Ba phóng viên kỳ cựu lắng nghe nhiều câu chuyện để hiểu hơn về con người cũng như chiến tranh của Việt Nam.
Chiến tranh đã lùi xa, những phóng viên chiến trường kỳ cựu năm xưa như Peter Arnett, Edie Lederer và George Lewis vẫn không thể quên những năm tháng hiểm nguy ở Sài Gòn để cung cấp bức tranh chân thực về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Những con người nhiệt huyết ấy vẫn muốn tìm hiểu rõ nét hơn về bản chất của cuộc chiến, để nhận thức rằng dù sau bao năm đi nữa, người Mỹ dường như vẫn chưa rút ra được bài học từ quá khứ.
Cảm kích
Ba cựu phóng viên chiến trường Mỹ tới thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữa ngày hè oi ả đầu tháng 5 ở Hà Nội.
Đây là chương trình của các phóng viên ở Hà Nội và chuyến thăm đến gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam tổ chức.
Lần đầu tiên phóng viên nổi tiếng Peter Arnett được diện kiến Tướng Giáp là năm 1995, ông đã trò chuyện, bắt tay Tướng Giáp.
Còn lần này, ông đến đây chỉ với lẵng hoa và nén nhang thơm tưởng nhớ một vị tướng tài ba đã khuất.
Đứng trước bàn thờ Đại tướng, cựu phóng viên chiến trường người Mỹ nói với anh Nam - con trai út của Tướng Giáp: 'Tôi đã có cơ hội gặp cha anh và điều đó thật tuyệt vời.
Cha anh rất hào hiệp với các phóng viên Mỹ, ông rất tôn trọng chúng tôi. Ông thực sự là một trong những vị tướng vĩ đại của thế kỷ 20. Ông không chỉ được các nhà báo mà cả các nhà sử học cảm kích'.
Ba phóng viên chiến trường của Mỹ chụp ảnh cùng vợ chồng con trai út Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi thắp hương tưởng niệm Đại tướng |
Nhiều người Mỹ, nhất là các tướng lĩnh và cựu chiến binh nói, họ không hiểu gì về Việt Nam khi được đưa tới đây tham chiến, không hiểu sức mạnh văn hóa, truyền thống của người Việt.
Thế nhưng, câu chuyện giữa các cựu phóng viên với con trai út của Đại tướng đã giúp phần nào lý giải điều đó.
Khát vọng độc lập từ ngàn đời nay đã thôi thúc người Việt thành lập một quân đội từ hai bàn tay trắng để giành độc lập, đánh đuổi các thế lực xâm lược giành lại toàn vẹn lãnh thổ.
'Ban đầu, khi cha tôi thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chỉ có 34 người, trong đó có tới 27 người là người dân tộc thiểu số.
Cha tôi cũng sống trong gia đình của những người dân tộc thiểu số như một thành viên của gia đình họ.
Ông học về truyền thống gia đình của người Dao, H'Mông, Nùng, Tày… Và ông cũng học ngôn ngữ của họ', anh Nam nói.
Năm 1942, Tướng Giáp thành lập trường huấn luyện quân đội, chỉ bắt đầu luyện tập với vũ khí thô sơ.
Phải sau một vài trận chiến đầu tiên, khi thu được vũ khí của quân đội Pháp, từ các binh sĩ cấp cao đến cấp thấp mới được huấn luyện sử dụng các vũ khí hiện đại.
Cả Arnett, Lederer và Lewis đều thán phục khi nghe lại những câu chuyện về chỉ huy tài ba của quân đội Việt Nam.
Arnett nhắc đến câu chuyện khi xưa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói với ông về đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh - tuyến vận tải huyết mạch nơi những đoàn quân, những chuyến hàng được chuyển vào Nam chủ yếu bằng sức người.
Lắng nghe anh Nam mô tả, ba phóng viên chiến trường của Mỹ năm xưa đều thốt lên: 'Thật không thể tin nổi'.
'Bài học hạn chế'
Peter Arnett ngồi chăm chú lắng nghe câu chuyện của con trai út Đại tướng. Người phóng viên kỳ cựu của nhiều hãng tin, hãng truyền hình thế giới nay đã 81 tuổi chậm rãi nói:
'Cuối những năm 1965 - 1966, tôi gặp một nhân vật mà sau đó là đại sứ Mỹ ở Sài Gòn trong những năm chiến tranh.
Ông ấy nói với tôi rằng, vấn đề của cuộc chiến này là quân đội Mỹ không hề biết về Hồ Chí Minh, họ không biết bất cứ gì về Việt Nam'.
Là người đã tham gia đưa tin cả những cuộc chiến sau này của Mỹ ở Iraq hay Afghanistan, Arnet nói:
'Sau cuộc chiến tranh ở Việt Nam, người Mỹ không nhắc lại những bài học kinh nghiệm ở Việt Nam. Quân đội Mỹ dường như cố gắng quên đi tất cả.
Ngày nay dù họ có gợi lại những bài học đó nhưng cũng rất hạn chế. Họ muốn quên đi thực tế thất bại của mình'.
Edie Lederer, một trong những nữ phóng viên chiến trường nữ đầu tiên của AP ở Sài Gòn những năm 1971 - 1973, hiện là trưởng văn phòng AP phụ trách tin về Liên Hợp Quốc tại New York, thẳng thắn đặt câu hỏi:
'Theo gia đình ông, những gì sách báo phương Tây viết về cha ông có công bằng không?'.
Anh Nam đáp lời: 'Khi bố tôi viết về một số chiến thắng như chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng năm 1975, ông nói rằng sau 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa, mọi người đều có thể nhìn rõ mọi thứ một cách công bằng.
Mỗi người có quyền của họ và báo chí phương Tây cũng vậy. Tất nhiên có thông tin đúng, có thông tin sai'.
Arnett tiếp lời Lederer muốn biết quan điểm của anh Nam khi cha anh từng bị một số sử gia chỉ trích, bởi mất mát thương vong của quân đội Việt Nam trong cuộc chiến tranh quá lớn.
Người con trai Đại tướng nói: 'Tôi cho rằng trong bất cứ cuộc chiến nào, thương vong mất mát là điều không thể tránh khỏi, đó là cái giá của cuộc chiến tranh.
Nhưng cha tôi luôn cố gắng tìm ra cách để hạn chế thương vong cho các chiến sĩ'.
Hơn 1 giờ đồng hồ thăm nhà Đại tướng, điều cuối cùng mà các nhà báo Mỹ muốn biết là suy nghĩ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về mối quan hệ Việt Nam và Mỹ kể từ sau cuộc chiến tranh ở Việt Nam, sau những sự giúp đỡ, những chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Mỹ hướng tới mở rộng quan hệ 2 nước.
Anh Nam cho biết: 'Khi tư lệnh Thái Bình Dương đến đây, cha tôi nói rằng, trước cuộc gặp này chúng ta đã là bạn nhưng sau đó chúng ta lại là kẻ thù.
Ông hy vọng rằng, sau cuộc gặp này chúng ta lại là bạn bè, người dân Việt Nam và người dân Mỹ sẽ có mối quan hệ tốt đẹp hơn, nhất là thế hệ trẻ.
Cha tôi cũng nói rằng, trên các phương diện như giáo dục, công nghệ, Mỹ là một trong những nước hàng đầu và ông luôn chào đón các thế hệ người Mỹ'.
0 Nhận xét