cả xóm. Nhìn dòng nước trong vắt mát lạnh nhưng lại không thể dùng để ăn, uống bất giác trong lòng chúng tôi cảm thấy vô cùng xót xa. Bà Sinh tâm sự: “Nhìn bề ngoài thì trong như thế nhưng chỉ cần đổ chè vào là nước chuyển màu đen ngay”. Khi được hỏi, người dân ở đây lấy nước sạch ở đâu ăn, uống, nấu nướng. Bà Sinh chậm rãi trả lời: “Chúng tôi ra sông xin cát người ta về cho vào cái vại to để lọc, mấy chục hộ chung 1, 2 vại, một giọt rỉ ra cũng tiếc nên dân chúng tôi ở đây thèm nước lắm”.
Khổ nhưng vẫn thích ở
Mặc dù cuộc sống muôn vàn nghèo khó, nhưng khi chúng tôi hỏi sao không về quê hoặc lên bờ để có cuộc sống khá hơn thì bà Sinh thở dài: “Muốn về lắm chứ cô, nhưng lên đây hàng chục năm trời đến tiền để thuê nhà còn không có thì cũng chẳng dám về quê. Ở đây, thiếu thốn nhưng cũng chưa đến mức chết đói, về quê, nhà không có, ruộng nương cũng không, chỉ có nước ăn nhờ họ hàng, nhục nhã lắm. Thôi thì cứ bám víu ở đây, ông trời cho khỏe ngày nào thì biết ngày đó cô ạ”.
Có lẽ, tâm tư của bà Sinh cũng là nỗi lòng của hàng chục hộ dân xóm vạn chài mà chúng tôi đã gặp. Với những người dân mỗi đêm phải đi bộ cả chục cây số để nhặt rác, nai lưng để bốc vái kiếm tiền đong gạo thì số tiền thuê nhà mỗi tháng là cả một vấn đề lớn. Song cũng có những con người coi nơi đây là mảnh đất thứ 2 và vĩnh viễn của cuộc đời mình như cụ Thành (75 tuổi, quê gốc Bắc Ninh). Cụ cũng dạt lên xóm chài này đã hơn 10 năm và chỉ sống một mình.
Hàng ngày cụ vẫn đi bộ 5 -7 cây số để kiếm rác, hôm nào khá thì được ba bốn chục, có hôm chả lượm được gì. Những ngày mưa gió, ốm đau thì chỉ nằm bơ vơ ở trong thuyền, cụ tâm sự: “Ơn giời, tôi cũng được cái ít đau ốm, không khỏe như nhiều người khác nhưng cũng tự lo được cho mình”. Cụ cũng kể thêm, ở quê nhà cụ cũng có một cô con gái 27 tuổi, nhưng cụ không thích về, cụ bảo: “Tôi thích sống ở đây hơn, tự do, tự tại và cũng nhiều bạn già đồng cảnh ngộ như mình. Cứ xa xóm nổi này 1, 2 hôm tôi lại thấy khó chịu”.
Chiều muộn, khu dân cư vạn chài vẫn thưa thớt ánh đèn và sự ấm cúng của gia đình bởi những người dân nơi này còn đang phải mưu sinh trên phố thị cách đó chưa đầy 2km để trang trải cuộc sống. Nghèo khó, thiếu thốn, đói rách là thế, nhưng trong thâm tâm họ vẫn có những mong ước thật giản dị và chất chứa nhiều nỗi niềm: “Thì cũng chỉ mong có được một ngôi nhà như người ta, lũ trẻ được học hành tới nơi tới chốn, nhưng không được thì đành chịu, cái số nó vậy rồi” – bà Sinh buồn bã nói.
Hương Nguyễn
0 Nhận xét